Nhãn

25 tháng 2, 2012

336. TKT - Thực hư việc FPT ăn cắp bản quyền


Hiiiiiii chuyện đòi bản quyền biển tên phố... thật bùn cười, mún chưởi mấy câu mà chẳng bik diễn tả ra sao, ko nói thì tưng tức, may quá có Tin Khó Tin chưởi hộ... tks!

Trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, người dân Hà Nội biểu lộ nhiều cảm xúc khác nhau khi vô tình khám phá ra các biển tên đường phố hoàn toàn mới kèm theo chú thích nguồn gốc và truyền thống lịch sử của các địa danh, danh nhân, anh hùng dân tộc được đặt tên. Ngoại trừ 1 số ý kiến khó tính về dấu chấm, phẩy đặt sai chỗ, nội dung quá ngắn gọn và súc tích. Còn lại phần đông người dân thủ đô rất phấn khởi và tự hào thêm về truyền thống lịch sử tên con phố mình đang sống và làm việc. Nhưng gần đây đã xảy ra một sự kiện gây rúng động đời sống xã hội thủ đô, đó là việc Tiến sĩ Phạm Ngọc Hùng tố cáo Công ty FPT ăn cắp bản quyền tác phẩm này. Ông Hùng khẳng định FPT đã cóp nguyên bản mẫu mã biển bảng đã được cấp chứng nhận bản quyền do ông là đồng tác giả, chỉ khác dự án của ông là nhóm cán bộ FPT này phải bỏ tiền túi ra làm phi lợi nhuận, còn tiến sĩ Hùng với trách nhiệm cao hơn, đã dành chỗ cho các doanh nghiệp quảng cáo thu tiền. Ông Hùng đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ vi phạm này của FPT.


Tiến sĩ Hùng khẳng định FPT (biển xanh) đã cóp nguyên bản mẫu mã biển bảng đã được cấp chứng nhận bản quyền do ông là đồng tác giả (biển vàng)


Qua nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, khai thác, các đối tượng trong FPT bước đầu khai nhận đã có ý định ăn cắp ý tưởng này từ 20 năm trước của Giáo sư Clau-xơ Un-bê-can (Klaus Unbekannt – Đức), Sir Dôn Ăn-nôn (John Unknown – Anh) và Bá tước Bi-e-rơ đơ Anh-công-nuy (Pierre de Inconnu – Pháp). Mở rộng điều tra, các cán bộ điều tra đã phát hiện thêm nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng nhóm tội phạm người Âu này đã có biểu hiện ăn cắp bản quyền ý tưởng gắn biển giải thích tên đường phố của Tiến sĩ Phạm Ngọc Hùng từ 30 năm trước.


Biển do nhóm tội phạm xuyên quốc gia Giáo sư Clau-xơ Un-bê-can (Klaus Unbekannt – Đức), Sir Dôn Ăn-nôn (John Unknown – Anh) và Bá tước Bi-e-rơ đơ Anh-công-nuy (Pierre de Inconnu – Pháp) ăn cắp bản quyền của tiến sĩ Hùng

Tiết lộ với nhóm phóng viên nội chính báo TKT, một cán bộ điều tra giấu tên nhận định đây là vụ án rất phức tạp. Lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra vụ ăn cắp bản quyền theo phương pháp bắc cầu toán học rất tinh vi như thế này. Nhiều người trong cuộc đang tha thiết mời GS Ngô Bảo Châu cộng tác giải bài toán phức tạp này. Theo thông tin mới nhất vào sáng nay, nhóm tội phạm ăn cắp bản quyền đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng việc dỡ bỏ miễn phí tất cả các biển chú thích tên phố. Được biết một tiến sĩ người Hoa tên là Tập Lập Trình, chuyên gia phần mềm tại San Hô-xê đã ngỏ ý xin mang tất cả các biển này sang gắn tại các đường phố tại quận Chi-na Tao ở Niu Oóc nhằm mục đích cho cộng đồng người Hoa có cái nhìn đa chiều về lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa.

Giáo sư sử học Phan Ghi Chú, người có khả năng tra Gúc-gờ bằng 6 thứ tiếng, đã tổ chức họp báo bằng tiếng mẹ đẻ phát biểu: “Việc gắn biển chú thích tên đường là việc làm nhiều ý nghĩa, cần phải làm từ lâu. Rất nhiều người đã nhầm phố Thái Phiên là tên nhiếp ảnh gia nổi tiếng chuyên chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật. Tuy nhiên cần tôn trọng bản quyền hơn lịch sử. Nếu tiến sĩ Hùng đã độc quyền ghi chú về Quang Trung thì nhóm FPT nên dùng sở trường bắc cầu của mình để chú thích: Tôn Sĩ Nghị (1720-1796), đã bị Quang Trung đánh tan cùng 20 vạn quân Thanh. Tương tự khi chú thích tên phố Hai Bà Trưng thì nêu thân thế và sự nghiệp của Thái thú Tô Định hoặc Mã Viện, sẽ tránh được việc vi phạm bản quyền tác giả”.

Trên sàn giao dịch bất động sản ACB, anh Trần Cò, chuyên gia nhà đất Hà Nội, phát biểu hùng hồn rằng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không giá trị bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cô TYĐÔ, trong lúc nghỉ uống nước tại CLB thể thao khách sạn Đai-u, Kim Mã, Cầu Giấy tâm sự khi đi đường cô thường ngắm những người tham gia giao thông, thậm chí là CSGT, chứ rất ngại đọc các biển chú thích tên đường. Nhưng cô rất thích các phố có tên gợi cảm đầy nam tính như Đội Cấn, Khương Thượng hay Liễu Giai và không thích phố Hàng Bún cũng như Láng Hạ.

Chị Lê Thị Dậm Mai, đến từ Tuyên Quang, là công nhân lành nghề đang công tác tại tổ hợp phục hồi chức năng, khoa nam học khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, gần Láng thổ lộ vì công việc đặc thù, di chuyển thường xuyên, luôn về ban đêm nên vẫn chưa biết phố mình đang làm việc là phố gì, đã gắn biển chú thích hay chưa.


Chị Lê Thị Dậm Mai do đặc thù công việc nên không biết tên phố Hà Nội

Gặp nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh tại Lui Vui-tông ở khách sạn Mê-trô-pôn trên đường Ngô Quyền, được hỏi ý kiến về bản quyền tác giả, nữ hoàng cho biết: “Người mẫu chúng tôi đều được đào tạo rất cơ bản, nhất là văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp. Tuy chúng tôi không ai đăng ký bản quyền những đều tôn trọng nhau. Khi bạn Ngọc Quyên đã khỏa thân vì môi trường rừng, núi thì bạn Mai Hải Anh sẽ phải khỏa thân vì biển. Còn tôi, do phải bảo quản làn da trắng mịn nên chỉ khỏa thân trong nhà có kéo rèm”.

Trong một diễn biễn khác, công ty A-pồn nổi tiếng với các sản phẩm mác táo như Mác-búc, ai-Phôn, ai-Pád đã học tập ông Phạm Việt Hùng và chuẩn bị hồ sơ kiện các đối thủ HTC, Sam-sung, vv vì vi phạm bản quyền thiết kế điện thoại, máy tính, táp-lét hình chữ nhật. Dự báo trong tương lai nhiều di động sẽ có hình vuông, hình bầu dục, hình khối tròn, hình ngũ giác,… vô cùng đa dạng và phong phú. Giới nhạc sĩ lại đang rất hoang mang khi tiến sĩ âm nhạc Trịnh Văn Đoành cùng vũ đoàn HKT vừa đăng ký bảo hộ bản quyền tác phẩm “Các ca khúc viết về Hà Nội” với các nội dung đầy đủ bao gồm: đồ, rê, mi, pha, son, la, xi kèm theo các phụ kiện móc đơn, móc kép, dấu lặng, dấu thăng, khóa son… với các cụm từ Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, Cổ Ngư, hoa sữa, tàu điện, mùa đông, mùa hè, mùa mưa, quán cóc, cây cơm nguội v.v…Trao đổi với phóng viên, nhạc sĩ Trương Quí Hải rất ân hận vì đã sáng tác ca khúc Hà nội mùa vắng những cơn mưa với đầy đủ 7 nốt nhạc đã được tiến sĩ Đoành giữ bản quyền. Nhạc sĩ cũng thành thực xin lỗi đã sử dụng các từ Hà Nội, Cổ Ngư, Hồ Tây, quán cóc… Được biết các nhạc sĩ đã trót có ca khúc về Hà Nội như Phú Quang, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Vinh cũng đang khẩn trương tìm luật sư để chuẩn bị cho việc Tiến sĩ Đoành sẽ khởi kiện trong nay mai.


Nhạc sĩ Trương Quí Hải rất ân hận vì đã trót sáng tác ca khúc Hà nội mùa vắng những cơn mưa

Trong khi đó, Giáo sư Cù Trọng Xoay tuyên bố trong chương trình Thư giãn cuối tuần trên VTV 3: “Tuy tôi không phải là nhà Hà Nội học nhưng có học ở Hà Nội nên không có ý kiến gì về tên đường phố. Về bản quyền tác giả thì tôi cũng đã vi phạm rất nhiều lần trong các chương trình Táo quân mà chưa thấy ai kiện cả”.


Giáo sư Cù Trọng Xoay vô tư tuyên bố đã từng nhiều lần ăn cắp bản quyền trong chương trình Táo quân mà vẫn chưa bị ai kiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét