Tạp chí Playboy thì có lẽ ai cũng từng nghe danh,
dù chỉ xem một hai hình “mát mẻ” cắt ra từ thuở nào. Paul Krugman là
nhân vật nổi tiếng nhưng ở hướng hoàn toàn khác, ông là nhà kinh tế đoạt giải
Nobel năm 2008 và là cây bút bình luận ăn khách của tờ New York Times. Vậy mà
Playboy, tờ báo chuyên đăng hình các cô ăn mặc kiểu Eva lại đi phỏng vấn Paul
Krugman về những vấn đề kinh tế của Mỹ và thế giới!
Thật ra, bởi
hình ảnh trên Playboy bắt mắt quá nên nhiều người không biết chứ tờ tạp chí này
vẫn đăng những tác phẩm rất nghiêm túc của những nhà văn tên tuổi, những bài phỏng
vấn nhiều nhân vật “mũ cao, áo rộng”, kể cả Jimmy Carter lúc ông này ra tranh cử
tổng thống Mỹ.
Tuy vậy, cách
Playboy dẫn dắt câu chuyện và lối Paul Krugman trả lời một tờ báo không chuyên
về kinh tế rất đáng để nghiên cứu, học hỏi. Tác giả bài phỏng vấn là Jonathan
Tasini, cũng là một nhân vật đặc biệt, chuyên viết về các vấn đề lao động, kinh
tế, từng ra tranh cử ghế Thượng nghị sĩ, từng làm chủ tịch Liên đoàn Nhà văn quốc
gia. Từ nhiều giờ trò chuyện với Krugman ở nhiều địa điểm, Tasini mới viết lại
thành bài phỏng vấn với văn phong cố ý đơn giản, dùng từ phổ thông, lập luận dễ
hiểu để phù hợp với độc giả rất đa dạng của Playboy.
Chẳng hạn, mở đầu, người phỏng vấn “giả vờ” hỏi: “Dường như
tháng nào cũng có người tranh cãi nhau chúng ta đang ở trong cơn suy thoái
(recession) hay cuộc khủng hoảng (depression). Thế chúng ta đang suy thoái hay
khủng hoảng? Hay là một thứ gì khác?"
Hỏi như thế là để chẩn đoán tình hình thực tế của kinh tế Mỹ,
chứ không phải nhằm đi vào thêm một cuộc tranh cãi khác về hai từ “suy thoái”
(GDP sụt giảm hai quý liên tục hay thất nghiệp tăng 1,5% trong vòng 12 tháng)
hay “khủng hoảng” (GDP giảm trên 10% hay suy thoái quá 3 năm). Cho nên Krugman
trả lời, bất kể những loại định nghĩa nói trên, rằng suy thoái đã chính thức chấm
dứt vào tháng 6-2009 lúc nhiều thứ như sản xuất công nghiệp, GDP bắt đầu hồi phục
nhưng nước Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Lý do ông đưa ra cũng là
những hình ảnh người đọc Playboy có thể kiểm chứng: đã bốn năm nay nước Mỹ chịu
cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, khó kiếm việc làm, tính ra cứ 7 người thì có 1 người
thất nghiệp, sinh viên giỏi mới ra trường không kiếm được việc làm...
Dễ thấy là sau phần này, cả người hỏi lẫn người trả lời ắt
phải đi tới kết luận, dân Mỹ đang gánh chịu cảnh khổ mà lẽ ra không cần phải
gánh nếu nhà làm chính sách chịu làm đúng theo bài bản. Bài bản đó, theo cách
ví von dễ hiểu của Krugman, là giả thử có người ngoài hành tinh xuống tấn công
nước Mỹ, dân Mỹ phải tập trung chống cự, thì chỉ trong vòng 18 tháng, nạn thất
nghiệp sẽ biến mất. Chủ trương của Krugman là chính quyền đổ tiền vào các công
trình hạ tầng để kích cầu việc làm, những việc còn lại tự chúng sẽ được giải
quyết.
Cũng vì để phục
vụ một loại độc giả đa dạng, người hỏi nhảy từ đề tài này sang đề tài khác miễn
sao các câu hỏi cũng là thắc mắc của nhiều độc giả Playboy. Từ câu: “Có
phải nước Mỹ đang trở thành một nền cộng hòa chuối?” (để nói về tình trạng bất
bình đẳng trong thu nhập, sự bất lực của hệ thống chính trị khi đi tìm sự đồng
thuận trong chính sách kinh tế…) đến câu “Thế còn vai trò của Wall Street?” (để
nói về lòng tham, sự lừa dối của giới tài chính). Ở đây, Krugman cũng là bậc thầy
dùng hình ảnh ví von để thuyết phục người đọc. Ông nói, tình hình cũng tương tự
chuyện cá cược theo kiểu dân tài chính thuyết phục người dân, ngửa tôi ăn, còn
sấp thì người khác thua nhé. Cách ví von đó xuất hiện khá thường xuyên, chẳng hạn,
khi được hỏi về vai trò của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” vì nhiều người chê
trách rằng phong trào này không có một thông điệp rõ ràng, Paul Krugman nói ngắn
gọn, “Chiếm lấy Phố Wall” đã đóng đẹp
vai trò của nó vì chúng ta không cần những bản đề xuất gồm 10 điểm, chúng ta cần
có ai đó tuyên bố hoàng đế đang ở truồng!
Nổi tiếng là người tấn công Bush liên tục trên báo New York
Times, ngày nay Krugman lại xoay qua tấn công Obama. Với Playboy, ông nhận xét
thẳng: “Obama là loại người phò chính thống”. Tức là nếu loại bỏ phong cách nói
chuyện rất hấp dẫn của Obama, nếu không bị chinh phục bởi logich hình thức của
Obama, cái đọng lại là những quan điểm rất ôn hòa, cẩn trọng, theo lối khôn
ngoan của một chính khách lão luyện. Đó là bởi Krugman cho rằng để thoát khỏi
khủng hoảng, cần chi tiêu nhiều hơn nữa: “Chúng ta đang có những công nhân ngồi
không, có kỹ năng và sẵn sàng làm việc, chúng ta có nhà máy đang để không”. Cho
nên không cần kêu gọi thắt lưng buộc bụng, chia sẻ sự hy sinh một cách hình thức.
Krugman chủ trương chuyện bất bình đẳng trong thu nhập, cứ để đó giải quyết
sau, bây giờ là lúc kích cầu bằng mọi cách để thoát khủng hoảng trước đã.
Rõ ràng những vấn
đề kinh tế phức tạp vẫn có thể diễn đạt bằng từ ngữ đơn giản, những khái niệm dắt
dây như công đoàn, lương thưởng giám đốc, thuế má vẫn có thể giải thích bằng những
minh họa ai cũng có thể nhận ra. Chẳng lạ gì nhiều người cho rằng Paul
Krugman là một trí thức công khi ra sức làm cho công chúng hiểu điều ông tin
vào và muốn nói ra. Còn người ta có nghe theo ông hay không lại là điều khác nữa. Ví dụ, đối với
Hy Lạp, Ý, ông cho rằng các nước này phải in thật nhiều tiền để giải quyết vấn
đề trong ngắn hạn cho nên sự tan vỡ của khối sử dụng đồng euro, những nước như
Hy Lạp phải chia tay với đồng euro là có khả năng xảy ra.
Góc nhìn của Krugman làm người phỏng vấn cuối cùng phải thốt
lên: “Chẳng lạ gì người ta gạt ông sang bên là loại người quá bi quan”. Dù sao tháng Ba
này sẽ có nhiều người mua Playboy mà không ngại ngùng che giấu vì họ sẽ bảo,
tôi mua để đọc bài phỏng vấn Paul Krugman!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét