Một hành động “bán đứng” quốc gia tương tự Edward Snowden chắc chắn luôn được xếp vào tội phản quốc tại bất cứ quốc gia nào chứ không riêng nước “nạn nhân” là Mỹ. Trong khi tiến trình dẫn độ và truy tố nhằm vào Snowden đang được thực hiện, Quốc hội Mỹ cũng bắt đầu xem xét lại hoạt động giao thầu dịch vụ tình báo cho tư nhân mà giới tình báo Mỹ đã chủ quan thực hiện và mở rộng từ sau vụ khủng bố 11-9-2001.
Một “cộng đồng trong bóng tối”
Theo NBC News (15-6-2013), dẫn lại từ một báo cáo của Phòng giám đốc tình báo quốc gia (DNI), tính đến năm 2012, có đến 483.236 nhà thầu tư tại Mỹ được cấp phép an ninh tối mật, so với 791.200 viên chức nhà nước. Tại các trụ sở NSA (Cơ quan an ninh quốc gia) và CIA (Cục tình báo trung ương), người ta thấy nhan nhản nhân viên mang thẻ xanh (tư nhân) làm việc chung với nhân viên chính phủ. Tháng 3-2007, theo Policymic.com (15-6-2013), lần đầu tiên Chính phủ tiết lộ rằng có đến 70% chi tiêu của các cơ quan tình báo là dành cho những hợp đồng tư nhân. Năm 2010, Washington Post cũng cho biết, có đến 1.931 công ty tư được Chính phủ thuê làm các dịch vụ liên quan “chống khủng bố, nội an và tình báo tại khoảng 10.000 địa điểm khắp nước Mỹ”. Năm 2005, giá trị những hợp đồng như vậy là 43 tỉ USD, hơn gấp đôi năm 1995…
Trong thực tế, cộng đồng tình báo Mỹ từng sử dụng nhân viên hợp đồng từ nhiều thập niên trước. Các tập đoàn lớn như Lockheed Martin từng tranh thầu các dự án chế tạo vệ tinh và máy bay do thám. Bây giờ, hai phần ba nhân viên “thời vụ” làm cho Trung tâm phòng chống khủng bố quốc gia Hoa Kỳ là kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên viên quản lý mạng... Tốc độ phát triển trong việc thuê nhân viên hợp đồng của CIA, NSA, FBI… trong những năm gần đây liên tục tăng. Trong khi phải mất hàng năm để đào tạo một điệp viên thực thụ để có thể làm việc độc lập và phát huy khả năng cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ nhạy cảm ở điểm nóng nào đó, CIA bây giờ chỉ cần hợp tác với công ty tư. Một cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho biết CIA thuê nhân viên hợp đồng để thực hiện nhiều loại công việc. Dù còn nhiều rào cản không cho phép nhân viên hợp đồng giữ vị trí quan trọng trong CIA nhưng giới chức CIA cho biết trên thực tế vẫn có nhiều nhân viên hợp đồng làm trưởng văn phòng CIA tại một số nước và thường xuyên dự các cuộc họp kín với giới chức chủ chốt CIA. Một cựu nhân viên CIA từng phục vụ tại Iraq cho biết ở Baghdad, nhà thầu hợp đồng “làm mọi việc, đặc biệt trong các chiến dịch mật”. Họ giúp tuyển người làm nội gián hoặc bán thông tin rồi tạo cầu nối với quân báo Mỹ; hoặc thậm chí điều hành điệp viên để hỗ trợ các đơn vị tác chiến...
Thử xem trường hợp Abraxas Corp - được thành lập bởi một nhóm cựu nhân viên tình báo cấp cao, đứng đầu là Richard “Hollis” Helms (từng làm việc lâu năm ở Trung Đông, nguyên chánh văn phòng CIA châu Âu) và Richard Calder (nguyên phó giám đốc CIA đặc trách quản trị hành chính). Năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn phát thanh, Calder cho biết công ty được thành lập chỉ một thời gian ngắn sau sự kiện 11-9 bởi một nhóm nhân viên tình báo nghỉ hưu, những người cảm thấy “bị lãng quên khi CIA không kêu gọi sự giúp đỡ của họ”. Văn phòng công ty đặt tại McLean (Virginia), cách trụ sở CIA vài kilomet. Một cựu nhân viên CIA giấu tên và quen biết với công ty cho biết: “Sau sự kiện 11-9, họ (công ty) săn lùng tất cả cựu nhân viên tình báo biết tiếng Arab và bắt đầu móc nối hợp đồng với CIA. Đó là cách mà Abraxas được thành lập”. Abraxas cũng được giao nhiều sứ mạng đặc biệt, trong đó có chiến dịch tuyển dụng và lập mạng điệp viên cho chương trình vỏ bọc không chính thức (nonofficial cover program – NOC). Chương trình NOC là một trong những hoạt động nhạy cảm và được bảo vệ kỹ nhất của CIA. Abraxas đóng vai trò chủ lực trong chương trình thiết lập mạng NOC, dưới sự điều hành của Fred Turco (nguyên chỉ huy trưởng các chiến dịch hải ngoại và đơn vị mật CIA)...
Dù không công khai về tài chính nhưng năm 2005, Abraxas được hãng kế toán Deloitte & Touche đánh giá là một trong những công ty non trẻ phát triển nhanh nhất nước Mỹ, với doanh thu tăng khoảng 714% trong ba năm. Năm 2005, hãng kế toán Ernst & Young cũng trao danh hiệu “Doanh nhân trong năm” của khu vực Washington DC cho Richard “Hollis” Helms. Cần nhắc lại, Richard Helms – làm việc trong bộ phận chống khủng bố của CIA trong 30 năm – bắt đầu lập Abraxas chỉ với 5.000 USD. Bốn năm sau vụ khủng bố 11-9, Abraxas có 225 nhân viên. Năm 2010, Abraxas được bán lại với giá 124 triệu USD (cho Cubic Corporation)!
Tuy nhiên, Abraxas vẫn còn thua xa Booz Allen, nơi có bề dày làm “chân ngoài” cho Chính phủ Mỹ từ thập niên 1940 và cũng là nơi đã sử dụng kẻ bội phản Edward Snowden. Theo BusinessWeek (20-6-2013), năm 1940, một năm trước khi xảy ra trận Trân châu cảng, Hải quân Mỹ bắt đầu sử dụng nguồn bên ngoài để do thám Hải quân Đức. Hãng tư vấn “Booz, Fry, Allen & Hamilton” là nơi được chọn. Booz đã chế tạo được hệ thống cảm ứng đặc biệt có thể theo dõi sóng radio liên lạc của tàu ngầm Đức. Suốt từ đó, trải qua giai đoạn Chiến tranh lạnh đến “kỷ nguyên” chống khủng bố, Booz Allen luôn là đối tác tin cậy và truyền thống của tình báo Mỹ. Trong năm tài khóa kết thúc tháng 3-2013, Booz Allen cho biết doanh thu của họ đạt 5,76 tỉ USD với 99% trong số đó là từ các hợp đồng với Chính phủ, lãi ròng 219 triệu USD. Và ¼ trong doanh thu, tức 1,3 tỉ USD, là nhờ những hợp đồng với các cơ quan tình báo. Quan hệ giữa Booz Allen với Washington còn được xây dựng từ những gắn kết cá nhân. Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ, James Clapper (cố vấn tình báo hàng đầu của Tổng thống Obama), là cựu giám đốc điều hành Booz Allen. Trong khi đó, phó chủ tịch công ty, Mike McConnell, chính là giám đốc tình báo quốc gia thời George W. Bush (và trước đó ngồi ghế giám đốc NSA). Trong 25.000 nhân viên Booz Allen, 76% là có giấy phép an ninh mật và gần ½ có giấy phép an ninh tối mật. Cách nói của Joan Dempsey (cựu phó giám đốc CIA) vào năm 2003 rằng, Booz Allen là “cộng đồng tình báo trong bóng tối” là một miêu tả hoàn toàn chính xác. Thời điểm hiện tại, Dempsey cũng đang làm việc cho Booz Allen…
Lợi bất cập hại
Về cơ bản, việc thuê mướn người ngoài được Chính phủ ủng hộ bởi nó giúp giảm chi phí. Trong nhiều trường hợp, một công tác đơn lẻ ngắn hạn chỉ cần thuê người ngoài. Chính phủ không phải bận tâm tổ chức các chương trình đào tạo tốn kém rồi nuôi lương dài hạn một khi điệp vụ nào đó khép lại hồ sơ. Quan trọng hơn, nhiều “điệp viên tư”, vốn xuất thân từ cộng đồng tình báo, với bề dày kinh nghiệm lão luyện, tỏ ra rất chuyên nghiệp khi được giao việc “thời vụ”. Kỹ năng của họ hiếm khi bị “khách hàng” chê phiền. Và bởi bị áp lực cạnh tranh nên các công ty tư không chỉ luôn đáp ứng yêu cầu với mức độ mang lại thỏa mãn cao nhất có thể mà còn đầu tư rất mạnh vào thiết bị-kỹ thuật. Một số “đồ chơi” chuyên dụng của họ có thể khiến điệp viên CIA nhà nghề cũng phải thèm thuồng. Năm 2008, một báo cáo DNI cho biết có đến 56% nhà thầu tình báo có trình độ chuyên nghiệp hoàn hảo đến mức vài bộ phận tình báo chính phủ không thể so bằng!
Tuy nhiên, trong vài trường hợp, yếu tố chi phí lại trở thành vấn đề gây tranh cãi. Tai tiếng nhất là chương trình Trailblazer của NSA. Được thiết kế như một chương trình có thể lọc và phân tích các cuộc điện thoại lẫn lưu lượng truy cập Internet mà NSA thu thập mỗi giờ, Trailblazer thoạt đầu dự tính tốn 280 triệu USD với thời gian hoàn thành 26 tháng. Booz Allen là một trong 5 nhà thầu tham gia Trailblazer. “Với Trailblazer, NSA đang nắm bắt những gì tinh túy nhất của kỹ thuật…” – phó chủ tịch Marty Hill (Booz Allen) nói trong một thông cáo báo chí năm 2002. Bốn năm sau, Trailblazer đóng cửa, khi nó không đáp ứng các mục tiêu NSA đưa ra và chi phí đầu tư bắt đầu vọt đến hàng tỉ đôla! Một ví dụ nữa (dẫn lại từ BusinessWeek): một dự án mà Bộ nội an “đặt hàng” cho Booz Allen đã vượt ngân sách qui định từ 2 triệu USD lên 124 triệu USD!
Ngoài ra, còn phải kể đến nghịch lý về nguồn nhân lực. Cộng đồng tình báo Mỹ không chỉ không thể “bảo tồn” được nguồn vốn con người mà còn bị thất thoát. Sự bùng nổ và tăng nhanh hoạt động tình báo tư nhân đã làm nảy sinh hiện tượng chảy máu chất xám, khi nhân viên chính thức CIA bị cám dỗ gia nhập công ty tư nhân, nơi mức lương tăng 50% hoặc nhiều hơn. Ở CIA, việc “săn trộm” nhân viên từng là vấn đề nghiêm trọng đến mức cựu giám đốc CIA Porter J. Goss có lần khuyến cáo công ty tư nhân ngưng tuyển dụng nhân viên CIA chính thức (mà chỉ được phép tuyển dụng cựu nhân viên). Một viên chức nghỉ hưu tiết lộ rằng mình từng được các công ty bên ngoài đặt vấn đề “đi hay ở” đến hai lần khi còn đương nhiệm. Một nhân viên, từng được cắm ở Iraq và khu vực Trung Đông, kể thêm: “Họ (công ty tư) săn tôi như cá mập, với liên tục lời mời gửi qua e-mail hoặc thậm chí gọi điện trực tiếp đến nhà”. Mức lương của các công ty tình báo tư hấp dẫn đến mức khó khước từ. Theo báo cáo DNI (dẫn từ BusinessWeek), một nhân viên công ty tình báo tư có thể được trả đến 207.000 USD/năm (nhỉnh hơn ½ lương tổng thống Mỹ), so với lương nhà nước 125.000 USD (với Edward Snowden, đương sự được trả 122.000 USD dù chỉ mới vào Booz Allen làm chưa đầy ba tháng).
Dù thế nào, với nước Mỹ, chuyện tiền nong (liên quan ngân sách bị đội lên do thuê người ngoài) có thể không thành vấn đề. Điều quan trọng nhất là tính bảo mật của thông tin và yếu tố tin cậy của con người. CIA cho biết nhân viên hợp đồng phải trải qua các cuộc kiểm tra gắt gao về lý lịch hệt như nhân viên chính thức. Tuy nhiên, một số công việc kiểm tra lý lịch lại được thuê công ty bên ngoài làm! Điển hình là vụ David A. Passaro. Được thuê làm nhân viên hợp đồng cho CIA dù từng tai tiếng bởi hành vi bạo lực và từng bị sa thải khỏi cảnh sát Connecticut, tháng 8-2006, Passaro đã bị xử 8 năm 4 tháng tù sau khi phạm tội đánh chết tù nhân tại Afghanistan năm 2003. Trong một vụ khác, cựu viên chức cấp cao Kyle Dustin “Dusty” Foggo (người được giao nhiệm vụ xây dựng các trại tù bí mật cho CIA) đã dính dáng vụ nhận hối lộ để ký hợp đồng thuê làm bên ngoài cho một bạn thân mà nhân vật này lại dính vào vụ tham nhũng của cựu dân biểu Cộng hòa Randy “Duke” Cunningham. Và bây giờ là vụ Edward Snowden. “Tôi hoàn toàn kinh ngạc khi biết chuyện một cá nhân thậm chí chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông, chưa phục vụ quân ngũ đầy đủ, mới 29 tuổi, lại có thể tiếp cận một số thông tin thuộc loại tuyệt mật của Chính phủ chúng ta” – thượng nghị sĩ Susan Collins nói hôm 11-6…
Kể từ vụ viên chức cấp cao FBI Robert Hanssen đánh cắp tài liệu bán cho Liên Xô trong suốt 22 năm cho đến khi bị lộ năm 2001 thì vụ Snowden là cú đòn đau nhất đối với tình báo Mỹ. Hậu quả lẫn cái giá phải trả của nó, ở thời điểm này, còn chưa lượng định được. Nó không chỉ cho thấy sự bất cẩn trong dùng người của Booz Allen mà còn là sự bất cẩn, có phần chủ quan, của cả một hệ thống tình báo Hoa Kỳ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét