Nhãn

7 tháng 6, 2013

791. Thư giãn cuối tuần: CÂU CHUYỆN VỀ MỘT MẬT MÃ KHÔNG THỂ GIẢI ĐƯỢC


Những gì được phóng viên Yudhijit Bhattacharjee kể trên tạp chí Wired đã cho thấy đó là một câu chuyện thật sự ly kỳ với mức hấp dẫn có thể trở thành kịch bản điện ảnh ăn khách. Chuyện về một tay gián điệp nghiệp dư với khả năng có thể tạo ra loại mật mã mà thậm chí FBI cũng bó tay. Gần 10 năm sau, bí ẩn về chuỗi mật mã này vẫn tiếp tục gây tò mò bởi nó vẫn là một mật mã không thể giải nổi!

Bốn chuỗi mật mã hiểm hóc

Một đêm tháng 6-2001, Brian Patrick Regan đánh xe đến công viên Pocahontas ở bang Virginia rồi biến hút vào khu rừng đen kịt bóng đêm. Mang ba lô trên lưng, tay cựu trung sĩ Không quân Hoa Kỳ 38 tuổi này tránh đường mòn và lầm lũi men theo bờ lạch để không bị phát hiện. Trong ba lô, ngoài chiếc xẻng, còn có kính nhìn đêm và sấp tài liệu mật mà đương sự đã trộm từ Cơ quan thám báo quốc gia (NRO), nơi chịu trách nhiệm quản lý hệ thống vệ tinh do thám của Mỹ. Sau chừng 10 phút, Regan dừng lại, quan sát các ngọn sồi cao, đặt ba lô xuống rồi lấy miếng trải nhựa ra phủ đất. Tiếp đó, đương sự đào loạt hố nhỏ, cẩn thận hốt đất lên miếng trải để xóa sạch dấu vết rồi vùi từng tập tài liệu vào từng hố. Mỗi gói chứa hàng ngàn trang tài liệu với những thông tin cực mật về các địa điểm tên lửa xung yếu của Libya, hệ thống phòng không Iraq cùng những chiến dịch do thám lâu nay của Mỹ nhằm vào Trung Quốc và Iran.

Bộ tài liệu cung cấp toàn bộ những gì Mỹ biết về những quốc gia trên với giá trị thông tin tình báo, Regan nghĩ, có thể hội đủ độ nhạy cảm để tạo ra một cuộc chiến!


Sau khi lấp hố, Regan tiến đến một cây to gần đó, lấy búa đóng vài chiếc đinh lên thân cây rồi dùng thiết bị định vị toàn cầu để xác định tọa độ các gói tài liệu được chôn. Xong việc, Regan lầm lũi trở lại xe và lên đường về nhà. Hai tháng sau, ngày 23-8-2001, Regan nói với thượng cấp rằng đương sự chuẩn bị nghỉ mát tại Orlando với vợ và bốn con. Thay vào đó, lúc 4g chiều, Regan đánh xe ra phi trường Dulles để đáp chuyến bay sang Zurich, nơi đương sự dự tính gặp giới chức sứ quán Iraq và Trung Quốc với hy vọng bán được tài liệu tình báo với giá cao nhất. Sau khi lọt qua cửa an ninh, Regan lên xe buýt để ra cổng bay. Tuy nhiên, ngay sau khi cánh cổng vừa đóng lại, nhân viên FBI Steven Carr cùng một đồng nghiệp thình lình xuất hiện và thộp đương sự.

Lục soát đối tượng, FBI phát hiện một mảnh giấy giấu trong đế giày bên phải, ghi địa chỉ một số viên chức sứ quán Iraq và Trung Quốc tại châu Âu. Trong túi quần Regan (từng được Không quân Mỹ đào tạo làm chuyên viên phân tích mã), FBI còn thấy quyển sổ nhỏ ghi 12 chữ dường như không liên quan nhau, chẳng hạn tricycle (xe ba bánh), rocket (hỏa tiễn), glove (găng tay)… Ngoài ra còn có 26 từ khác viết trên một phiếu mục lục. Trong ví Regan, còn có mảnh giấy với loạt chữ cái và số, bắt đầu như sau: “5-6-N-V-O-A- I …”. Còn nữa, trong tấm bìa cứng bọc hồ sơ mà Regan ôm kè kè bên mình, FBI thấy bốn trang ghi chằng chịt các dãy ba chữ số hoặc tam thức, chẳng hạn 952, 832, 041, 11A… Thế là quyển sổ nhỏ, phiếu mục lục, mảnh giấy trong ví và tờ giấy với các tam thức đã trở thành bốn bài toán mật mã bí hiểm đối với FBI.

Nhiều tháng trước đó, Brian Patrick Regan không biết rằng mình đã bị theo dõi nhất cử nhất động, sau khi một nguồn tin nước ngoài chuyển đến FBI lá thư từ một viên chức tình báo Mỹ với nội dung rằng đương sự có những tài liệu tuyệt mật muốn bán.
Lá thư với đầy lỗi chính tả giúp FBI khoanh hẹp đối tượng tình nghi; và Regan – vốn mắc hội chứng khó đọc – trở thành mục tiêu chính. Vào buổi sáng hôm Regan bị bắt, hệ thống camera mật đã quan sát và ghi hình khi đối tượng ngồi ở bàn làm việc trong văn phòng. Người ta thấy Regan truy cập vào hệ thống kết nối nội bộ Intelink rồi ghi ghi chép chép lên quyển sổ nhỏ. Từ ảnh chụp được, giới chức điều tra FBI phỏng đoán rằng chuỗi 13 từ bí hiểm trên quyển sổ nhỏ có thể liên quan một địa điểm tên lửa Trung Quốc, đặc biệt khi ảnh địa điểm trên thoáng hiện lên màn hình vài phút sau khi Regan truy cập Intelink.

Và chữ tricycle (xe đạp ba bánh) có thể biểu thị con số đầu tiên liên quan vĩ độ của địa điểm trên là 3. So sánh với những từ khác, nhân viên FBI Carr cho rằng ông đã mò ra được phần nào thách thức trong mật mã Regan. Những từ chẳng hạn post (cột) hoặc tree (cây) có thể ám chỉ đến con số 1; trong khi motorcycle (xe gắn máy, với hai bánh) và switch (công tắc, bật lên tắt xuống) dễ liên tưởng đến khái niệm liên quan số 2; rồi weapon (gợi lên hình ảnh súng lục với sáu viên đạn) hẳn ám chỉ số 6. Carr thử nghiệm giả thuyết trên bằng cách ứng dụng lên ngay một mật mã khác trong ví Regan. Đó là mảnh giấy ghi số tài khoản giao dịch chứng khoán Ameritrade của Regan, cùng những từ “hand, tree, hand, car” (bàn tay, cây, bàn tay, xe hơi – với các biểu thị gồm số 5 như năm ngón tay, “cây” biểu thị số một và “xe hơi” với bốn bánh biểu thị số 4). Nói cách khác, dãy từ bí hiểm trên tượng trưng cho dãy số “5154”.

Suy luận như vậy, Carr gọi đến Ameritrade, nhập số tài khoản Regan cùng số PIN là “5154”; và lập tức được truy cập vào tài khoản Regan. Vậy là suy luận Carr đã cho thấy ông chính xác. Việc tiếp theo của nhóm nhân viên điều tra là thao tác tương tự để giải mã 26 từ trên phiếu mục lục. Kết quả, mật mã được giải cho thấy đó là những địa điểm hệ thống tên lửa đất đối không Iraq tại khu vực cấm bay phía Bắc nước này (việc báo cho Baghdad, thời Saddam Hussein, biết rằng tình báo Mỹ đã nắm rõ các vị trí hệ thống phòng thủ tên lửa Iraq sẽ giúp nước này nhanh chóng dời vị trí và do vậy Mỹ có thể hoàn toàn bị “hố” một khi tấn công Iraq)…
Theo những lá thư tìm thấy trong máy tính đương sự (gửi đến Tổng thống Iraq Saddam Hussein, nguyên thủ Libya Muammar Qaddafi và một số nhân vật khác), Regan rao giá cho việc cung cấp bộ tài liệu là 13 triệu USD! Vấn đề bây giờ là Regan đã giấu tài liệu ở đâu? Thoạt đầu nhóm nhân viên FBI những tưởng tìm ra được chiếc “chìa khóa” còn lại mở nốt “cái rương” tài liệu Regan trong những tài liệu mã hóa mà họ tịch thu được tại sân bay.

Đó là chuỗi số và chữ cái cùng loạt chuỗi tam thức. Tuy nhiên, sau nhiều tháng vật lộn bất thành, FBI đã phải nhờ đến các chuyên gia giải mã thuộc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), nơi người ta bỏ ra hàng trăm giờ để giải hai bài toán còn lại. Kết quả? Là con số không to tướng! Trong báo cáo tháng 2-2002, NSA thừa nhận nhóm chuyên gia phá mã hơn 10 người của họ đã đành thúc thủ. Sự kiện khủng bố nước Mỹ 11-9-2001 khiến NSA chẳng còn thời giờ để vật lộn với bộ mã Regan. Sau khi NSA “đầu hàng”, việc giải bộ mã Regan được giao cho Daniel Olson, một ngôi sao đang lên tại FBI. Đó là điểm khởi đầu của một trong những câu chuyện mò kim đáy bể phức tạp và khó khăn nhất lịch sử phá mã của tình báo Mỹ, một câu chuyện dường như không hề được tiết lộ cho đến gần đây...

Brian Patrick Regan đã lập mã như thế nào?

Thế giới mật mã là trò chơi trốn tìm của những bậc thầy ngôn ngữ trong đó những tay chơi giỏi nhất là người biết kết hợp yếu tố logic một cách chuẩn xác cùng tư duy sáng tạo mãnh liệt. Bước đầu tiên trong nguyên tắc phá mã truyền thống là phân tích tỉ lệ tần suất xuất hiện của một từ hoặc cụm từ để từ đó có thể làm lộ ra nguyên tắc chính mà người viết mã thiết lập. Tuy nhiên, với những tay chơi hàng cao thủ, họ chẳng hề để lại manh mối gì liên quan thống kê để người phá mã dò ra tần suất xuất hiện của từ. Các chữ và số trong mã là hoàn toàn ngẫu nhiên. Cần biết, như được kể trong quyển The Code Book của Simon Singh, mật mã truyền thống có thể được chia làm hai hệ thống - chuyển vị và thay thế. Trong kỹ thuật chuyển vị, các mẫu tự trong thư được sắp xếp lại để tạo thành phép đảo chữ, chẳng hạn từ COW có thể được viết thành CWO, OCW, WCO, WOC…

Với những câu chỉ gồm 35 mẫu tự, người ta có đến hơn 50.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000 cách sắp xếp! Trong kỹ thuật thay thế, người viết mã sẽ qui định một mẫu tự nào đó để thay thế một mẫu tự khác (chẳng hạn A được thay bằng V). Như vậy, thí dụ, câu “Meet At Midnight” (Hẹn gặp nửa đêm) sẽ được viết thành CUUV VZ CGXSGIBZ. Và bí mật trong mật mã Regan chính là kỹ thuật này, từng được hoàng đế La Mã Julius Caesar áp dụng (trong một loại mật mã, Caesar thay thế từng mẫu tự trong thư bằng một chữ cái cách đó ba vị trí trong bảng chữ cái). Cuối cùng, “N-V-O-A-I-P-G …” được Olson giải mã thành “M-U-N-Z-H-O-F B-A-N-H-O-F -S-T-R”. Đó là địa chỉ tại Zurich của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Và hàng thứ hai trong bảng mã đã được dịch thành Bundesplatz 2 tại Bern, vị trí một ngân hàng Thụy Sĩ khác. Sau này, Regan thừa nhận rằng mình có kế hoạch yêu cầu khách hàng gửi tiền đến hai ngân hàng trên nếu việc mua bán tài liệu ngã ngũ.

Với mật mã cuối cùng (bốn trang chi chít tam thức), Olson đã gặp thách thức lớn hơn bội phần. Với đề nghị Olson, nhóm chuyên gia phòng lab FBI bắt đầu khảo sát một quyển tiểu thuyết và một tự điển mà Regan mang theo khi bị bắt. Họ dò dấu vân tay để xem những trang nào đương sự lật nhiều nhất và thậm chí dùng đèn đặc biệt để rọi tìm mực vô hình. Olson còn tập trung vào những từ mà Regan đánh dấu bằng một dấu chấm. Tuy nhiên, chẳng kết quả nào khả quan. Trong khi đó, Regan bị giam tại Alexandria (bang Virginia) chờ ngày ra tòa.

Đương sự biết rằng số phận mình sẽ kết thúc nếu bộ tài liệu chôn trong công viên Pocahontas – bằng chứng cụ thể để kết tội – bị phát hiện. Do đó, Regan cố tình làm phức tạp tiến trình phá mã bằng cách viết những dãy ba chữ số rồi làm bộ giấu giấu diếm diếm để bị nhân viên trại giam “bất ngờ” tìm ra!
Ít ai ngờ rằng kẻ đang thách thức những bộ não dày dạn kinh nghiệm của FBI lẫn NSA lại từng là cậu học trò chẳng mấy thông minh và luôn gặp khó khăn trong kỹ năng đọc lẫn viết. Bởi mặc cảm không sáng trí bằng bạn bè nên Regan không thôi mài dùi chữ nghĩa. Khi vào Không quân, Regan tiếp tục tự học bằng cách nghe sách đọc (audiobook) mượn từ thư viện rồi sau đó ghi danh học xã hội và kinh tế tại một số đại học cộng đồng…

Phiên xử Regan bắt đầu vào tháng 1-2003 và đương sự bị kết án chung thân. Điều đó có nghĩa mật mã cuối cùng, chuỗi tam thức, gần như vĩnh viễn không thể được giải. Tuy nhiên, để đổi lại việc vợ không bị kết án và bản thân không bị biệt giam, Regan đã đồng ý giúp FBI lấy lại bộ tài liệu. Đến lúc này đương sự mới khai rằng có tổng cộng 19 gói tài liệu được chôn – 12 tại công viên Pocahontas (Virginia) và 7 tại công viên Patapsco Valley (Maryland).

Bộ mã tam thức từng làm FBI lẫn NSA điên đầu là những thông tin liên quan kinh độ và vĩ độ các vị trí giấu tài liệu. Bộ mã tam thức liên quan kho tài liệu giấu tại Virginia là dựa vào một trang niên giám điện thoại của NRO; và bộ mã tam thức liên quan các vị trí chôn tài liệu tại Maryland được rút từ quyển kỷ yếu trung học của đương sự.
Đến khi đó, người ta mới thấy khả năng siêu phàm của Regan, người mà một bạn học ngày trước thậm chí đánh giá là một “thằng đần, khó có thể đậu nổi kỳ thi tốt nghiệp”!). Lật lại quyển kỷ yếu với những hình bạn học phổ thông, Regan cho biết “11A” (trong bộ mã) biểu thị trang dẫn đến hình cô bạn học tên Cindy; tương tự, “40A” dẫn đến trang liên quan bạn Donna; và như vậy, “11A 40A” ám chỉ đến “CD”, có nghĩa chiếc đĩa compact mà đương sự chép tài liệu và chôn giấu.

Không chỉ thông minh, Regan còn có trí nhớ tuyệt vời
. Dù được Regan hướng dẫn cặn kẽ vị trí chôn tài liệu tại Maryland, FBI vẫn không thể đào thấy. Việc đào bới tưởng chừng vô vọng sau khi người ta đã đào liên tục vài tuần với những hố khổng lồ. Cuối cùng, nhân viên FBI Steven Carr cùng hàng chục nhân viên khác và cả biệt đội SWAT phải thân chinh đến trại giam “rước” Regan đến công viên Patapsco Valley. Dò quanh từng bước và cẩn thận quan sát từng thân cây, Regan cuối cùng dừng lại và chỉ vào một vị trí cách một thân cây hơn 6m. “Tôi chôn ở đó kìa” – đương sự nói. Đến lúc đó Carr vẫn hồ nghi: “Nè, tôi thậm chí không nhớ gốc cây nào mình đứng tiểu cách đây 5 phút. Làm thế nào anh có thể nhớ vị trí mình đã có mặt cách đây ba năm?”.

Tuy nhiên, khi đào chiếc hố xuống khoảng 60cm, nhóm FBI phát hiện chiếc túi đựng CD. Không như kho tài liệu Virginia (được chôn ở mặt bên kia của thân cây nào có đóng đinh), kho tài liệu Maryland lại được chôn phía sau một thân cây đối diện với thân cây nào có đóng đinh. Trong ba năm, chúng đã nằm ở đó trong một túi chống thấm; và kho tài liệu bí mật quân sự với giá trị hàng triệu đôla này có thể mãi mãi chẳng hề được ai biết đến, ngoài những con sâu, cái kiến…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét