Nhãn

10 tháng 6, 2013

795. Ngô Khôn Trí: Chi phí quốc phòng và sức mạnh quân sự của một quốc gia


Năm 2012, chi phí quốc phòng (hay chi phí quân sự) của thế giới là 1750 tỷ USD, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998 chi phí quốc phòng của thế giới giảm, thấp 0,5% so với năm 2011. Nguyên nhân chính là do Mỹ, Canada, các nước châu Âu giảm ngân sách quốc phòng. Sự thay đổi lớn nhất là Mỹ đã giảm 6 % chi phí quốc phòng nhờ giảm các hoạt động quân sự ở nước ngoài, nhất là chi phí cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh 2007 đến nay các nước giàu có bên châu Âu phải “thắt lưng buộc bụng”, tìm cách tiết giảm chi phí quốc phòng, trong khi đó các nước châu Á (phần lớn còn đang nghèo) thì ngược lại tiếp tục gia tăng chi phí này, tạo thành một thị trường béo bở cho các công ty kinh doanh vũ khí. Năm 2012, ngân sách quốc phòng khu vực châu Á tăng 4,94% đạt ngưỡng 287,4 tỉ USD, lần đầu tiên vượt các nước châu Âu. Một phần của số tiền này được dùng để mua máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa, đan dược.

Từ năm 2006 đến năm 2012, các nước châu Âu thuộc khối NATO giảm ngân sách quốc phòng 11%, và từ năm 2000 đến 2012, số quân nhân của các nước này giảm 25%, từ 2,51 triệu người xuống còn 1,86 triệu người.

Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vào năm 2012 đã tăng đến 143 tỷ USD, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Ấn Độ là 37 tỷ USD (là quốc gia nhập vũ khí nhiều nhất thế giới 3,3 tỷ USD vào năm 2010). Philippines đã công khai vào năm 2013 sẽ là 2,9 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2012. Indonesia khoảng 8,1 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012. Malaysia tăng từ 4,3 tỷ USD lên 4,65 tỷ USD. Thái Lan là 5,5 tỷ USD (năm 2012) và sẽ tăng 10% vào năm 2013. Singapore là 9,8 tỷ USD (2010). Nam Hàn là 26,5 tỷ USD (2010). Nhật Bản là 52,2 tỷ USD, chiếm 5,1% GDP. tăng 40 tỷ yên so với năm 2012, là lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản sau 11 năm. Việt Nam là 2,4 tỷ (3,4 tỷ ?) (năm 2012, 2% GDP, tăng 35 % kinh phí mua sắm các loại vũ khí mới).

Theo tài liệu của SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute), chi phí quốc phòng của Mỹ chiếm gần 45% tổng chi phí quốc phòng của toàn thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Trung Quốc với 143 tỉ USD. Thứ ba là Nga với 71,9 tỷ USD, sau đó là Anh, Pháp.

Chi phí quốc phòng hay ngân sách quốc phòng của 1 quốc gia là tổng chi phí có liên quan đến các hoạt động và chính sách quân sự của quốc gia đó. Bao gồm những chi phí trả lương, huấn luyện binh sĩ, bảo trì và mua sắm vũ khí mới, nghiên cứu chế tạo vũ khí v.v…

Lúc yên ổn hòa bình không có chiến tranh thì người ta gọi chi phí này là chi phí duy trì quân đội, khi chiến tranh xảy ra thì người ta gọi là chi phí chiến tranh. Theo nghĩa hẹp là tổng chi phí nhân sự (bao gồm lục quân, hải quân, không quận, tình báo viên) cộng với chi phí phát triển và duy trì vũ trang. Thế nhưng, tùy theo cách phân loại của mỗi quốc gia, chi phí quốc phòng này có khác nhau. Có quốc gia phát hành công trái để tài trợ cho các chi phí quốc phòng, cho nên các chi phí phát hành công trái và tiền lãi vay cũng được gộp chung vô chi phí quốc phòng.

Về cơ bản, nguồn chi tiêu này là tiền thuế của người dân. Nhìn từ khía cạnh kinh tế thì quân đội là 1 tổ chức phi sản xuất, chi phí quân đội không phải là loại đầu tư có thể thâu hồi lại vốn được, nó chỉ là chi phí tiêu thụ thiết tha [?]. Ngoài những nước như Algeria, Azerbaijan, Nga và Ả Rập Saudi tăng chi phí quốc phòng nhờ thâu nhiều lợi nhuận từ dầu hỏa và khí đốt, hay Trung Quốc và Ấn Độ tăng chi phí quốc phòng để chứng tỏ sức mạnh chính trị của mình, các quốc gia khác quyết định tăng chi phí quốc phòng thường là do có xung đột vũ trang và bị uy hiếp. Do đó, không phải chỉ có những quốc gia có GDP lớn mới có chi phí quốc phòng lớn mà có nhiều quốc gia tuy GDP thấp hơn nhưng lại có chi phí quốc phòng cao hơn bởi vì đất nước của họ đang ở trong tình huống bị uy hiếp.

Nhà toán học kiêm khí tượng học và tâm lý học người Anh tên là Lewis Fry Richardson (11/10/1881 ~ 30/9/1953) đã nghĩ ra mô hình để suy tính ra chi phí quốc phòng của 1 quốc gia dựa trên những thông số như sau:

X=kY-aX+g
(với X: lực lượng quân đội của nước X, Y: lực lượng quân đội của nước Y, k: hệ số uy hiếp, a: hệ số tiêu thụ, g: độ cảnh giác của nước X đối với nước Y).

Ông Lewis Fry Richarson đã thử tìm cách phân tích các tranh chấp quốc tế bằng toán học giống như phân tích khí tượng. Theo ông chi phí quốc phòng tỷ lệ thuận với độ bất tín đối với quân địch và quân lực của quân địch, tỷ lệ nghịch với quân lực hiện tai. Ngoài ra, ông cũng phân tích thống kê về nguyên nhân gây ra chiến tranh bao gồm yếu tố kinh tế, tôn giáo và ngôn ngữ.

Năm 2010, trên thế giới có 28 quốc gia độc lập không có quân đội. Phần lớn những quốc gia này có diện tích nhỏ, có dân số không quá 500 000 người, đều tham gia vào hệ thống an ninh tập thể hoặc nhận sự bảo vệ của 1 nước lớn. Những lý do tại sao các quốc gia này không có quân đội là:

- Ngoại giao: ví dụ như nước Barbados, Antigua and Barbuda.

- Kinh tế: Liên bang Comoros không có đủ tiền để thành lập quân đội.

- Tránh nội chiến và đảo chánh; Costa Rica, Haiti, Commonwealth of Dominica.

- Quân đội bị giải thể bởi quốc gia chiếm đóng: Grenada, Cộng hòa Panama. Nhật Bản, chính thức theo điều 9 của hiến pháp, không được quyền có quân đội tham chiến mà chỉ có tự vệ đội thôi, thế nhưng Nhật Bản là quốc gia có chi phí quốc phòng cao đứng hàng thứ 6 trên thế giới và vì được Mỹ bảo vệ nên mỗi năm Nhật Bản phải chi 188 tỷ Yên (tương đương 2,3 tỷ USD) cho việc duy trì quân Mỹ đóng tại Nhật.

Do tình hình căng thẳng ở vùng biển Đông, Việt Nam một mặt tiếp tục duy trì 480 ngàn quân chính quy, 4,5 triệu quân dự bị, một mặt tăng cường cho quân sự trong những năm qua. Đặc biệt nhất là việc mua thêm những tàu ngầm, phi cơ chiến đấu hiện đại để nâng cao khả năng chiến đấu ở khu vực có tranh chấp với Trung Quốc, nơi có nhiều tài nguyên dầu khí và khí đốt.

Năm 2003, Việt Nam mua của Nga 12 chiếc tàu chiến tốc độ cao mang tên lửa “Lightning”. Mua các loại tàu tấn công/tuần tra tốc độ cao của Hàn Quốc “Dolphin”/ “Wildcat”. Mua của Ba Lan 4 tàu hộ vệ hạng nhẹ “Miners”, 1 tàu huấn luyện “Nick Ward”, 8 tàu tuần tra bờ biển “Pilica”, và một tàu tuần tra cỡ lớn “Aubrey Lutz” đã cải tiến.
Năm 2005, Việt Nam mua của Ba Lan 12 chiếc máy bay tuần tra trên biển M-28, 4 máy bay trực thăng cứu hộ trên biển W-3RM và 8 hệ thống trinh sát trên biển MSC-400.

Năm 2007, Việt Nam lại mua của Nga 2 tàu hộ vệ “Cheetah” và một hệ thống tên lửa chống hạm trên bờ mới nhất để lắp ráp tên lửa hành trình chống hạm có tốc độ siêu âm "Ruby".

Năm 2008, Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Nga 6 chiếc tàu ngầm Project 636M lớp Kilo. Giá mỗi chiếc tàu ngầm này là 300-350 triệu đô la và tổng giá trị hợp đồng là 1,8 - 2,1 tỷ USD. Việt Nam cũng đã mua của Nga 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-27SK/UBK (giá khoảng 30 triệu USD/chiếc) và 24 chiếc Su-30MK2V (giá khoảng 53 triệu USD/chiếc) và dự định sẽ mua thêm loại Su-35 (giá khoảng 60 triệu USD/chiếc), là loại hạng nặng, tầm xa và đa năng.

Trong những năm qua, Nga là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong tám nước bạn hàng lớn nhất của vũ khí Nga, chiếm hơn 6% trong tổng tỷ lệ xuất khẩu vũ khí của Nga, tỷ lệ này sẽ tăng đến 9% trong vài năm tới. Việt Nam sẽ tiếp tục mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30, Su-35, tàu ngầm, tàu nổi thông thường, tàu hỗ trợ và tàu ngầm, hệ thống tên lửa diệt hạm, hệ thống tên lửa phòng không, các thiết bị tác chiến điện tử.

Khi so sánh sức mạnh quân sự của 1 quốc gia, người ta không thể chỉ dựa vào chí phí quốc phòng hay số lượng binh sĩ đang hiện hữu mà còn phải xem xét đến nhiều yếu tố khác như: tinh thần chiến đấu của quân sĩ, kinh nghiệm chiến đấu, khả năng chỉ huy, chiến lược quân sự, tính năng và số lượng của vũ khí đang sử dụng, năng lực sản xuất vũ khí, số lượng tài nguyên năng lượng sở hữu, khả năng sản xuất lương thực, môi trường địa lý, hệ thống xã hội, sức mạnh của đồng minh của quốc gia đó, v.v…

Làm sao để có thể bảo đảm việc duy trì hòa bình (nguyện vọng tha thiết và chính đáng) mà không cần phải chi tiêu cho quốc phòng quá nhiều là điều mà tất cả các quốc gia đều mong muốn. Tuy nhiên, nếu phải chiến đấu để sống còn, để bảo vệ đất nước, người dân của nước bé đó có thể hy sinh mạng sống của cá nhân mình như anh hùng Kamakaze của nước Nhật trong thế chiến thứ hai, để phá hủy những chiến hạm khổng lồ của nước lớn đi uy hiếp các nước bé.

Liệu các đế quốc có thể thực hiện mộng bá chủ của mình được hay không ? Liên Hiệp Quốc với 192 thành viên chắc chắn sẽ không tha thứ cho hành động xâm chiếm của bất cứ quốc gia nào.

Ai gieo gió ắt sẽ gặp bão?


Montréal, ngày 16/5/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét