Nhãn

15 tháng 6, 2013

799. Thông tin ban đầu về vụ Phạm Viết Đào bị bắt


Bloger Phạm Viết Đào

Cầu Nhật Tân: Bất thường vụ bắt khẩn cấp anh Phạm Viết Đào

Tối qua, 13/6/2013, nhiều Công an tiến hành phong tỏa khu vực bên ngoài nhà riêng anh Đào ở ngõ 460 Thụy Khuê, phường Bưởi (Tây Hồ, HN) để một lực lượng vào bắt khẩn cấp anh Phạm Viết Đào và thực hiện lệnh khám xét chỗ ở của anh.

Anh Phạm Viết Đào quê Tân Kỳ (Nghệ An), từng du học ở Rumani, sau về công tác tại Thanh tra Bộ Văn hóa, anh nói rất sõi tiếng Ru. Anh còn là hội viên Hội nhà văn Việt Nam và là dịch giả nhiều cuốn sách. Gần 30 năm qua, anh dành nhiều tâm huyết vào nghiên cứu về Trung Quốc, dành nhiều công sức vào tập hợp, thu thập tư liệu về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc – một cuộc chiến đã thật sự bị lãng quên. Nhiều tư liệu anh có trong tay thuộc loại “giật mình” nếu được công bố. Trên cơ sở các tư liệu và nghiên cứu khoa học, cùng nhiều tướng lĩnh, anh đã có những kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử, tư tưởng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Những nội dung kiến nghị, những đề xuất đánh giá lại về cuộc chiến này mang đầy tính thời sự và đặc biệt hữu ích trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng xâm chiếm biển đảo của ta.

Cần nói thêm, anh Đào có người em ruột là liệt sỹ Phạm Hữu Tạo đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ác liệt nhất của lịch sử chiến tranh Việt Nam. Ngày 12/7/1984, chú Tạo xung phong chỉ huy một đơn vị cảm tử gồm những người con ưu tú nhất, quả cảm nhất của Nghệ An (E356) thực hiện nhiệm vụ áp sát, đánh mở chốt tái chiếm cao điểm 772 trong chiến dịch chiếm lại điểm cao 1509 tại mặt trận Hà Tuyên. Riêng đêm 12 rạng 13/7/1984, để đánh bật quân Trung Quốc, ta tung 4 sư đoàn thiện chiến tinh nhuệ nhất vào trận và đây là trận chiến đấu quy mô lớn nhất, ác liệt nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam qua 4 cuộc chiến (chống Pháp, chống Mỹ, đánh Campuchia và chống Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc). Các cán bộ bước ra từ khói lửa và máu của trận đánh này đều được tôi luyện thành những lãnh đạo, tướng lĩnh cao cấp: tướng Lê Trọng Tấn, tướng Lê Ngọc Hiền, tướng Phạm Văn Trà, tướng Nguyễn Hữu An, tướng Vũ Lập, tướng Lê Duy Mật, tướng Hoàng Đan, tướng Phùng Quang Thanh, tướng Đỗ Bá Tỵ, tướng Nguyễn Văn Được, tướng Nguyễn Đức Soát, tướng Phùng Khắc Nghiên…

Về vụ bắt anh Đào, theo một đồng chí Đảng viên sinh hoạt tại chi bộ cụm dân cư số 4, phường Bưởi, Tây Hồ, tuy CA ập vào đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám nhà anh Đào theo điều 258 Bộ luật Hình sự (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) nhưng họ đặc biệt quan tâm tới việc thu giữ các tài liệu về chiến tranh chống Trung Quốc, truy tìm những mối liên hệ với một số tướng lĩnh, cán bộ… Tiếng là PA92 của Hà Nội làm án, nhưng kỳ thực mọi việc khám xét thu giữ đều do các cán bộ trên Bộ chỉ đạo. Hoạt động ”dí án” này trong ngành CA chỉ thấy ở các vụ án chính trị quan trọng, gần đây nhất là vụ bắt Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ. Tức, Bộ Công an (thậm chí có chỉ đạo cao hơn nữa) lên kế hoạch, chỉ đạo từng bước đánh án, chủ trì huy động phối hợp từ các cơ quan khác (Ngoại giao, Tuyên giáo, Tư pháp, báo chí …), rồi giao xuống cho Công an Hà Nội “hót” nốt công đoạn cuối nhằm làm giảm tai tiếng. Còn những cáo buộc mà CA đưa ra đối với anh Đào thì chẳng có gì là khẩn cấp cả. Có những việc diễn ra cách đây 2 năm rồi và anh Đào làm rất công khai.

Thời điểm bắt giữ anh Đào thì đặc biệt nhạy cảm. Trung Quốc từng giờ lấn tới, gia tăng xâm chiếm biển đảo của ta. Phản ứng của Việt Nam thì hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở… đưa ra tuyên bố từ bàn giấy. Tuần tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi gặp Tập Cận Bình (từ 19/6 – 21/6/2013) “nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước, định ra phương hướng lớn cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam”. Đây là chuyến đi TQ đầu tiên của đ/c Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước. Như vậy, thời điểm bắt anh Đào rất gần với chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc của đ/c Sang. Phái nào và động cơ gì đằng sau vụ bắt anh Đào thì chưa rõ.

Ngày giỗ nữa của chú Tạo đang đến rất gần nhưng anh Đào lại phải ra đi. Kỷ niệm trận chiến đấu ác liệt nhất bảo vệ biên giới phía Bắc năm nay, đồng đội của chú Tạo lại vắng đi người anh vẫn thường giữ lửa cuộc chiến này cho đất nước và các thế hệ mai sau.

Được biết, khi đối mặt các điều tra viên cao cấp của An ninh, cũng với khí tiết ngoan cường như chú Tạo lúc xung trận mở chốt đánh quân bành trướng bá quyền Trung Quốc năm xưa, anh Đào rất hiên ngang kiên cường bảo vệ quan điểm của mình.

Vụ bắt ông Phạm Viết Đào: Nguồn tin mới là vấn đề chính?


Như tin chúng tôi đã loan ở phần trên, blogger nổi tiếng Phạm Viết Đào đã bị bắt hôm qua 13/06/2013 vì tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam. Trước đó, một blogger tên tuổi khác làTrương Duy Nhất cũng đã bị bắt ngày 26/05 với tội danh tương tự.

Với việc bắt giữ nhà văn kiêm blogger Phạm Viết Đào, như vậy là đã có thêm một nhà văn nữa bị bắt trong vòng một năm. Người trước đây là nhà văn Phạm Chí Dũng, bị bắt vào tháng 7/2012 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.

Trả lời RFI Việt ngữ tối qua, ngay sau khi thông tin ông Phạm Viết Đào bị bắt được đăng tải, nhà văn kiêm nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi với chúng tôi về một số nhận định ban đầu.

RFI: Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Thưa anh, anh có nhận xét như thế nào về tin blogger Phạm Viết Đào bị bắt?

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Như vậy là trong vòng nửa tháng trời đã có hai vụ bắt giữ liên tiếp đối với giới blogger, liên quan tới cùng một điều 258, và cũng liên quan tới những vấn đề có những thông tin nội bộ trên blog. Nửa tháng trước, việc này xảy ra đối với trường hợp của blogger Trương Duy Nhất. Và đến bây giờ thì vụ bắt giữ mới nhất xảy ra đối với ông Phạm Viết Đào, một blogger và cũng đồng thời là một nhà văn.

Theo tôi thì hai vụ này có những điểm tương đồng nhất định, không chỉ về điều 258. Với blog của nhà văn Phạm Viết Đào, tôi để ý tới những thông tin nội bộ, đặc biệt được đưa lên blog này trong thời gian gần đây. Và có lẽ là tôi cũng giống như nhiều người khác, thường đặt câu hỏi là tại sao những blogger này lại có được những thông tin quá đặc biệt như vậy.

Một điểm tương tự nữa của vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất và ông Phạm Viết Đào là ngay sau khi có thông tin ông Phạm Viết Đào bị bắt, thì blog của ông cũng đã bị khóa. Tôi có thử mở, nhưng không được, trên mạng đòi hỏi phải có mật khẩu.

Có một chi tiết đáng chú ý nữa là việc bắt ông Phạm Viết Đào lại diễn ra ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, với kết quả là khá nhiều quan chức chính phủ bị tỉ lệ phiếu cao liên quan tới loại phiếu “tín nhiệm thấp”. Và đồng thời việc bắt giữ ông Phạm Viết Đào vẫn diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang gây áp lực nhân quyền liên tục với Nhà nước Việt Nam, liên quan tới hàng loạt nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt giữ, và cũng liên quan tới bầu không khí “tuyệt thực cùng Cù Huy Hà Vũ”.

RFI: Như vậy theo anh vấn đề chính là việc các blog này đưa ra những thông tin trong nội bộ mà ít người có được?

Có một chi tiết cũng nên tham khảo mà tôi muốn nêu ra – có lẽ chỉ để tham khảo thôi. Có một blog được dư luận gần đây khá quan tâm vì đưa ra những thông tin cũng không kém phần nội bộ - tên là “Tư Sang nham hiểm”. Trước đây vào ngày 04/05/2013 trên blog này có bài “Toàn bộ hệ thống bảo vệ pháp luật và chính quyền đã chết lâm sàng?”, và trong bài này có điểm về blogger Phạm Viết Đào, trong đó có một đoạn đánh giá về ông Phạm Viết Đào như thế này: “Tiết lộ bí mật Nhà nước bằng cách công bố các công văn mật, lan truyền các tin đồn sai sự thật, xuyên tạc tình hình nội bộ Đảng”.

Sau khi việc này xảy ra, thì tôi mới nhớ lại là trước đây blog Phạm Viết Đào cũng có đưa một số tin tức, phải nói là đọc khá thú vị, vì rất nội bộ. Rất may là tôi còn lưu lại được một đoạn của blog Phạm Viết Đào. Có một người nào đó tên là Hai Xe Ôm – chắc chắn là một bút danh – vào ngày 16/04/2013, tức là trước Hội nghị trung ương 7, có đưa một cái tin là “Tin cung đình lọt ra vỉa hè”, trong đó có những nội dung đáng chú ý như thế này:

Thứ nhất là các cấp thượng đỉnh đã có những thay đổi trong quan hệ Đông-Tây, nếu tinh ý quan sát những động thái gần đây trên báo chí về vấn đề hiến pháp, về chủ quyền biển đảo. Thứ hai là Hội nghị kiểm điểm BCT giữa nhiệm kỳ vẫn tiếp tục triển khai. Thứ ba là sắp tới sẽ bổ sung thêm 3 đồng chí vào BCT để đủ 17 vị đó là: NBT, NXL và NTKN.

Thứ tư là Hai Xe Ôm có đề nghị kiểm chứng một nguồn tin do một blogger cung cấp: Có hai vụ hối lộ lớn tại Tập đoàn dầu khí bị lập biên bản, một vụ 600.000 USD và 1 vụ 200.000 USD. Thông tin này đã bị dập đi: không khẳng định và cũng không phủ định, và yêu cầu Hai Xe Ôm không bắt đối tác trả lời, kiểm chứng thông tin này.

Nhưng có lẽ thông tin quan trọng nhất trong lời bình của Hai Xe Ôm trong blog Phạm Viết Đào, theo tôi là nội dung “Đã lấy phiếu tín nhiệm để giới thiệu nhân sự BCT nhiệm kỳ Đại hội XII tới. Theo nguồn tin này thì đồng chí 4S cao phiếu nhất, đồng chí X. thấp nhất”.

Tóm lại là những thông tin tôi muốn nêu về việc bắt giữ nhà văn và cũng là blogger Phạm Viết Đào đặt ra cho dư luận một số ẩn ý, hàm ý và những câu hỏi, cũng giống như đối với trường hợp bắt giữ blogger Trương Duy Nhất.

Vấn đề còn lại với tôi, và vẫn là câu hỏi thường trực trong tôi, là đối với những người như Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, thì cái gì là chính? Cái gì là chính liên quan tới vụ bắt giữ đối với họ? Phải chăng từ những blog này đã có những tin tức rất nội bộ, và nếu đúng đó là những tin nội bộ và những tin tối mật, thì nguồn tin ở đâu?

Nguồn tin có thể mới là vấn đề chính. Và nếu như dư luận có thể đánh giá được vấn đề nguồn tin từ đâu ra, thì dư luận cũng có thể dự báo được những động thái liên quan tới việc chỉ đạo bắt giữ những blogger này.

RFI: Giới blogger có xôn xao nhiều sau khi hai blogger có tiếng đều bị bắt?

Việc này chắc chắn là các blogger không những xôn xao mà còn xáo động. Chắc chắn là như vậy. Tôi có trao đổi với vài blogger, họ rất chú ý việc này, cũng như đã từng rất chú ý vụ Trương Duy Nhất. không thể nói là họ không có phần lo lắng.


RFI: Xin chân thành cám ơn nhà văn, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành thì giờ tham gia chương trình của RFI Việt ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét