Nhãn

28 tháng 6, 2013

809. Nông dân Huỳnh Kim Hải (Đồng Tháp): Quyết không để con làm ruộng

Ông Huỳnh Kim Hải (ảnh) gần 60 tuổi là kỹ sư cơ khí. Năm 1990, ông nghỉ việc nhà nước về thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp) ở trung tâm Đồng Tháp Mười, làm 8ha ruộng. Vợ chồng ông có 3 con, 2 gái 1 trai. Ông Hải chia sẻ:

Là nông dân, tôi thấm thía mình thuộc tầng lớp “thấp cổ bé họng”, thiệt thòi nhất trong xã hội. Chia đất cho con là chia cái khổ cho con, nên tôi cho con ăn học để tìm một nghề nào đó, quyết không để con làm ruộng.

Giá lúa hai năm giảm gần 30%

Vụ hè thu và cả đông xuân năm nay, làm lúa lời lỗ như thế nào, tính ra thu nhập mỗi người mỗi tháng bao nhiêu?

Vụ hè thu này tôi sạ 8ha, giống lúa OM6976, đã lấy tiền cọc để ngày 28/6 cắt, giá 4.250 đ/kg. Mấy người có lúa ở gần tôi đã cắt, năng suất khoảng 5,5 tấn/ha, như vậy vụ hè thu này may là hòa vốn. Vụ đông xuân, tôi cũng làm 8 ha, lúa OM4900 bán đúng ngày bắt đầu mua tạm trữ 16/3, giá 4.400 đ/kg, lời khoảng 1.000 đ/kg, với năng suất 6,6 tấn/ha, tổng cộng lời được 52,8 triệu đồng.

Như vậy, cả 2 vụ lúa năm 2013 này, tôi lời 52,8 triệu đồng. Gia đình tôi có 6 người, mẹ tôi, vợ chồng tôi, và 3 đứa con, tính ra một tháng mỗi người thu nhập chỉ có 733.000 đồng. Từ đây đến thu hoạch vụ lúa đông xuân năm tới, tôi phải đi vay ngân hàng mà ăn, mà làm và chắc chắn nợ lại chồng chất.

Hiện ông vay nợ lãi suất bao nhiêu?

Hiện tôi vay ngân hàng làm lúa vụ này 100 triệu đồng, lãi suất một tháng 1%. Nông dân ai cũng phải vay ngân hàng cả, nên bán lúa xong trả nợ tiền vay là sạch trơn lại phải vay tiếp, số tiền vay mỗi năm mỗi tăng.

Làm lúa những năm gần đây thu nhập tăng lên hay giảm xuống?

Từ năm 2008 đến nay, thu nhập của nông dân càng ngày càng giảm, do thiệt hại kép: Giá lúa giảm, trong khi các mặt hàng thiết yếu là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao. Như giá lúa năm 2011 là 6.000 đ/kg, năm 2012 giảm xuống 5.400đ/kg, đến vụ hè thu này chỉ còn 4.250 đồng/kg, trong hai năm giảm gần 30%.

Theo ông, cần làm gì để nông dân có thể tăng thu nhập?

Cần tăng thu giảm chi cho nông dân. Làm lúa thì năng suất đã gần đụng trần, nên phải xuất khẩu gạo giá cao để mua lúa cho nông dân giá cao. Còn giảm chi trước hết với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hiện nông dân phải mua giá rất cao so với giá nhập khẩu. Chính phủ cần quản lý hai mặt hàng này như những mặt hàng kinh doanh có điều kiện để hạ giá và đảm bảo chất lượng. Lúa gạo của nông dân đang ế nên những vùng độc canh 3 vụ lúa nên chuyển sang 2 lúa 1 màu hoặc 2 màu 1 lúa.

Tiêu thụ chụp giật kiểu buôn chuyến

Việc tiêu thụ lúa hiện nay, ông thấy thế nào?

Hiện nay, Nhà nước giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) độc quyền ấn định giá lúa gạo của nông dân, đây chính là sự bất ổn. VFA có mục đích thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt, lợi nhuận của họ lại chia từ lợi nhuận của nông dân nên thường chiếm hết phần của nông dân. Nông dân ngày càng khổ mà lương của quan chức VFA vẫn rất cao.

Hơn nữa, khi được độc quyền ăn chênh lệch đầu tấn, VFA chẳng cần quan tâm đến giá xuất khẩu, không đầu tư kho bãi, vì xuất khẩu rẻ họ sẽ mua lúa của nông dân rẻ. Do đó, VFA không xây dựng thương hiệu, gạo Việt Nam giống như gạo chất lượng thấp trên thị trường, giá thấp nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Chính sách mua lúa tạm trữ có giúp được nông dân không?

Tôi thấy chẳng giúp gì được, bằng chứng là giá lúa mỗi năm mỗi giảm, và giá bán gạo xuất khẩu cũng mỗi năm mỗi giảm. VFA căn cứ theo giá thị trường thường chờ giá hạ cho đến tận đáy mới bắt đầu mua tạm trữ.

Vậy theo ông, tiêu thụ lúa nên như thế nào?

Căn cứ vào Luật Cạnh tranh, lúa gạo do Nhà nước độc quyền thì giá lúa gạo phải do Nhà nước định ra để bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Làm như Chính phủ Thái Lan, ấn định giá mua lúa trước mỗi vụ và từ giá mua này qui ra giá bán gạo xuất khẩu. Để được vậy thì phải có chiến lược hợp lý, có đủ kho trữ, xây dựng thương hiệu và cả hợp tác với Thái Lan lập liên minh xuất khẩu gạo, chứ không bán kiểu chụp giựt buôn chuyến như VFA đang làm.

Sẽ bán đất hoặc cho thuê

Ông có tham gia cánh đồng mẫu lớn không, hoặc làm lúa chất lượng cao, làm theo tiêu chuẩn Viet GAP?

Tôi không tham gia cánh đồng mẫu lớn, vì tôi không đồng ý với việc doanh nghiệp bắt nông dân phải mua giống xác nhận giá cao. Nhưng tôi cũng thấy, vài người gần tôi tham gia cánh đồng mẫu lớn có lợi hơn bán lúa cho VFA. Thí dụ, vụ đông xuân vừa rồi, VFA để cho giá lúa từ 5.400 đ/kg hạ xuống còn 4.400 đ/kg mới mua tạm trữ, còn doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn vẫn mua lúa của nông dân giá 4.600 - 4.800 đ/kg. Do cách mua lúa của VFA quá tệ, nên vụ đông xuân năm tới, nếu doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn đừng bắt tôi mua giống xác nhận của họ thì tôi sẽ đăng ký làm cánh đồng mẫu lớn.


“Nông dân ta rất giỏi, các quy trình kỹ thuật gì cũng làm được hết, cái chính là có lợi hay không. Sản xuất lúa chất lượng cao, Viet GAP nếu có lợi thì nông dân sẽ làm, nên quan trọng là chính sách phát triển nông nghiệp cần để nông dân được thụ hưởng. Lâu nay, hô hào khuyến nông làm cho đã rồi không bán được nông sản thì cười trừ”.  
Ông Nguyễn Văn Hiển PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang









Hiện nay, tôi không làm lúa chất lượng cao cũng không theo Viet GAP, vì giá lúa chất lượng cao và giá lúa theo Viet GAP rất bấp bênh, không cho thu nhập cao hơn làm lúa chất lượng bình thường.

Ông có nói việc chuyển lúa sang trồng màu, ông đã trồng màu chưa?

Chưa, vì một số bà con xung quanh trồng không có lời. Trồng màu để có thu nhập cao hơn trồng lúa thì phải hạ giá thành. Muốn thế, phải trồng diện tích rộng vài trăm ngàn héc-ta để cơ giới hóa từ xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch và phải có chính sách khuyến khích của Nhà nước mới tạo ra được.

Trở lại chia sẻ ban đầu của ông là quyết không để con làm ruộng, vậy sau này với 8 ha ruộng, ông sẽ làm gì?

Nếu con cần vốn làm ăn thì tôi sẽ bán ruộng cho con chút vốn liếng. Còn bản thân tôi lỡ làm ruộng rồi, sẽ làm đến khi không nổi thì đem ruộng cho mướn.


SÁU NGHỆ thực hiện

808. Loại bỏ quảng cáo khỏi Hotspot Shield, tested 28/6/2013

Đôi khi gặp các trang web bị chặn, dùng Hotspot Shield vẫn nhanh nhất và an toàn nhất. Nhưng bản miễn phí Hotspot Shield đầy quảng cáo rất khó chịu. Bản không quảng cáo là bản có phí Hotspot Shield Elite thì cực khó tìm crack, hoặc tìm được bản crack (chỉ có các bản cũ) thì chỉ dùng 1 lúc là bị quay về bản miễn phí có quảng cáo.

Ức chế, mày mò mãi, mình đã tìm ra cách dùng bản Hotspot Shield mới nhất mà không có quảng cáo (thời điểm này là v3.09), chạy nhanh, ổn định...


Chia sẻ cho các bạn cần, download ở ĐÂY -- good luck!

27 tháng 6, 2013

807. TÌNH BÁO MỸ VÀ BÀI HỌC EDWARD SNOWDEN


Một hành động “bán đứng” quốc gia tương tự Edward Snowden chắc chắn luôn được xếp vào tội phản quốc tại bất cứ quốc gia nào chứ không riêng nước “nạn nhân” là Mỹ. Trong khi tiến trình dẫn độ và truy tố nhằm vào Snowden đang được thực hiện, Quốc hội Mỹ cũng bắt đầu xem xét lại hoạt động giao thầu dịch vụ tình báo cho tư nhân mà giới tình báo Mỹ đã chủ quan thực hiện và mở rộng từ sau vụ khủng bố 11-9-2001.

Một “cộng đồng trong bóng tối”

Theo NBC News (15-6-2013), dẫn lại từ một báo cáo của Phòng giám đốc tình báo quốc gia (DNI), tính đến năm 2012, có đến 483.236 nhà thầu tư tại Mỹ được cấp phép an ninh tối mật, so với 791.200 viên chức nhà nước. Tại các trụ sở NSA (Cơ quan an ninh quốc gia) và CIA (Cục tình báo trung ương), người ta thấy nhan nhản nhân viên mang thẻ xanh (tư nhân) làm việc chung với nhân viên chính phủ. Tháng 3-2007, theo Policymic.com (15-6-2013), lần đầu tiên Chính phủ tiết lộ rằng có đến 70% chi tiêu của các cơ quan tình báo là dành cho những hợp đồng tư nhân. Năm 2010, Washington Post cũng cho biết, có đến 1.931 công ty tư được Chính phủ thuê làm các dịch vụ liên quan “chống khủng bố, nội an và tình báo tại khoảng 10.000 địa điểm khắp nước Mỹ”. Năm 2005, giá trị những hợp đồng như vậy là 43 tỉ USD, hơn gấp đôi năm 1995…

Trong thực tế, cộng đồng tình báo Mỹ từng sử dụng nhân viên hợp đồng từ nhiều thập niên trước. Các tập đoàn lớn như Lockheed Martin từng tranh thầu các dự án chế tạo vệ tinh và máy bay do thám. Bây giờ, hai phần ba nhân viên “thời vụ” làm cho Trung tâm phòng chống khủng bố quốc gia Hoa Kỳ là kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên viên quản lý mạng... Tốc độ phát triển trong việc thuê nhân viên hợp đồng của CIA, NSA, FBI… trong những năm gần đây liên tục tăng. Trong khi phải mất hàng năm để đào tạo một điệp viên thực thụ để có thể làm việc độc lập và phát huy khả năng cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ nhạy cảm ở điểm nóng nào đó, CIA bây giờ chỉ cần hợp tác với công ty tư. Một cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho biết CIA thuê nhân viên hợp đồng để thực hiện nhiều loại công việc. Dù còn nhiều rào cản không cho phép nhân viên hợp đồng giữ vị trí quan trọng trong CIA nhưng giới chức CIA cho biết trên thực tế vẫn có nhiều nhân viên hợp đồng làm trưởng văn phòng CIA tại một số nước và thường xuyên dự các cuộc họp kín với giới chức chủ chốt CIA. Một cựu nhân viên CIA từng phục vụ tại Iraq cho biết ở Baghdad, nhà thầu hợp đồng “làm mọi việc, đặc biệt trong các chiến dịch mật”. Họ giúp tuyển người làm nội gián hoặc bán thông tin rồi tạo cầu nối với quân báo Mỹ; hoặc thậm chí điều hành điệp viên để hỗ trợ các đơn vị tác chiến...

Thử xem trường hợp Abraxas Corp - được thành lập bởi một nhóm cựu nhân viên tình báo cấp cao, đứng đầu là Richard “Hollis” Helms (từng làm việc lâu năm ở Trung Đông, nguyên chánh văn phòng CIA châu Âu) và Richard Calder (nguyên phó giám đốc CIA đặc trách quản trị hành chính). Năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn phát thanh, Calder cho biết công ty được thành lập chỉ một thời gian ngắn sau sự kiện 11-9 bởi một nhóm nhân viên tình báo nghỉ hưu, những người cảm thấy “bị lãng quên khi CIA không kêu gọi sự giúp đỡ của họ”. Văn phòng công ty đặt tại McLean (Virginia), cách trụ sở CIA vài kilomet. Một cựu nhân viên CIA giấu tên và quen biết với công ty cho biết: “Sau sự kiện 11-9, họ (công ty) săn lùng tất cả cựu nhân viên tình báo biết tiếng Arab và bắt đầu móc nối hợp đồng với CIA. Đó là cách mà Abraxas được thành lập”. Abraxas cũng được giao nhiều sứ mạng đặc biệt, trong đó có chiến dịch tuyển dụng và lập mạng điệp viên cho chương trình vỏ bọc không chính thức (nonofficial cover program – NOC). Chương trình NOC là một trong những hoạt động nhạy cảm và được bảo vệ kỹ nhất của CIA. Abraxas đóng vai trò chủ lực trong chương trình thiết lập mạng NOC, dưới sự điều hành của Fred Turco (nguyên chỉ huy trưởng các chiến dịch hải ngoại và đơn vị mật CIA)...

Dù không công khai về tài chính nhưng năm 2005, Abraxas được hãng kế toán Deloitte & Touche đánh giá là một trong những công ty non trẻ phát triển nhanh nhất nước Mỹ, với doanh thu tăng khoảng 714% trong ba năm. Năm 2005, hãng kế toán Ernst & Young cũng trao danh hiệu “Doanh nhân trong năm” của khu vực Washington DC cho Richard “Hollis” Helms. Cần nhắc lại, Richard Helms – làm việc trong bộ phận chống khủng bố của CIA trong 30 năm – bắt đầu lập Abraxas chỉ với 5.000 USD. Bốn năm sau vụ khủng bố 11-9, Abraxas có 225 nhân viên. Năm 2010, Abraxas được bán lại với giá 124 triệu USD (cho Cubic Corporation)!

Tuy nhiên, Abraxas vẫn còn thua xa Booz Allen, nơi có bề dày làm “chân ngoài” cho Chính phủ Mỹ từ thập niên 1940 và cũng là nơi đã sử dụng kẻ bội phản Edward Snowden. Theo BusinessWeek (20-6-2013), năm 1940, một năm trước khi xảy ra trận Trân châu cảng, Hải quân Mỹ bắt đầu sử dụng nguồn bên ngoài để do thám Hải quân Đức. Hãng tư vấn “Booz, Fry, Allen & Hamilton” là nơi được chọn. Booz đã chế tạo được hệ thống cảm ứng đặc biệt có thể theo dõi sóng radio liên lạc của tàu ngầm Đức. Suốt từ đó, trải qua giai đoạn Chiến tranh lạnh đến “kỷ nguyên” chống khủng bố, Booz Allen luôn là đối tác tin cậy và truyền thống của tình báo Mỹ. Trong năm tài khóa kết thúc tháng 3-2013, Booz Allen cho biết doanh thu của họ đạt 5,76 tỉ USD với 99% trong số đó là từ các hợp đồng với Chính phủ, lãi ròng 219 triệu USD. Và ¼ trong doanh thu, tức 1,3 tỉ USD, là nhờ những hợp đồng với các cơ quan tình báo. Quan hệ giữa Booz Allen với Washington còn được xây dựng từ những gắn kết cá nhân. Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ, James Clapper (cố vấn tình báo hàng đầu của Tổng thống Obama), là cựu giám đốc điều hành Booz Allen. Trong khi đó, phó chủ tịch công ty, Mike McConnell, chính là giám đốc tình báo quốc gia thời George W. Bush (và trước đó ngồi ghế giám đốc NSA). Trong 25.000 nhân viên Booz Allen, 76% là có giấy phép an ninh mật và gần ½ có giấy phép an ninh tối mật. Cách nói của Joan Dempsey (cựu phó giám đốc CIA) vào năm 2003 rằng, Booz Allen là “cộng đồng tình báo trong bóng tối” là một miêu tả hoàn toàn chính xác. Thời điểm hiện tại, Dempsey cũng đang làm việc cho Booz Allen…

Lợi bất cập hại

Về cơ bản, việc thuê mướn người ngoài được Chính phủ ủng hộ bởi nó giúp giảm chi phí. Trong nhiều trường hợp, một công tác đơn lẻ ngắn hạn chỉ cần thuê người ngoài. Chính phủ không phải bận tâm tổ chức các chương trình đào tạo tốn kém rồi nuôi lương dài hạn một khi điệp vụ nào đó khép lại hồ sơ. Quan trọng hơn, nhiều “điệp viên tư”, vốn xuất thân từ cộng đồng tình báo, với bề dày kinh nghiệm lão luyện, tỏ ra rất chuyên nghiệp khi được giao việc “thời vụ”. Kỹ năng của họ hiếm khi bị “khách hàng” chê phiền. Và bởi bị áp lực cạnh tranh nên các công ty tư không chỉ luôn đáp ứng yêu cầu với mức độ mang lại thỏa mãn cao nhất có thể mà còn đầu tư rất mạnh vào thiết bị-kỹ thuật. Một số “đồ chơi” chuyên dụng của họ có thể khiến điệp viên CIA nhà nghề cũng phải thèm thuồng. Năm 2008, một báo cáo DNI cho biết có đến 56% nhà thầu tình báo có trình độ chuyên nghiệp hoàn hảo đến mức vài bộ phận tình báo chính phủ không thể so bằng!

Tuy nhiên, trong vài trường hợp, yếu tố chi phí lại trở thành vấn đề gây tranh cãi. Tai tiếng nhất là chương trình Trailblazer của NSA. Được thiết kế như một chương trình có thể lọc và phân tích các cuộc điện thoại lẫn lưu lượng truy cập Internet mà NSA thu thập mỗi giờ, Trailblazer thoạt đầu dự tính tốn 280 triệu USD với thời gian hoàn thành 26 tháng. Booz Allen là một trong 5 nhà thầu tham gia Trailblazer. “Với Trailblazer, NSA đang nắm bắt những gì tinh túy nhất của kỹ thuật…” – phó chủ tịch Marty Hill (Booz Allen) nói trong một thông cáo báo chí năm 2002. Bốn năm sau, Trailblazer đóng cửa, khi nó không đáp ứng các mục tiêu NSA đưa ra và chi phí đầu tư bắt đầu vọt đến hàng tỉ đôla! Một ví dụ nữa (dẫn lại từ BusinessWeek): một dự án mà Bộ nội an “đặt hàng” cho Booz Allen đã vượt ngân sách qui định từ 2 triệu USD lên 124 triệu USD!

Ngoài ra, còn phải kể đến nghịch lý về nguồn nhân lực. Cộng đồng tình báo Mỹ không chỉ không thể “bảo tồn” được nguồn vốn con người mà còn bị thất thoát. Sự bùng nổ và tăng nhanh hoạt động tình báo tư nhân đã làm nảy sinh hiện tượng chảy máu chất xám, khi nhân viên chính thức CIA bị cám dỗ gia nhập công ty tư nhân, nơi mức lương tăng 50% hoặc nhiều hơn. Ở CIA, việc “săn trộm” nhân viên từng là vấn đề nghiêm trọng đến mức cựu giám đốc CIA Porter J. Goss có lần khuyến cáo công ty tư nhân ngưng tuyển dụng nhân viên CIA chính thức (mà chỉ được phép tuyển dụng cựu nhân viên). Một viên chức nghỉ hưu tiết lộ rằng mình từng được các công ty bên ngoài đặt vấn đề “đi hay ở” đến hai lần khi còn đương nhiệm. Một nhân viên, từng được cắm ở Iraq và khu vực Trung Đông, kể thêm: “Họ (công ty tư) săn tôi như cá mập, với liên tục lời mời gửi qua e-mail hoặc thậm chí gọi điện trực tiếp đến nhà”. Mức lương của các công ty tình báo tư hấp dẫn đến mức khó khước từ. Theo báo cáo DNI (dẫn từ BusinessWeek), một nhân viên công ty tình báo tư có thể được trả đến 207.000 USD/năm (nhỉnh hơn ½ lương tổng thống Mỹ), so với lương nhà nước 125.000 USD (với Edward Snowden, đương sự được trả 122.000 USD dù chỉ mới vào Booz Allen làm chưa đầy ba tháng).

Dù thế nào, với nước Mỹ, chuyện tiền nong (liên quan ngân sách bị đội lên do thuê người ngoài) có thể không thành vấn đề. Điều quan trọng nhất là tính bảo mật của thông tin và yếu tố tin cậy của con người. CIA cho biết nhân viên hợp đồng phải trải qua các cuộc kiểm tra gắt gao về lý lịch hệt như nhân viên chính thức. Tuy nhiên, một số công việc kiểm tra lý lịch lại được thuê công ty bên ngoài làm! Điển hình là vụ David A. Passaro. Được thuê làm nhân viên hợp đồng cho CIA dù từng tai tiếng bởi hành vi bạo lực và từng bị sa thải khỏi cảnh sát Connecticut, tháng 8-2006, Passaro đã bị xử 8 năm 4 tháng tù sau khi phạm tội đánh chết tù nhân tại Afghanistan năm 2003. Trong một vụ khác, cựu viên chức cấp cao Kyle Dustin “Dusty” Foggo (người được giao nhiệm vụ xây dựng các trại tù bí mật cho CIA) đã dính dáng vụ nhận hối lộ để ký hợp đồng thuê làm bên ngoài cho một bạn thân mà nhân vật này lại dính vào vụ tham nhũng của cựu dân biểu Cộng hòa Randy “Duke” Cunningham. Và bây giờ là vụ Edward Snowden. “Tôi hoàn toàn kinh ngạc khi biết chuyện một cá nhân thậm chí chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông, chưa phục vụ quân ngũ đầy đủ, mới 29 tuổi, lại có thể tiếp cận một số thông tin thuộc loại tuyệt mật của Chính phủ chúng ta” – thượng nghị sĩ Susan Collins nói hôm 11-6…

Kể từ vụ viên chức cấp cao FBI Robert Hanssen đánh cắp tài liệu bán cho Liên Xô trong suốt 22 năm cho đến khi bị lộ năm 2001 thì vụ Snowden là cú đòn đau nhất đối với tình báo Mỹ. Hậu quả lẫn cái giá phải trả của nó, ở thời điểm này, còn chưa lượng định được. Nó không chỉ cho thấy sự bất cẩn trong dùng người của Booz Allen mà còn là sự bất cẩn, có phần chủ quan, của cả một hệ thống tình báo Hoa Kỳ!

23 tháng 6, 2013

806. Trung cộng ép Việt Nam cho đào dầu trên Vịnh Bắc Bộ

Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam đã đồng ý để cho Trung Cộng được quyền tìm kiếm dầu chung giữa hai nước bên trong phần biển của Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ, theo nguyên tắc “hợp tác cùng phát triển” mà hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng Hồ Cẩm Đào đã ký tại Bắc Kinh ngày 11/10/2011.


Việc này xẩy ra ngay sau khi Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh họp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình vào chiều ngày 19/6 (2013).

Cùng đi với ông Sang thăm Trung Cộng 3 ngày theo lời mời của ông Tập Cận Bình còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Thứ trường Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và một số viên chức khác.

Theo thỏa hiệp mới được phía Việt Nam gọi là “gia hạn” và “sửa đổi” lần thứ 4 hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation, CNOOC), thì diện tích tìm kiếm chung sẽ mở rộng từ 1541 cây số vuông lên thành 4076 cây số vuông. Và hiệu lực của Thỏa thuận Thăm dò Chung có hiệu lực đến hết năm 2016.

Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã giải thích về nguồn gốc của thỏa thuận giữa hai nước như thế này: “Theo Quy định tại Điều 7 của Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc về Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 20/6/2004), nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua Đường Phân định, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung.

Từ năm 2005, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết và thực hiện Thỏa thuận Khung về hợp tác dầu khí trong Khu vực Thỏa thuận Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở kết quả thực hiện Thỏa thuận Khung, Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam - Trung Quốc trong Khu vực xác định Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Petrovietnam và CNOOC ngày 6/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 2/1/2007, sau khi được Chính phủ hai nước phê chuẩn”
.

Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ năm 2000, cũng như “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Tổng bí thư đảng Lê Khả Phiêu ký với Trung Cộng ngày 30/12/1999 đã không được đem ra thảo luận tại Quốc hội trước khi ông Phiêu đặt bút ký nên toàn dân, cho đến bây giờ (2013), vẫn chưa được biết tường tận về những điểm lợi và hại của hai văn kiện quan trọng này.

Quốc hội của Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng đã nhắm mắt phê chuẩn Hiệp định này vào năm 2004 mà không có bất cứ cuộc điều tra hay nghe điều trần của Chính phủ nên cũng mập mờ như dân!

Do đó, sau khi có loan báo từ Bắc Kinh nói rằng hai phía Việt - Trung đã thỏa thuận “gia hạn”“sửa đổi” hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí của hai nước trên Vịnh Bắc Bộ thì mọi người mới biết rằng Việt Nam đã chịu để cho Trung Cộng được quyền cùng khai thác dầu khí bên trong phần biển thuộc về Việt Nam, dù khu vực khai thác chung nằm trên đường ranh giới phân định giữa hai nước!

TA THẮNG TO

Hãy nghe tiếp lời giải thích thêm của ông Đỗ Văn Hậu: “Thỏa thuận hợp tác giữa PVN và CNOOC được ký lần đầu từ năm 2006 phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ. Thỏa thuận này đã được gia hạn 3 lần và lần này là lần thứ 4 với thời hạn đến năm 2016.

Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau về một vùng biển nằm trên Vịnh Bắc Bộ, nằm trên đường phân định hai quốc gia; cùng thăm dò và cùng khai thác khi phát hiện có dầu khí. Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên Vịnh Bắc Bộ lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006.

Khu vực này được chia đều qua đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ, một nửa nằm phía Việt Nam và một nửa nằm bên phía Trung Quốc. Trên khu vực này, hai Tổng công ty của hai Nhà nước sẽ cùng nhau tiến hành thăm dò, nhằm phát hiện các cấu tạo địa chất có chứa dầu khí. Khi phát hiện có dầu khí thì 2 bên sẽ tiếp tục bàn thảo, để cùng nhau hợp tác khai thác”
. (Thống tấn xã Việt Nam, TTXVN, 20-6-2013)

Trả lời câu hỏi “Liệu có vấn đề gì nhạy cảm trong thỏa thuận này không ?”, Ông Đỗ Văn Hậu đáp:

“Đây là thỏa thuận hợp tác về một khu vực nằm trong Vịnh Bắc Bộ, là nơi mà mọi người đều biết, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định đường biên giới trên biển. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác này không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí”.

Vẫn theo TTXVN thì ông Hậu còn lý giải về sự khác biệt giữa “chủ quyền riêng của Việt Nam” và “chủ quyền chung Việt-Trung” như sau:

“Thỏa thuận này có khác. Trước đây ta ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển. Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba”.

Ngoài ra Ông Đỗ Văn Hậu, qua cơ quan Thống tấn của nhà nước, còn muốn biện bạch: “Ý nghĩa quan trọng nhất là sự tăng cường hợp tác giữa PVN và CNOOC. Qua đó sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nhà nước nói chung. Thực ra, trong nhiều năm qua, hai công ty đã có sự hợp tác với nhau. Những gì liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia thì hai bên đều tôn trọng, đề cao trong quá trình hợp tác này. Nếu có ai đó không tôn trọng chủ quyền của nhau thì chúng tôi sẽ phản đối”.

Nghe những lời trình bầy nghe rất bùi tai như “danh chính ngôn thuận” của ông Đỗ Văn Hậu về sự “hợp tác cùng có lợi” giữa Việt Nam và Trung Cộng thì có vẻ như Việt Nam chẳng bị thiệt thòi gì.

Nhưng nếu nghiên cứu cho thật kỹ thì thấy rằng cho đến nay, ngoài lập luận một chiều và bảo thủ của phía Việt Nam thì chưa một chuyên gia nào về chủ quyền lãnh hải Vịnh Bắc Bộ có thể khẳng định rằng Hiệp định vịnh Bắc Bộ năm 2000 là công bằng, mặc dù văn kiện ký kết ngày 25/12/2000 giữa Việt Nam và Trung Cộng đã dành cho Việt Nam được 53.23% và Trung Quốc được 46.77% diện tích Vịnh.

Theo báo Nhân Dân ngày 02/07/2004 thì diện tích vịnh Bắc Bộ có khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông) chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý).

Vì chưa có bất cứ cuộc điều tra quốc tế chuyên nghiệp nào về Hiệp ước vịnh Bắc Bộ năm 2000 nên hoài nghi Việt Nam bị thiệt càng được nhiều người đồng ý vì Trung Cộng không chấp nhận yêu sách của Việt Nam muốn thương thuyết dựa trên Công ước Pháp-Thanh 1887, vì Bắc Kinh sợ Việt Nam sẽ được lợi hơn.

Có một điểm rất rõ là Trung Cộng đã đòi và được là chia Vịnh làm 2, lấy biên giới từ “điểm nhô ra” của đảo Hải Nam đến bờ biển của Việt Nam làm chuẩn đo để chia đôi. Vì vậy các chuyên gia của Quỹ nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam khi phân tích đường trung tuyến trong vịnh, đã kết luận sau khi họ “vẽ các đường tròn có tâm là 21 điểm phân định thì bên Việt Nam bị lấn từ 3 cho đến 27 hải lý ở khu vực các đảo Vĩnh Thực, đảo Trần, đảo Thanh Lam, đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh, đảo Bạch Long Vĩ thuộc Hải Phòng, vùng cửa Ba Lạt, bờ biển Ninh Bình và khu vực nam Hà Tĩnh đối chiếu với bờ tây và bờ nam đảo Hải Nam của Trung Quốc”. (Tài liệu Bách khoa Toàn thư mở)

Do đó, khi vùng khai thác dầu khí chung hai nước Việt-Trung được ấn định nằm ngay trên đường ranh giới phân chia hai vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ, như đã công bố tại Bắc Kinh hôm 19/6/2013, thì rõ ràng Trung Cộng đã dành được quyền khai thác bên trong phần biển của Việt Nam.

Ngoài Thỏa hiệp mới về hợp tác tìm đầu trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên còn ký kết 9 Thỏa hiệp khác, nhưng quan trọng là hai bên đã đồng ý:

- Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

- Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng.

- Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Chi tiết về đường giây nóng không được tiết lộ, nhưng việc này có liên hệ đến công tác cứu hộ trên biển và ngăn chặn những tai nạn xẩy đến cho ngư dân Việt Nam như họ đã từng bị lính Trung Cộng bắn giết, xua đuổi và ngăn cấm đánh cá trên Biển Đông.

Tuy nhiên Trung Cộng vẫn chưa trả lời đề nghị của Việt Nam muốn quân đội hai nước ký Thỏa hiệp không nổ súng trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng Thường Vạn Toàn nói rằng hiện giữa hai nước đã có rất nhiều cam kết, nhiều bản tuyên bố chung về việc không sử dụng vũ lực trong xử lý các tranh chấp ở Biển Đông nên đề nghị mới của Việt Nam cần được nghiên cứu.

Họ Thường nói với Thượng tướng Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh rằng “hai quân đội trước mắt tuyệt đối tuân thủ những cam kết này”, nhưng trong những tháng qua Hải quân Trung Cộng đã không ngừng bắn phá và làm bị thương nhiều ngư dân Việt Nam khi họ đánh bắt ở Hoàng Sa cà Trường Sa.

Nhiều thuyến đánh cá khác của Việt Nam cũng đã bị tầu không mang số của Trung Cộng đâm chìm làm một số ngư dân Việt Nanm thiệt mạng.

Đó là bằng chứng hiển nhiên những vụ việc Trung Cộng đã nói một đàng làm một nẻo kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền ở Trung Cộng từ tháng 11/2012.

Hãy chờ xem họ Tập có giữ lời hưá với ông Trương Tấn Sang hay sau khi đã đạt được thỏa hiệp “cùng khai thác” dầu khí ở Vịnh Bắc Bộ thì Bắc Kinh lại đòi “hợp tác cùng phát triển” ở các vùng biển khác của Việt Nam?

CÓ NHƯỢNG BỘ KHÔNG?

Về lĩnh vực kinh tế thì ông Sang cũng không nhận được cam kết gì từ hai ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường, mặc dù ông Sang đã chính thức đề nghị Trung Cộng “tăng cường đầu tư và giảm nhập siêu với Việt Nam”.

Theo tài liệu của phía Việt Nam thì riêng trong năm 2012 “tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD" (nhập siêu: chênh lệch 15.8 Tỷ dolars).

Riêng 4 tháng đầu năm 2013, thương mại hai nước “đạt hơn 14,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 3,9 tỷ USD, nhập hơn 10,4 tỷ USD" (nhập siêu 6.5 Tỷ dollars từ Trung Cộng)

Phía Việt Nam cũng cho biết “Quan hệ hợp tác đầu tư có bước phát triển mới, tính đến hết tháng 3/2013, Trung Quốc có 899 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký hơn 4,7 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 13/94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam”.

Trong khi đó đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc có hay không, không được được báo cáo.

Cơ quan Thông Tấn Xã của Việt Nam còn viết: “Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỷ USD ưu đãi, tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất… Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại". (Nguyễn Hồng Diệp, Thông Tấn Xã Việt Nam, 17-06-013)

Riêng trong chuyến đi của ông Trương Tấn Sang, Việt Nam cũng đã nhận được từ phía Trung Cộng “khoản tín dụng ưu đãi (cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt) trị giá 320 triệu Nhân dân tệ” và “vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi cho Dự án Nhà máy Đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu đôla Mỹ”.

Như vậy, sự lệ thuộc và nhượng bộ không thể tránh khỏi của Việt Nam với Trung Cộng là điều đã được chứng minh trong chuyến đi của phái đoàn Trương Tấn Sang.

Cho nên bất cứ lời giải thích nào của phía Việt Nam nói rằng chủ quyền của mình đã không bị Trung Cộng xâm hại trong Thỏa thuận giữa hai Công ty dầu khí của hai nước về việc “thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong vịnh Bắc Bộ” là không đứng vững. -/-

(06/013)

21 tháng 6, 2013

805. Ngô Minh: NHÀ BÁO “THAM NHŨNG” NHƯ THẾ NÀO?


Nhà thơ Ngô Minh -- ko rõ có phải bác này viết bài này ko nữa, bận quá chưa có thời gian tìm :-)

Người ta gọi “báo chí là quyền lực thứ tư” trong xã hội sau lập pháp, tư pháp và hành pháp. Vì là quyền lực nên bao giờ cũng có sự lạm quyền. Lâu nay ta chỉ nói đến lãnh đạo có chức có quyền tham những. Vậy nhà báo có tham những không? Có! Một số nhà báo và cơ quan báo chí đang tham nhũng rất tinh vi. Báo mà đăng bài để “chạy án” cho Năm Cam cách đây mấy năm là báo hại đích thị rồi. Mới đây, Hà Phan (Phan Hà Bình) phó tổng thư ký tòa soạn của một tờ báo lớn bị bắt khi nhận hối lộ 220 triệu đồng (11.000 đô la) để không viết bài tố các thương gia. Đó là những chuyện tham nhũng, hối lộ cụ thể. Từ nhiều năm qua báo chí ta cũng có không “mẹo làm tiền” các doanh nghiệp không kém những vụ việc trên. Không ít tờ báo đang trở thành báo hại. Hại đến mức hễ nghe nhà báo tới là giám đốc “sợ” tái mặt, phải tìm cách “chạy trốn”, nhưng lại ít người nói tới.

Tòa soạn báo thành…cơ quan đánh quả!

Từ ngày đổi mới đến nay, báo chí đã thực sự trở thành “món ăn” không thể thiếu đối với người dân hàng ngày. Báo chí đang tham gia tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, mở cửa, chống tiêu cực, tham nhũng. Nhiều tờ báo do hấp dẫn người đọc, ti-ra phát hành lớn, nên người ta sống chủ yếu bằng lợi nhuận báo. Những tờ báo đó, hàng các doanh nghiệp hàng ngày tìm đến xin đăng quảng cáo rất đông. Nhưng cũng có rất nhiều tờ báo phát chỉ phát hành được vài ngàn bản một kỳ. Tiền bán báo không đủ bù tiền in, tiền nhuận bút, nên cả tòa soạn sống chủ yếu bằng “nghề chạy quảng cáo” ở các DNNN, thậm chí “chạy” quảng cáo tận các trường tiểu học, trạm xá, bệnh viện... thậm chí Trại phục hồi nhân phẩm cũng phải “mần” quảng cáo! Nhiều tờ báo ở Hà Nội, vào Đà Nẵng lập ra một “Đại diện Miền Trung” hẳn hoi, nhưng tòa soạn không trả lương, mà anh em phải đi chạy quảng cáo để nuôi nhau!
Cứ đến kỳ Tết Nguyên Đán, ngày 30-4, ngày nhà báo Việt Nam 21-6, ngày Quốc Khánh 2-9.v.v... cả tòa soạn không viết báo mà đổ xô đi … làm quảng cáo! Làm quảng cáo mà có thư của thứ trưởng, vụ trưởng mang theo. Có báo một cái Tết “đọc lệnh” được vài ba tỷ đồng tiền qủang cáo! Giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải tiếp mỗi ngày hàng mấy chục “nhà báo quảng cáo” như vậy nên phát sợ. Nhiều nhà báo nhờ đi “đọc lệnh” quảng cáo mà có tiền xây nhà lầu, mua xe hơi xịn. Chứ nếu sống bằng nhuận bút thì không bao giờ có những thứ như vậy. Một nhà báo viết nhiều, in nhiều như bác Nguyễn Xuyến ở cạnh nhà tôi, mỗi tháng măng-đa nhuận bút về 7, 8 triệu đồng, cũng không đủ tiền mua xe hơi xịn như vậy. Các nhà báo hãy sờ tay lên gáy mình mà ngẫm nghĩ để sống cho ra con người.

Dù DN không có nhu cầu quảng cáo, nhưng phải bấm bụng mà làm, vì không làm “lỡ có sai sót gì” trong kinh doanh, “nhà báo nói thêm” một thành mười thi nguy to! Một cái quảng cáo nửa trang (27x40cm) 20 triệu bạc, in bia bốn thì 50 triệu. Một cái Tết “chiều” cho hết hàng mấy chục tờ báo, coi như mất toi hai ba bốn trăm triệu ,vì thế mà giá hàng hóa dịch vụ bị đội lên, khó mà cạnh tranh. DNNN thì ngày càng thua lỗ, thế mà phải “nuôi” thêm các anh “báo hại”! Bởi thế mà anh Lê Hữu Thăng, hiện là phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, hồi làm giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu tỉnh, anh đã nghĩ ra được “mẹo” để tránh sự “tấn công” của các nhà báo quảng cáo. Anh làm một văn bản, bộ tứ công ty ký vào, quy định một năm chỉ làm quảng cáo trên 2 tờ báo vào dịp Tết hay lễ ở báo tỉnh, báo ngành. Anh dán tờ “yết thị” đó lên. Nhà báo tới đành im lặng rút lui!

Có nhiều chiêu làm quảng cáo lắm. Viết một bài ca ngợi thành tích công ty, gọi là “viết cho”, rồi bắt doanh nghiệp “trả ơn” bằng cái quảng cáo. Kiếm mấy em thật tươi mát, nhận làm hợp đồng, các em sẽ “ngồi lỳ” ở phòng giám đốc suốt buổi, giám đốc ngán quá phải “ký”, hoặc các em sẽ “chiều chuộng”, “liếc mắt đưa tình” giám đốc để được cái quảng cáo. Tiền chùa mà, mất gì! Đã có thư tố cáo ông giám đốc M. chi cho cô bồ nhí là “phóng viên quảng cáo” của tờ báo nọ trong mấy tháng hơn 400 triệu đồng quảng cáo. Ở tỉnh nọ, các nhà báo tỉnh gọi đi làm quảng cáo là “đi đọc lệnh”. Có nghĩa là cứ đến doanh nghiệp bắt giám đốc ký, vì giám đốc nào cũng có “gót chân A-Sin” mà nếu tiết lộ lên báo là gay! Hoa hồng cho người làm quảng cáo từ 30% có báo chi trả 40, 45%, nên có nhà báo từ xe đạp “chân co chân duỗi”, vào nghề chỉ mấy năm làm quảng cáo đã xây được nhà bốn lầu, mua xe hơi… Thế là Tòa soạn báo thành cơ quan đi ... đánh quả quảng cáo! Đó là tham những chứ gì nữa!

Chuyên đề... “lừa”?!

Hiện nay có rất nhiều tờ báo, tạp chí, cũng gọi là cơ quan báo chí với đủ ban bệ, nhưng không bao giờ làm báo cả! Thế họ sống bằng gì? Xin thưa: bằng việc xuất bản các
“chuyên đề … lừa”. Qua tìm hiểu nhiều báo, tôi biết cách làm của họ như sau: Chạy xin giấy phép, đặt tên thật oách, kiểu “Tiềm năng đầu tư của tỉnh…”, hay “Tỉnh…rải thảm đỏ mời các nhà đầu tư”…, Phóng viên trang bị máy ảnh kỹ thuật số xịn, đeo hai ba cái trước nực, tay xách laptop kè kè, để lòe thiên hạ. Rồi ông Tổng biên tập lên xin ông Thứ trưởng, Bộ trưởng cái thư gửi cho Bí thư, chủ tịch các tỉnh, đề nghị phối hợp làm chuyên đề “giới thiệu tiềm năng đầu tư của địa phương” hay Lễ hội, Festival.v.v.. Các tỉnh nghe nói “đầu tư nước ngoài” mừng lắm, vì đây là mốt mà! Ông TBT mới tán thêm là “tờ báo của mình in song ngữ, phát hành đi hơn trăm nước trên thế giới, ti-ra hai triệu bản”. Thế hợp đồng làm “Chuyên đề về tiềm năng kinh tế, mời gọi đầu tư của tỉnh X” được ký. Ngoài việc tỉnh chi số tiền in ấn lên tới hàng trăm triệu đồng, chủ tịch tỉnh còn ký công văn “bắt” hàng trăm doanh nghiệp mạnh trong tỉnh tham gia quảng cáo, mỗi doanh nghiệp 15 – 20 triệu đồng. Sau đó họ thuê người viết bài, chụp ảnh, dịch, cộng thêm trích đoạn nghị quyết tỉnh, bài phỏng vấn kèm ảnh ông bí thư, chủ tịch in trang đầu, thế là được cuốn “chuyên đề” dày khoảng 100 trang, in song ngữ Việt-Anh. Người viết bài này cũng đã từng được thuê viết bài “tiềm năng…” như vậy. Họ chỉ in 700 bản, nộp lưu chiểu, báo biếu 200 bản, còn 500 bản mang về bán lại cho tỉnh với 150 ngàn/1 cuốn (đã bỏ tiền ra in rồi lại phải bỏ tiền ra mua!). Chỉ một “chuyên đề ... lừa” như vậy, tòa báo đã kiếm được vài tỷ đồng ngon ơ! Có tòa soạn đã lần lượt làm được 61 chuyên đề tỉnh, hàng chục chuyên đề ngành, nhưng chẳng mang lại cho xã hội ích lợi nào! Những tờ báo như vậy không bao giờ xuất hiện trên thị trường, cũng không ai đặt mua qua bưu điện! Đó là tham những chú gì nữa!

Có một loại sách … để trên bàn cho vui!

Người biết bài này thường thấy trên bàn làm việc của ông bạn giám đốc DN một chồng sách lớn, cuốn nào cũng dày cộp. Đó chỉ là “sách… quảng cáo” do đủ loại Nhà xuất bản và cơ quan báo chí ấn hành! Cuốn nào cũng có tên gọi thật kêu. Ví dụ như Từ điển doanh nghiệp Việt Nam, Cẩm nang doanh nghiệp Việt Nam, Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Doanh nhân vàng thời mở cửa.v.v.. Tôi hỏi ông bạn: Sách này để làm gì? Ông trả lời: Để trên bàn cho .. vui! Cứ một doanh nghiệp một trang giới thiệu rất đơn giản: tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, Fax, ảnh trụ sở cơ quan, ảnh giám đốc.v.v. cuốn gọi là “Cẩm nang doanh nghiêp” chỉ có 500 trang, nghĩa là chỉ 500 DN, trong lúc đó ở nước ta có gần 500.000 doanh nghiệp? Thế thì “từ điển”, “cẩm nang” cái nỗi gì! Nhưng mà làm được 500 trang quảng cáo đóng thành “sách” ấy, tòa soạn báo đã thu được 2,5 tỷ đồng doanh thu (5 triệu đồng/trang, chưa tính 3 trang bìa 4,3,2, mỗi trang từ 20 – 50 triệu đồng), trừ chi phí hoa hồng, tiền chế bản màu, in ấn, còn lãi ròng cả tỷ đồng! Bởi thế mà rất nhiều báo, nhà xuất bản năm nào cũng làm “Sách.. quảng cáo” với nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng tất cả cuốn sách ấy đều không giúp ích được gì cho doanh nghiệp trong kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Đó là tham nhũng chứ gì nữa!

Vĩ thanh


Tôi không bao giờ phản đối việc quảng cáo trên báo chí. Vì quảng cáo càng nhiều chứng tỏ nền kinh tế càng phát triển. Nhưng quảng cáo theo kiểu “đi xin”, “đi đọc lệnh”, hay “làm chuyên đề” , “sách... quảng cáo”... theo hình thức “lừa đảo” đã kể ở trên là làm khổ doanh nghiệp, là báo hại nền kinh tế đất nước. Các tòa soạn báo ơi, nhà báo ơi, tiền báo thu được từ quảng cáo đó là tiền thua lỗ của các doanh nghiệp cả đấy. Đây là một hiện tượng không lành mạnh nhưng rất phổ biến của báo chí hiện nay. Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giúp các báo nâng cao chất lượng bài vở sống được bằng nghề làm báo của mình!

20 tháng 6, 2013

804. Vay tiền, bơm tiền và mẹo tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng nhà nước

Nguyễn Vạn Phú


Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng tìm mọi cách để các ngân hàng cho vay nhiều thêm, mức thêm cố gắng chừng 12% so với năm ngoái, bởi phải tăng dự nợ tín dụng tối thiểu ở mức này thì GDP mới tăng như dự tính. Nhưng thay vì thúc giục các ngân hàng thương mại, tại sao không thử hỏi các doanh nghiệp, là nơi đi vay tiền, vì sao họ không thèm vay thêm nữa.

Khác với suy nghĩ bình thường, lãi suất cao nhưng đi kèm lạm phát cao thì không làm doanh nghiệp lo ngại. Đầu năm họ vay một khoản tiền mua nguyên vật liệu về để sản xuất, giá chừng đó; giữa năm bán hàng (giá đã lên) thu tiền về. Vì tình hình lạm phát, hàng bán ra sẽ có giá cao hơn dự tính, dư sức chịu lãi suất cao mà vẫn còn có lãi.

Cái thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp là giai đoạn chuyển đổi, từ lạm phát cao sang chững lại và giảm xuống. Lúc đó lãi suất cao mới là gánh nặng vì đội giá thành trong khi giá bán không tăng được nữa. Đó chính là giai đoạn hiện nay nên doanh nghiệp không vay, không mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra những doanh nghiệp còn làm ăn được, cũng đang tìm những nguồn vốn khác chứ không chịu vay ngân hàng nữa. Làm ăn được hiện nay chỉ có những ngành liên quan đến xuất khẩu và nông nghiệp. Cả hai đều đang tận dụng khả năng chiếm dụng vốn (hoặc của nông dân, hoặc của khách hàng bằng nguyên vật liệu) nên cũng không đụng tới tín dụng ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp chọn con đường bán bớt cổ phần cho nước ngoài, tiền cũng rót vào kinh doanh, không qua tín dụng ngân hàng. Kiều hối những năm trước chảy vào địa ốc, nay địa ốc đóng băng, tiền sẽ chảy vào sản xuất, kinh doanh – chảy trực tiếp, không qua tín dụng ngân hàng.

Chính vì vậy trong năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng 22,38% mà tín dụng chỉ tăng 8,91%; Đến cuối tháng 5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% mà tín dụng chỉ tăng 2,98%. Nói tóm lại, vẫn có tiền để duy trì mức tăng GDP như dự kiến, chỉ có điều một phần tiền này nó không chảy qua kênh tín dụng của ngân hàng (nền kinh tế phi chính thức của Việt Nam chiếm đến 30%).

Về phía ngân hàng, tín dụng không tăng nhiều khi là điều hay. Mấy năm trước có lúc huy động được 100 đồng, họ lại cho vay lên đến 116 đồng! Nay tỷ lệ này giảm còn 95% nhưng phải xuống nữa, chừng 80% mới phù hợp và 70% mới an toàn. Chứ cứ như mấy ngân hàng làm liều, vay tiền ngân hàng khác để cho vay thì sẽ sớm sụp tiệm.

======

Trước đó, các báo chạy tít “Mỗi tháng bơm thêm 40.000 tỷ đồng”; hay “Bơm 40.000 tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế mỗi tháng”là sai rồi. Viết như thế nhiều người sẽ hiểu nhầm Chính phủ sẽ bơm một lượng tiền khổng lồ, 40.000 tỷ đồng/tháng, vào nền kinh tế. Tiền ở đâu mà “bơm” như thế?

Thật ra, tại Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng) nói “…tất cả các tháng còn lại mỗi tháng chúng ta phải giải ngân được 40 nghìn tỷ/tháng” để tín dụng cả năm tăng 12%. Chữ chúng ta ở đây phải hiểu là hệ thống ngân hàng.

Tín dụng tăng hay không là do ngân hàng (người cho vay), doanh nghiệp (người đi vay); còn chính phủ chỉ đóng vai trò thúc đẩy.

Những năm trước tín dụng tăng kỷ lục, có năm tăng trên 50%, chủ yếu đổ vào bất động sản và những ngành nghề liên quan. Nay bất động sản không hút tiền vì đang đóng băng thì tín dụng làm sao tăng được.

Giả thử năm ngoái bạn cho vay 100 đồng, muốn tăng 12% tức năm nay phải cho vay 112 đồng. Nhưng nay người vay cũ trả nợ và không vay nữa, tức duy trì 100 đồng đã khó, làm sao nghĩ đến chuyện cho vay 112 đồng. Ngân hàng cũng vậy, nợ cũ tăng nhanh, nay xẹp cũng nhanh, có cái thành nợ xấu, có cái người nào giỏi trả được nợ thì đâu dám vay nữa nên duy trì tín dụng ở mức bằng năm ngoái là đã giỏi lắm (chỉ sợ nó co hẹp lại, tăng trưởng âm nữa kìa) nói gì đến tăng trưởng. Cho nên trông chờ ngân hàng giải ngân mỗi tháng 40.000 tỷ đồng là chuyện khó, hầu như không thể thực hiện được.

Các nước cũng rơi vào tình trạng như thế nên cũng có chuyện bơm tiền ra. Và bơm hiểu theo nghĩa ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ (hay các tài sản tài chính) mà ngân hàng thương mại đang nắm giữ, đưa tiền cho ngân hàng để tiền chảy vào nền kinh tế. Thế mà ở Việt Nam đang làm ngược lại, ngân hàng thương mại bỏ tiền ra mua trái phiếu chính phủ! Và để cho khỏe Ngân hàng Nhà nước bèn tính khoản mua trái phiếu chính phủ đó cũng là tăng trưởng tín dụng!

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của riêng của tác giả.
..............................................................................

Tên bài của Quê Choa. Tên gốc: Ghi chép 3

803. AI THỰC SỰ TÌM RA CHỮ QUỐC NGỮ

Đỗ Xuân Đạm

Đã đóng lại bài viết về hai cụ Hàn Thuyên và Alexandre De Rhodes mà trong lòng cứ mãi lấn cấn vì vẫn chưa làm rõ được chữ Quốc ngữ ra đời ở đâu, năm nào và còn những ai thực sự đã có công với chữ Quốc ngữ?


Điều đó làm tôi tịt mạch mấy tháng nay không viết thêm được bài nào nữa.

Để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó, đành bỏ thời gian lục tìm tứ tung để thỏa mãn cái tật gàn dở của mình.

Và đây là điều tôi tìm ra,

Chữ Quốc ngữ ra đời năm 1622 trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, do công của người giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco De Pina (1585-1625), tại xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn.

Francisci De Pina là giáo sĩ tiên phong đến Đàng Trong năm 1617, nhờ thông thạo tiếng Nhật và chữ Hán, ông dễ dàng học nói tiếng Việt, học đọc chữ Nôm, nhưng thấy các giáo sĩ khác gặp khó khăn trong việc học chữ Nôm nên đã dựa vào bảng mẫu tự La Tinh, ông Nguyễn Đình Đảng thời cho rằng là dựa vào từ mẫu tự Rô-Măng, tôi thiển nghĩ mẫu tự Roman cũng từ nguồn gốc Latin mà ra, để ghi âm tiếng bản xứ.

Năm 1624, sau khi đã xếp đặt thành hệ thống, có cả phần tóm lược về văn phạm, ông mở lớp dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ muốn đến truyền giáo tại Việt nam, ông cũng tự viết bài giảng bằng thứ chữ này để trực tiếp truyền đạo, nhưng không may, tháng 12 năm 1625 ông bị chết đuối ở cảng Đà nẵng.

Sau cái chết của Pina những giáo sĩ đã học tiếng Việt với Pina tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chữ viết nầy là giáo sĩ Gaspar De Amaral (1549-1646) – tác giả tự điển Việt-Bồ, giáo sĩ Antonio Barbosa (1594-1647) – tác giả tự điển Bồ-Việt, giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591-1660) – tác giả tự điển Việt-Bồ-La tinh.
Trong đó chỉ có một mình A.D.Rhodes là người Pháp (ông sinh ở vùng Avignon).

Đúng như TS. Nguyễn Tường Bách đã nhận định:

“Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo của mình bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật”.

Vì là sản phẩm của bọn Tây di, nên chữ quốc ngữ bị giới sĩ phu tẩy chay.

Chữ nôm còn bị chê là nôm na mách qué, thời cái thứ chữ do bọn Bạch quỉ chế ra này các cụ có mà thèm để mắt!

Sau đó nó còn là công cụ của thực dân Pháp trong việc cai trị.

Lại vì nó mà cả một nền Nho học với bao công lao dùi mài kinh sử trở thành vô dụng nên thứ chữ này càng bị khinh ghét.

Nhưng sự tiện dụng và sức sống mãnh liệt của chữ quốc ngữ càng ngày càng lộ rõ, càng thắng thế.

Năm 1915 vua Duy Tân bãi bỏ chế độ thi cử cũ ở Bắc kỳ.
Năm 1918 vua Khải Định bãi bỏ thi cử cũ ở Trung kỳ.
Năm 1919 vua Khải Định chính thức đóng cửa các trường dạy chữ Nho.
Ngày 18-9-1924 Merlin, Toàn quyền Đông dương ký nghị định đưa chữ quốc ngữ vào dạy trong 3 năm đầu bậc Tiểu học.
Nền Nho học cáo chung, chữ Quốc ngữ lên ngôi.

Nào có gì lạ cái chữ nho
Ông nghè, ông cống cũng nằm co
Sao bằng đi học làm ông Phán.
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

(Chữ Nho) – Tú Xương

Người Bồ Đào Nha khai sinh ra chữ Quốc ngữ, người Pháp ép dân ta dùng chữ Quốc ngữ.


Nhưng truyền bá và trau chuốt cho chữ Quốc ngữ được như ngày hôm nay công lớn nhất phải thuộc về những người tiên phong tiêu biểu như: Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… cùng với họ một đội ngũ tân học ngày càng đông, nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm.

Những người con ưu tú đó đã được nhớ ơn, được tôn vinh bằng những tên đường trong đô thị.

Vậy mà trong những người đi đầu ấy, có một người hình như bị bỏ quên.

Một người có tư cách sáng chói, có trí thông minh và chí tự học siêu việt, từ thân phận một thằng nhỏ 8 tuổi chưa biết chữ kéo quạt tại trường Thông ngôn Yên phụ-Hà nội, năm 14 tuổi đã đỗ thủ khoa lớp thông ngôn của chính trường này,
là người Việt đầu tiên được gia nhập Hội Nhân quyền Pháp, người đầu tiên xuất bản tờ báo bằng chữ quốc ngữ ờ Hà nội, tờ Đại nam Đăng cổ tùng báo, người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt, người đầu tiên dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, người đứng đơn xin mở trường Đông kinh nghĩa thục (Cụ Lương Văn Can làm hiệu trưởng), người chống quân chủ lập hiến kiểu bù nhìn đòi thành lập nền Cộng hòa, người mà trong lời tựa bản dịch Tam quốc chí đã viết “Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ”, người 2 lần từ chối Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp, người mà lúc chết trên thuyền độc mộc ở sông Sê-băng-hiêng, Sê-pôn – Lào, hai tay vẫn cầm cây bút và quyển sổ với phóng sự đang viết dở dang “Một tháng với những người tìm vàng”.


Người tự cho mình là người man di hiện đại.

Một người mà người Pháp đánh giá là thiếu tính tự ti của dân nhược tiểu.

Người đó là Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh.

Một người xuất chúng và có công lớn với nền văn hoá hiện đại của nước nhà như thế mà mãi tới năm 1999 tên người mới được đặt cho một con đường ở phường 4 quận Tân Bình.


Còn tại Hà nội quê ông thời vẫn chưa có con đường nào mang tên ông…

Sài gòn 12-5-2013
ĐXĐ
Nguồn: http://trelangkienviet.com/2013/06/16/ai-tim-ra-chu-quoc-ngu/

802. Không dễ chặn Facebook ở VN như TQ

Đỗ Anh Minh, biên tập viên trang Techasia.com

Người ta thường hay so sánh Việt Nam với Trung Quốc. Về phương diện nào đó, sự giống nhau cũng khá rõ rệt.

Các triều đại Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam 1.000 năm. Người Việt ăn mừng Tết Âm lịch và tên của họ cũng có cội nguồn từ tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên ở thế giới mạng và công nghệ, mọi thứ hoàn toàn khác.

Ở Châu Á, có bốn nước cộng sản: Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Bắc Hàn. Lào và Bắc Hàn nhỏ đến nỗi họ không có tên trên bản đồ công nghệ (mặc dù Bắc Hàn đã bắt đầu sử dụng internet trên thiết bị di động). Như vậy là chỉ còn Trung Quốc và Việt Nam.

Ở Trung Quốc, các dịch vụ như Baidu, Tencent và Sina Weibo là những gã khổng lồ trên thị trường công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Ở Việt Nam, Google và Facebook lại đứng đầu, trong khi Twitter không bị chặn.

Chuyện gì đã xảy ra?

Công cụ tìm kiếm

Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào dịch vụ tìm kiếm Google từ năm 2010. Dịch vụ này thường xuyên không thể sử dụng được, mặc dù không bị chặn hoàn toàn. Nguyên nhân cho điều này là do chủ trương của chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát nội dung mà người dân có thể tiếp cận.

Chính phủ nước này cũng được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cho sự thành công của Baidu và Sina Weibo, hai dịch vụ thế chân Google và Facebook/Twitter.

Ngày nay, Baidu có trung bình khoảng 5 tỷ lượt tìm kiếm một ngày, trong khi Google có khoảng 100 tỷ một tháng.

Tuy nhiên Google lại không xâm nhập sâu vào được Trung Quốc (dù vẫn là công cụ tìm kiếm xếp thứ 5 tại đây), điều này giúp Baidu gần như chiếm được thế độc quyền tại thị trường lớn nhất trên thế giới.

Ở Việt Nam, Google.com.vn là trang tìm kiếm lớn nhất, đứng thứ ba là Google.com. Việt Nam cũng có một số công cụ tìm kiếm được phát triển trong nước như Wada.vn và CocCoc, tuy nhiên những dịch vụ này khó lòng cạnh tranh nổi với Google.

CocCoc có tham vọng chiếm nhiều thị phần Việt Nam

Google bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam từ giữa năm 2000. Youtube hiện nay cũng là một trong những trang web được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam.

Điều thú vị về Việt Nam là Google chưa bao giờ thực sự mở một văn phòng ở đây. Google đã chậm rãi tiến vào thị trường Việt Nam, giá trị của dịch vụ này được đánh giá bởi người sử dụng và từ đó nó từ từ leo lên thống trị thị trường.

Nếu như bây giờ Google bị chặn ở Việt Nam, điều này sẽ tạo một hố đen khổng lồ trên thế giới mạng.

Đây là xu hướng ở Việt Nam: để cho các dịch vụ thâm nhập, xem thử chúng gây nguy hại về chính trị thế nào, rồi sau đó nhận ra đã quá trễ để ngăn chặn chúng. Mạng xã hội phức tạp hơn một chút, nhưng có thể áp dụng cùng quy tắc.

'Không chặn kịp'

Trung Quốc bắt đầu chặn Facebook vào năm 2008 và Twitter vào năm 2009. Ở Trung Quốc, rất khó để có thể vượt qua Vạn Lý ... Tường Lửa, vì thế người sử dụng mạng tại đây phải chuyển sang sử dụng các dịch vụ mạng xã hội trong nước như Sina Weibo.

Nếu không bị chặn, liệu Facebook có thể thành công ở Trung Quốc? Đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Dịch vụ Renren ở Trung Quốc vẫn thịnh hành hơn Facebook ngay cả trước khi Facebook bị chặn tại đây.

Tuy nhiên, nếu Facebook không bị chặn ở Trung Quốc, Zuckerberg có lẽ đã mở văn phòng ở đó và hưởng mức doanh thu mà Weibo đang kiếm được. Ngày nay, Sina Weibo có khoảng 500 triệu người sử dụng, cao hơn con số 200 triệu của Twitter và thấp hơn con số 1 tỷ của Facebook.

Việt Nam bắt đầu chặn Facebook từ năm 2009. Tuy nhiên các biện pháp chặn vẫn khá bình thường. Hầu hết người dùng mạng đều có thể lên Facebook bằng cách chỉnh sửa DNS hoặc sử dụng HotSpotShield mà không gặp vấn đề gì.

Đây chính là lý do mà chúng ta thấy tăng trưởng vượt bậc của Facebook ở Việt Nam, với lượng người sử dụng tăng gấp đôi chỉ trong một năm. Việt Nam hiện là một trong những nước có người sử dụng Facebook tăng nhanh nhất thế giới. Facebook cũng đã vượt mặt Zing để trở thành trang mạng xã hội thịnh hành nhất trong nước.

Việt Nam đã để cho Facebook thâm nhập và phát triển cho đến khi quá trễ để có thể ngăn chặn. Gần đây, một nguồn tin nói với tôi số người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã có thể lên khoảng 15-20 triệu người.

Nếu chính phủ quyết định chặn Facebook vào thời điểm này, đây là thảm họa với người dùng mạng trong nước. Hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có trang web trên Facebook và đang sử dụng dịch vụ quảng cáo của công ty này.

Mặc dù việc chặn Facebook đang gia tăng theo làn sóng chính trị, điều này chỉ có một tác dụng duy nhất: Khiến người dân biết rõ về chủ trương kiểm duyệt thông tin của chính quyền, hơn là ngăn chặn họ dùng Facebook.

Cho đến ngày nay, cách thức ngăn chặn vẫn rất sơ sài và vì thế, Việt Nam đã tránh được việc phải xây dựng một Weibo của riêng mình.

Khó cạnh tranh

Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng cộng sản, cả hai có khái niệm chính trị khá khác nhau về internet.

Trung Quốc xem internet là chiến trường, là mỏ vàng, và là mối đe dọa sự ổn định xã hội. Trung Quốc vẫn là biểu tượng của một đế chế khổng lồ, cai trị số dân đông nhất trên thế giới và đang trên đường tiến tới vị thế cường quốc hàng đầu.

Thông tin là yếu tố cần thiết để đạt được điều này, vì thế chính quyền cho rằng chúng phải bị kiểm soát chặt chẽ, và phải được viết bằng tiếng Trung Quốc.

Việt Nam chỉ có khoảng 92 triệu dân, ít hơn tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc - Quảng Đông, với 104 triệu dân.

Việt Nam vẫn còn đang phải rượt đuổi theo và thích nghi. Vấn đề mạng xã hội của nước này không phải là điều mang tầm quốc tế.

Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu nội địa mạnh như Sina Weibo của Trung Quốc.

Điều này đã giúp cho người sử dụng mạng ở Việt Nam hưởng lợi ích từ hai gã khổng lồ công nghệ từ Thung lũng Silicon và Trung Quốc, tuy nhiên cái giá mà họ phải trả đó là không xây dựng được những gã khổng lồ của riêng mình.

Những trang mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của Việt Nam gặp khó khăn khi không thể cạnh tranh với Facebook và Google mà không có sự bảo vệ, hỗ trợ tài chính và khuyến khích của chính phủ.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Ở Trung Quốc, sự thiếu vắng yếu tố cạnh tranh từ bên ngoài dẫn đến việc có nhiều khoảng trống cho những công ty mới cũng như những gã khổng lồ công nghệ như Baidu để kiếm doanh thu từ người sử dụng mạng trong nước. Tuy nhiên, họ mất đi sự kết nối với thế giới.

Ở Việt Nam, những công ty mới vào cuộc phải cạnh tranh với những đối thủ ở nước ngoài, trong lúc có lợi thế được kết nối với bên ngoài về một mặt nào đó - dù nhiều người vẫn cho rằng người dân tại đây vẫn bị cô lập khá nhiều.

Điều này làm cho thành công của các công ty công nghệ Trung Quốc bị thổi phồng, vì họ không có những đối thủ cạnh tranh nằm ngoài lãnh thổ.

Trong khi đó những công ty mới vào cuộc của Việt Nam không thể cạnh tranh lại những gã khổng lồ hoặc những công ty mới trong khu vực muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

801. Văn Giang hình thành mô hình xã hội dân sự

Trần Đức Việt, nhà báo tự do


Hôm nay, bà con ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, huyện Văn Giang nhộn nhịp vui vẻ đi gặt lúa. Mới ngày nào còn cắm cây mạ non tình nghĩa của bà con Thái Bình chia sẻ với bà con nông dân Văn Giang, đến hôm nay bà con Văn Giang đã có một mùa bội thu trên khu ruộng bị cưỡng chế. Cụ bà Lê Hiền Đức và một số anh chị em ở Hà Nội cũng đã sang gặt với bà con và chia sẻ niềm vui mùa vụ.

Nghe tin nhân dân Văn Giang (Hưng Yên) thu hoạch vụ chiêm đầu tiên trên đất bị cưỡng chế, chúng tôi vội đến hỏi thăm, chia vui cùng bà con. Cuộc đấu tranh của bà con kéo dài đã 9 năm, bằng cả một cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đến nay có vụ chiêm đầu mùa. Thóc mới, gạo mới thơm phức, lòng bà con cũng rộn ràng. Đây là kết quả ban đầu của cuộc chiến đấu gay go, gian khổ, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu đổ xuống.

Nhớ lại năm 2004, ba cấp chính quyền ở Hưng Yên tiến hành thu hồi đất, xây dựng khu đô thị mới. Gọi là thu hồi, nhưng thật ra là cướp đất, cướp trắng trợn trên tay bà con. Nhân dân gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đều không được giải quyết sao cho có lý, có tình. Đêm 7 rạng sáng ngày 8/1/2009, chính quyền dùng công an phối hợp với các loại côn đồ, đầu gấu bất ngờ đến cướp đất. Nhân dân không kịp chuẩn bị đành để bọn giặc nội xâm cướp trắng đất trên tay. Không chịu đầu hàng bọn giặc nội xâm, nhân dân gửi nhiều đơn khiếu nại lên các cấp. Bà con bầu ra một "Bộ tham mưu Xuân Quan" gồm những người tích cực, hiểu pháp luật để giúp bà con đấu tranh. Đơn từ gửi đi khắp nơi như bươm bướm nhưng chính quyền lạnh lùng tiếp tục chuẩn bị... cưỡng chế.

Đầu năm 2012, tiếng súng của ông Đoàn Văn Vươn nổ vang ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Nhân dân cả ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao bỗng nhiên bừng tỉnh. Một đoàn đại biểu nhân dân ba xã đến Tiên Lãng tìm hiểu tình hình, thăm hỏi gia đình ông Vươn. Khi đoàn đại biểu trở về, công an đến gặp thăm dò động tĩnh. Công an nói chuyện về súng, giá cả các loại súng: Giá súng bây giờ một triệu một khẩu. Đại biểu dân phản đối: Không phải, chúng tôi đã mua được súng chỉ có giá 500.000 đến 750.000 đồng một khẩu thôi. Đã mua đủ súng rồi. Nghe tin chính quyền huyện sẽ cưỡng chế vào ngày 20/4/2012 Bộ tham mưu Xuân Quan quyết định coi đây là vụ chống giặc nội xâm, cần chống trả như cách ông Đoàn Văn Vươn đã làm ở Tiên Lãng. Bộ tham mưu dự tính khả năng lực lượng cưỡng chế sẽ thực hiện vào đêm, giống như hồi tháng 1/2009 nên tổ chức nhân dân ra canh giữ cánh đồng, đốt lửa suốt đêm. Đây là những đêm sôi sục, nhiều nhà báo và những người yêu nước, thương dân từ khắp nơi đổ về cánh đồng Xuân Quan, phối hợp đấu tranh. Nhưng chính quyền huyện Văn Giang đã lùi ngày cưỡng chế sang 24/4. Đêm 23/4, Bộ tham mưu Xuân Quan họp bàn lần cuối, tranh luận gay gắt. Kết quả cuộc tranh luận này là ý kiến bảo vệ sinh mạng cho cả người đi cưỡng chế và bị cưỡng chế thắng thế. Rạng sáng ngày 24/4 các bình ga được rút bỏ khỏi đống củi tẩm dầu. Cuộc cưỡng chế diễn ra với tiếng nổ ran từ các quả nổ của công an ném ra. Sau này, trong một lần nói chuyện với công an, người dân Xuân Quan nói: Chỉ vì nghĩ rằng công an đi cưỡng chế cũng là con em mình nên dân mới rút bình ga ra, còn nếu đây là giặc ngoại xâm thì chắc chắn sẽ bị tiêu diệt sạch, không sót một mống. Cưỡng chế xong, nhóm côn đồ, đầu gấu của công ty ngày đêm đi tuần trên đường làng, thấy dân ra là đánh. Bộ tham mưu Xuân Quan quyết định tổ chức một trận đánh "giằn mặt" đối với nhóm đầu gấu, từ đó chúng hết nghênh ngang, không dám bén mảng đến khu vực cưỡng chế.

Đất thu hồi xong, công ty bỏ hoang, trong khi dân thì mất phương tiện canh tác kiếm sống, trong dân bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Bộ tham mưu Xuân Quan bàn bạc, đi đến quyết định tập hợp các hộ dân chưa nhận tiền đền bù ra san lấp lại khu vực cưỡng chế, trồng lúa và chuối cải thiện đời sống. Trong suốt một tháng, bà con san lấp được trên 15 mẫu và mua mạ giống từ Thái Bình về gieo mạ, cấy lúa. Bà con bầu ra một Ban chủ nhiệm hợp tác xã quán xuyến mọi việc. Ban chủ nhiệm có 24 thành viên, trong đó có một chủ nhiệm và 4 phó chủ nhiệm, là các lão nông nhiều kinh nghiệm nhất. Tin bà con thành lập Ban chủ nhiệm hợp tác xã được nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài tìm hiểu và đưa tin. Điều đáng ngac nhiên nhất đối với truyền thông hải ngoại là nhiều thành viên tích cực trong Bộ tham mưu Xuân Quan không có tên trong Ban chủ nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn, nhà báo hải ngoại hỏi đi hỏi lại một thành viên Bộ tham mưu Xuân Quan: Vì sao anh không tham gia Ban chủ nhiệm? Trả lời: Ban chủ nhiệm do dân bầu, không nhất thiết ai ở bộ tham mưu thì cũng ở ban chủ nhiệm. Thật ra thì câu chuyện cũng đơn giản: Bộ tham mưu Xuân Quan cần đến người hiểu pháp luật, còn Ban chủ nhiệm thì cần những người am hiểu sâu sắc nghề nông. Ban chủ nhiệm đã xây dựng một hình thức "hợp tác xã" rất mới, toàn tâm toàn ý với nhân dân, hoàn toàn không có hiện tượng tham ô, tham nhũng, rong công phóng điểm như các hợp tác xã của nhà nước trước đây. Bà Lê Thị Hiền, 82 tuổi, thành viên ban chủ nhiệm nói: Tôi già nhưng vẫn ra ruộng làm việc để nuôi con cháu tôi. Bà con kể lại, bà Hiền ra ruộng từ sớm và về rất muộn, ngày công lao động của bà rất cao nhưng bà ủng hộ cho ban chủ nhiệm, không tính công. Khi được hỏi về nguyên nhân nào làm bà tích cực như vậy thì bà bảo: Vì tôi làm việc trên đất của tôi, để giúp con cháu tôi. Trước kia nhà tôi có 4 mẫu ruộng, là đất của cha ông tôi ăn bột, dành dụm tiền mua được. Nghe theo lời kêu gọi của nhà nước nhường cơm xẻ áo cho người túng thiếu, gia đình tôi đã giao ruộng cho hợp tác xã (nhà nước), rồi được hợp tác xã giao lại năm miếng để sản xuất. Đây là đất của chúng tôi, không phải đất của nhà nước. Tôi làm việc trên đất của tôi, để nuôi con cháu tôi nên tôi phải hết lòng.

Điều bà Hiền nói thật đơn giản, mộc mạc nhưng chứa đựng môt chân lý lớn trong khoa học kinh tế chính trị. Bao nhiêu năm nay các nhà triết học, kinh tế chính trị học tranh cãi về động lực phát triển trong lao động sản xuất và các mô hình tổ chức để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Các tranh luận này làm xuất hiện nhiều "chủ nghĩa", "học thuyết", "lý luận", "tư tưởng", tựu trung lại vẫn để chỉ ra động lực sản xuất và thiết kế mô hình tốt nhât quản lý lao động sản xuất. Ông V.I. Lenin cho rằng động lực mạnh nhất là lao động tập thể, không có bóc lột và thiết kế ra mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp với hi vọng đây là mô hình tốt nhất xây dựng xã hội mới với tên gọi XHCN. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này, dù là hợp tác xã cấp thấp, cấp cao hay tiến lên nông trang tập thể, công xã nhân dân thì vẫn thiếu hiệu quả, năng suất vẫn kém các nước tư bản. Thế mà theo chỉ dẫn của Các Mác: "Một xã hội ra đời sau sẽ thắng xã hội trước vì cho một năng suất lao động cao hơn", vậy thì theo chỉ dẫn này, chế độ XHCN tất yếu sẽ chết, do năng suất lao động thấp. Nếu đánh giá "hợp tác xã" mới xuất hiện ở Văn Giang bằng cách nhìn của chủ nghĩa Mác-Lenin thì chúng ta thấy gì?

Điều đầu tiên dễ thấy nhất là mô hình ở Văn Giang chứa đựng rất nhiều yếu tố XHCN. Về mặt chính trị, đây là mô hình "chính quyền của dân, do dân, vì dân" rất điển hình, thỏa mãn các yêu cầu khắt khe mà Lenin đề ra trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng khi tổng kết kinh nghiệm của Công xã Pari. Lenin nói: Hai điểm cơ bản để nói dân chủ vô sản hơn một triệu lần dân chủ tư sản, ngay ở các nước tư bản dân chủ nhất là: Một, Người đứng dầu công xã hạ mức lương của mình xuống ngang lương một công nhân thường; hai, bất kỳ cán bộ nào của công xã nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị cách chức ngay lập tức. Đối chiếu 2 tiêu chuẩn cơ bản này vào Ban chủ nhiệm ở Văn giang chúng ta thấy Ban chủ nhiệm chính là mô hình công xã Pari trong hoàn cảnh Việt Nam. Vẫn theo Nhà nước và cách mạng, Lenin cho rằng công xã thất bại vì không thực hiện "chuyên chính vô sản". Ở Văn Giang chúng ta không thấy dấu vết của bất kỳ công cụ "chuyên chính" nào. Bộ tham mưu Xuân Quan có dáng dấp của một "bộ máy chuyên chính" đã lập tức giải tán sau khi thành lập Ban chủ nhiệm. Chúng ta có thể xem Bộ tham mưu Xuân Quan là đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng luôn có thể được thành lập lại bất kể lúc nào nếu có những áp lực đe dọa sự tồn tại của Ban chủ nhiệm. Cái hay chính là ở đó, không có chuyện công thần, tham quyền cố vị, không có những "siêu quyền lực" đặt trên ý nguyện của nhân dân, tất cả chỉ để tạo ra một tổ chức dân sự phát huy mọi khả năng phát triển kinh tế trong cộng đồng dân cư. Mô hình Văn Giang có nhiều điểm hay, nhưng việc bàn sâu xin để dịp khác.


Bây giờ xin nói qua ý nghĩa của việc xuất hiện mô hình Văn Giang. Nếu Hội đồng lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kịp nhận ra nhân tố mới ở Văn Giang thì nên thừa nhận ngay mô hình này và nghiên cứu để phát triển rộng khắp. Sở dĩ Văn Giang vửa có một vụ chiêm bội thu chính là vì giải quyết vấn đề cốt lõi về quyền sở hữu đất. Đối với nhà nước, đất là do nhà nước thống nhất quản lý, nhưng ở Văn Giang người dân coi đất là của họ, không phải của nhà nước. Đấy là lý do làm người dân lao động hết mình, không so đo tính toán. Mới nhìn chúng ta tưởng như ở đây có mâu thuẫn giữa quyền sở hữu của nhà nước và quyền sở hữu của nông dân đến mức không điều hoà nổi, chỉ có thể giải quyết bằng con đường "cưỡng chế". Nhưng thật ra việc giải quyết rất đơn giản, chỉ cần công nhận quyền sở hữu đất đai của tập thể, ở đây là của Ban chủ nhiệm, thế là xong. Quyền sở hữu đất của tập thể (Ban chủ nhiệm) không phải là nhà nước nhưng vẫn là nhà nước, không phải của dân mà vẫn là của dân. Ban chủ nhiệm trở thành một "cơ quan dân sự" có thực quyền tại địa phương, vừa bảo đảm lợi ích của dân, vừa bảo đảm lợi ích nhà nước. Muốn vậy thì ngay trong Luật đất đai nên sửa đổi: Đất đai thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, tức là thừa nhận một hình thức sở hữu tập thể song song với sở hữu nhà nước. Thừa nhận như vậy thì việc "giải phóng mặt bằng" sẽ khác đi nhiều, chủ yếu là thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước với tập thể của dân chứ không phải làm việc với từng hộ dân. Điều này sẽ làm tăng tính "dân sự" ở cơ quan nhà nước, đồng thời nâng cao tri thức của dân trong các giao dịch dân sự với nhà nước. Chúng tôi nghĩ "liều" rằng đây là mô hình xã hội dân sự của ngày mai đang hình thành trong xã hội hôm nay. Có một khác biệt duy nhất cần nhắc lại: Mô hình này không có dấu vết của bất kể hình thức "chuyên chính" nào.