Đối với người không chuyên như chúng
ta, có lẽ cũng không cần hiểu “tài khóa” và “tiền tệ” là gì, khác nhau như thế
nào. Khổ nỗi, chúng là những khái niệm cơ bản để hiểu Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
đang lấy đâu ra tiền để rót vào bất động sản cũng như lấy đâu ra tiền để giải
quyết đống nợ xấu mà không sử dụng đến ngân sách.
Tài khóa khác tiền tệ
Nói một cách đơn giản hóa, Bộ Tài
chính lo các “chính sách tài khóa”; Ngân hàng Nhà nước lo các “chính sách tiền
tệ”.
“Chính sách tài khóa” thì liên quan đến việc tăng (giảm) thuế, tăng (giảm) mức chi tiêu của
chính phủ. Chính phủ thu thuế và các nguồn khác vào ngân sách để có tiền mà chi
tiêu. Chi nhiều hơn thu sẽ dẫn tới bội chi, lúc đó phải vay tiền về mà tiêu. Để
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể giảm thuế cho doanh nghiệp và
người dân hoặc tăng đầu tư từ ngân sách nhưng chính sách tài khóa như thế có giới
hạn nhất định vì giảm thuế mãi lấy tiền đâu để ngân sách đầu tư ra xã hội. Chi
tiêu như thế phải được Quốc hội phê duyệt hàng năm.
“Chính sách tiền tệ” thì liên quan đến lãi suất và nguồn cung tiền. Để thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế, NHNN có thể tăng nguồn cung tiền và nhờ đó giảm lãi suất. Lãi suất giảm
thì kích thích doanh nghiệp đầu tư. Nhưng tiền bơm ra đến một mức nào đó sẽ gây
ra lạm phát. Hay nói cách khác khi lạm phát cao thì NHNN phải tăng lãi suất, giảm
cung tiền.
Nay 30.000 tỷ đồng bơm ra
thị trường cho người dân vay để mua nhà và doanh nghiệp vay để xây nhà xã hội
là từ bên nào? Không phải
từ bên tài khóa (Bộ Tài chính) vì ngân sách đang thâm hụt, lấy đâu ra tiền mà
bơm cho bất động sản. Mà lấy từ ngân sách thì phải báo
cáo xin phép Quốc hội phiền phức lắm.
30.000 tỷ đồng này lấy từ
NHNN. Vậy câu hỏi là NHNN lấy đâu ra tiền để làm chuyện này? Câu trả lời rất
đơn giản: NHNN in tiền.
In tiền như thế nào?
Ở đây lại cần phải nói cho rõ: Hàng
năm NHNN phải in một lượng tiền giấy nhất định (in tiền theo nghĩa đen) để thay
thế tiền cũ, rách nát và bổ sung vào lượng tiền mặt đang lưu hành trên thị trường
theo kế hoạch đã định trước. Còn nói NHNN “in tiền” đối với khoản 30.000 tỷ đồng
nói trên là nói theo nghĩa bóng. Không có chuyện máy in
chạy rầm rập in ra chừng ấy tiền mà đơn giản là NHNN ghi có một khoản tiền như
thế cho các ngân hàng tham gia chương trình. Các ngân hàng lúc này lấy tiền ra
để cho vay. Khỏe re!
Nếu mọi việc êm xuôi, 10 năm sau
khách hàng trả nợ, ngân hàng thương mại trả lại cho NHNN, tức xóa đi cái khoản
ghi nợ ngày xưa. Ai nấy đều vui vẻ.
Nhưng sự đời thường không êm xuôi.
Đầu tiên, hành động của NHNN đó gọi
chính thức là “tái cấp vốn”, nghe rất mơ hồ, khó hiểu. Thực chất, đây là cách
NHNN cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho ngân hàng, đặc biệt
khi ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Chú ý đến từ
“ngắn hạn” – tức dưới một năm. Nay NHNN lách chuyện “ngắn hạn” bằng cách quy định:
“Thời hạn tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở từng lần là 364 ngày và tự động
được gia hạn đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại tại thời điểm đến hạn thêm 01 (một)
thời gian bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Việc tự động gia hạn được thực hiện
tối đa kéo dài đến ngày 01/6/2023”. Cũng thật là khỏe re một kỹ thuật lách luật!
Thứ hai, luật cũng có nói,
để được tái cấp vốn, ngân hàng phải đem một cái gì đó lên thế chấp với NHNN
(như cầm cố trái phiếu), ở đây không thấy nói yêu cầu gì từ phía ngân hàng tham
gia.
Như đã nói ở trên, tiền bơm vào nền
kinh tế như thế sẽ gây áp lực lên lạm phát và nhiều hệ lụy khác. Còn nhớ các lần
“bù lãi suất 4%” vào năm 2009 đã vừa gây ra lạm phát, vừa dẫn đến những khoản nợ
xấu khổng lồ hiện nay. Giả thử một tỷ lệ nhất định người
vay mua nhà không trả được nợ, NHNN sẽ gánh khoản lỗ này.
Quan trọng hơn, cái hình thức “tái cấp
vốn” dễ dàng như thế đang được NHNN lạm dụng trong nhiều trường hợp khác như hứa
hẹn cấp 10.000 tỷ đồng tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Rồi sắp tới, giải quyết nợ xấu, NHNN cũng sẽ dùng “chiêu” tái
cấp vốn để hóa giải nợ xấu cho các ngân hàng với khoản tiền dự kiến không còn
vài chục ngàn mà có thể lên cả trăm ngàn tỷ đồng. Biết bao nhiêu tiền sẽ được
“in” ra, biết bao nhiêu rủi ro đang chực chờ phía trước.
Mua bán nợ xấu
Giả thử bạn cho người hàng xóm vay
100 triệu đồng, đến hạn rồi quá hạn một năm người này vẫn không trả được nợ, nợ
biến thành nợ xấu. Đòi không được, bạn tính đến chuyện nhờ một công ty dịch vụ
chuyên đi đòi nợ thuê đòi nợ, bên này đòi chi phí đến 50 triệu đồng. Nói cách
khác bạn sẽ “bán” khoản nợ 100 triệu đồng cho công ty này với giá 50 triệu, vậy
còn hơn không đòi được đồng nào.
Như vậy bán một khoản nợ xấu được bao
nhiêu là tùy thương lượng giữa bạn và công ty đòi nợ, khả năng đòi khó thì giá
còn giảm nữa.
Hôm qua Chính phủ vừa ra
nghị định thành lập công ty mua bán nợ kiểu như thế nhưng có những đặc điểm rất
lạ. Theo dự thảo trước
đó, công ty này mua nợ của các ngân hàng bằng mệnh giá (tức ở đây mua đúng 100
triệu luôn), nhưng không trả bằng tiền mặt mà trả bằng tờ giấy nhận nợ (trái
phiếu). Xong rồi ngân hàng đem tờ trái phiếu này lên NHNN, đưa cho NHNN như một
dạng cầm cố, NHNN mới đưa cho ngân hàng một cục tiền ghi trong sổ sách (gọi là
tái cấp vốn như nói ở trên) nhưng cục tiền này không bằng mệnh giá trái phiếu
mà nhỏ hơn (kiểu như 100 triệu nợ, giờ chỉ còn 30 triệu, chẳng hạn).
- Lẽ ra công ty mua bán nợ là nơi định
giá khoản nợ chứ không phải NHNN.
- Công ty mua bán nợ không bỏ tiền
ra nên thực tế là ngân hàng chủ nợ bán nợ cho NHNN, cái công ty mua bán nợ chỉ
là một dạng trung gian.
- NHNN dùng “chiêu thức” tái cấp
vốn nên đúng là không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng sẽ phải đảm nhiệm một mớ
tài sản xấu, lại phải tung ra thị trường một lượng tiền lớn, gây áp lực lên lạm
phát.
- Lạ nhất
là phát biểu của đại diện NHNN: “Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được
tiếp tục vay vốn của TCTD theo quy định hiện hành”. Nhớ lại ông hàng xóm trên, lẽ ra phải liệt ông
vào dạng khó chơi, bắt ổng chịu một phần trách nhiệm nay lại cho ông vay tiếp,
lại đẻ ra nợ xấu tiếp.
- Ở trên bạn bán nợ cho công ty
dịch vụ, nơi này sẽ tích cực đi đòi nợ, thu tiền về. Đằng này cái công ty mua
bán nợ sắp được thành lập làm sao có đủ người, đủ kinh nghiệm và đủ nguồn lực
khác để đi đòi nợ. NHNN thì không thể trực tiếp đi đòi nợ rồi.
- Thực chất đây chỉ là cách tạm thời chuyển nợ xấu từ ngân
hàng qua cái công ty trung gian kia, sổ sách ngân hàng đẹp lên, hy vọng họ sẽ sẵn
lòng cho vay tiếp. Còn cái cục nợ kia, hy vọng từ từ doanh nghiệp làm ăn khá trở
lại sẽ trả được nợ.
Các tổ chức như IMF từng cảnh báo các
ngân hàng trung ương không nên đảm nhiệm những công việc lẽ ra thuộc bên “tài
khóa” vì làm thế sẽ gây áp lực lên lạm phát, đi ngược lại vai trò chủ yếu của một
ngân hàng trung ương. Thôi đành quan sát chờ xem NHNN sẽ xoay xở thế nào với lạm
phát – gói bù lãi suất 4% ngày xưa nay trở thành nợ xấu – nợ xấu được giải quyết
bằng tái cấp vốn – để xem nó lại biến thành cái gì nữa đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét