Nhãn

6 tháng 5, 2013

766. Đào Tuấn: Chuyện những con CÁ

Những con “cá láng giềng” bơi ngoài chợ đang phản chiếu một câu chuyện khác liên quan đến những “con cá” cầm dùi cui trên đường.


Thế là cá quả, cá tầm, cá chép, ếch sống nguồn gốc Trung Quốc đã ngập tràn Thủ đô trong tình trạng mà báo chí gọi là “đầy đặc” các khu chợ lớn nhỏ. Chẳng lạ. Bởi trước đó và đến bây giờ gà lậu cũng đã ngập tràn mọi “ngõ nhỏ phố nhỏ”. Giá thì rẻ chỉ bằng 1/3 giá bán buôn hàng trong nước. Cũng có gì lạ đâu. Từ lâu, chợ đầu mối lớn nhất miền bắc Đồng Xuân đã trở thành căn cứ tấn công dữ dội bằng vũ khí giá rẻ vào hàng trong nước. Nhưng câu chuyện con cá không chỉ đơn thuần dừng lại như một mặt hàng, dù thực phẩm, cũng không chỉ liên quan đến cái cần câu sinh kế của nông dân. Nhìn nhận không hề ngoa ngôn thì chuyện con gà, con cá “tiểu ngạch” đang chính thức biến Hà Nội, hay Việt Nam, trở thành những cái chợ cóc.

Nhưng những con “cá láng giềng” bơi ngoài chợ đang phản chiếu một câu chuyện khác liên quan đến những “con cá” cầm dùi cui trên đường. Những người luôn kêu khó trước “thủ đoạn buôn lậu”, những người luôn có khuynh hướng đổ lỗi cho “chế tài xử phạt quá nhẹ”. Và những người bắt buôn lậu đôi khi có cảm giác như để ví dụ cho sự có mặt của họ.

Cơ quan chức năng có biết tình trạng buôn lậu qua biên giới vào đến tận Thủ đô hay không?

Quá biết.

Y như con gà lậu, con cá lậu cũng đi trên đường chứ không chui dưới đất.

Y như con gà lậu với điểm tập kết nổi tiếng Hà Mỹ đã được nói tới trước nghị trường, con cá lậu, dù được vận chuyển ban ngày hay ban đêm, cũng có “chợ đầu mối Yên Sở”.

Có nhà chức trách thậm chí đưa hẳn ra được một con số: Có 10 đường dây buôn lậu cá. Mỗi đường dây “đi” 10 chuyến mỗi tháng. Và đi, chứ không phải bay, hay chui, trên đường quốc lộ, trong những chiếc xe đặc chủng chở theo bồn nước to đùng đoàng, đi thẳng về “chợ đầu mối Yên Sở”.

Vấn đề công an có muốn “phá án” có muốn bắt không mà thôi.

Nhưng không chỉ Thủ đô, không chỉ đường bộ, nhà phân phối cá tầm lớn nhất Sài Gòn, ông Trần Văn Toản có lần khẳng định như đinh đóng cột: Mỗi ngày có đến 2 tấn cá “bay” vào Nam, để đưa đi khắp các tỉnh, trên những chuyến bay “made in VietNam”. Trong khi, trả lời Tiền Phong, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết: Ngành hàng không chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra các hàng hoá có khả năng gây nguy hiểm như chất cháy nổ, vũ khí…

Vấn đề là ngành hàng không có muốn xử lý hay không mà thôi.

Trong một hội nghị của Hiệp hội Cá nước lạnh trước tình trạng “Thủ phủ cá tầm miền Bắc” đang bị những “con cá láng giềng” đánh bật ra khỏi ao nhà, tình trạng với đầy những lời kêu than là “Đang rầm rộ hơn bao giờ hết” với “ Mỗi ngày có hàng chục tấn được chuyển qua đường biên”, GĐ Công ty Thiên Hà, Đỗ Tiến Thắng người đi đầu trong việc phát triển cá tầm ở Sa Pa – Lào Cai khẳng định: “Có trường hợp chồng là công an, vợ buôn cá tầm lậu”.

Còn tháng 6 năm ngoái, khi một nhà báo bơi thuyền trong vịnh Cam Ranh để chụp cận mặt những người Trung Quốc nuôi cá ngay sát quân cảng chiến lược, một quan chức của chính quyền địa phương được hỏi đã bối rối đến mức đáp rằng: Không biết cá giống từ đâu. Không biết hàm lượng thức ăn thế nào. Không biết tiêu thụ chỗ nào. Không biết đã nuôi từ bao giờ.

Có thể, những trường hợp “chồng là công an, vợ buôn cá lậu” chỉ là cá biệt, nhưng lại không hề cá biệt cho vấn đề lợi ích trong đường đi của con cá lậu.

Có thể trường hợp Cam Ranh chỉ là một ví dụ cho sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng việc buông lỏng quản lý ở Cam Ranh hóa ra lại không phải là duy nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét