==> đúng là: ‘nói 1 đằng
làm 1 nẻo’ và ‘nói như rồng leo làm như mèo mửa’ !!! ==> đặc sản của CSVN !!!
Nguyễn Thành Sơn: Những tồn tại trong thực hiện ý kiến chị
đạo của BCT về các dự án Bauxite Tây Nguyên
TS. Nguyễn Thành Sơn
-Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH – Vinacomin; - UV BCH Hội KHCN Nhiệt Việt
Nam – VUSTA
Thư NTS: Kính gởi bác Huệ Chi. Trong file kèm theo xin gửi bác
nguyên văn tham luận của em gửi cho Hội thảo 9/5 vừa qua. Rất tiếc, “vì thời gian có hạn” và theo “sự phân công” của
VUSTA, tham luận của em không được trình bày trực tiếp. Kính, NTS.
Thông báo 245-TB/TW
ngày 24/4/2009 đã nêu rõ Kết luận của Bộ Chính trị BCH TƯ ĐCSVN (BCT) về Quy hoạch
phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015.
Đến nay, đã qua 4 năm triển
khai, và thời hạn còn lại của Quy hoạch chỉ còn hơn 2 năm, nhưng những thông
tin, số liệu cần thiết về các dự án bauxite đang được triển khai rầm rộ trên
Tây Nguyên còn rất hạn chế, chưa được công khai và minh bạch.
Việc cập nhật thông
tin, và qua tìm hiểu thực tế cho thấy, còn nhiều tồn tại trong thực hiện ý kiến
chỉ đạo của BCT về các dự án bauxite Tây Nguyên như sau:
1. Về quy hoạch
BCT đã chỉ đạo: “Rà
soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu
hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và
quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện”.
Tuy nhiên, Quy hoạch bauxite điều
chỉnh được “trình làng” 2/2011 vẫn được soạn thảo một cách đối phó, thiếu trách nhiệm, chất lượng
còn rất đáng lo ngại, cụ thể như sau:
Nội dung Quy hoạch điều
chỉnh đã không tuân theo Đề cương đã được Bộ Công Thương phê duyệt;
Phương pháp luận của việc
quy hoạch không phù hợp;
Quy hoạch điều chỉnh
còn rất nhiều vấn đề tồn tại, bất cập như: Không có đánh giá tình hình thực tế;
Không nêu rõ lý do phải điều chỉnh quy hoạch; Không phân biệt giữa “tài nguyên”
và “trữ lượng” bauxite; Không cập nhật các yếu tố tác động đến quy hoạch điều
chỉnh; Quan điểm và mục tiêu phát triển không phù hợp; Phần quy hoạch thăm dò
không cụ thể; Phần lựa chọn công nghệ rất sơ sài và thiếu trách nhiệm; Phần quy
hoạch khai thác được thực hiện rất tùy tiện; Phần quy hoạch chế biến không có
cơ sở; Tính toán về tổn thất tài nguyên không đúng; Phần quy hoạch mặt bằng sân
công nghiệp thực hiện theo cảm tính; Cân đối về nguồn điện rất mơ hồ và đưa ra
các tính toán sai; Cân đối về nguồn nước cũng rất mơ hồ và đưa ra các tính toán
sai; Cân đối về các nguyên vật liệu phụ không được xem xét; Quy hoạch về nguồn
nhân lực không đúng nội dung; Phần đánh giá tác động môi trường rất sơ sài, định
tính; Phần tính toán vốn đầu tư không có cơ sở; Tính toán hiệu quả kinh tế có
nhiều mâu thuẫn và không chính xác, v.v.
Việc tiệm cận Quy hoạch
không nghiêm túc. Nhiều đối tác nước ngoài và
trong nước đã tham gia triển khai quy hoạch bauxite theo kiểu “tay không bắt giặc”: Công ty Atlantic
chuyên khai thác vanidium của Úc, với tổng vốn tự có chỉ gần 79 triệu đô la Úc,
hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tới hơn 4 lần, không có chuyên môn về bauxite,
không biết gì về đường sắt và cảng biển, nhưng cũng được “bật đèn xanh” để
trình cho phía VN một dự án “chiến lược” có tên gọi “Mỏ – Đường sắt – Cảng: Chiến
lược phát triển cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô xít tại Tây
Nguyên, Việt Nam” và với vốn đầu tư hàng chục tỷ U$. Gần đây, một công ty bất động sản của
VN có tổng tài sản khoảng 5 triệu U$ trên phố Bà Triệu HN cũng được chấp nhận để
triển khai dự án điện phân nhôm có vốn gần nửa tỷ U$ trên Tây Nguyên.
2. Về triển khai các dự án thử nghiệm
BCT đã lưu ý: “kế hoạch
triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả tổng thể, bao gồm cả hiệu quả
kinh tế và hiệu quả xã hội; trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài
nguyên, nhu cầu thị trường, sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu
vực và thế giới…” và BCT đã chỉ đạo: “phát triển ngành công nghiệp khai thác
bô-xít, chế biến alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững
của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm,
bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc
phòng”.
Thực tế triển khai các
dự án thử nghiệm cho thấy:
(1) Tính chất thử nghiệm
không đúng: Mặc dù mục đích là thử nghiệm, nhưng TKV đã “thử nghiệm” đồng thời ở
cả 2 dự án với cùng 1 công nghệ, cùng 1 qui mô, cùng 1 nhà thầu, cùng 1 loại
bauxite, cùng 1 điều kiện khai thác, vận chuyển, v.v. hoàn toàn không phải là
“vừa làm vừa rút kinh nghiệm” như ý kiến chỉ đạo của BCT.
(2) Qui mô thử nghiệm
không phù hợp: Công suất thử nghiệm lên tới
1,26 triệu tấn/năm (cao gấp 10 lần nhu cầu trong nước) đã trái với chỉ đạo của
BCT là “từ nhỏ đến lớn” và “có bước đi thích hợp”. Lý do được chủ đầu tư nêu ra
để tăng qui mô thử nghiệm lên hơn 4 lần (từ 0,3 tr.t/n lên 1,26 tr.t/n) là để
giảm chi phí đầu tư. Thực tế hiện nay cho thấy, hiệu quả kinh tế của cả 2 dự án
thử nghiệm đều rất ít phụ thuộc vào qui mô công suất (tính kinh tế của qui mô
không thể hiện).
(3) Kết quả thử nghiệm
đã bộc lộ quá nhiều tồn tại:
(i) Lựa chọn nhà thầu
sai lầm: Lý do được TKV đưa ra để chỉ định cho 1 nhà thầu “thắng” thầu cả 2 dự
án là để giảm giá trúng thầu. Thực tế cho thấy, giá trúng thầu của dự án Nhân
Cơ (499,2 tr.U$) lại cao hơn dự án Tân Rai (466 tr.U$) mặc dù, nhờ triển khai 2
dự án giống nhau, nhà thầu đã tiết kiệm được ít nhất 15% chi phí (thiết kế kỹ
thuật và quản lý dự án).
(ii) Tổ chức quản lý cả 2 dự án đều sai qui định: Luật của VN qui
định có 2 hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư: Thuê tư vấn độc lập quản lý,
hoặc chủ đầu tư tự tổ chức quản lý dự án. Mặc dù chưa có kinh nghiệm về
alumina, nhưng TKV vẫn triển khai quản lý cả hai dự án theo hình thức “chủ đầu
tư tự quản lý dự án”, không thuê tư vấn quản lý dự án. Ban quản lý các dự án alumina của TKV được thành lập từ các cán
bộ chỉ biết về ngành than và các sinh viên mới ra trường. Vì vậy, chủ đầu tư đã
không lường trước được rủi ro, đã “quên” nhiều hạng mục, đã không kiểm soát được
nhà thầu, v.v.
(iii) Tổ chức đầu tư xây dựng gây lãng phí: Để “chạy theo thành
tích”, dự án Nhân Cơ đã được tổ chức san gạt mặt bằng ngay khi chưa có thiết kế
được phê duyệt. Nhiều khu vực trên mặt bằng, nếu biết rút kinh nghiệm từ Tân
Rai, không cần phải san gạt, nhưng đã được san gạt, rồi lại phải lấp lại gây tốn
kém hơn 3 lần.
(iv) Thời gian xây dựng
bị kéo dài: Theo Hợp đồng số 1/TKV-CHALIECO ký ngày 14/7/2008, dự án Tân Rai có
thời gian thực hiện 24 tháng (xây dựng 21 tháng + vận hành chạy thử 3 tháng). Đến
nay, đã gần 5 năm, dự án vẫn chưa được bàn giao. Mặc dù TKV đã trả gần hết tiền theo hợp đồng, nhưng, do chất lượng dự
án thấp, nhà thầu vẫn đang rất lúng túng trong việc chạy thử để bàn giao cho chủ
đầu tư.
Thời gian xây
dựng kéo dài đã và đang làm tăng tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 80-100 triệu
U$/năm (do tăng IDC).
(v) Định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm sai lầm: Để thuyết phục được
các cơ quan quản lý về qui mô thử nghiệm, từ 2009, TKV “đã ký hợp đồng nguyên tắc
bán cho Tập đoàn luyện kim Vân Nam trong thời hạn 30 năm sản phẩm alumina của
Tân Rai và Nhân Cơ với khối lượng 600.000-900.000 tấn/năm”. Đây là một sai lầm
trong việc lựa chọn thị trường tiêu điểm của sản phẩm. TKV đã tự “trói” mình
vào một khách hàng không đáng tin cậy, trong khi, thị trường alumina trên thế
giới là thị trường mở. Thực tế cho thấy, dự án Tân Rai đã ra mẻ sản phẩm đầu
tiên từ 12/2012, nhưng dự kiến đến 5/2013 mới hy vọng tiêu thụ được chuyến tàu
đầu tiên khoảng 15.000 tấn tại cảng Gò Dầu cho công ty thương mại Glenco, còn
các khách hàng tiềm năng khác (luyện kim Vân Nam hay Marubeni Nhật) vẫn chưa có
lý do để tin tưởng vào sự ổn định về chất lượng (qui cách) của sản phẩm
alumina.
3. Về lựa chọn công nghệ
BCT đã lưu ý: “Việc lựa
chọn công nghệ là một nội dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng thiết bị và
công nghệ hiện đại trên thế giới”.
Thực tế cho thấy: TKV vẫn
tiếp tục mắc vào “cái bẫy giá rẻ” để chọn công nghệ lạc hậu của nhà thầu TQ
trong quá trình đấu thầu và triển khai hợp đồng EPC trọn gói.
Nhà thầu TQ được TKV lựa
chọn không có công nghệ nguồn về alumina, không có kinh nghiệm làm alumina từ
bauxite dạng Gibsite như của Tây Nguyên (chỉ có kinh nghiệm làm
alumina từ bauxite loại Diaspore tương tự như bauxite tại Cao Bằng,
Hà Giang, Lạng Sơn). Vì vậy, nhà thầu TQ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm ở cả
hai dự án, và việc chạy thử nghiệm thu của dự án Tân Rai bị kéo dài.
Công nghệ dự án Tân Rai lạc hậu được thể hiện cụ thể như sau:
(1) Công nghệ sử dụng
than lạc hậu, đòi hỏi phải sử dụng loại than tốt đưa từ Quảng Ninh vào.
Phân xưởng khí hóa than sử dụng công nghệ từ cách đây hơn ½ thế kỷ. Theo cam kết
của nhà thầu, để sản xuất 1 tấn alumina cần tiêu hao: 679kg than (loại
6050kcal/kg); 74kg xút (100% NaOH); 49,26kg vôi; 7m3 nước v.v. Như vậy, tổng
lượng than cấp cho dự án Tân Rai (khoảng 0,428 tr. t/năm) đủ cấp cho 1 nhà máy
điện (tương đương nhà máy điện Cao Ngạn) và đủ để phát khoảng 1 tỷ kWh/năm.
Riêng chi phí than (cám 4b: có giá bán hiện nay tại Quảng Ninh là 1,8 tr. đ/tấn
+ vận chuyển vào cảng Gò Dầu là 0,334 tr. đ/tấn + vận chuyển từ Gò Dầu lên Tân
Rai là 0,460 tr. đ/tấn ≈ 130U$/tấn) chiếm khoảng 26,5% giá thành alumina.
(2) Công nghệ thải bùn đỏ vừa lạc
hậu vừa nguy hiểm. Tất cả các dự án alumina mới của thế giới đã từ lâu
không áp dụng công nghệ “ướt” để thải bùn đỏ. Trong khi đó, cả hai dự án alumina trên Tây
Nguyên vẫn áp dụng công nghệ “ướt”. Các bể chứa bùn đỏ trên Tây Nguyên vẫn được
thiết kế theo tiêu chuẩn lạc hậu của TQ (GB18598-2001) đòi hỏi phải chiếm rất
nhiều diện tích đất nông nghiệp thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật”. Việc khảo sát tại
Hungary sau sự cố hồ bùn đỏ cho thấy sự cần thiết phải chuyển sang công nghệ thải
“khô” và chi phí để chuyển từ công nghệ “ướt” sang công nghệ “khô” không lớn (ở
Hungary chỉ vài triệu U$). Mặc dù vậy, dự án Tân Rai (và đến nay cả dự án Nhân Cơ) vẫn được
áp dụng công nghệ thải “ướt” lạc hậu. Điều này chỉ có thể giải thích hoặc do
nhà thầu TQ không có kinh nghiệm, hoặc
do chủ đầu tư cố tình bỏ qua các cảnh báo về môi trường.
(3) Nhu cầu nước rất lớn. Phân xưởng alumina, theo cam kết của nhà
thầu TQ, tiêu hao nước công nghệ để sản xuất 1 tấn alumina lên tới
7m3 (sau tuần hoàn). Mức tiêu hao này cao hơn
1,4 lần so với mức cao nhất của thế giới. Phân xưởng tuyển bauxite cũng được thiết kế
theo công nghệ dùng nhiều nước. Tiêu hao nước cho khâu tuyển bauxite (đã tính đến
khả năng tái sử dụng nhờ tuần hoàn 60%) lên tới 4m3/tấn quặng tinh, hay 11m3/tấn
alumina. Như vậy, chỉ tính ở 2 khâu (tuyển bauxite và sản xuất alumina) để sản
xuất ra 1 tấn alumina, đòi hỏi phải cấp bổ sung một lượng nước 7+11=18m3. Với
công nghệ lạc hậu của Tân Rai hiện nay, và theo cam kết của Nhà thầu, vào mùa
khô, ít nhất dự án đòi hỏi phải được cấp bổ sung (sau tuần hoàn) 1399,5m3/h
(chưa kể nước tiêu hao cho các nhu cầu khác). Nhu cầu này đã vượt xa “tính
toán” của TKV và cao hơn khả năng đáp ứng. Trong điều kiện khan hiếm nước trên Tây Nguyên, việc
cấp nước cho sản xuất alumina sẽ không thể đảm bảo được (đặc biệt về mùa khô).
(4) Tổn thất tài
nguyên quá lớn. Quặng bauxite nguyên khai (theo báo cáo ngày 25/12/2008 của TKV)
có hàm lượng Al2O3=35÷39%. Quặng bauxite tinh (sau tuyển) đưa vào sản xuất
alumina (được TKV cam kết để nhà thầu TQ thiết kế) có hàm lượng Al2O3=47,11%. Sản
phẩm alumin được nhà thầu TQ cam kết có hàm lượng Al2O3 là 98,6%. Tỷ lệ
bauxite nguyên khai/bauxite tinh theo dự tính của TKV là 2/1, và tiêu hao
bauxite tinh đầu vào để sản xuất 1 tấn alumina theo cam kết của nhà thầu TQ là
2,737 tấn. Như vậy, tỷ lệ tổn thất quặng trong khâu tuyển bauxite là 36,33% và
trong khâu sản xuất alumina là 23,53%. Tỷ lệ tổn thất tài nguyên chung ở 2 khâu (chưa tính
khâu khai thác) đã lên tới 51,32%.
Về lâu dài, tỷ lệ tổn thất tài nguyên lớn (do công nghệ lạc hậu)
sẽ làm giảm hơn ½ tiềm năng bauxite của VN, và trước mắt, sẽ làm cho diện tích
chiếm đất để khai thác bauxite trên Tây Nguyên sẽ tăng lên.
(5) Chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát. Đây cũng là lý
do đến nay TKV vẫn chưa tiêu thụ được alumina. Sản phẩm alumina dùng cho điện phân nhôm đòi
hỏi độ ẩm < 0,5%, trong trường hợp được người mua thỏa thuận, độ ẩm tối đa của
alumina cũng < 1%. Chỉ tiêu rất quan
trọng này không được nhà thầu cam kết. Còn chỉ tiêu về hàm lượng a-Al2O3 lại được
nhà thầu cam kết, nhưng không thể kiểm soát được vì dự án không
có phòng thí nghiệm được trang bị phù hợp.
4. Về hiệu quả kinh tế - tài chính
BCT đã lưu ý đến “hiệu
quả tổng thể, bao gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội”.
Thực tế, hiệu quả kinh
tế-tài chính của dự án phụ thuộc cơ bản vào giá bán alumina. Giá bán alumina phụ
thuộc hoàn toàn vào giá nhôm kim loại.
Theo dự báo của TKV (25/12/2008):
(i) Giá nhôm kim loại
năm 2008 là 2600 U$/tấn, năm 2012 là 2200 U$/t và tăng lên đến 3200 U$/t vào
năm 2030.
(ii) Giá alumina năm
2008 bằng 10% giá nhôm, sẽ tăng lên 13% giá nhôm vào năm 1012, và duy trì đến
năm 2030.
Theo số liệu của Bộ
Công Thương (3/2013): giá alumina tại cảng biển VN là 325 U$/tấn, cao hơn
nhiều so với dự báo của TKV.
Theo số liệu của Thị
trường kim loại Luân đôn (LME- London Metal Exchange): giá nhôm năm 2008
là 2572.8 U$/t (thấp hơn dự báo của TKV 27.2 U$/t) và năm 2012 chỉ đạt 2050.4
U$/t (thấp hơn dự báo của TKV 149.6 U$/t).
Để đánh giá hiệu quả
kinh tế, việc dự báo giá nhôm kim loại trong dài hạn cần được tiến hành trên cơ
sở phân tích số liệu thống kê tin cậy của LME.
Sử dụng số liệu thống kê
của LME tại trang Veb trên (giá nhôm kim loại bình quân trong 24 năm gần đây
1989-2013 và giá cụ thể của 1071 ngày gần nhất, từ 2/1/2009 đến 03/5/2013) và
áp dụng phương pháp dự báo theo dẫy số thời gian, lấy gốc là năm 1989 (i=1), mô
hình toán học dự báo được thiết lập theo các thuật toán thống kê là phương
trình hồi quy bậc 1 (tuyến tính) sẽ có dạng: Yi=1267,385+37,438*Xi, và được biểu
diễn bằng đồ thị sau:
Mô hình toán học và đồ
thị trên cho thấy:
- Tầm xa dự báo không
giới hạn (tạm lấy 50 năm: 2013-2063).
- Giá nhôm bình quân của
năm 2013 là 1997,1 U$/tấn (đến ngày 3/5/2013 giá thực tế là 1861,5 U$/t) và
trong tương lai cả đời dự án (50 năm) sẽ tăng lên liên tục (nhưng thấp hơn dự
tính của TKV): đến năm 2023 đạt 2577,73 U$/t; năm 2033 đạt 2952,11 U$/t; năm
2043 đạt 3326,49 U$/t; năm 2053 đạt 3700,88 U$/t; năm 2063 đạt 4075,26 U$/t.
Trên cơ sở giá nhôm
liên tục tăng như trên, việc đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai theo
các kịch bản thuận lợi nhất (A), trung bình (B) và xấu (C) cho kết quả như
sau:
Các kịch bản
|
A
|
B
|
C
|
||||
Tổng mức đầu tư
(tr.U$)
|
750
|
750
|
750
|
||||
Thời hạn trả nợ vốn
vay (năm)
|
15
|
15
|
15
|
||||
Giá thành Alumina tại
cổng nhà máy (U$/t)
|
333
|
333
|
333
|
||||
Chi phí vận chuyển, bốc
rót, tiêu thụ (U$/t)
|
25
|
27.5
|
30
|
||||
Giá thành toàn bộ tại
cảng (U$/t)
|
358
|
361
|
363
|
||||
Sản lượng Alumina xuất
khẩu (1000t/năm)
|
630
|
630
|
630
|
||||
Thuế suất thuế xuất
khẩu (%/giá bán)
|
10%
|
15%
|
20%
|
||||
Tỷ lệ giá Alumina
trong giá Nhôm (%)
|
15.00%
|
13.5%
|
12.5%
|
||||
Mức tăng chi phí biến
đổi (VC) đầu vào (%/năm)
|
0.50%
|
0.90%
|
1.26%
|
||||
Mức tăng giá xuất khẩu
Alumina (%/năm)
|
1.26%
|
1.26%
|
1.26%
|
||||
Lãi suất b.q gia quyền
của vốn (%/năm)
|
4.5%
|
4.5%
|
4.5%
|
||||
NPV (tr.U$)
|
- 36
|
-1035
|
-1876
|
||||
IRR (%/năm)
|
4%
|
#DIV/0!
|
#DIV/0!
|
Kết quả trên cho thấy, trong trường hợp thuận lợi nhất đối với
dự án và lý tưởng nhất đối với chủ đầu tư (kịch bản A), dự án Tân Rai cũng hoàn
toàn không có hiệu quả kinh tế (NPV= -36 tr. U$), không có khả năng thu hồi vốn
(IRR= 4%/năm); và liên tục lỗ (B-C<0) đến năm 2029 (xem đồ thị sau).
Ngay trong kịch bản A nói
trên, dự án Tân Rai còn chưa tính đến các rủi ro như: (i) Tổng mức đầu tư thực
tế sẽ cao hơn 750 tr.U$; (ii) Không thể vận hành liên tục 365 ngày/năm để có sản
lượng theo thiết kế 630 nghìn tấn/năm như cam kết của nhà thầu; (iii) Lãi suất
vay vốn sẽ cao hơn 4,5%/năm, và thời gian vay sẽ nhỏ hơn 15 năm (vì uy tín để
huy động vốn của TKV hiện đã và đang thấp hơn rất nhiều so với trước đây).
5. Về hiệu quả kinh tế - xã hội
Trước khi có các dự án
bauxite, môi trường, xã hội Tây Nguyên đã bị xuống cấp nặng nề. Rừng là cội nguồn
sống và cội nguồn sinh hoạt tâm linh của đồng bào thiểu số trên Tây Nguyên. Việc
di dân ồ ạt lên Tây Nguyên và việc phát triển rầm rộ các dự án thủy điện trên
Tây Nguyên là 2 nguyên nhân cơ bản đã làm cho rừng tự nhiên – không gian sinh tồn
của đồng bào bị phá hủy.
Việc triển khai các dự
án bauxite gần đây đã và đang tiếp tục làm cho không gian sinh tồn của đồng bào
ngày càng thu hẹp. Trên thế giới cũng như ở VN, quá trình
khai thác bauxite (do đặc thù của nó) là quá trình không thể đảo ngược và không
thể bền vững.
Cái gọi là “sinh kế cộng đồng” hay “phát triển xanh”, v.v. được
TKV cam kết trước đây, đến nay chỉ tồn tại trên giấy. Trên thực tế, ở Tân
Rai và Nhân Cơ, người dân tộc tại chỗ đã bị gạt ra ngoài cuộc. Các xóm tái định
cư của người Kơho ở Tân Rai do TKV hỗ trợ đang và sẽ ngày càng bần cùng hóa.
Tình hình thực tế 4 năm qua cho thấy không thể coi nhẹ vấn đề dân tộc.
Số vốn gần 1,5 tỷ U$ đầu
tư thử nghiệm bauxite trong 4 năm qua (chỉ tạo ra việc làm cho 1500 lao động của
TKV), đã có thể làm tăng trưởng đáng kể nền kinh tế Tây Nguyên, tạo ra hàng triệu
việc làm, nâng cao được mức sống của 6 triệu người nếu được chi cho công tác
đào tạo nguồn nhân lực, phát triển bền vững cây công nghiệp (cà phê, cau su,
chè, điều).
6. Về cơ sở hạ tầng của bauxite
BCT đã lưu ý: “Kết cấu
hạ tầng Tây Nguyên còn thấp kém, nguồn nước và nguồn điện hạn chế, nên cần phải
đẩy mạnh phát triển để vừa đáp ứng yêu cầu khai thác bô-xít, sản xuất alumin, vừa
đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng này”.
Thực tế cho thấy:
- Về giao thông vận tải:
Cả hai dự án đã được triển khai gần 5 năm, nhưng vấn đề vận tải tiêu thụ
alumina và cung cấp nhiên liệu, nguyên liệu (than, xút) cho nhà máy vẫn chưa được
giải quyết. Rất nhiều phương án đã được đưa ra, nhưng các phương án đều không
khả thi về mặt kỹ thuật (đường dốc, quanh co, hẹp) và không khả thi về mặt kinh
tế (đòi hỏi vốn đầu tư lớn và chi phí vận tải cao). Việc triển khai dự án cảng
biển Kê Gà đã mắc 2 sai lầm nghiêm trọng: lựa chọn địa điểm và xác định qui mô ấu
trĩ. Việc cải tạo tuyến đường bộ từ để vận chuyển alumina của Tân Rai mặc dù được
Thủ tướng chỉ đạo triển khai từ 2011, đến nay mới đang nâng cấp các tỉnh lộ 725
và 769, còn quốc lộ 20 (Lộc Sơn – Dầu Dây, dài 110 km), đòi hỏi vốn khoảng 4600
tỷ do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư vẫn đang chờ “BT”.
Phương án sử dụng cảng
Gò Dầu (thay cảng Kê Gà) càng làm trầm trọng hơn vấn đề vận tải ngoài của dự án
Nhân Cơ. Để vận chuyển alumina từ Nhân Cơ về cảng Gò dầu sẽ bắt buộc phải chi
thêm khoảng 100 tr. U$. Trong đó, chi 30 tr. U$ cho 40km đường nối QL14 với
QL28 từ Nhân Cơ đến Quảng Sơn; 20 tr. U$ nâng cấp để sử dụng chung đường công vụ
hiện có của thủy điện Đồng Nai 4 về Bảo Lâm; và 50 tr. U$ làm đường tránh mới
phía tây của thị xã Bảo Lộc. Nếu huy động được 30% vốn ngân sách (như đường
tránh phía tây thị xã Bảo Lộc), dự án Nhân Cơ phải đầu tư thêm tối thiểu 70 tr.
U$ cho khâu vận tải ngoài bằng ôtô.
- Về cấp nước và cấp điện:
Nguồn cung cấp nước và cung cấp điện cho cả 2 dự án không những không được “đẩy
mạnh phát triển” thêm mà ngày càng làm mất cân đối nghiêm trọng cho việc phát
triển kinh tế - xã hội trong vùng. Dự án thủy điện Đồng Nai 5 (công suất 150
MW) hiện vẫn chưa hoàn thành, trong tương lai chỉ đủ cho điện phân khoảng 30
nghìn tấn nhôm.
7. Về vấn đề bảo vệ môi trường
BCT đã lưu ý: “Khai
thác bô-xít, sản xuất alumin có tác động lớn đến môi trường từ khâu khai thác,
chế biến, vận chuyển đến xử lý chất thải, nếu không được quản lý tốt, không
tính hết đến tác động môi trường thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc
phục phải mất nhiều năm với chi phí tốn kém lớn”.
Thực tế, nguy cơ về thảm
họa bùn đỏ giống ở Hungary vẫn hiện hữu, vì cả 2 dự án vẫn được áp dụng công
nghệ “ướt” để thải bùn đỏ.
Vấn đề cạn kiệt nguồn nước của Tây Nguyên và hạ lưu là không
tránh khỏi.
Tiêu hao nước ngọt của cả 2 dự án đều lớn hơn dự tính ban đầu. Trong khi đó,
Tây Nguyên đang ngày càng phải đối mặt với thiếu nước trầm trọng.
Khai thác bauxite diễn
ra trên bề mặt, nên khai trường chiếm dụng đất rất lớn. Công nghệ khai thác
bauxite (đòi hỏi phải chặt phá cây công nghiệp, cây rừng, phải khoan nổ mìn và
xúc bốc) sẽ dẫn đến xói mòn, sạt lở đất, đe dọa tuổi thọ các thủy vực và các
dòng sông.
Nguy cơ đất không thể
phục hồi sau khi khai thác bauxite vẫn tồn tại. Tuy đã hứa, TKV vẫn chưa thực
hiện thí điểm hoàn thổ, chưa khẳng định tính khả thi về mặt kỹ thuật cũng như
xác định chi phí để hoàn thổ theo qui định của Luật.
Ô nhiễm không khí do bụi
trong vận chuyển bằng ô tô là vấn đề còn tồn tại và nguy hiểm, đặc biệt vào mùa
khô.
8. Về riêng dự án Nhân Cơ
BCT đã chỉ đạo: “Riêng
dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc
đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo
đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”.
Thực tế, hoàn toàn ngược
lại. Dự án Nhân Cơ được khởi công ngay từ 28/2/2010 khi chưa “rà soát toàn bộ
các vấn đề có liên quan” (đặc biệt, việc vận tải ngoài còn đang ngày càng bế tắc
như trên đã nêu) và vẫn tiếp tục triển khai thực hiện ngay cả khi đã rõ sự thật
là kém hiệu quả hơn so với Tân Rai (vốn đầu tư cao hơn, chi phí vận tải cao
hơn, tiến độ cũng bị kéo dài v.v.). Những “yêu cầu về bảo vệ môi trường” cũng
chưa có gì “bảo đảm” vì cũng sử dụng công nghệ “ướt” lạc hậu để thải bùn đỏ.
9. Về chủ đầu tư
Khoảng 99% lợi nhuận
thu được để TKV đầu tư vào các dự án kinh doanh đa ngành (trong đó có các dự án
bauxite-alumina) có nguồn gốc từ ngành than xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều mỏ
than của TKV đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì giá thành cao hơn giá
bán. Giá thành than của VN đã ở mức bình quân 65 U$/tấn
– cao nhất thế giới (bình quân chỉ khoảng 25-30 U$/tấn). Ở mức giá thành than
như của TKV hiện nay, các mỏ than của Nga, Pháp, Đức, Anh, Nhật, Mỹ đã lần lượt
đóng cửa vì không có hiệu quả. Tình trạng của TKV hiện nay là “ốc đã không mang
nổi mình ốc, còn cố mang cọc cho rêu”.
Mặc dù vậy, lãnh đạo điều
hành của TKV vẫn cho rằng việc quan tâm đến các dự án thử nghiệm bauxite không
phải là nhiệm vụ của người ngoài và, trong quá trình điều hành vẫn tiếp tục bỏ
qua nhiều các ý kiến phản biện đúng và không quan tâm đến phát triển ngành than. Đây là nguyên nhân
chính dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” (“đi vướng vốn, về vướng hiệu
quả”) của các dự án thử nghiệm bauxite trên Tây Nguyên và nguy cơ đóng cửa hàng
loạt các mỏ than ở Quảng Ninh hiện nay.
10. Kiến nghị
(1) Về thử nghiệm bauxite:
(i) Dự án Tân rai: cần
làm rõ các thông số cam kết của nhà thầu (thực hiện nghiêm túc Performance
Test), công khai và minh bạch về chi phí đầu tư, mô hình tài chính, giá thành
tính đúng, tính đủ, v.v.
(ii) Dự án Nhân Cơ: trước mắt nên dừng vì chắc chắn dự án Nhân
Cơ còn kém hiệu quả hơn Tân Rai.
(iii) Chủ đầu tư: cần
ưu tiên nguồn lực của TKV cho các mỏ than ở Quảng Ninh để đảm bảo an ninh năng
lượng quốc gia.
(2) Về quy hoạch bauxite:
(i) Cần nâng cao trình
độ của cơ quan tư vấn và tham mưu về bauxite.
(ii) Cần rà soát lại
quy hoạch bauxite một cách nghiêm túc.
(iii) Nên tranh thủ tối
đa chức năng tư vấn phản biện của VUSTA.
(iv) Không nên dựa vào
các đối tác không có thực lực (như Atlantic) và không có kinh nghiệm (như
Chalienco) để thực hiện Quy hoạch.
(3) Về quản lý nhà nước:
(i) Để có căn cứ cho
các quyết định tiếp theo, cần sớm kiểm toán độc lập cả 2 dự án Tân Rai và Nhân
Cơ.
(ii) Để tìm cách tháo gỡ
cho các dự án thử nghiệm, cần làm rõ các vấn đề: chỉ chọn 1 nhà thầu cho cả 2 dự
án? Nhà thầu không có kinh nghiệm cũng được chỉ định thầu? Vốn đầu tư tăng? Tiến
độ kéo dài? Công nghệ lạc hậu? v.v.
(4) Về phát triển Tây Nguyên:
(i) Để phát triển bền vững
Tây Nguyên, cần ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải,
cấp nước, cấp điện phải đi trước một bước) và xây dựng hạ tầng xã hội (giáo dục,
văn hóa, y tế). Cần chấm dứt việc triển
khai các dự án theo “qui trình ngược” như hiện nay.
(ii) Để không gây xung
đột trong phát triển kinh tế như thời gian vừa qua, cương quyết thu hồi giấy
phép của các chủ đầu tư và tạm dừng các dự án chưa giải quyết được vấn đề vận tải,
cấp điện và cấp nước.
(iii) Cần coi trọng như
nhau hiệu quả kinh tế - tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả kinh tế
- môi trường của các dự án SXKD trên Tây Nguyên.
N.T.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét