Nhãn

7 tháng 5, 2012

381. HÀ VĂN THỊNH - TRÍ TUỆ CỦA LOÀI MỐI


Dịp rồi, tôi đi công tác ở Quảng Bình – đất địa linh nhân kiệt với Kẻ Bàng, kẻ sĩ có cái hào sảng, lung linh, cuốn hút như thạch nhũ rạng ngời… Ông bạn tôi, một TS nửa ở ẩn nửa không, nửa làm thơ (từng đoạt giải báo Văn Nghệ) nửa thích dùng búa để bửa xẻ chuyện đời, thủng thẳng nói với tôi rằng: “Trên đời này, nếu kể về trí tuệ trong giới động vật không phải người (hoặc chưa thành người) thì loài ong và loài mối là loại có trí tuệ nhất khi tạo ra những công trình xây dựng có một không hai, chuẩn xác và hấp dẫn có khi còn hơn nhiều công trình khoa học thời nay…”. Tôi nghe trong hương rượu vodka nhưng vẫn còn đủ chút lý trí mơ hồ nào đó để thầm phản bác rằng: “Quái, cái lão chập (gọi thế chứ lão thông minh ít nhất hơn tôi gấp 10 lần) này, hết việc hay sao lại đi khen loài mối. Ong thì khả dĩ còn được, nó đáng yêu, hơn nữa, nó lại còn cái thắt đáy lưng ong, chỉ mới nghe thôi nước bọt đã thơm phức cả miệng mồm…

Mặc cái thằng tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn quẩn tư xuẩn bí, vị TS có gène ba sàm giảng giải tiếp.

“Công trình của loài ong cho phép con người nghĩ tới những sự phi thường, thanh cao, thậm chí đạt đến mức thoát tục của nghệ thuật sống và cống hiến. Thế nhưng, so với loài mối thì ong cũng chỉ đáng là loại học trò mang số kiếp thi lại bền vững”.

Bây giờ thì tôi shock thật sự bởi cái nhiễu loạn so sánh, phân tích của ông bạn có dăm ba chữ vàng. Dẫu có tối tăm cách mấy tôi cũng không thể quên lời dạy của Marx rằng khoa học bắt đầu bằng sự so sánh, rằng muốn đạt đến cái gì đó kho khó một tý đều phải băng qua những đỉnh cao gian khổ, nhọc nhằn của một con đường dài vất vả, chông chênh. Không nghĩ ra thì đành phải chờ thôi. Có hàng vạn người trên trái đất này không thèm trăn trở vì họ biết thể nào cũng có những người khác nghĩ thay, nghĩ cố cho mình.

“Con ong nó xây tổ thật đẹp để sống cho nó và cho những đời sau. Nó dạy cho các thế hệ mới những bài học về tính hiệu quả, tiết kiệm… Cái đẹp của 6 mặt không hề thò lò của cuộc sống chỉn chu là hạnh phúc khi lao động sáng tạo miệt mài”…

Tôi bắt đầu nghĩ rằng có lẽ bạn tôi đã say hơn cả tôi khi nó có ý định dạy tôi những bài học cũ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hồi chung nhau một lớp suốt bốn năm rưỡi ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, hắn bao giờ cũng thua tôi ở cái môn nói phét – tức là lịch sử về những điều không tưởng và bịa đặt; hay, nói cho có vẻ văn chương, lịch sử là khoa học về những sự giả dối tinh vi nhằm làm cho con người luôn lầm tưởng mọi cái được bịa ra, thêm vào, cắt bớt, đều là sự thật.

“Loài mối, biết làm những điều không một chủng loại nào làm được (trừ con người). Nó đục ruỗng xà nhà, cột, kèo mà không một ai hay biết. Hoặc, giả có biết thì cứ tin rằng không đáng kể. Có thể ví cột, kèo, xà nhà, đòn tay giống như là “ĐẤT NƯỚC” của loài mối. Chúng phá tan tành đất nước, hủy hoại từ từ, từng chút một bằng sự tính toán tỷ mỉ, chi ly; sao cho chúng ăn hết bên trong rồi, cái vỏ “đất nước” của nó vẫn y nguyên…”

Nói đến đó, bạn tôi chỉ vào một khúc gỗ tròn, dài, đen bóng, dựng chênh chếch bên trái hòn non bộ: “Cậu thử nhấc nó lên xem. Nhớ nhẹ tay bởi mình không muốn nó mục vỡ”. Tôi đứng dậy, đến gần hòn non bộ rồi “vận công”, nhấc khúc gỗ tròn trông giống một cái cột nhà: Nó nhẹ tênh.

“Đấy, thấy rõ chưa, tất cả chỉ còn lại một cái vỏ, trong khi lũ mối đã đục khoét bên trong chẳng còn gì. Chúng sẽ ăn, tiếp tục đục khoét cho đến khi nào không thể ăn thêm được nữa là chúng cao chạy xa bay, chuyển sang cây cột khác, kèo dầm khác, tìm “nước” khác”.

Nhìn thấy bộ dạng thiểu não, hoang mang của tôi, gã bạn không những không thương hại mà lại còn nhất quyết không buông tha: “Cái khó mà mình nghĩ mãi không ra, khó đến mức phải đặt cái khúc cột nhà đó ở đây để nghĩ tiếp là làm sao loài mối biết khi nào thì cây cột nhà sắp đổ sụp – tức là bị “loài người tiến bộ” phát hiện (tức là chúng chết chắc), để bồng bế, dắt nhau trốn sang “nước” khác kịp thời…”(!)

Ừ nhỉ, tôi thở ra mà giống như trút khỏi cái đầu mình cả một hòn đá trĩu nặng nỗi đau. Lũ mối quả là có trí tuệ siêu phàm. Chúng tham ăn, tục uống, bất lương và không hề biết xấu hổ. Chúng giỏi che đậy đến bậc thượng thừa khi ăn ruỗng, đục khoét hết cả một “đất nước” mà ông đi qua, bà đi lại không hề hay biết (hay là biết mà giả điếc, giả câm?). Chỉ đến lúc nào đó, một cơn bão thổi tới, một ai đó xô mạnh vào thì cả cái gọi là khúc gỗ ấy mới đổ sập xuống! Giả dối để tham lam tinh vi đến thế là cùng. Tiên sư anh Tào Mối(!)

Huế, 20.4.2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét