Chu Công Phùng - Bài 9. Tiềm năng kinh tế Myanmar
Myanmar là
một trong rất ít quốc gia trên thế giới được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn tài
nguyên phong phú, hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Golden Land" (miền
đất vàng) mà người dân Myanmar luôn tự hào với bè bạn quốc tế. Tuy nhiên, hơn nửa
thế kỷ qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kinh tế Myanmar được xếp
vào loại chậm phát triển so với các nước trong khu vực.
1. Nông nghiệp
Myanmar có
19,39 triệu hecta đất đai nông nghiệp mầu mỡ có thể trồng hơn 60 loại cây
nông nghiệp khác nhau từ những loại cây nhiệt đới đến ôn đới, nhưng hiện mới
khai thác được 13,15 triệu hecta, diện tích đất còn bỏ hoang hóa tới
6,24 triệu hecta. Cây nông nghiệp chủ yêú của Myanmar là lúa nước, lúa
mì, ngô, đậu các loại, lạc, vừng, bông, mía, hoa hướng dương (lấy dầu),
thuốc lá...
Những vùng
đất chuyên trồng lúa gạo là vùng đồng bằng rộng lớn châu thổ sông Irrawaddy,
vùng ven biển Arakan, vùng Taninthayi và vùng thung lũng Sittang. Ngô, đậu và các
cây công nghiệp khác được trồng nhiều ở miền Trung và miền Bắc Myanmar.
Không giống
các nước Châu Á khác thường bị thiên tai tàn phá. Điều kiện thiên nhiên ở
Myanmar rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Phần lớn đất đai sản xuất nông
nghiệp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ôn hòa, quanh năm hầu như không có lũ lụt,
bão tố.[1] Ngoài
ra, do trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp ở Myanmar còn thấp, sử dụng hóa chất
ít, vì vậy sản phẩm nông nghiệp của Myanmar từ lương thực, rau xanh, củ quả, thịt,
cá v.v... đều thuộc loại "thực phẩm sạch" được các nhà nhập
khẩu quốc tế rất ưa chuộng.
Myanmar
hiện có 18,9 triệu lao động nông nghiệp, chiếm 70% lao động cả nước. Lực
lượng lao động dồi dào này chưa được sử dụng hết năng lực.
Từ năm
1890 thế kỷ XIX, Myanmar thời thuộc Anh đã từng được gọi là “vựa lúa
của Châu Á”, là nước xuất khẩu gạo sớm nhất Châu Á. Năm 1959 - 1960 của
thế kỷ XX, Myanmar từng là cường quốc xuất khẩu gạo số1 châu Á (3 triệu tấn).
Tuy nhiên hơn nửa thế kỷ qua,do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, sản lượng
lương thực của Myanmar bị giảm sút, thậm chí trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX chính
phủ Myanmar phải thực hiện chính sách tem phiếu phân phối lương thực.
Mười năm
trở lại đây, Myanmar mỗi năm sản xuất gần 30 triệu tấn lương thực, đủ cung cấp
nhu cầu trong nước và xuất khẩu từ 500.000 tấn đến 1 triệu tấn/năm. Năm 2010,
Myanmar đứng thứ hai thế giới về sản lượng và xuất khẩu các loại đậu và vừng; đứng
thứ 10 thế giới về xuất khẩu gạo.Tuy nhiên, từ năm 2011, Myanmar đã giảm xuất
khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
Tổ chức Nông
lương của Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng, nếu Myanmar xây dựng được hệ thống thủy
lợi tốt, thu hút đầu tư nước ngoài về lai tạo cây giống tốt và có kỹ thuật canh
tác tiên tiến sẽ nâng sản lượng nông nghiệp lên gấp nhiều lần.
2. Thủy sản và Chăn
nuôi
Myanmar có
nhiều đồng cỏ rộng lớn cùng với khí hậu thích hợp cho việc chăn nuôi gia súc và
gia cầm.. Hiện nay cả nước Myanmar có đàn gia súc khoảng 18 triệu con trâu, bò,
dê và hơn 100 triệu con gia cầm, cung cấp đủ cho thị trường trong nước và có
nguồn hàng xuất khẩu đáng kể về thịt, da, lông, sừng.
Đất nước
Myanmar cũng hội tụ đủ các điều kiện lý tưởng để phát triển ngành thủy, hải sản.
Đó là 2.965 km (có số liệu là 3.200 km) bờ biển nhiệt đới với nhiều vùng
đánh cá chưa được khai thác; 8,2 triệu hec ta diện tích mặt nước tự nhiên
(sông, suối, hồ…); 1,8 triệu hec ta diện tích mặt nước nhân tạo (hồ, đập thủy điện)
và 6 triệu hec ta diện tích ruộng thường xuyên ngập nước.
Vùng biển
Myanmar quanh năm ấm áp cộng với lượng mưa nhiều trong nội địa rất thuận lợi
cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Tuy chưa được đầu tư nhiều nhưng
mỗi năm Myanmar đã khai thác được hơn 60% sản lượng thủy hải sản. Năm
2008, sản lượng thủy, hải sản đánh bắt của Myanmar đạt 1,679 triệu tấn.
Theo đánh
giá của Bộ Thủy sản và Chăn nuôi Myanmar, sản lượng hải sản khai thác tự nhiên
hàng năm của Myanmar có thể đạt 2 triệu tấn. Hiện nay, nguồn thủy hải sản tiêu
dùng và xuất khẩu của Myanmar chủ yếu là đánh bắt từ thiên nhiên, nuôi trồng chưa
nhiều, hiện cả nước mới sử dụng 500.000 hec ta mặt nước nuôi trồng thủy, hải sản.
Nhiều năm nay xuất khẩu thủy hải sản của Myanmar chỉ xấp xỉ 1 tỉ USD.
Ngành Chăn
nuôi và Thủy sản của Myanmar đứng thứ 4 về về tỷ trọng trong GDP và cũng đứng
thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua (đứng sau đá quý, dầu khí, nông sản).
3. Lâm nghiệp
Myanmar là
quốc gia rất giàu có về nguồn tài nguyên rừng với diện tích rừng bao phủ 50,81%
diện tích đất toàn quốc – khoảng 34 triệu hecta. Nằm trên dải khí hậu từ ôn hòa
từ ôn đới tới nhiệt đới, vì vậy Myanmar tồn tại nhiều loại rừng khác nhau gồm
các khu rừng ôn đới ở phía Bắc, rừng phù du và rừng khô ở khu vực miền Trung, rừng
mưa bán nhiệt đới ở khu vực miền Nam. Rừng Myanmar có khoảng 5.000 loại thực vật
khác nhau bao gồm 2.100 loại cây, 840 loài lan, 96 loài tre và 32 loại mây.
Trong giai đoạn năm 1998 -1999, diện tích rừng nguyên sinh bảo tồn và được bảo
vệ là 105.672 km2.
Theo “Báo
cáo về rừng các nước trên thế giới” của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc năm
2009, diện tích rừng của Myanmar là 79,5 triệu mẫu Anh, mỗi năm khai thác 1,3%
diện tích rừng. Nếu khai thác theo tốc độ hiện nay thì sẽ khai thác được 77 năm
nữa. Tuy nhiên công tác trồng rừng thay thế của Myanmar khá tốt, bình quân mỗi
năm trồng được hơn 50% diện tích rừng đã khai thác.
Myanmar có
nguồn gỗ gỗ Teak dồi dào, chủ yếu được trồng ở các khu vực như Bago, Mandalay
v.v... Hàng năm Myanmar xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gỗ Teak sang các thị trường
Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản và Singapo, chiếm 75% lượng gỗ Teak xuất
khẩu của thế giới. Ngoài gỗ Teak, Myanmar còn có nhiều loại gỗ quý
khác như: Camxe, Gụ, Trắc, Lim…
Myanmar hiện
là một trong bốn nước xuất khẩu gỗ tròn đứng đầu thế giới. Trong 11 năm từ 1998
đến 2009, Myanmar đã khai thác, xuất khẩu 11,31 triệu tấn gỗ tròn các loại.
Tuy nhiên
cho đến nay, Myanmar mới chỉ xuất khẩu gỗ ở dạng thô (gỗ tròn) và sơ chế (gỗ xẻ)
– khiến Myanmar bị thua thiệt rất nhiều trong buôn bán quốc tế. Kim ngạch xuất
khẩu gỗ, lâm sản và sản phẩm gỗ của Myanmar chỉ chiếm tỷ trọng hơn 10% tổng kim
ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước: Năm 2008 đạt 518,2 triệu USD. Năm 2009 đạt
466,9 triệu USD. Năm 2010 đạt hơn 500 triệu USD. Đồng thời, do bị bao vây cấm
vận, thị trường Âu, Mỹ cấm nhập sản phẩm đồ gỗ xuất xứ từ Myanmar và chính sách
đầu tư của Myanmar chưa thật thông thoáng khiến ngành chế biến gỗ - sản xuất đồ
gỗ xuất khẩu của Myanmar còn rất hạn chế - bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu đồ
gỗ của Myanmar chiếm phần rất nhỏ bé (khoảng 1/3) trong tổng kim ngạch thu do
xuất khẩu gỗ mang lại.
4. Khoáng sản
Myanmar là
xuất phát điểm của những viên hồng ngọc, bích ngọc có chất lượng tốt nhất trên
thị trường quốc tế, đưa Myanmar trở thành quốc gia sở hữu và sản xuất đá quý
nhiều nhất thế giới. Trữ lượng các loại đá quý có ở khu vực Mandalay và Bang
Shan rất lớn, mỗi năm xuất khẩu khoảng 40.000 tấn. Từ năm 1964 đến nay, hàng
năm Myanmar đều mở Hội chợ đá quý quy mô lớn tại Yangon (từ năm 2010
chuyển lên Thủ đô Nay Pyi Taw), đón tiếp hàng nghìn thương gia các nước
Châu Á đến tham dự, đấu thầu và ký hợp đồng mua bán. Tháng 11/2010,
Hội chợ đá quý tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw thu hút 6.700 thương gia
nước ngoài đến tham dự, ký được nhiều hợp đồng bán đá quý với số
tiền thu được 1,4 tỉ USD. Từ năm 2010, xuất khẩu đá quý đã vươn lên vị trí
thứ nhất trong các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Myanmar, đạt 3,6 tỉ USD.
Myanmar có
các loại khoáng sản quan trọng cho việc phát triển kinh tế như: đồng, vàng, chì,
kẽm, bạc, thiếc, vonframic, antimony, crom và niken. Các loại khoáng sản có giá
trị cao như kim cương, đá quí, vàng, đồng… tập trung phần lớn ở miền Bắc và Đông
Bắc. Các mỏ đồng lớn ở khu vực Mandalay, Monywa có trữ lượng khoảng 1,6 tỉ tấn,
hiện đang khai thác khoảng 63.500 tấn/năm; mỏ thuỷ ngân ở Bang Shan có trữ lượng
khoảng 3 triệu tấn. Niken ở khu vực Mandalay và Bang Chin có trữ lượng khoảng
70 triệu tấn; quặng sắt ở Bang Kachin, trữ lượng khoảng 200 triệu tấn. Các mỏ đá
hoa cương (trắng, đen, màu) của Myanmar tập trung ở khu vực Mandalay, Rakhine
phần lớn đều lộ thiên dễ khai thác, trữ lượng có thể khai thác hàng trăm năm.
Ngoài ra,
Myanmar còn có các mỏ than đá trữ lượng lớn chủ yếu nằm ở hạ lưu dòng sông
Wulong ở phía Tây Bắc, có tổng diện tích khoảng 3000km2.
Công nghiệp
khai khoáng của Myanmar còn lạc hậu, chỉ khai thác được những khoáng sản thông
thường phục vụ công nghiệp trong nước và khai thác các khoáng sản quý ở dạng thô
để xuất khẩu.
Các khoáng
sản kim loại màu như đồng, niken, vàng, kẽm, thiếc… đều phải liên doanh với nước
ngoài để khai thác. Chính vì vậy, mục tiêu chính sách của Bộ Mỏ Myanmar là thúc
đẩy quá trình khai thác, sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản
phẩm từ khoáng sản và kim loại trong nội địa, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu.
5. Dầu khí
Myanmar có
tiềm năng rất lớn về dầu khí. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Myanmar đứng
thứ 10 thế giới về trữ lượng dầu khí với 2.460 tỷ m3 khí thiên nhiên
và 3,2 tỷ thùng dầu.
Từ thập kỷ 50 của thế kỷ XX
Myanmar đã là nước sản xuất dầu khí lớn của châu Á. Hiện nay mỗi ngày Myanmar sản
xuất 33 triệu m3 khí đốt và 25.000 thùng dầu. Riêng nguồn khí đốt xuất khẩu
sang Thái Lan, Trung Quốc mỗi năm đem về cho Myanmar hơn 3 tỉ USD.
Theo số liệu
của Bộ Năng lượng Myanmar, trên lãnh thổ Myanmar có 19 mỏ dầu lớn trên đất
liền và 3 mỏ lớn ngoài khơi; trong đó 14 mỏ dầu khí ở trên đất liền và 3 bể dầu
khí ở ngoài khơi đang được khai thác. Các mỏ khí xa bờ mới được phát hiện
hiện đang được đưa vào khai thác theo hợp đồng và chia sẻ lợi nhuận với các công
ty nước ngoài.
Myanmar là
nước xuất khẩu dầu khí nhưng lại nhập khẩu gần như toàn bộ xăng, dầu. Hiện nay,
ngành công nghiệp lọc dầu 50 năm tuổi của Myanmar đang gặp rất nhiều khó khăn
do thiếu vốn đầu tư.
Từ năm
1988, Bộ năng lượng Myanmar (MOE) đã mời 81 công ty nước ngoài đầu tư thăm dò,
khai thác 89 lô dầu và khí ngoài khơi của Myanmar. Tính đến tháng 12/2010, đã có
104 dự án đầu tư nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí được chính phủ Myanmar
cấp giấy phép với tổng vốn đầu tư đạt 13,81 tỉ USD, chiếm 38,3 % tổng vốn đầu tư
nước ngoài vào 12 lĩnh vực kinh tế của Myanmar. 10 nước đã đầu tư thăm dò, khai
thác dầu khí tại Myanmar xếp theo số vốn đầu tư là: Trung Quốc, Thái Lan,
Oxtralia, Anh, Canada, Indonesia, Malaysia, Nga, Hàn quốc, Việt Nam.
Phương thức
hợp tác đầu tư là, đối tác nước ngoài bỏ vốn và kỹ thuật thăm dò và khai thác các
lô dầu khí đã được chính phủ Myanmar cho phép. Khi có sản phẩm dầu khí, hai bên
sẽ phân chia lợi nhuận tùy theo mức độ đầu tư và kỹ thuật của đối tác nước ngoài.
Đối tác nước ngoài hoàn toàn chịu trách nhiệm về những rủi ro trong quá trình
thăm dò, khai thác.
Hiện mới
chỉ có các công ty dầu khí của Trung Quốc, Nga được chính phủ Myanmar cấp phép
thăm dò khai thác các mỏ dầu khí trên đất liền.
Ngày
3/8/2011, Bộ Năng lượng Myanmar mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu thầu
thăm dò khai thác 18 lô dầu khí trên đất liền. đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu
khí của Myanmar
6. Thủy điện
Tiềm năng
thuỷ điện của Myanmar được phân bố đều trên khắp đất nước. Theo Bộ Điện lực I của
Myanmar, trữ lượng thủy điện của Myanmar đã khảo sát trên các sông suối lớn khoảng
45.000 MW (số liệu của Liên Hợp Quốc dự đoán là 100.000 MW). Sự dồi dào về tiềm
năng thủy điện cho phép Myanmar xem xét phát triển các dự án thủy điện không chỉ
phục vụ cho nhu cầu trong nước, đủ cung cấp cho quá trình công nghiệp hoá sau
khi mở cửa, hội nhập quốc tế mà còn để xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Mặc dù với
nguồn năng lượng dồi dào như vậy, Myanmar vẫn ở vào tình trạng thiếu điện trầm
trọng.[2] Công
nghiệp điện lực Myanmar chủ yếu dựa vào thủy điện, vì vậy xuất hiện tình trạng
thiếu điện vào 6 tháng mùa khô. Hiện nay, chỉ khoảng 15 - 20% dân số Myanmar được
sử dụng điện, số còn lại phải dựa vào các nguồn năng lượng ngoài điện. Để đáp ứng
nhu cầu về điện trong tương lai, thủy điện sẽ được phát triển dựa trên các nền
tảng dài hạn và các nhà máy phát điện chạy bằng động cơ khí gas sẽ được xây dựng
như những biện pháp lấp chỗ trống. Theo số liệu của Bộ Điện lực II, từ nay đến
năm 2017, Myanmar sẽ hoàn thành 61 dự án thủy điện, nhiệt điện trong đó có nhà
máy thủy điện lớn liên doanh đầu tư với Thái Lan, Trung Quốc ở biên giới Miến –
Thái có công suất 7.000 MW, nâng tổng công suất phát điện các loại của Myanmar
từ 3.045 MW năm 2010 lên 29.000 MW vào năm 2017.
Đầu tư của
nước ngoài vào lĩnh vực thủy điện của Myanmar luôn chiếm vị trí số 1 trong đầu
tư nước ngoài vào Myanmar. Tính đến hết năm 2010 đã đạt 14,52 tỉ
USD, chiếm 40,91 % tổng đầu tư nước ngoài vào 12 lĩnh vực kinh tế thu hút đầu tư
bên ngoài của Myanmar. Chính phủ Myanmar cũng kêu gọi các nhà đầu tư
nước ngoài tham gia cải tạo, nâng cấp hệ thống dẫn tải điện trong cả nước, trước
mắt là các thành phố lớn.
7. Tiềm năng thị trường
Myanmar là
một thị trường lớn về sản xuất và tiêu thụ nhưng sản xuất công nghiệp của
Myanmar rất yếu kém, nhiều lĩnh vực vẫn là những ô trống.
Phần lớn
thiết bị giao thông vận tải, máy móc sản xuất, thiết bị điện, thiết bị nông
nghiệp, ngư nghiệp v.v... của Myanmar là nhập khẩu từ trước năm 1988 nay đã cũ
nát, quá hạn sử dụng trong khi nhà nước thiếu ngoại tệ nhập mới, hơn nữa lại bị
cấm vận từ Mỹ và EU.
Do bị bao
vây cấm vận nhiều năm, do thiếu vốn, nguyên liệu và kỹ thuật tiên tiến nên công
nghiệp nhẹ, nhất là công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Myanmar rất yếu kém,
chỉ đáp ứng được hơn 10% thị trường gần 60 triệu dân. Hầu hết hàng hóa tiêu dùng
thiết yếu đều phải nhập khẩu qua đường tiểu ngạch mậu dịch biên giới với Trung
Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Chất lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu đều thấp nhưng giá bán
lẻ khá cao.
Thực hiện chiến
lược sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu, chính phủ Myanmar đã đưa ra nhiều
chính sách và biện pháp theo hướng tư nhân hóa các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ,
sản xuất hàng tiêu dùng nội địa; gia công chế biến hàng xuất khẩu; đồng thời
hoan nghênh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mọi hình thức
đầu tư vào ngành chế tạo, lắp ráp máy móc và sản xuất hàng tiêu dùng tại
Myanmar.
Tính đến hết
năm 2010, có 157 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1,66 tỉ USD được
chính phủ Myanmar cấp giấy phép trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng
tại Myanmar, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào 12 lĩnh vực kinh tế của
Myanmar.
8. Tiềm năng nhân lực
91% dân số
Myanmar có trình độ văn hóa từ tiểu học trở lên. Nguồn nhân lực của Myanmar rất
dồi dào với 34,8 triệu người ở độ tuổi lao động, trong đó có 18,9 triệu lao động
nông nghiệp. Đa số người dân Myanamar theo đạo Phật, cần cù lao động, lương thiện,
hiểu biết nhanh và có trình độ tiếng Anh khá phổ cập. Hiện tại, giá lao động ở
Myanmar thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
CCP
------
[1] Cơn
bão lịch sử Nargis tháng 5/2008 là cơn bão hơn 100 năm qua mới xảy ra trong lịch
sử Myanmar.
[2] Năm
2009, tổng công suất các nhà máy điện của Myanmar là 2.500 MW. Năng lượng
để phát điện gồm: khí gas: 65%; thủy điện 30%; các năng lượng khác:
5%. – Tư liệu của Bộ Điện lực I Myanmar.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét