Sự bọt bèo của những khoản lót tay “cốc trà đá”, hay “mũi
tiêm không đau” đang một mặt khiến những người dân ngày càng bần cùng hóa về
mặt niềm tin, vừa là nụ cười nhạo báng
với ý tưởng về những khoản tiền “dưỡng liêm”.
Cơ quan điều tra Vĩnh Phúc vừa tiến hành bắt tạm giam
nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên, ông Lại Hữu Lân về hành vi
“lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng với việc bắt
người, chiếc Toyota Camry BKS 30T-7703 cũng bị tạm giữ. Đây là “món quà” mà một
bị can tặng cho ông Lân, thời điểm đó đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Vĩnh Yên, sau
khi lấy được 25,5 ha đất nông nghiệp tại phường Đồng Tâm lập dự án trang trại,
sau đó chuyển đổi thành đất đô thị để bán kiếm lời.
Món
hối lộ “lớn nhất trong ngày” này gấp hàng trăm ngàn lần so với giá trị tối
thiểu mà một hành vi “tham nhũng vặt” đã, đang, và sẽ thực hiện.
Cũng trong ngày hôm qua, Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, được UNDP công bố tại Hà Nội, đưa ra một con số giật mình. Giật mình không phải là có tới 31% cho rằng có tình trạng nhận hối lộ trong dịch vụ y tế công. Nguy hiểm không phải vì 29% thừa nhận đưa tiền để xin việc vào làm trong khu vực nhà nước. Báo động cũng không nằm ở chỗ 21% bị hành tiền khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chuyện muôn thủa là “chiếc phong bì cho cô giáo”. Đáng giật mình, đáng báo động và thực sự nguy hiểm là ở “5 ngàn đồng”, số tiền chỉ đủ mua cốc trà đá, mà người dân ở Điện Biên phải “chi ngoài quy định” cho y bác sĩ.
Có thể hiểu sao về số tiền hối lộ bằng “cốc trà đá” này?
Có lẽ đây là “tiền hở”, không để trong phong bì. Không ai
mua chiếc phong bì 500 đồng chỉ để đựng khoản tiền 5 ngàn đồng cả. Và chỉ có
thể hiểu là những người dưới đáy xã hội, sống gần như tự cung tự cấp ở một vùng
non cao rừng sâu không còn tiền để “chi ngoài quy định” cho bác sĩ. Đưa
xong “cốc trà đá” có lẽ họ chỉ còn lại đôi bàn tay trắng và nhận lại một mũi
tiêm vẫn đau như thường. Còn những nhân viên công vụ, đến “cốc
trà đá” của cũng ngửa tay ra nhận thì có lẽ, tham nhũng vặt không từ thứ gì,
không chừa một ai.
Có người nói chính những người đưa phong bì cũng có lỗi,
chính họ làm hư cán bộ. Rằng việc “ép cán bộ phải nhận cho bằng được” là tiếp
tay cho cái xấu. Là tạo ra một thái độ thỏa hiệp. Nhưng suy cho cùng, nếu như
người dân không bị sự sách nhiễu, tha hóa của đội ngũ công bộc vây hãm đến
nghẹt thở, thì làm sao phải đưa hối lộ, ngay cả và dù chỉ là “cốc trà đá”.
Trả lời Tuổi trẻ 3 hôm trước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
nhấn mạnh tư tưởng của nghị quyết TƯ 4: Từng cá nhân phải tự liên hệ xem mình
có khuyết điểm hay không. Nếu chỉ nói anh này, anh kia có khuyết điểm mà bản
thân mình hay cấp mình chẳng có khuyết điểm gì là không được. Chúng ta đang nói
đến “một bộ phận không nhỏ…” thì bộ phận này ở đâu phải được chỉ ra cụ thể.
Nhóm lợi ích nằm ở đâu cũng phải được chỉ ra. Đó là nhìn thẳng vào sự thật,
không được né tránh.
Có lẽ, vấn đề ở đây không chỉ là những “cốc trà đá”, không
chỉ là “tham nhũng vặt”, dù chuyện “cốc trà đá” nhan nhản khắp nơi: Ngoài
đường, trong công sở, cửa sau, và từ lâu, cũng là chuyện thường ngày ngay cả
trong trường học, bệnh viện. Và chính sự bọt bèo của những khoản lót tay “cốc
trà đá”, hay “mũi tiêm không đau” đang một mặt khiến những người dân ngày càng
bần cùng hóa về mặt niềm tin, vừa là nụ cười nhạo báng với ý tưởng về những
khoản tiền “dưỡng liêm”.
Sự liêm chính của đội ngũ nô bộc, sự chính danh của nền
hành chính công, và xa hơn là uy tín của một chế độ, một quốc gia đang bị gặm
nhấm, hủy hoại bởi những hành động ngửa tay trước kể cả những “cốc trà đá”.
Nhưng khoản hối lộ
“Cốc trà đá”, hay “mũi tiêm không đau” 10 ngàn đồng, dù bé tí, hoặc nằm kín đáo
trong chiếc phong bì, vẫn là thứ người dân có thể thấy được, vì họ chính là
những nạn nhân trực tiếp. Những chiếc Camry, thứ quà sang trọng, to đoành và đỗ
công khai trong sân nhà ông Chủ tịch Vĩnh Yên, những người thuộc về “bộ phận
không nhỏ”- mới là thứ mà người dân không thể thấy, không thể biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét