Nông dân là người trực tiếp sản xuất lúa gạo. Ý kiến của nông dân xuất phát từ thực tế sản xuất.
Chính phủ chê nông dân có trình độ quá thấp, nên mọi việc về lúa gạo thường không thèm bàn bạc với nông dân, mà thảo luận với các chuyên gia, với các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, thế là, Chính phủ đề ra được những chính sách lúa gạo “bất khả thi”.
Bất khả thi vì phi thực tế.
Không ai thèm hỏi nông dân, vậy nông dân tự hỏi và tự trả lời.
Hay là tự phỏng vấn để phô bày thực tế.
Đây là thực tế: thưa lãnh đạo.
Nó ngộ lắm! Nó lạ lắm!!
Xin lãnh đạo hãy rời tháp ngà mà tham quan thực tế.
Hoàng Kim
1) Hỏi: Công việc gì cần làm trước hết để giúp nông dân Việt Nam?
Trả lời:
i) Việc quan trọng nhất là Đảng và Nhà nước trả lại Hội Nông dân cho nông dân, và giúp Hội Nông dân hoạt động hiệu quả, giúp Hội Nông dân bảo vệ được nông dân trong nền kinh tế thị trường.
ii) Việc cần kíp quan trọng thứ hai là tăng lợi nhuận cho nông dân. Muốn thế, phải xóa độc quyền của các hiệp hội về nông nghiệp, phải giúp nông dân thoát khỏi sự bóc lột của các nhóm lợi ích là: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Hiệp hội Phân bón và các công ty, xí nghiệp thuốc bảo vệ thực vật.
iii) Chính phủ phải tìm hiểu thực tế để đưa ra được chiến lược phát triển lúa gạo có hiệu quả, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp phải biết thực tế, để hiểu nhu cầu của nông dân trong sản xuất, mới có thể đưa ra các giải pháp cải tiến kỹ thuật và qui trình sản xuất hợp lý cho nông dân.
2) Hỏi: Làm sao để Hội Nông dân thực sự là của nông dân?
Trả lời:
Muốn Hội Nông dân thực sự là của nông dân thì lãnh đạo Hội Nông dân là nông dân hoặc những chuyên gia lúa gạo có thiện chí với nông dân, do nông dân bầu ra và trả lương.
Xin đọc bài: “Cần thành lập hiệp hội cho những người trồng lúa” đăng trên Bauxite ViệtNam.
3) Hỏi: Nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo Hội Nông dân là gì?
Trả lời:
Nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo Hội Nông dân là bảo vệ mọi mặt quyền lợi của nông dân trong nền kinh tế thị trường, kế đó là đề đạt tâm tư nguyện vọng của nông dân lên Đảng, Nhà nước, phản biện và giúp Nhà nước hoàn thiện các chính sách lúa gạo.
4) Hỏi: Nếu theo cơ chế thị trường hoàn toàn thì có lợi và hại thế nào cho nông dân?
Trả lời:
Cơ chế thị trường là cơ chế mà nông dân đang mong ước.
Muốn theo cơ chế thị trường hoàn toàn phải có hai điều kiện tiên quyết:
a) Xóa bỏ độc quyền của các hiệp hội ngành hàng đối với nông dân: VFA, Hiệp hội phân bón, các công ty, xí nghiệp sản xuất và mua bán thuốc bảo vệ thực vật.
b) Hội Nông dân thực sự là của nông dân, Hội Nông dân phải bảo vệ nông dân thường xuyên và có hiệu quả, tránh cho nông dân bị các nhóm lợi ích xâm hại quyền lợi. Hội Nông dân chỉ được phép ngủ một con mắt; bất cứ lúc nào con mắt còn lại cũng phải dõi theo quyền lợi của nông dân.
Còn trong tình hình hiện nay, Hội Nông dân không bảo vệ được quyền lợi của nông dân, mà thả nông dân ra kinh tế thị trường, đẩy nông dân vào miệng của các nhóm lợi ích.
5) Hỏi: Tại sao nông dân không thể tự thành lập hiệp hội và tự hoạt động?
Trả lời:
Trong VFA, 21 doanh nghiệp mà Tổng công ty Lương thực miền Nam là nòng cốt, xuất khẩu trên 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, doanh số tính bằng tỷ đô la Mỹ.
Trong Hiệp hội Cà phê ca cao, 20 doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 80% lượng cà phê, doanh số cũng tính bằng tỷ đô la.
Vậy chỉ cần khoảng 20 doanh nhân là họ có thể hợp lại để thành lập hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Nông dân dù mỗi người có khoảng 3ha, thì thu nhập chỉ trên 100 triệu đồng, lo ăn chưa đủ, nên cả ngàn nông dân cũng chưa thế đứng ra thành lập hiệp hội.
Với lại do tâm lý thụ động, nông dân một lòng tin vào Đảng, vào Chính phủ, nghĩ rằng Đảng và Chính phủ đã lo hết cho mình nên trông chờ, mà không nghĩ đến việc thành lập hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho mình.
6) Hỏi: VFA mua bán lúa gạo độc quyền hay theo cơ chế thị trường?
Trả lời:
VFA mà Tổng công ty Lương thực miền Nam là nòng cốt, đang độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân, và đang dùng sự độc quyền này để ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân.
Xin đọc bài: “Độc quyền lúa gạo: cái ách đang quàng lên cổ nông dân” đăng trên Bauxite ViệtNam.
Đây là một thực trạng mà Đảng, Chính phủ, những nhà lãnh đạo xuất khẩu gạo, những nhà lý luận trong nông nghiệp, phải thật sự nhìn nhận, mới có thể có những chính sách lúa gạo có lợi cho nông dân.
Không thấy sự độc quyền tai hại này, thì mọi lý luận để phát triển lúa gạo đều là những lý luận nửa chừng, không thực tế, sẽ đưa ra những chính sách không khả thi như hiện nay.
Không xóa bỏ sự độc quyền của các hiệp hội ngành hàng thì nông dân sẽ bị bần cùng hóa.
7) Hỏi: Sự độc quyền của VFA tác hại như thế nào?
Trả lời:
Độc quyền khiến VFA luôn bán gạo xuất khẩu với giá rẻ nhất thế giới, mua lúa của nông dân với giá rẻ như lấy không, lại còn bày mưu tính kế mua lúa tạm trữ để ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân.
Độc quyền khiến VFA chọn vị trí cuối cùng của khâu phân phối để ăn chênh lệch đầu tấn mà không quan tâm nâng cao giá trị hạt gạo, không tạo thương hiệu cho hạt gạo, không xây dựng kho bãi, không đầu tư nhà máy xay lúa.
8) Hỏi: Làm sao để VFA hết độc quyền trong mua bán lúa gạo?
Trả lời:
Muốn VFA hết độc quyền lúa gạo, Chính phủ phải trực tiếp điều hành xuất khẩu gạo, để phân chia lợi nhuận hài hòa cho nông dân và VFA, theo cách mà Chính phủ Thái Lan đang làm cho nông dân Thái Lan.
Muốn điều hành xuất khẩu gạo, Chính phủ phải xây dựng đủ kho bãi khoảng 7 – 8 triệu tấn, và phải hợp tác với Thái Lan ấn định cho được giá sàn bán gạo xuất khẩu.
Vấn đề này tôi đã phân tích trong bài: “Cơ chế xuất khẩu gạo nào cho nông dân Việt Nam?” đăng trên Bauxite ViệtNam.
9) Hỏi: Mua lúa tạm tạm trữ có giúp gì cho nông dân không?
Trả lời:
Mua lúa tạm trữ là quỉ kế của Hiệp hội Lương thực ViệtNamtoa rập với Chính phủ để ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân.
Xin đọc bài: “Mua lúa, gạo tạm trữ để giữ giá cái con… khỉ khô, ăn cướp thì có!!!” đăng trên Bauxite ViệtNam.
10) Hỏi: Mua lúa đảm bảo nông dân lời tối thiểu 30% thì nông dân có đủ sống không?
Trả lời:
Trong điều kiện mua bán lúa gạo bình thường, câu nói: “Phải mua lúa bảo đảm cho nông dân lời trên 30%” là câu nói bậy bạ nhất, ngu xuẩn nhất, và gây hại cho nông dân nhiều nhất.
Với câu nói này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam bán gạo giá 500 đô la Mỹ/ tấn, nhưng chỉ cần mua lúa của nông dân với giá qui gạo khoảng 400 đô la Mỹ/ tấn, vì giá lúa 400 đô la Mỹ/ tấn nông dân đã lời trên 30%.
Xin đọc bài: “Tại sao nông dân chỉ lời 30% so với giá thành?” đăng trên Bauxite ViệtNam.
11) Hỏi: Tại sao nông dân và Hội Nông dân không trực tiếp bán gạo xuất khẩu mà lại cần Chính phủ điều hành giúp?
Trả lời:
Nông dân có diện tích nhỏ lẻ, quan hệ với nhau lại rời rạc, chỉ biết trồng lúa không rành chuyện buôn bán, mà đây lại là chuyện buôn bán với nước ngoài.
Chỉ có Chính phủ mới có đủ điều kiện để dự báo và ấn định giá mua bán lúa gạo.
Chúng ta đã biết Chính phủ các nước nhập khẩu gạo trực tiếp điều hành việc nhập khẩu gạo để mua gạo giá rẻ, vì thế, Chính phủ Việt Nam phải giúp nông dân Việt Nam bán gạo giá cao.
Hội Nông dân của Thái Lan hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên làm áp lực lên Chính phủ Thái Lan bằng cách dọa sẽ biểu tình phản đối khi Chính phủ Thái để giá lúa gạo xuống thấp, thế nhưng Hội Nông dân Thái Lan cũng không thể trực tiếp điều hành xuất khẩu gạo mà không bị các nhà xuất khẩu gạo chèn ép.
Vì vậy, Chính phủ Thái Lan phải trực tiếp điều hành để phân chia lợi nhuận hài hòa giữa nông dân và các nhà xuất khẩu gạo.
12) Hỏi: Nếu VFA độc quyền ép giá nông dân, tại sao nông dân không đoàn kết lại để không bán lúa cho VFA?
Trả lời:
Trước tiên, chúng ta phải xác định bao nhiêu nông dân đoàn kết lại, thì tạo được áp lực với VFA và các nhóm lợi ích khác, tôi nghĩ, sẽ cần rất đông nông dân.
Nông dân đông những rời rã, vốn liếng ít, tầm nhìn gần, cả đời chỉ muốn an bình, đủ ăn đủ xài là mừng rồi, một lòng tin vô Chính phủ, báo đài nói chi tin nấy, kêu gọi nông dân đoàn kết lại để tạo áp lực với VFA còn khó hơn lên trời.
Chỉ khi Hội Nông dân thực sự của nông dân, lãnh đạo Hội Nông dân một lòng một dạ bảo vệ quyền lợi cho nông dân, giải thích cho nông dân hiểu rõ sức mạnh của sự đoàn kết trong kinh tế thị trường, để chống lại các nhóm lợi ích, thì nông dân mới nghe theo.
Chỉ cần nông dân trữ lúa lại, không bán cho VFA một vụ thôi, tôi dám chắc VFA không còn làm thánh làm tướng như hiện nay.
13) Hỏi: Làm sao để bình ổn giá phân bón cho nông dân?
Trả lời:
Chính phủ phải xóa bỏ độc quyền phân bón của Hiệp hội Phân bón. Cũng như lúa gạo, trước mắt, Chính phủ phải trực tiếp điều hành việc nhập phân bón và giá bán cho nông dân.
Chính phủ phải ấn định mức lời hợp lý cho doanh nghiệp từ mỗi bao phân, phải kiểm tra kiểm soát giá bán phân tương ứng từ giá nhập khẩu.
Chính phủ phải bình ổn giá phân bằng cách trợ giá cho nông dân khi có biến động tăng giá đột biến theo luật bình ổn giá của Chính phủ.
14) Hỏi: Làm sao để bình ổn giá thuốc bảo vệ thực vật?
Trả lời:
Chính phủ phải ấn định mức lời hợp lý từ việc bán thuốc cho các công ty, xí nghiệp thuốc bảo vệ thực vật. Phải kiểm tra đối chiếu giá nhập khẩu các hoạt chất dùng điều chế thuốc bảo vệ thực vật, và giá bán thương phẩm.
Yêu cầu các công ty, xí nghiệp thuốc bảo vệ thực vật công bố giá bán bằng cách in giá xuất xưởng lên bao bì.
Thường xuyên cập nhật giá bán thuốc trên trang mạng qui định để nông dân biết, và thành lập cơ quan kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật để nông dân khiếu nại khi giá thuốc tăng bất hợp lý.
Buộc các công ty, xí nghiệp thuốc bảo vệ thực vật phải giảm giá bán thuốc khi giá thuốc trên thị trường thế giới giảm, chứ không được phép tăng hoa hồng cho các đại lý có khi đến 40% giá bán như hiện nay.
15) Hỏi: Chính phủ cần làm gì để giúp nông dân có hiệu quả?
Trả lời:
Chính phủ phải tiếp xúc gần gũi với nông dân để biết quá trình sản xuất và tâm tư nguyện vọng của nông dân. Hiện nay, Chính phủ ở xa nông dân quá, nên cả Chính phủ, từ trên xuống dưới, chẳng có vị nào hiểu rành về lúa gạo, về tình trạng bi đát của nông dân cả, toàn đưa ra những chính sách bất khả thi.
Cứ có chuyện bàn về lúa gạo, Chính phủ cùng các ông chuyên gia và doanh nghiệp hợp bàn với nhau ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chẳng bao giờ mời nông dân tham dự.
Mà nếu có mời, mà mời lãnh đạo Hội Nông dân tham dự thì cũng như không, vì mấy ông lãnh đạo Hội Nông dân cũng ở tuốt ngoài Hà Nội, có biết gì về những vấn đề của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đâu mà nói.
Muốn giúp nông dân, Chính phủ phải đến với những người thực sự là nông dân. Đến với nông dân, Chính phủ mới biết được tình trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tâm tư nguyện vọng của nông dân.
16) Hỏi: Tại sao Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg dù ban hành đã 9 năm nhưng không thực hiện được gì cả?
Trả lời:
Đây là bằng chứng sự xa rời nông dân của Chính phủ, nên đưa ra Quyết định chẳng thể thi hành được.
Quyết định này chỉ “khuyến khích” chứ không bắt buộc.
Được độc quyền ấn định giá mua bán lúa gạo, tức là tự để lại lợi nhuận, thì mắc mớ gì VFA lại ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân để chịu rủi ro?
Giá gạo thế giới ổn định hoặc lên, VFA mua bán lúa gạo ăn đầu tấn, giá lúa gạo thế giới xuống thấp VFA nghỉ mua lúa, lỗ lã nông dân chịu. Vậy, mắc mớ gì mà VFA ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân?
Một Quyết định của Chính phủ có lợi cho nông dân nhưng có thể gây hại cho VFA, mà Chính phủ chỉ “khuyến khích” thôi, thì đời nào VFA thực hiện!
17) Hỏi: Liên kết bốn nhà có lợi cho nông dân gì không?
Trả lời:
Liên kết bốn nhà là “chiếc bánh vẽ” do những kẻ nịnh hót Chính phủ vẽ ra. Tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao họ lại bất chấp logic để biến Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg thành liên kết bốn nhà, và cũng không hiểu nổi, tại sao các nhà trí thức nông nghiệp lại công nhận sự suy diễn, phóng đại vô lý này trong thời gian dài.
Vấn đề này tôi đã phân tích trong bài “Liên kết bốn nhà là gì? Tại sao Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg không khả thi?” đăng trên Bauxite ViệtNam.
Không những không lợi ích mà còn có hại cho nông dân. Vì “chiếc bánh vẽ” này chiếm chổ của các chính sách phát triển lúa gạo hiệu quả.
Thực tế, không có liên kết bốn nhà gì cả, lúa gạo nói riêng và cả nền nông nghiệp nói chung, muốn phát triển phải dựa vào các chính sách hiệu quả của Chính phủ.
Muốn nông nghiệp phát triển Chính phủ phải có những chính sách lúa gạo hiệu quả; phải có cơ chế để các nhà khoa học giúp nông dân cải tiến qui trình sản xuất và tạo nguồn lúa giống xuất khẩu cho nông dân; phải có cơ chế để doanh nghiệp chia phần lợi nhuận thích hợp với nông dân, chứ không phải ăn cướp của nông dân như hiện nay.
18) Hỏi: Tại sao gạo Việt Nam không có thương hiệu?
Trả lời:
Vì VFA và Tổng công ty Lương thực Việt Nam độc quyền trong việc ấn định giá bán gạo xuất khẩu và giá mua lúa cho nông dân.
Do độc quyền nên VFA và Tổng công ty Lương thực Việt Nam ăn chênh lệch đầu tấn, lợi nhuận của VFA độc lập với giá bán gạo xuất khẩu – bán gạo xuất khẩu giá rẻ VFA sẽ mua lúa của nông dân giá rẻ. Như thế, VFA không có động lực để phải tốn công, tốn của tạo thương hiệu cho hạt gạo.
Không những không tạo thương hiệu, VFA cũng không đầu tư kho bãi và nhà máy xay lúa.
18) Hỏi: Dồn điền đổi thửa có làm việc sản xuất lúa phát triển không?
Trả lời:
Việc dồn điền đổi thửa chỉ có ở miền Bắc, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long không có việc đồn điền đổi thửa.
20) Hỏi: Phải chăng để phát triển việc trồng lúa cần tích tụ ruộng đất?
Trả lời:
Tích tụ ruộng đất là điều đáng mơ ước, tạo thuận lợi cho việc trồng lúa, nhưng không phải là điều kiện tiên quyết của việc sản xuất lúa.
Nông dân nào cũng tích tụ ruộng đất khi có đủ điều kiện. Vào giữa những năm 80 khi Nhà nước nghiêm cấm việc mua bán đất ruộng, nông dân vẩn bán đất cho nhau bằng cách làm giấy tay.
Đến hôm nay, những nông dân làm lúa đã sống được với nghề nông, họ không bán đất, nhưng cũng không có đủ tiền để mua thêm đất, vì giá đất bây giờ rất cao, ở địa phương tôi khoảng 400-500 triệu đồng/ha.
Còn những người không phải nông dân, họ sẽ không mua đất để làm lúa lấy lời, vì giá đất cao nhưng lợi nhuận từ làm lúa lại thấp, và vì không thể mua nhiều đất ở cùng một nơi; còn mua chỗ này một ít chỗ kia một ít, thì sản xuất không hiệu quả.
Do trình độ canh tác của các nông dân bây giờ ngang ngửa với nhau, nên một người canh tác 30 ha và 10 người mỗi người canh tác 3 ha, thì chất lượng vẫn ngang nhau, thông thường những người có 3 ha cho ra chất lượng lúa tốt hơn, năng suất cao hơn vì họ làm kỹ hơn người có 30 ha.
Cần phải đề ra các chính sách phát triển lúa gạo từ thực trạng lô thửa hiện có, chứ đừng viển vông trông chờ vào tích tụ ruộng đất.
21) Hỏi: Cho phép tập trung ruộng đất có trở lại thời địa chủ không?
Lo ngại cho tập trung tích tụ ruộng đất sẽ sinh ra địa chủ là một lo ngại hết sức viển vông và phi lý. Có tiền nhưng chưa chắc đã mua được đất của một ấp, chứ đừng nói đất của một xã.
Cần phải định nghĩa rõ địa chủ thời nay là người có bao nhiêu ha và nói rõ hoạt động của địa chủ thời nay, chớ không nên nói địa chủ một cách mơ hồ.
22) Hỏi: Phải chăng cần phải tích tụ ruộng đất thêm nữa mới cơ giới hóa được việc thu hoạch lúa?
Trả lời:
Không phải.
Máy gặt đập liên hợp hiện nay có bề rộng làm việc khoảng 2 mét, vậy một mảnh ruộng có diện tích 300m2 (chiều dài 30 mét bề rộng 10 mét) thích hợp để gặt bằng máy gặt đập liên hợp (chiều dài 20 mét chiều rộng 10 mét máy vẫn hoạt động được).
Đồng bằng sông Cửu Long mỗi mảnh ruộng thường lớn hơn 300m2. Nếu nhỏ hơn nông dân có thể nhập lại.
Ở ViệtNam, việc cơ giới hóa khâu làm đất và khâu thu hoạch có thể thực hiện bằng cách nông dân có tay nghề mua máy về làm mướn cho nông dân khác, chứ không như các nước, nông dân là chủ trang trại có cả ngàn ha nên tự mua máy để cơ giới hóa.
23) Hỏi: Phải chăng đất đai của nông dân manh mún nên không cho ra chất lượng lúa gạo đồng đều nên khó xuất khẩu?
Trả lời:
Không phải.
Như trên đã nói một người có 30ha, chưa chắc làm lúa có chất lượng cao hơn 10 người mỗi người có 3ha, khi trồng cùng loại giống.
Muốn cho nông dân trong một vùng trồng một thứ giống, thì điều kiện tiên quyết, là giống đó phải cho thu nhập cao hơn các giống còn lại.
Kêu gọi nông dân trồng lúa thơm chất lượng cao, mà mua lúa thơm cao hơn lúa ngang vài trăm đồng/kg, khiến nông dân thu nhập thấp, thì nông dân dại gì mà trồng.
24) Hỏi: Phải chăng nông dân hiện nay không thể trồng lúa chất lượng cao?
Trả lời:
Không phải.
Nông dân có thể trồng mọi giống lúa chất lượng cao, miễn là những giống lúa này cho thu nhập cao hơn các giống còn lại.
Vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long thích hợp để trồng mọi loại lúa thơm, lúa chất lượng cao như Jasmin 85, VD 20…
Lúa thơm trồng ở vụ Đông Xuân có chất lượng và năng suất rất cao.
Hiện nay, nông dân không trồng lúa chất lượng cao, bởi vì giá loại lúa này rất bấp bênh, khi cao khi thấp, nhiều khi cho thu nhập thấp hơn trồng lúa chất lượng thấp.
Trồng lúa thơm Jasmin 85 mà bán giá cao hơn lúa thườngOM4218 chỉ 300 đồng/kg thì ai mà thèm làm.
25) Hỏi: Làm sao để phát triển lúa chất lượng cao?
Trả lời:
Muốn nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao, cần phải đưa ra một mức giá mua lúa hợp lý, và ổn định cho nông dân.
Lúa thơm Jasmin 85 và VD 20 của nông dân trồng chất lượng rất cao, rất thích hợp để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Chính việc trộn lẫn lúa chất lượng thấp vào lúa chất lượng cao tràn lan như hiện nay khiến cho lúa thơm không có thương hiệu rõ ràng, làm cho người tiêu thụ ở trong nước không tin dùng gạo thơm Việt Nam, làm cho người tiêu thụ nước ngoài không mua gạo thơm Việt Nam.
26) Hỏi: Việt Nam nên lập kế hoạch cơ cấu giống như thế nào?
Trả lời:
Vụ Đông Xuân nên qui hoạch trồng lúa thơm chất lượng cao như Jasmin 85 hoặc VD 20…
Vụ hè thu nên qui hoạch trồng các loại lúa thường như OM4218, IR 50404…
27) Hỏi: Nông dân hiện nay đang chọn giống như thế nào?
Đáp:
Nông dân đang chọn giống hên xui theo kiểu đèn cù: thấy giống nào có giá thì trồng, thấy giống nào không có giá thì bỏ, vì giá của từng loại giống lên xuống bất thường từng vụ, từng năm.
Thí dụ: Trong năm 2011 này, vụ Đông Xuân giá lúa thơm nhẹ OM 4900 cao hơn giá lúa cơm dẻo OM 4218 khoảng 400 đồng/kg, đến vụ hè thu giá lúa OM 4900 bằng với giá lúa OM 4218, nhưng ở vụ Thu Đông giá lúa OM 4900 cao hơn OM 4218 khoảng 800 – 1.000 đồng/kg.
28) Hỏi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường khuyến cáo nông dân cơ cấu giống từng vụ, nông dân thực hiện thế nào?
Trả lời:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo trên báo, trên đài cho vui. Còn ở dưới này, nông dân cứ hên xui mà chọn giống.
29) Hỏi: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói lúa vụ 3 (vụ Thu Đông) ở Đồng bằng sông Cửu Long là vụ chính đúng hay sai?
Trả lời:
Sai. Vụ Đông Xuân mới là vụ chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những quyết định nông dân không biết đường đâu mà lần. Tự dưng tuyên bố vụ 3 là vụ sản xuất chính, trong khi nông dân Đồng bằng sông Cửu Long biết chắc vụ đông xuân mới là vụ chính.
30) Hỏi: Đắp đê để làm lúa vụ 3 là chủ trương đúng hay sai?
Trả lời:
Đắp đê để làm lúa vụ 3, khiến cho cả năm độc canh 3 vụ lúa, là một chủ trương sai.
Sai ở hai mặt kinh tế và nông học.
Về kinh tế: Hiện nay, năm nào Hiệp hội Lương thực Việt Namcũng tuyên bố không có khách hàng mua lúa gạo nên luôn mua tạm trữ lúa gạo của nông dân với giá rẻ như lấy không, vậy tại sao lại làm thêm lúa gạo?
Về mặt nông học: Độc cây lúa làm đất càng ngày càng bạc màu, nghèo dưỡng chất, khiến cho năng suất lúa giảm, trong khi sâu bệnh và dịch hại lại tăng.
31) Hỏi: Những nơi đê bao khép kín nên qui hoạch cơ cấu sản xuất thế nào?
Trả lời:
Những nơi đê bao khép kín nên trồng hai vụ lúa một vụ màu.
32) Hỏi: Nên chọn cây màu nào?
Trả lời:
Đây là vấn đề mà Chính phủ phải làm. Cụ thể Bộ Công thương phải tìm hiểu để biết nhu cầu của thế giới, như trồng bắp cho châu Phi, trồng khoai lang cho Trung Quốc, hay trồng các loại ngũ cốc chế tạo nhiên liệu sinh học…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải căn cứ vào đề nghị của Bộ Công thương mà qui hoạch diện tích và loại cây màu.
33) Hỏi: Giả sử chọn được cây màu thích hợp, làm sao để nông dân hưởng ứng?
Trả lời:
Cây màu phải cho thu nhập bằng hoặc cao hơn lúa.
Chúng ta đang nói đến việc phát triển cây màu ở diện tích lớn vài trăm ngàn ha, thế nên, muốn cho nông dân thực hiện, trước hết phải cơ giới hóa được các khâu sản xuất: cơ giới hóa việc gieo, trồng; cơ giới hóa việc phun thuốc; cơ giới hóa việc thu hoạch…
Chỉ dựa vào lao động thủ công, không thể trồng được cây màu.
34) Hỏi: Nông dân có nên được phép sở hữu ruộng đất hay không?
Trả lời:
Không nhà lý luận kiệt xuất nào của Đảng và Nhà nước có thể chứng minh việc Nhà nước sở hữu ruộng đất của nông dân là đúng, khi mà, hiện nay, Nhà nước cho mọi thành phần kinh tế khác được phép tư hữu về tư liệu sản xuất.
Vì vậy, nông dân sở hữu ruộng đất của mình là một việc hết sức chính đáng.
Tôi xin nhấn mạnh, Nhà nước có thể tiếp tục chiếm quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, nhưng không thể chứng minh cho nông dân thấy rằng, việc nhà nước sở hữu ruộng đất của nông dân là đúng, là công bằng so công nhân và các thành phần kinh tế khác.
35) Hỏi: Cuối cùng, ông có muốn phát biểu gì không?
Trả lời:
Biết mà không nói thì ấm ức.
Nhưng biết: Nói cho nhiều, cũng vậy thôi?!?!?!.
H. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét