Ngoại sử Mông Cổ kể rằng sau khi đạp đổ Trung Hoa dưới vó ngựa chinh phạt của mình, Hốt Tất Liệt nghĩ ngay đến chủ trương “toàn súc” nên phán rằng: “Đất đai nơi nầy rộng lớn và tươi tốt, khí hậu ôn hòa nhưng dân Hán đông quá, sống chật hết đất. Nay ta lệnh giết hết dân Hán để lấy chỗ chăn nuôi súc vật”. Một trí thức Hán đang làm thông ngôn cho quân Mông Cổ nghe vậy hoảng hốt nghĩ thầm “Thằng rợ du mục nầy quả là ngu, ta phải khai hóa cái đầu bò tối tăm của hắn để cứu Hán tộc” rồi quỳ mọp xuống thưa: “Thưa đức Đại Đế anh minh, nuôi người Hán có lợi hơn nuôi súc vật”. Các tướng Mông Cổ tức giận quát nạt: “Vô lý! Vô lý! Nuôi người Hán mà lợi hơn nuôi súc vật à? Người Hán chúng mày có làm ra sữa ra thịt như cừu, ngựa của chúng tao không?”.
Hốt Tất Liệt phán: “Ngươi giải thích cho thông, không thì tao chém đầu”. Trí thức Hán thưa: “Dạ để cho người Hán sống không phải nuôi, cho chúng tự do làm ăn, của cải chúng làm ra bắt đóng thuế thì lợi gấp trăm lần nuôi súc vật”.
Hốt Tất Liệt là vị đại đế lãnh đạo hàng trăm vạn quân thảo phạt từ Tây sang Đông thì đầu óc không hề ngu muội tăm tối như tay trí thức Hán nghĩ. Ngay tức khắc, ông ngộ ra, liền dẹp bỏ chủ trương “toàn súc”, cho người Hán sống để thu thuế. Từ đó ông dựng nên triều đình nhà Nguyên giàu mạnh hùng cường.
Đảng ta sau khi chiếm trọn miền Nam, liền nghĩ đến chủ trương toàn trị, dành hết tất cả các quyền chính trị vào một mối: quyền lãnh đạo, quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, quyền ngôn luận.
Rồi cả cái quyền không dính líu gì đến chính trị là quyền dân sinh tức là quyền được tự do làm ăn, học hành, vui chơi và sinh hoạt của người dân, đảng cũng thu tóm.
Đảng lùa hết người dân vào tập thể để tất cả họ đều trở thành người làm công cho đảng. Của cải làm ra giao nộp hết cho đảng rồi đảng phát lại phiếu mua gạo, phiếu mua thực phẩm, phiếu mua áo quần… Rồi đảng lo trường học, lo chữa bệnh, lo chỗ vui chơi giải trí, kể cả cái nhỏ nhặt nhất của phụ nữ là cái băng vệ sinh đảng cũng dành lo.
Nhiều trí thức miền Nam, thậm chí nhiều cán bộ cao cấp của đảng thời đó góp ý phản đối chủ trương đó. Những người ấy ý kiến rằng phải để cho người dân tự do kinh doanh làm ăn, tự họ nuôi sống lấy họ rồi đảng thu thuế thì lợi hơn gấp bội lần đảng đứng ra nuôi họ để họ làm ăn theo chỉ đạo của đảng. Nhưng đảng muốn toàn trị tuyệt đối nên đảng vẫn kiên định lập trường.
Sau 10 năm như vậy, cả nước càng ngày càng tiến dần lên đói nghèo. Toàn dân thiếu ăn đến xanh xao hốc hác. Kẻ làm trong Nhà nước thì tìm cách quèo quẹt của công, ăn chận của dân. Người ở bên ngoài thì lén lút chạy chợ, buôn bán chụp giựt, lừa đảo kiếm sống. Nhân cách của người dân, bất kể thành phần, sa sút đến thậm tệ. Nhiều người không chịu nổi nữa phải liều mạng sống, tìm cách vượt biên tha phương cầu thực.
Nhưng đảng vẫn kiên định, một tấc không đi một li không dời, cương quyết không thay đổi lập trường cho đến khi nhìn lên thấy Trung Cộng rồi Liên Xô đổi mới, lúc đó đảng mới… sáng suốt đổi mới theo là trả cái quyền tự do dân sinh lại cho người dân.
Ngay sau đó bộ mặt đất nước, vẻ mặt người dân, tư cách con người thay đổi hẳn.
So với hai đồng chí vẫn kiên định lập trường là Cu Ba và Triều Tiên, Việt Nam cách xa một trời một vực.
Tuy nhiên so với thiên hạ chung quanh (không dám so với Nhật, Hàn, Đài Loan) Việt Nam vẫn còn cách xa một trời một vực theo hướng ngược lại. Ấy là do đảng vẫn còn giữ khư khư bốn quyền còn lại mặc cho sự kêu gào của người dân, mặc cho sự góp ý của các quốc gia tiên tiến đi trước.
Cho nên, nghĩ lại thấy rằng Hốt Tất Liệt, cách đây hơn 500 năm, dù từ nhỏ sống chung giữa bầy gia súc, lớn lên suốt đời ngồi trên lưng ngựa, chỉ lo đi chinh phạt cướp bóc khắp thế giới, không có chút khái niệm gì về kinh tế chính trị học nhưng không ngu chút nào. Đầu ông ta không phải là đầu bò.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét