Nhãn

8 tháng 12, 2011

271. Danh từ riêng gốc nước ngoài – nên viết thế nào cho đúng?

Rõ ràng là phiên âm tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt như các báo đảng vẫn dùng thì chuối quá, xu hướng hiện nay là để nguyên gốc từ tiếng nước ngoài, lý do thì như ý kiến của GS TS Phạm Văn Tình ở dưới. Tớ thì cho là còn 1 lý do ‘chốt’ nữa, ví dụ, nhà bác học Albert Einstein nếu phiên âm ra tiếng Việt là Anh – Xờ - Tanh. Nếu bạn tra cụm từ “Albert Einstein” trên google thì bạn sẽ có 1 kho kiến thức khổng lồ liên quan... còn tra “...” thì được giề...?! ==> giữ nguyên gốc từ tiếng nước ngoài là góp phần nâng cao Dân Trí.



PGS.TS Phạm Văn Tình, Phó tổng biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

Ba xu hướng và sự lựa chọn hợp thời đại

PV: Thưa ông, vừa rồi cư dân đang xôn xao về cách phiên âm tên riêng của một số báo. Có những tên riêng nước ngoài khi phiên âm ra tiếng Việt đã tạo ra những cụm từ có ý nghĩa không được đẹp (bản tin đón Chủ tịch Thái Lan ghi là Sổm - sặc Kiệt - sụ na - rôn). Mới đây nữa, một câu chuyện tưởng như rất nhỏ là Bảo tàng Hồ Chí Minh đề xuất sách giáo khoa sửa phiên âm tên của vị luật sư bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc. Theo ông, nên để nguyên tên của người nước ngoài, để tên theo phiên âm quốc tế, hay phiên âm ra tiếng Việt?


PGS.TS Phạm Văn Tình: Hiện nay đang tồn tại 3 cách xử lí vấn đề này. Một là phiên âm cách đọc: Paris thì viết là Pa-ri, Washington thì viết là Oa-shing-tơn. Cách thứ 2 là dịch nghĩa, tức là tên riêng đó có nghĩa, chẳng hạn như Quảng trường đỏ, Nhân đạo (tên tờ báo ở Pháp),…. Nhưng xu hướng này không nhiều.

Cách thứ 3 là để nguyên dạng, tên họ như thế nào thì để như vậy vì hiện nay đa số các tài liệu mình đọc bằng tiếng Anh, hoặc tên của nước ngoài ở các mẫu chữ khác như tiếng Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.. vẫn có thể chuyển sang mẫu tự La-tinh để gần gũi với các kí tự ta đang dùng.

Có quan điểm rằng cần phải phiên âm ra để mang tính quần chúng, phổ cập để mọi người đọc. Nhưng phiên âm có bất lợi là không ai biết chắc chắn là đọc như thế nào, tức là giữa cách viết và cách đọc khác nhau mặc dù tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác trên thế giới giữa chữ viết và âm đọc khá gần nhau.

Nhưng nói chung nhiều tên giữa chính tả và chính âm khác nhau, đặc biệt là tiếng Anh, ví dụ như chữ “y” có thể đọc là “i” hoặc là “ai”, chính vì thế mà có người đọc là Lôdơbi hoặc Lôdơbai. Từ đó dẫn tới việc cách mình suy luận, đọc không trùng với cách đọc của người bản ngữ.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng cùng một tên nhưng chính người trong một nước cũng có những cách đọc khác nhau. Ví dụ tên tổng thống Ronal Reagan, có người đọc âm “ea “là “I”, người lại đọc là “ê”. Người Việt mình cũng vậy, ví dụ Việt Nam có nơi đọc là “Ziệt Nam”,…

Như vậy chuẩn âm của mỗi vùng miền, chưa nói đến mỗi quốc gia đã có những khác biệt. Nếu lại phiên âm thì thậm chí anh chỉ đúng tên người này đối với một vùng này, còn nơi khác lại khác.

Ví dụ tên cầu thủ bóng đá Michael Ballack có người đọc theo tiếng Anh là “Mai-cơn”, nhưng tiếng Đức là “Mi-xen”, đội bóng Bayer Munich có người đọc âm thứ hai là “Muy-nich” nhưng tiếng Đức là “Mu-khèn”.

Chuyện phiên âm để hi vọng đạt tới một cách đọc là không tưởng. Và anh dựa vào cách đọc nước nào để phiên âm? Quan trọng hơn cả là khi giao tiếp bằng chữ viết ta lấy mặt chữ làm quan trọng.

Tên gọi của một người được ghi danh một cách cụ thể, bằng văn tự. Wayne Rooney thì dứt khoát phải có hai chữ “o”. Nếu thiếu một chữ “o” là không được. Sai một chút sẽ định danh sang người khác.

Đa số người đọc ví dụ báo chí chỉ nhìn con chữ, không mấy ai đọc thành lời cả. Dù khi bắt đọc họ có thể đọc na ná giống nhưng không mấy ai chê trách và về con chữ họ vẫn nhìn để nhận ra một ai đó. Trừ một số bình luận viên thì họ phải chọn một cách chính xác hơn cả. Nếu đọc không đúng thì tất cả người xem đều cảm thấy phản cảm.

Cũng với cái tên đó (chưa được phiên âm) ta có thể dễ dàng tìm được ở các văn bản khác đặc biệt với xu hướng ngôn ngữ hòa đồng ngôn ngữ trên thế giới như hiện nay và không gây trở ngại gì.

Cuộc sống là thước đo, đánh giá những giải pháp. Xưa ta còn viết gạch nối rồi không viết hoa ở giữa ví dụ Nguyễn Văn Trỗi thì viết Nguyễn-văn-Trỗi nhưng bây giờ đã không còn nữa.

Mỗi giải pháp đều có lý do. Nhưng giải pháp để nguyên dạng ngày càng được chấp nhận do thuận lợi, không gây trở ngại, hợp với xu hướng thời đại.

Lựa chọn “quần chúng” có được chấp nhận?

PV: Theo dõi tình hình báo chí, các phương tiện truyền thông, ông có thấy xu hướng này?

GS PVT: Nhiều báo trước đây (nhất là ở miền Bắc) đều dùng cách phiên âm. Nhưng hiện nay hầu hết đều đã tự động chuyển sang việc giữ nguyên dạng để phù hợp với thời đại. Không phải họ bảo thủ hay muốn làm ra cái gì riêng biệt mà họ thấy điều đó tiện lợi, được chấp nhận hơn.

Đấy là chưa nói đến chuyện nhiều từ phiên âm sang tiếng Việt sẽ rất buồn cười, thậm chí phản cảm ví dụ Upradit và ví dụ bạn vừa nêu,… Xu hướng chung không chỉ các văn bản khoa học mà sách, vở, báo chí, phương tiện truyền thông đã tôn trọng cách giữ nguyên dạng tên riêng nước ngoài.

Nói phiên âm ra để dễ đọc, để gần quần chúng nhưng liệu quần chúng liệu họ có cần đến thế không? Họ có nhu cầu không? Rồi hiện chúng ta hiện có hơn 20 học sinh mà đều dạy như thế thì như thế nào?

PV: Sự chưa thống nhất như vậy có gây khó khăn gì cho việc quản lí?

GS PVT: Hiện vẫn có lựa chọn giải pháp phiên âm (số ít) khi đối với việc dạy cho trẻ hoặc lớp phổ cập văn hóa. Khi này các đối tượng này còn chưa nhận diện con chữ thì giải pháp tạm thời là phiên âm nhưng vẫn mở ngoặc để nguyên dạng chữ viết bên cạnh.

Về bất cập thì chuyện đọc là Lôdơbi, Lôdơbai là một ví dụ. Đấy là khi ta chấp nhận cách đọc mà chính gia đình người thân không chấp nhận. Một số bật cập khác quan trọng như khó khăn trong tra cứu tài liệu, việc dễ nhầm tên ai đó,… đã đề cập ở trên.

PV: Vậy về trường hợp cụ thể là Lôdơbai hay Lôdơbi này, ông chọn cách đọc nào?

GS PVT: Tôi chọn theo cách của gia đình. Đấy cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với gia đình luật sư.

Cần một bộ luật về ngôn ngữ

PV: Từ trước tới nay ta đã có quy chuẩn nào trong việc sử dụng phiên âm chưa, thưa ông?

GS PVT: Tôi nhớ đã có cuốn từ điển phiên âm tên riêng nước ngoài do Nguyễn Như Ý chủ biên. Trong sách này các tên riêng được căn cứ vào cách đọc, cách nói của các ngôn ngữ đó để phiên âm và đưa ra lựa chọn cách đọc một cách khả dĩ nhất cho người dùng. Nhưng cuốn này chỉ là một giải pháp, không bắt buộc phải theo.

Chuyện làm từ điển nên quy về một mối và cần kiểm định nghiêm ngặt. Hiện nay nhiều nơi còn làm ăn theo kiểu chụp giật, dễ dãi, NXB nào cũng có thể xuất bản, rất nguy hiểm.

PV: Và ta cũng chưa có một quy định nào về việc phiên âm tên riêng nước ngoài để mọi người làm theo phải không, thưa ông?

GS PVT: Chưa có, nhưng trong một số cơ quan trong phạm vi nội bộ đã có.

PV: Vậy có nên cần một văn bản quy phạm để mọi người làm theo không?

GS PVT: Nên có một bộ luật ngôn ngữ, theo đó sẽ là các văn bản dưới luật hướng dẫn mọi người thực hiện những việc như viết hoa các tên tổ chức, cơ quan, xử lí tên riêng, cách viết i, y.

Đó là nhu cầu cần thiết để tiến tới một sự chuẩn hóa. Một vài năm trước đã có ý kiến trong Quốc hội cần phải có bộ luật này nhưng hình như nó chưa đến độ chín muồi và chưa tạo ra hiệu ứng xã hội.

Và điều quan trọng nữa là các nội dung, chế tài xử lí như thế nào? Vi phạm ngôn ngữ cũng giống như vi phạm giao thông nếu không có chuẩn thì khó bắt lỗi, muốn bắt được thì mới phạt được.

Cần có sự đầu tư nhất định trong việc điều tra cách thể hiện ngôn ngữ nói chung, những xu hướng, từ đó hệ thống các biểu hiện về ngôn ngữ bằng lời nói và chữ viết trên cơ sở đó đưa ra được một bộ quy chuẩn để làm luật.

PV: Yêu cầu này đã đến độ bức thiết chưa, thưa ông?

Nó không phải không có không được nhưng đã đến lúc bắt tay vào làm rồi và không muộn. Dẫu vậy vẫn không thể phủ nhận so với các nước phát triển trên thế giới ta chậm mà ngay như ở Đông Nam Á so với Malaysia, Indonesia ta đã chậm hơn họ.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhìn từ nước Pháp

PV: Trên thế giới có thể lấy ra đây ví dụ nước nào đã đi tiên phong trong việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ, thưa ông?

GS PVT: Có thể kể ra đây là nước Pháp. Ví dụ họ có quy định từ mới nào của tiếng Anh được chấp nhận ở tiếng Pháp, từ nào không. Họ căn cứ vào tần số sử dụng và nhu cầu, nếu giả sử tiếng Pháp chưa đủ thể hiện bằng tiếng Anh thì họ sẵn sàng chấp nhận và ngược lại.

Nếu ai sai sẽ bị xử phạt rất nặng, bị báo chí lên tiếng không có tinh thần yêu nước. Từ lâu đây cũng là tiêu chí người Pháp đánh giá thái độ của người nói với tiếng Pháp. Mỗi một năm Viện Hàn lâm Khoa học Pháp còn đưa ra những khuyến cáo cho việc sử dụng tiếng nước họ như thế nào cho phù hợp.

Bộ từ điển do Viện Hàn lâm Khoa học của Pháp xuất bản được xem là chuẩn mực được làm rất công phu không chỉ về từ ngữ mà là cả cách ứng xử như thế nào, cách quy tắc ngữ pháp, chính tả.

PV: Còn ở ta thì sao?

GS PVT: Có thời gian có những lộn xộn, không ai bảo ai, rồi bài vở của các nhà ngôn ngữ khi gửi tới các báo bị cắt xén không phù hợp,.. Tuy nhiên dần dần nó cũng lắng lại, trừ một số trường hợp cá biệt.

Cảm ơn ông!

Văn Chung (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét