(Bài viết của tác giả Hoàng Long từ CHLB Đức gửi cho TTHN)
Vụ Wikileaks đang gây nhiều tranh luận và đây cũng là một bài học nữa cho người Việt chống cộng.
Hôm 18.11.2010, ông Alan Camitz, một thẩm phán tại tòa án khu vực Stockholm ở Thụy Điển đã ra lệnh cho Julian Assange, người Úc, đang ở Thụy Điển, phải lưu lại ở xứ này vì bị nghi ngờ tội hiếp dâm và xâm phạm tình dục hai phụ nữ. Ông nói Assange đang bị câu lưu vắng mặt (detain in absentia) và một trát truy nã quốc tế (international arrest warrant) sẽ được ban hành.
Được biết, vào tháng 7 vừa qua, Julian Assange đã cho tung lên website Wikileaks.org của ông khoảng 92.000 tài liệu mật về cuộc chiến tranh Afghanistan. Hôm 17.10.2010, Julian Assange lại cho tung thêm 400.000 tài liệu mật liên quan đến cuộc chiến Iraq. Đây là những tài liệu chưa hề được tiết tộ.
Ngày 21.8.2010, văn phòng Công tố viện Thụy Điển cũng đã phát lệnh truy nã Julian Assange về tội hiếp dâm, nhưng chỉ vài giờ sau đó lệnh này đã được thu hồi với lý do không đủ yếu tố để buộc tội.
Người Việt chống cộng thường hay bị đánh lừa do những tin tình báo giả có, thật có, do CIA và Việt Cộng tung ra, nên thường trúng kế địch. Ngay cả những những tài liệu giả do văn công Việt Cộng viết về Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, v.v., người Việt chống cộng cũng tin là thật và trích dẫn búa xua để phang nhau!
Trong vụ Wikileaks, để làm sáng tỏ vấn đề, trước hết, chúng tôi xin nói qua vai trò của Julian Assange và những tin mật mà đương sự đã tung ra, sau đó thử bàn xem CIA định chơi trò gì.
VÀI DÒNG VỀ JULIAN ASSANGE
Julian Paul Assange sinh năm 1971, là một nhà hoạt động internet và nhà báo người Úc. Ông ta cũng là một sinh viên vật lý và toán học, một hacker và một lập trình viên máy tính.
Trong suốt thời thơ ấu, ông đã di chuyển chỗ ở và trường học hàng chục lần, học tại một vài trường đại học khác nhau ở Úc. Từ năm 2003 đến 2006, ông nghiên cứu vật lý và toán học tại Đại học Melbourne nhưng không nhận một văn bằng nào.
Cuối những năm 1980, ông là thành viên của nhóm hacker (tin tặc) “International Subversives”. Đến năm 1992, hacker Assange đã bị buộc đến 24 tội liên quan đến hoạt động tin tặc.
Wikilieaks được thành lập năm 2006 và Assange là một trong 9 thành viên của Hội đồng tư vấn, là phát ngôn viên và là tổng biên tập của website này. Ông tuyên bố ông sẽ luôn giữ quyền kiểm duyệt và thông qua cuối cùng mọi văn bản trước khi đưa lên trang web.
Giống như bao người làm việc cho trang web Wikileaks.org, Assange không được nhận thù lao từ công việc ông làm.
Năm 2009, Assange đã được giải báo chí của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế với loạt bài mang tên “The Cry of Blood” viết về một vụ thảm sát tại Kenya. Tại lễ trao giải, Assange đã nói: “Đó là một sự phản ánh can đảm về xã hội Kenya, một loạt tội ác đã được đưa lên mặt báo. Nhờ sự hỗ trợ hết sức đắc lực của các tổ chức và quỹ quốc tế như Oscar, KNHCR, chúng ta đã đưa ra ánh sáng các vụ giết người man rợ ở Kenya…”. Ông nói thêm: “Tôi biết rằng những tổ chức này sẽ không ngừng đấu tranh, và chúng tôi cũng vậy, cho tới khi công lý được thực thi”.
Năm 2008, ông cũng giành được giải của The Economist với bài “Chỉ Số Kiểm Duyệt”. Ngoài ra, ông còn giành một số giải thưởng truyền thông khác.
Theo Assange, Wikileaks đã cho công bố số tài liệu mật nhiều hơn tất cả số báo chí trên thế giới cộng lại. Ông nói: “Những thông tin bị kiểm soát chặt chẽ, đều được Wikileaks khai thác, nếu so về mảng tin này, chúng tôi hơn phần còn lại của báo chí thế giới”.
Assange là người luôn ủng hộ tính “minh bạch” và “khoa học” trong hoạt động báo chí. Ông luôn nói rằng “bạn không thể xuất bản một ấn phẩm về vật lý nếu không công bố lên đó đầy đủ dữ liệu về các con số, về các cuộc thí nghiệm, đó cũng là tiêu chuẩn của báo chí”.
WIKILEAKS TIẾT LỘ NHỮNG GÌ?
Hôm 26.7.2010, với đầu đề “Nhật ký chiến tranh Kabul” (Kabul War Diary), WikiLeaks.org đã phát đi hơn 92.000 tài liệu mật về cuộc chiến tại Afghanistan trong giai đoạn 2004 – 2009. Các tài liệu cho thấy cuộc chiến 9 năm tại Afghanistan là một cuộc chiến gây tranh cãi, trong đó có những vụ sát hại thường dân Afghanistan chưa bao giờ được đưa tin, các chiến dịch bí mật truy quét lực lượng phiến quân Taliban của lính Mỹ, mối lo ngại của NATO về việc Pakistan và Iran đang giúp lực lượng Taliban ở Afghanistan…
Một tài liệu dài ba trang đề ngày 2.2.2010 có tiêu đề “Chuyện gì xảy ra nếu nước ngoài coi Mỹ là ‘nhà xuất khẩu khủng bố’ “. Tài liệu dẫn lời của David Headley, một người Mỹ gốc Pakistan, và một số người khác nói rằng Mỹ là quốc gia xuất khẩu khủng bố. Headley đã từng bị buộc tội do thám để hỗ trợ cho vụ tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008 làm 160 người chết.
Ngày 23.10.2010, WikiLeaks lại công bố hơn 400.000 trang tài liệu liên quan đến cuộc chiến Iraq từ 1.1.2004 đến 31.12.2009. Khối tài liệu khổng lồ này tiết lộ nhiều vụ tra tấn và giết hại dã man người Iraq do chính bàn tay của quân lính và cảnh sát Iraq, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và quân đồng minh.
Một em bé Iraq bị mất cả cha lẫn mẹ tại Tal Afar ngày 18.1.2005. Cha mẹ em bị lính Mỹ bắn chết trong xe khi không dừng lại theo hiệu lệnh. Bốn em nhỏ trong xe không bị thương.
Thường dân Iraq bị giết hại vô tội vạ tại các trạm kiểm soát; binh lính Mỹ cho nổ tung cả một tòa nhà dân sự vì nghi ngờ có một kẻ nổi dậy ẩn nấp trên mái nhà.
Năm 2006, một người Iraq bị lính Mỹ bắn tỉa hạ gục chỉ vì đơn giản là mặc bộ quần áo rộng. Người này, trớ trêu thay, sau đó được nhận dạng là phiên dịch viên của quân đội Mỹ. Tháng 7/2007, từ trực thăng, lính Mỹ xả súng giết chết 26 người Iraq, trong đó có một nửa là dân thường. Có trường hợp, kính chắn gió từ một chiếc xe tạo ra ánh sáng phản chiếu, nhưng thủy quân lục chiến Mỹ tưởng ánh sáng đó phát ra từ ống ngắm súng, và họ sẵn sàng nả súng bắn chết một phụ nữ trong xe, bắn bị thương chồng cô và 3 con.
Kênh truyền hình Al-Jazeera cho biết, theo các hồ sơ mật mà WikiLeaks tiết lộ, ít nhất 109.000 người, trong đó có tới 63% là dân thường, đã thiệt mạng ở Iraq trong khoảng thời gian Mỹ và đồng minh đưa quân vào quốc gia này từ tháng 3/2003 đến cuối năm 2009. Wikileaks khẳng định rằng, các lực lượng Mỹ đã lập danh sách những người Iraq tử vong, mặc dù Mỹ nhiều lần công khai bác bỏ việc này.
Wikileaks còn công bố nhiều thông tin gây chấn động, đó là tù binh Iraq bị lực lượng liên quân tra tấn dã man, các chỉ huy Mỹ đã “nhắm mắt làm ngơ” trước những hành động tra tấn, lạm dụng và thậm chí sát hại các tù nhân Iraq.
Wikileaks ghi nhận có 95 người bị bịt mắt và nhốt chung trong một căn phòng chật chội. Nhiều người mang dấu tích bị tra tấn, trong đó có dấu bỏng thuốc lá, vết bầm tím và vết thương hở. Các nghi can bị tra tấn bằng gậy gộc, ống nước, dây cáp, dao, sốc điện, thậm chí có người còn bị móc mắt…
Một người đàn ông bị giam ở Husaybah bị bịt mắt và đánh đập liên tục suốt 3 ngày, nhưng trong báo cáo ghi “không cần điều tra thêm”. Năm 2009, lực lượng Mỹ phát hiện các đoạn băng video quay cảnh hàng chục binh lính Iraq cùng bắn chết một tù binh ngay trên đường phố ở Tal Afar, nhưng báo cáo vụ việc ghi “Đã kết thúc hồ sơ”!
Tờ Guardian của Anh bình luận: “Chính quyền Mỹ đã không điều tra hàng trăm báo cáo về những vụ ngược đãi, tra tấn, hãm hiếp và thậm chí giết người mà thủ phạm là binh lính và cảnh sát Iraq”.
Các tài liệu còn tiết lộ những trường hợp cướp, giết, hiếp, trong đó có cả một băng ghi hình về những trò đồi bại này của binh sĩ Iraq.
Tờ New York Times cho biết, “có một số vụ lạm dụng được quân đội Mỹ can thiệp, nhưng phần lớn chúng bị làm ngơ”. Các binh sỹ Mỹ đã nói với giới chức của họ về những vụ này nhưng rồi nhận được câu trả lời là chuyển trách nhiệm điều tra cho giới chức Iraq.
LÀM SAO LẤY ĐƯỢC TÀI LIỆU MẬT?
WikiLeaks cho biết: “Hầu hết các tài liệu được viết bởi binh lính và cơ quan tình báo có nhiệm vụ nghe báo cáo qua điện đàm từ chiến trường. Nhưng các báo cáo cũng bao gồm thông tin liên quan từ tình báo của thủy quân lục chiến, các Sứ quán Mỹ, báo cáo về tham nhũng và các hoạt động phát triển ở Afghanistan. Mỗi báo cáo có thời gian và địa điểm chính xác của sự kiện mà quân đội Mỹ cho là quan trọng”.
WikiLeaks không tiết lộ nguồn gốc của tài liệu mật, nhưng theo nhiều chuyên gia, những thông tin này có thể từ Bradley Manning, một nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ, hiện tại đang bị giam giữ để chờ xét xử về tội cung cấp thông tin quốc phòng trái phép. Ông bị bắt vào tháng 5 khi phát hành đoạn video quay cảnh một cuộc tấn công bằng trực thăng Apache của Mỹ tại Iraq làm một dân thường bị chết. Một cựu tin tặc cho biết ông Manning kể rằng ông đã chuyển các băng video của quân đội và 260 nghìn thông điệp mật của các sứ quán Mỹ cho WikiLeaks.
Ngày 25.8.2010, ông George Little, đại diện của CIA, đã trả lời CNN như sau: “Những kiểu tài liệu chỉ mang tính phân tích như thế này rõ ràng là được lấy từ các thành viên “Red Cell” của CIA. Tuy nhiên, những tài liệu kiểu này thì không có gì là “bom tấn” hay quá nguy hại cả. Nó chỉ đơn thuần mang đến một chút khiêu khích và thử thách đối với những quan điểm trái ngược nhau mà thôi”.
“Red Team” hay “Red Cell” được CIA thành lập sau vụ tấn công 11.9.2001 để đánh giá những hiệu quả của các chiến thuật của chính phủ Hoa Kỳ hay cá nhân. Tài liệu của “Red Cell” không chứa đựng những đánh giá của chính quyền Mỹ.
PHẢN ỨNG CỦA NHÀ CẦM QUYỀN
Trả lời phóng viên AFP, Đại tá David Lapan, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài cho biết Ngũ Giác Đài đã thành lập một Đội Đặc Nhiệm gồm 120 viên chức có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu các dữ liệu “để xác định xem những tác động có thể xảy ra là gì”.
Phóng viên David Loyn của BBC ở Kabul cho rằng việc công bố tài liệu này sẽ làm Toà Bạch Ốc xấu hổ và giận dữ. Ông nói: “Tài liệu này cho thấy viện trợ không có hiệu lực, chính sách chính trị ngây thơ lúc ban đầu và Taliban là kẻ thù cứng đầu thế nào. Người Mỹ đã hiểu nhầm điều đó cho tới hôm nay”.
Tướng Jim Jones, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói rằng việc công bố tài liệu trên “đặt mạng sống của người Mỹ và các đối tác vào chỗ nguy hiểm.” Nhưng ông cho rằng những tài liệu này không ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ về việc tăng cường quan hệ đối tác với Pakistan và Afghanistan.
Tuy nhiên, CIA và Ngũ Giác Đài đã hạ thấp sự tác hại của các tài liệu do Wikilesks công bố. Ông George Little, phát ngôn viên của CIA, cho rằng tài liệu mà Wikileaks công bố không tiết lộ thông tin nào quá đặc biệt. Ông nói: “Những kiểu thông tin phân tích như thế này rõ ràng là chỉ nhằm khơi dậy suy nghĩ và các quan điểm trái chiều mà thôi”.
Trong bức thư gửi Thượng nghị sỹ Levin, Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates nói: “Những lo sợ hậu quả sau khi 77.000 trang tài liệu về cuộc chiến Afghanistan đã bị thổi phồng”. Ông viết tiếp: “Các đánh giá ban đầu của chúng tôi chỉ ra rằng không có dấu hiệu của việc nguy hại đến an ninh quốc gia, đồng thời những tin tức tình báo về các vấn đề nhạy cảm không bị tiết lộ ở đây”. Theo ông, điều này cho thấy, những tài liệu này không bao gồm những thông tin nhạy cảm nhất.
Bộ trưởng Gates lưu ý rằng tuy các tài liệu đề cập đến tên “những người Afghanistan đã hợp tác với CIA” không phải là tài liệu tình báo mật nhưng nó lại chỉ ra họ là những người đã đoạn tuyệt với Taliban.
TÁC DỤNG THẬT SỰ CỦA TÀI LIỆU ĐƯỢC TIẾT LỘ LÀ GÌ?
Không ai nghĩ rằng ông Bradley Manning, một nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ đang bị giam giữ hay nhóm “Red Cell” có thể để lộ ra gần nữa triệu tài liệu như thế. Nhiều người tin rằng đây là những tài liệu do chính CIA tung ra qua nhiểu hình thức khác nhau và mượn bàn tay của Wikileaks để gây áp lực vào ba chính phủ Afghanistan, Iraq và Pakistan, đòi hỏi các chính phủ này phải đi theo đường lối của Hoa Kỳ từng giai đoạn. Giai đoạn áp dụng “các biện pháp mạnh” tại Iraq như từ trước đến nay phải được chấm dứt hay giảm xuống để hai phái Shiah và Sunni có thể ngồi lại với nhau tạo một không khí hoà hoản cho Mỹ rút. Chính phủ Afghanistan phải tăng cường lực lượng để lãnh trách nhiệm khi Mỹ và Đồng Minh ra đi kể từ tháng 7 năm 2011. Pakistan phải giúp Mỹ làm cho lực lượng của Taliban yếu đi để chính phủ Afghanistan có thể tồn tại ít ra hai năm sau khi Mỹ rời khỏi nước này.
Tài liệu được tiết lộ cũng để cho dân chúng Mỹ thấy rằng không thể thắng hai cuộc chiến quá tốn kém ở Afghanistan và Iraq, và đã đến lúc Mỹ phải ra đi như trong chiến tranh Việt Nam.
Pakistan cho rằng việc tung tài liệu bí mật ra là hoàn toàn không thích hợp và phủ nhận mối liên hệ với Taliban, mặc dầu trong thực tế Pakistan phải bắt cá hai tay để khi Mỹ bỏ Afghanistan và Taliban chiếm đất nước này, Pakistan vẫn còn có ảnh hưởng. Vã lại, Taliban đã dọa rằng nếu chính phủ Pakistan để cho Mỹ mở các cuộc hành quân chống Taliban trên đất Pakistan, Taliban sẽ biến nước này thành vũng máu.
Tại Iraq, văn phòng của Thủ Tướng Maliki đã đưa ra một thông báo lên án gay gắt trước hành động của WikiLeaks. Thông báo nhấn mạnh: “Tài liệu này đã không đưa ra được được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các tù nhân bị ngược đãi trong thời gian 4 năm Thủ tướng Nouri al-Maliki đứng đầu Chính phủ Iraq”.
Chúng ta nhớ lại, khi chuẩn bị bỏ miền Nam Việt Nam, năm 1972 cơ quan phản gián Mỹ đã cho phổ biến rộng rãi cuốn “The Politics of Heroin: CIA complicity in the global drug trade” của Alfred W. McCoy, trong đó tố cáo các chính phủ VNCH – đệ nhất cũng như đệ nhị – đều buôn thuốc phiện lậu.
Cuốn sách nói năm 1955 Ngô Đình Diệm cấm thuốc phiện ở miền Nam, nhưng năm 1958 Cố vấn Ngô Đình Nhu cho mở lại các tiệm hút thuốc phiện và liên lạc với tập đoàn Trung Quốc tại Chợ Lớn để thiết lập một mạng lưới phân phối mới.
Năm 1963 sau khi Mỹ ra lệnh lật đổ ông và giết Diệm, năm 1965 Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan đã giao cho Nguyễn Thanh Tùng – còn gọi là Mai Đen – phụ trách hoạt động buôn lậu thuốc phiện giữa Lào và Sài Gòn.
Năm 1970 Việt Nam mở cuộc hành quân qua Kampuchia. Không quân Việt Nam đã vận chuyển thuốc phiện và heroin trên các chuyến bay hàng ngày của họ từ Kampuchia đến Nam Việt Nam.
Tổng Thống Thiệu đã ký hợp đồng cho phép vận chuyển thuốc phiện để tập đoàn Trung Quốc tại Sài Gòn – Chợ Lớn có thể chở thuốc phiện đến Nam Việt Nam và biến thành morphine, v.v.
Cuốn sách này có thể được coi là thuộc loại phản gián, vì đã đưa ra những sự kiện không cần chứng minh, nhưng nó có tác dụng làm xấu đi hình ảnh VNCH nơi dân chúng Mỹ. Nhóm Linh Mục Trần Hữu Thanh tưởng là tài liệu thật, đã dùng cuốn sách đó để phát động phong trào chống tham nhũng, làm cho hình ảnh VNCH bị bôi đen hơn.
Vào đầu năm 2009, hai tập sách được nói là “tài liệu tối mật” của CIA được công bố, một mang tên là “CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963” và một mang tên “CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam”. Trên mỗi tập đều có ghi rõ “SECRET” (Bí Mật). Nhưng đọc kỹ lại thì thấy đây chỉ là trò đánh lận con đen của CIA. Hai tập này không phải là hai tập “tài liệu tối mật” của CIA mà chỉ là hai tập sách của Thomas L. Abern, Jr tóm lược những tài liệu mật (classified) và không mật (unclassified) liên quan đến việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam đã được công bố từ trước, chỉ có một số nhỏ mới được công bố ngày 23.3.1999. Mục đích của trò đánh lận con đen này là nói với Hà Nội rằng Mỹ không phản bội VNCH nhưng phải bỏ VNCH vì người miền Nam bất tài.
Ngày nay, để rút ra khỏi Afghanistan và Iraq, Hoa Kỳ đã dùng Wikileaks để chơi đòn phản gián, bôi xấu hai cuộc chiến đã được họ phát động, mở đường cho việc rút quân.
Daniel Ellsberg, một nhà phân tích nổi tiếng người Mỹ, đã nói rằng “những việc Assange làm là để bảo vệ người dân Mỹ, là nhằm đưa ra ánh sáng các tài liệu mà người dân có quyền được biết, cũng như pháp luật có quyền được điều chỉnh”.
Nhưng rất tiếc, Assange chỉ đưa ra có một phần sự thật, còn phần sự thật quan trọng hơn, đó là những bí ẩn khiến Hoa Kỳ mở cuộc tấn công vào Iraq lại không được nói đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét