Nhãn

28 tháng 2, 2013

685. Cần tỉnh táo với dự án bôxít Tây Nguyên


(Dân trí) - “Kiến nghị dừng ngay chương trình bôxít ở Tây Nguyên của một số nhà khoa học cũng có lý bởi có thể làm sẽ không lãi. Đây là thời điểm thích hợp để xem xét, đánh giá lỗ lãi, những tác động của toàn bộ chương trình bôxít...”.

Đó là quan điểm của ThS. Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), khi trao đổi với với phóng viên Dân trí về hiệu quả kinh tế và những tác động của dự án bôxít ở Tây Nguyên.

Theo ông Tú, có hai luồng ý kiến về vấn đề này, một bên là phía Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) luôn bảo vệ quan điểm các dự án bôxít vẫn có lãi và đánh giá hiệu quả của dự án phải xem xét lâu dài và tính lan tỏa đến xã hội. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cho rằng các dự án bôxít sẽ bị lỗ và tiềm ẩn nhiều rủi ro.


ThS. Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển

"Ảnh hưởng tích cực"... chưa có gì nổi bật

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho rằng, cảnh báo của các nhà khoa học về dự án bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng, ông thấy thế nào?


Điểm lại những kiến nghị, cảnh báo của các nhà khoa học từ trước đến nay và những gì đang xảy ra đối với chương trình bôxít, tôi đồng ý với nhận định này. Một số cảnh báo đang dần bộc lộ ra ngoài và còn nhiều cảnh báo có lẽ cần phải chờ thêm một thời gian nữa, khi nhà máy Tân Rai đi vào vận hành đầy đủ, mới có thể đánh giá. Lúc đó, những tốt xấu, trắng đen của chương trình bôxít sẽ bộc lộ hết.

Cảnh báo đầu tiên của các nhà khoa học là dự án có hiệu quả kinh tế thấp và thậm chí sẽ bị thua lỗ tài chính nặng nề. Còn nhớ năm 2009, với những thông số đầu vào do Vinacomin cung cấp, các nhà khoa học của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đánh giá nhà máy các alumin sẽ lỗ từ 50 đến 100 USD/1 tấn alumin, tương đương một năm mỗi nhà máy sẽ lỗ 30 triệu USD. Đến nay, theo tính toán của TS. Nguyễn Thành Sơn, nếu tính đủ chi phí thì giá thành alumin của nhà máy Tân Rai sẽ vào khoảng 374 USD/1 tấn. Trong khi đó, theo thông báo của Vinacomin, Tập đoàn đã ký hợp đồng bán 17.000 tấn alumin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước với giá 340 USD/1 tấn. Như vậy, trước mắt mỗi tấn alumin sản xuất ra sẽ lỗ khoảng 35 USD. Tập đoàn Vinacomin cũng đã thừa nhận việc lỗ trước mắt và chưa khẳng định được khi nào sẽ hết lỗ.

Vấn đề thứ hai đang bộc lộ đó là cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, vận chuyển và xuất khẩu bôxít. Hiện nay, cảng Kê Gà đã chính thức đình chỉ xây dựng, còn việc vận chuyển bôxít bằng đường bộ cũng đang gặp nhiều khó khăn và gây ra nhiều lo ngại như xe tải sẽ làm hỏng đường, mất an toàn giao thông. Nghiên cứu của các nhà khoa học khai khoáng cho biết, trên thế giới không nước nào vận chuyển khoáng sản bằng ô tô trên tuyến đường xa như vậy. Cảnh báo thứ ba có thể nhìn thấy là công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng không rõ ràng...

Đó là những cảnh báo của các nhà khoa học, đến nay có thể nhìn trên thấy thực tế. Các khuyến nghị, cảnh báo khác vẫn đang còn tiềm ẩn mà chúng ta chưa thể lường hết.

Tận mắt đến đó khảo sát, ông thấy gì từ các giải pháp cho xử lý bùn đỏ đang được tiến hành?

Bùn đỏ từng là một trong những vấn đề được tranh cãi nhiều nhất trong việc khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Khảo sát vào tháng 9/2012 của chúng tôi khi nhà máy Tân Rai đã làm xong 2 khoang chứa bùn đỏ cho thấy, hồ chứa bùn đỏ rất rộng và được xây dựng khá kiên cố. Các lớp vải địa kỹ thuật lót ở bên dưới cũng được xử lý chắc chắn. Trước mắt, có thể yên tâm với hạng mục này. Theo đánh giá của chúng tôi, với việc xây dựng hồ bùn đỏ như vậy, nguy cơ vỡ đập như ở Hungary khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, nguy cơ tràn bùn đỏ do mưa lớn (ở Tây Nguyên có những trận mưa rất to) có thể phải tính toán đến.

Một vấn đề về bùn từ trước đến nay chúng ta chưa để ý đến nhưng nay lại bộc lộ bất cập tại Tân Rai, đó là bùn thải quặng đuôi. Qua khảo sát, chúng tôi thấy bùn thải quặng đuôi ở nhà máy Tân Rai không lắng và như thế lượng nước thu hồi để tuần hoàn rửa quặng sẽ không nhiều và lượng bùn thải ra ngoài (do chứa nhiều nước) sẽ lớn hơn rất nhiều so với dự kiến. Điều này đòi hỏi phải xây hồ chứa quặng đuôi rộng hơn và nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng.

Hiện tại các phép tính đều cho thấy việc khai thác bôxít là lỗ nhưng phía Vinacomin tin rằng giá alumina sẽ tăng khi kinh tế phục hồi. Phía Vinacomin cũng cho rằng đánh giá hiệu quả kinh tế dự án không chỉ dựa vào hiệu quả kinh tế đơn thuần mà còn phải tính đến sự lan tỏa kinh tế - xã hội. Ông có đồng ý với lập luận này không?

Đúng là cần đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội và tính lan tỏa của dự án đầu tư chứ không thể chỉ nhìn vào hiệu quả kinh tế tài chính thuần túy và ngắn hạn. Vấn đề đặt ra là Vinacomin đã đánh giá chúng thế nào? Đã lượng hóa và nội địa hóa tất cả các chi phí về sản xuất, thuế và những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội vào bài toán tính toán hiệu quả kinh tế hay chưa? Việc tính toán này phải đưa ra được con số cụ thể chứ không chỉ nói một cách chung chung là “dự án có tác động lan tỏa đến kinh tế - xã hội của địa phương”. Để thấy việc khai thác bôxít có thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương hay không, chúng tôi đã từng đi đến các làng xã có dự án (thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Bảo, Lộc Bắc…), và nhận thấy ít nhất đến thời điểm này những ảnh hưởng tích cực là chưa có gì nổi bật, cuộc sống người dân vẫn bình thường.

Dừng ngay bôxít Tây Nguyên là đề xuất táo bạo

Có những kiến nghị cho dừng dự án Nhân Cơ, chờ Tân Rai “trót lọt” thì làm tiếp. Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội và nguyên đại biểu Quốc hội đề nghị dừng cả dự án bôxít ở Tây Nguyên. Quan điểm của ông thế nào?

Để quyết định dừng một nhà máy hay toàn bộ dự án cần phải có đánh giá tổng thể và theo tôi thì đây là thời điểm thích hợp để làm điều đó. Khi nhà máy Tân Rai đã đi vào hoạt động, cho ra sản phẩm về cơ bản chúng ta đã có đủ thông tin đầu vào để đánh giá những lỗ lãi và những tác động của nó đến Tây Nguyên. Dừng ngay chương trình bôxít Tây Nguyên là đề xuất táo bạo nhưng cũng có lý bởi nếu sản xuất mà lỗ thì tiếp tục khai thác để làm gì?


Băng tải chuyển quặng tinh dự án bôxít (ảnh NLD)

Vinacomin có nói dừng Nhân Cơ là không thể vì đã đầu tư trên 50% vào đây và đã triển khai 72/73 hạng mục. Theo tôi, đành rằng đã đầu tư vào đó rất nhiều, nhưng nếu chúng ta cứ bị ràng buộc theo tư duy “đâm lao thì phải theo lao” mà không cân nhắc thận trọng và tính toán đến hiệu quả của dự án thì hậu quả sẽ khôn lường. Tỉnh táo một chút, theo tôi, giai đoạn này Vinacomin nên tập trung vào Tân Rai. Làm sao để Tân Rai vận hành tốt nhất và từ đó đưa ra những thông số đánh giá toàn bộ dự án bôxít Tây Nguyên, cũng từ đó xem có đầu tư tiếp dự án Nhân Cơ hay không. Có thể nói Tân Rai gánh trên mình sứ mệnh cả ngành công nghiệp bôxít - nhôm của Việt Nam. Thành hay bại của cả chương trình lớn phụ thuộc rất nhiều vào Tân Rai.

Nếu muốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một vùng như Tây Nguyên mà dựa quá nhiều vào việc bán tài nguyên thiên nhiên cho nước ngoài, ông có lo ngại gì?

Không riêng gì ở Tây Nguyên mà đó là lo ngại chung cho Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay nếu cứ sa đà vào việc khai thác tài nguyên (trong đó có khoáng sản) và lấy công nghiệp khai thác tài nguyên làm trụ cột cho phát triển đất nước thì tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn. Rất may tầm vĩ mô chúng ta đã nhận ra được điều này và hiện nay nhà nước đang tập trung mạnh cho việc tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tây Nguyên cũng phải chuyển đổi mình đừng quá phụ thuộc vào việc bóc lột tài nguyên (khoáng sản, đất rừng). Nếu không chúng ta sẽ sa vào “lời nguyền tài nguyên” mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp phải. Đó là nhiều quốc gia trên thế giới rất giàu tài nguyên nhưng không phát triển được (như Châu Phi) vì họ phụ thuộc quá nhiều tài nguyên. Khi tài nguyên cạn kiệt dần đi thì kinh tế tự dưng sẽ sụt giảm.

Xin cảm ơn ông!

Dừng cảng Kê Gà: Xót xa trước mắt nhưng có lợi hơn cho tương lai
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Những thiệt hại trước mắt rất lớn nên khi ra quyết định dừng cảng Kê Gà chắc hẳn Chính phủ cũng phải xót xa lắm. Nhưng nếu cân nhắc về lâu dài việc dừng cảng còn có lợi hơn. Như chúng ta biết đây là khu vực có tiềm năng rất lớn về mặt du lịch, vì vậy việc khai thác hết tiềm năng này có lợi hơn xây dựng cảng biển.
Chương trình bôxít trong tương lai sẽ không như tham vọng
ThS. Phạm Quang Tú: Việc dừng cảng Kê Gà phản ánh một điều là dự án bôxít Tây Nguyên không thể thực hiện đầy tham vọng như trước đây. Còn nhớ quy hoạch bôxít trước đây là một chương tình đồ sộ với tổng trị giá đầu tư trên 20 tỷ USD, trong đó riêng dự án cảng Kê Gà được đầu tư 1 tỷ USD, với công suất lên đến 35 triệu tấn/năm. “Nay toàn bộ dự án đồ sộ đó không thể thực hiện được, vì thế việc dừng cảng Kê Ga là tất yếu. Điều này cũng chỉ rõ là chương trình bôxít không thể thực hiện như tham vọng trước đây”, ông Tú nhận định.

Quang Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét