Nhãn

17 tháng 2, 2013

671. Nguyễn Thị Từ Huy: Góp ý và ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có vô ích không?



Hai ngày sau khi gửi cho Quốc hội văn bản “Góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” (đã được công bố trên trang Bauxite), tôi đã ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 do 72 trí thức Việt Nam khởi xướng.

Trong văn bản góp ý của mình, tôi phân tích một số điểm để chứng minh rằng Quốc hội và Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang trên đường đi tới việc hợp hiến hóa một văn bản không phải là Hiến pháp đúng nghĩa, một văn bản, thay vì thực hiện mục đích bảo vệ quyền con người thì lại trở thành một công cụ hỗ trợ cho những người nắm giữ quyền lực vi phạm quyền con người. Do đó bản Dự Thảo của Quốc hội tạo cơ sở để đẩy cả cộng đồng vào tình trạng không có Hiến pháp, đẩy cả xã hội vào tình trạng hỗn loạn, bất công, vô nhân đạo, đẩy an ninh quốc gia vào tình trạng nguy hiểm…

Các phân tích của tôi dựa trên các căn cứ xác thực, đã được gửi đến Văn phòng Quốc hội, theo yêu cầu, đề nghị của Quốc hội.
Cũng như bao người khác, tôi phải đối diện với một thực tế mà không ai phủ nhận được, kể cả Quốc hội và Nhà nước, đó là: ở Việt Nam, các kiến nghị, các ý kiến của người dân xưa nay hầu như không có giá trị đối với bộ phận lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách quốc gia, hầu như không được tham khảo và không được ghi nhận. Thực tế là tôi đã trình bày các phân tích của mình trong buổi hội thảo lấy ý kiến do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại thành phố HCM ngày 1/2/2013. Trước khi hội thảo bắt đầu thì những người được mời đến để góp ý đã được chỉ đạo và được quán triệt rằng chủ nghĩa xã hội và quyền lãnh đạo của đảng là những hiện thực bất khả xâm phạm. Tuy có chỉ đạo như thế, tôi vẫn nói lên ý kiến của mình, nói lên những phân tích của một người làm khoa học, dựa trên các chứng cứ khoa học và thực tiễn, không cảm tính và không thiên vị cá nhân. Và tôi thấy trong hội trường hôm đó không ít người đã bộc lộ sự đồng tình với tôi, bằng những cái gật đầu kín đáo, hoặc bằng những phát biểu rõ ràng rằng Quốc hội phải xem xét tất cả các ý kiến, kể cả ý kiến của những người có các quan điểm rất đa dạng. Những người điều hành hội thảo, với thái độ tôn trọng, đã đề nghị tôi viết thành văn bản và gửi cho Văn phòng Quốc hội. Dĩ nhiên, khi kết luận, ban tổ chức buổi hội thảo đã nói rõ rằng, trong tình hình hiện nay, ý kiến của tôi rất khó được chấp nhận.

Vậy, tại sao tôi vẫn soạn các ý kiến thành văn bản, gửi đến Quốc hội và công bố rộng rãi? Một số người, bằng kinh nghiệm của họ, có lý khi cho rằng việc lấy ý kiến chỉ là một «màn kịch lừa bịp», một trò «dụ trẻ con ra đường». Bản thân tôi cũng có thể cung cấp một bằng cớ để chứng minh rằng họ có lý: kể cả khi tôi đã công khai trình bày ý kiến trong hội thảo do Chính phủ tổ chức thì các ý kiến của tôi cũng không thể (hay chưa thể) được công khai đăng tải trên báo chí của Nhà nước. Bản thân tôi, và nhiều người khác, có đầy đủ bằng chứng để nói rằng quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp 1992 đã không được thực thi trên thực tế, và những cáo buộc của quốc tế về sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Dù thế thì tôi cho rằng những người tham gia góp ý, tham gia soạn bản Kiến nghị hay ký Kiến nghị, không phải là trẻ con. Và nếu họ ra đường thì không phải vì họ bị dụ ra đường, mà là họ chủ động ra đường. Họ chủ động với tất cả những gì họ có: sự hiểu biết, trách nhiệm, lương tâm và ý thức công dân. Dĩ nhiên, những thứ đó có thể không đủ để tạo thành khiên giáp bảo vệ họ khỏi sự tấn công của thứ bạo lực không cần đến lý lẽ và công lý (thứ bạo lực mà bản Dự thảo của Quốc hội đang góp phần làm cho trở nên hợp hiến). Họ cũng hiểu điều đó và chấp nhận điều đó nếu nó xảy ra. Chính tôi cũng phải hiểu rằng, một bài viết như bài viết này, dù với tất cả những thành ý được trình bày rõ ràng, thì một ngày nào đó rất có thể sẽ trở thành bằng chứng để người ta buộc cho tác giả của nó cái tội tuyên truyền chống phá Nhà nước. Với một bản Hiến pháp như Dự thảo của Quốc hội đang hướng tới, thì Nhà nước có thể buộc cho người dân tội gì cũng được.


Trở lại câu hỏi: tại sao tôi góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp? Nói một cách cụ thể, tôi góp ý và ký kiến nghị vì giả định rằng những ý kiến này sẽ đến được với những người có trách nhiệm, và giả định rằng những người có trách nhiệm sẽ đảm nhận trách nhiệm của mình. Và hành động này xuất phát từ quan niệm rằng: cho dù động cơ của Quốc hội trong việc lấy ý kiến là gì đi nữa, thì với tư cách là công dân, khi được hỏi, cần phải nói rõ các suy nghĩ của mình. Emmanuel Kant, triết gia vĩ đại của thời Khai minh, vào thế kỷ XVIII đã nói như vậy về cách ứng xử cần thiết của công dân:
Một công dân phải hành động trong khuôn khổ quy định của luật pháp. Tuy nhiên công dân phải quan sát thực tế để phát hiện ra các sai lầm, và dùng khả năng phân tích của mình, dùng kiến thức của mình, với tư cách một nhà nghiên cứu, một học giả (theo Kant tất cả mọi công dân đều có tư cách này chứ không chỉ những người chuyên làm nghiên cứu), công khai trình bày ý kiến của mình, phân tích đúng sai, đưa vấn đề ra cho công chúng phán xét. Đó là hành động mà Kant cho là thuộc vào phạm vi công cộng của lý trí cá nhân. Và Kant đòi hỏi rằng khía cạnh công cộng này của lý trí phải luôn luôn được tự do (Xem bài Khai sáng là gì? của Kant). Trong số các ví dụ mà Kant đưa ra để bàn luận về cách hành động của công dân, có ví dụ này: «Một công dân không được trốn thuế đã được bổ, một người đi đóng thuế mà có hành vi chỉ trích thái quá mức thuế cũng có thể bị phạt vì sự xúc phạm như vậy có thể gây ra làn sóng bất tuân rộng khắp. Nhưng người đó không hề vi phạm nghĩa vụ công dân nếu anh ta, với tư cách một học giả, đưa ra công khai suy nghĩ của mình về những sai sót, thậm chí bất công của mức thuế này». Và một ví dụ khác liên quan tới giáo hội: «Tương tự như vậy, một thầy tu phải có trách nhiệm hướng dẫn cho giáo sinh và giáo đoàn theo đúng tinh thần giáo lý của Nhà thờ mà ông ta phục vụ vì ông ta được thuê để làm việc đó. Nhưng như một học giả, ông ta hoàn toàn tự do cũng như có trách nhiệm phải phổ biến cho công chúng biết những suy nghĩ chân thành và sâu sắc của mình về những sai lầm của giáo lý và đề đạt các biện pháp ngõ hầu cải thiện giáo lý và giáo hội». Nhờ việc trình bày công khai các ý kiến, nhờ việc mỗi người tự do sử dụng lý trí cá nhân của mình (bất chấp có được phép hay không, có được ghi nhận hay không) mà xã hội mới có thể thay đổi và được tổ chức hợp lý hơn, mà phương Tây mới xây dựng được xã hội dân chủ.

Trở lại thực tế lúc này ở Việt Nam, khi Quốc hội đang kêu gọi các công dân tự do góp ý, vậy có nên dùng hết lý lẽ này đến lý lẽ khác để từ chối nêu ý kiến cho Quốc hội?

Một khi công dân không nói lên ý kiến của mình thì làm sao có quyền trách cứ Quốc hội đã không lắng nghe?

Nếu bản Kiến nghị Hiến pháp do 72 trí thức khởi xướng chỉ có khoảng dăm ngàn chữ ký thì Quốc hội có lý do để nói rằng đó là chỉ một thiểu số không đáng phải chú ý (dĩ nhiên nếu là một Quốc hội sáng suốt thì sẽ coi trọng mọi ý kiến hợp lý, dù đôi khi đó chỉ là ý kiến của một cá nhân thôi và dù nó khác biệt với ý kiến của tất cả mọi người). Nhưng nếu bản Kiến nghị Hiến pháp đó có vài triệu chữ ký, lúc đó, giả sử Quốc hội bỏ qua bản Kiến nghị này thì Quốc hội đã công khai với nhân dân rằng Quốc hội không đếm xỉa đến nhân dân, Quốc hội coi thường nhân dân...

Nếu công dân không ký vào bản Kiến nghị Hiến pháp, hoặc không tự mình nêu ý kiến và gửi về cho Quốc hội theo con đường chính thức (và đồng thời lưu lại văn bản để sau này đối chứng), thì sẽ không có cơ sở nào để lên án Quốc hội. Bởi vì lúc đó công dân đã mặc nhiên trao cho Quốc hội cái quyền muốn làm gì thì làm, và mặc nhiên từ bỏ quyền công dân của mình. Mọi phát biểu chê trách, mọi quy kết đối với Quốc hội sẽ không có giá trị đối với Quốc hội.

Để cho Quốc hội muốn làm gì làm, muốn gây ra hậu quả gì cũng được, suy cho cùng, chúng ta, trong tư cách công dân, phải chịu trách nhiệm một phần quan trọng. Bởi Quốc hội chỉ là một nhóm người rất nhỏ so với đại đa số công dân của quốc gia này. Hơn nữa những gì mà Quốc hội bộc lộ cho đến lúc này chưa chứng tỏ được rằng Quốc hội là nơi tập trung những đầu óc ưu tú nhất của dân tộc. Chỉ cần xem những lỗi diễn đạt trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng đủ để thấy rằng nhận xét của tôi không phải là vô căn cứ. Nếu những người tham gia biên soạn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là những đầu óc xuất sắc, hãy bộc lộ sự xuất sắc của mình, đừng để một văn bản tồi che mất phẩm chất trí tuệ và sự hiểu biết của quý vị. Nếu quý vị là những người có trách nhiệm với cộng đồng, hãy bộc lộ trách nhiệm của quý vị cho cộng đồng thấy. Nếu quý vị là những người có khả năng nhìn xa trông rộng, hãy bộc lộ tầm nhìn của quý vị cho cử tri thấy.

Hy vọng Quốc hội cũng hiểu, như nhân dân chúng tôi, là một bản Hiến pháp kém chất lượng không làm nên danh giá cho Quốc hội, trái lại, nó sẽ hạ thấp uy tín của Quốc hội trước nhân dân, trước cộng đồng quốc tế, và quan trọng hơn, nó sẽ để lại những di hại khôn lường cho chính quý vị, cho toàn thể nhân dân, và cho các thế hệ Việt Nam mai sau.

Hy vọng Quốc hội hiểu rằng nhân dân không chỉ là những người tình nguyện làm theo chỉ đạo của Quốc hội, mà còn là số đông đang im lặng hoặc không có điều kiện để lên tiếng, và còn là một số ít bất chấp nguy hiểm nói lên những ý kiến mà có thể Quốc hội không muốn nghe và không muốn sử dụng.

Hy vọng Quốc hội hiểu rằng vấn đề không phải ở chỗ quý vị có thắng nhân dân bằng cách áp đặt cho họ một bản Hiến pháp bảo vệ quan điểm và quyền lợi của quý vị hay không, mà vấn đề là ở chỗ hành động của quý vị sẽ tác động hay tác hại tới toàn bộ cộng đồng như thế nào.

Cũng hy vọng Quốc hội hiểu rằng vận mệnh dân tộc này đang nằm trong tay quý vị, và quý vị phải chịu trách nhiệm trước sự hưng thịnh hay suy vong của đất nước. Trách nhiệm đó càng nặng nề hơn một khi quý vị muốn (hoặc buộc) nhân dân phải trao toàn quyền quyết định cho quý vị, một khi quý vị điều khiển nhân dân để họ chấp thuận các quyết định đã được hình thành từ trước của quý vị.

Nếu đại đa số nhân dân nói rằng: «chúng tôi không đồng ý thông qua văn bản do Quốc hội soạn» thì dĩ nhiên Quốc hội sẽ không dễ dàng tự tiện làm theo ý mình. Nhưng vì đại đa số im lặng, và một số tương đối đông được quyền bày tỏ công khai, trong các diễn đàn do Nhà nước tổ chức và trên báo chí của Nhà nước, thì lại hành động theo CHỈ ĐẠO (tôi nhấn mạnh) của Quốc hội, cùng với cách thức lấy ý kiến của Quốc hội, tuy hình thức là công khai nhưng thực chất lại không công khai (trường hợp các góp ý của GS Đàm Thanh Sơn là một ví dụ), và thực chất việc triển khai lấy ý kiến là để khẳng định những ý tưởng, những chủ trương đã được đề xuất từ bên trên, chứ không phải là để tham khảo và điều chỉnh theo các góp ý từ bộ phận dân chúng, hay thậm chí ý kiến của các chuyên gia cũng bị bỏ qua, thế nên kết quả ai cũng có thể hình dung trước rằng Quốc hội sẽ dễ dàng áp đặt ý chí của mình cho nhân dân.

Nếu đa số quý vị không im lặng thì Quốc hội có áp đặt cũng không dễ dàng như vậy. Quý vị hoàn toàn có thể gửi ý kiến qua bưu điện và qua hộp thư điện tử cho Quốc hội, và hoàn toàn có thể công khai ý kiến của quý vị trên báo chí của nhân dân, trong trường hợp không thể công bố trên báo chí của Nhà nước, như nhiều người đã làm. Cá nhân tôi luôn dành ưu tiên công bố các văn bản của mình trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước, cho đến khi nào bị từ chối mới thôi. Quý vị muốn đánh giá thế nào cũng được.

Tôi đồng ý với quý vị rằng chúng ta có thể cảm thấy đau khổ khi phải làm công dân của một Nhà nước thiếu dân chủ và chà đạp lên quyền con người. Nhưng quý vị cũng hiểu rằng Nhà nước không đồng nhất với dân tộc, không đồng nhất với Tổ quốc. Cứ cho rằng có thể hiểu được vì sao quý vị từ bỏ vai trò công dân của mình. Nhưng vẫn còn lại câu hỏi này: chúng ta có nên hành động trong vai trò là một thành viên của dân tộc này, của đất nước này hay không? Chúng ta có nên im lặng tuyệt đối giao phó quyền quyết định tương lai của chúng ta và tương lai của con em chúng ta cho Quốc hội hay không?

Góp ý cho Quốc hội và ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có thể sẽ vô ích xét từ phía Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội tổ chức lấy ý kiến chỉ là hình thức. Nhưng tôi cho rằng việc đó sẽ không vô ích, nếu xét từ góc độ hoạt động công dân. Một xã hội dân sự thực sự chỉ có thể hình thành cùng với việc người dân chủ động thực hiện quyền công dân của mình, chủ động xây dựng các điều kiện để cho quyền công dân được đảm bảo.

Chữ ký của quý vị, khi đứng một mình, chỉ là một chữ ký đơn độc, khi đứng bên cạnh chữ ký của những người khác sẽ bớt đơn độc hơn. Tiếng nói đơn lẻ của một người sẽ khác tiếng nói của triệu người, dù rằng cả triệu người nhiều khi cũng vẫn còn là đơn lẻ. Quý vị hiểu rằng ở đây tôi đang nói đến việc ký vào bản Phác thảo hiến pháp do 72 trí thức khởi xướng, một công trình tập thể được thực hiện với tâm huyết, bản lĩnh khoa học và trách nhiệm công dân đầy đủ (nó không phải là một bản nháp hay là một sản phẩm được thực hiện vội vàng trong mục đích tiêu khiển hay thử nghiệm). Công trình tập thể đó đã được trang trọng trao cho Quốc hội trước sự chứng kiến của giới truyền thông. Và hiện nay những người soạn thảo đang kêu gọi sự tham gia của quý vị trên trang Bauxite.

Nếu cả một dân tộc chín mươi triệu người mà đa số răm rắp thực hiện chỉ thị từ trên xuống, bất chấp những chỉ thị đó đúng hay sai và có thể gây ra tác hại hay hậu quả trầm trọng, nếu một dân tộc chín mươi triệu người mà không có nổi một triệu công dân chịu bộc lộ suy nghĩ độc lập để chứng tỏ trách nhiệm đối với cộng đồng, thì có gì đáng ngạc nhiên khi dân tộc đó phải lụn bại, sa sút, yếu kém và lệ thuộc vào nước ngoài? Có gì đáng ngạc nhiên khi dân tộc đó có thể lại một lần nữa mất nước, hoặc trên thực tế đã mất nước?

Cá nhân tôi vẫn tin, mặc cho sự chê cười của quý vị, rằng trong Quốc hội (và trong đảng) cũng có những người muốn đứng về phía nhân dân, muốn có một bản Hiến pháp thực sự của dân, vì dân và do dân. Chắc chắn những người đó cũng rất đơn độc, như quý vị. Tại sao chúng ta không ủng hộ họ, không hậu thuẫn cho họ? Chỉ bằng một chữ ký thôi?

Vinh, ngày mồng một tết Quý Tỵ
N.T.T.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét