Cú bắt tay này có thay
đổi khu vực?
Tại Hội nghị Genèva năm 1954 về Đông Dương, Ngoại trưởng Mỹ John
Foster Dulles đã không bắt tay Chu Ân Lai. Trong ngoại giao, đó là sự khinh thường,
không thể chấp nhận được.
Sự băng giá trong quan hệ Mỹ Trung kéo dài tới 25 năm. Henry
Kissinger, thế hệ đàn em của Dulles, đã tìm mọi cách liên lạc với Bắc Kinh, nhằm
khai thông bế tắc.
Người ta còn nhớ, đối đầu Xô-Trung bắt đầu là phong trào Quốc tế
Cộng sản mất đoàn kết. Sự rạn nứt bắt đầu từ ý thức hệ, về cách tiến hành cuộc
cách mạng vô sản toàn thế giới, về bạo lực cách mạng. Liên Xô muốn là anh cả,
nhưng Trung Quốc cũng muốn là anh hai.
Có lần “hai ông anh” sang tận Romania chửi nhau. Tháng 6 năm
1960, Đại hội Đảng Cộng sản Romania được tổ chức long trọng thì Khrushchev và
Bành Chân công khai lên án nhau trên diễn đàn.
Khrushchev gọi Mao “một người theo chủ nghĩa quốc gia, một kẻ cơ
hội, và kẻ xa rời đảng”. Bành Chân gọi Khrushchev một người theo chủ nghĩa xét
lại, “gia trưởng, độc đoán và chuyên chế”.
Đỉnh điểm xung đột trực
tiếp giữa hai nước là cuộc chiến tranh biên giới Xô-Trung năm 1969, chút xíu nữa
thôi, Liên Xô đã tấn công Trung Quốc bằng bom nguyên tử.
Trong lúc ấy, Liên Xô và khối Đông Âu như một cái gai trong mắt
Mỹ và cần phải nhổ. Hoa Kỳ lại sa lầy vào cuộc chiến Việt Nam và đang tìm cách
rút ra.
Để giải quyết bài toán chiến tranh Việt Nam và phân chia lại thế
giới, Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất của Hoa Kỳ.
Phần còn lại là ngoại giao bóng bàn, là chuyến đi bí mật của anh
chàng Do Thái, Henry Kissinger, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, tới Bắc Kinh.
Ước muốn của Nixon thăm Trung Quốc cháy bỏng đến nỗi ngày
5-10-1970, ông tuyên bố trên báo Times “Nếu có điều gì đó tôi muốn làm trước
khi chết, đó là đi Trung Quốc. Nếu tôi không đi được tôi muốn các con tôi đi”.
Năm 1972, tại Bắc Kinh, Nixon chủ động bắt tay thân mật với Chu
Ân Lai, ý muốn xin lỗi chuyện Dulles đã coi thường tiên sinh họ Chu. Ông này thừa
nhận “Bàn tay của ngài (Hoa Kỳ) đã vượt qua đại dương lớn nhất thế giới: 25 năm
vắng bóng đối thoại”.
Không những thế, khi
Nixon gặp Mao Trạch Đông, cả hai bắt tay, rung rung, đưa lên đưa xuống đúng 32
lần. Một sự thân mật hiếm có, đánh dấu sự thay đổi cục diện thế kỷ 20.
Cái giá của cú bắt tay không nhỏ. Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh là
Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), thừa nhận chỉ có một nước CHND Trung Hoa và tặng
luôn cái ghế tại Liên Hiệp Quốc.
Sau đó là đồng minh ấy cũng tháo chạy ở Sài Gòn, chính quyền do
Mỹ chống lưng sụp đổ. Đúng lúc tranh tối, tranh sáng, Trung Quốc tấn công chiếm
Hoàng Sa. Hạm đội Mỹ ngay gần đó nhưng không cứu đồng minh vì ván bài phân chia
thế giới quan trọng hơn.
Chiến tranh Việt Nam kết thúc nhưng lại không đúng với kịch bản
của Trung Quốc thỏa thuận với Mỹ. Ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố chiến thắng
1975 “không kẻ thù nào dòm ngó đất nước ta”, Campuchia bất ngờ tấn công đảo Thổ
Chu.
Sau chuyến thăm Mỹ, tới Texas cưỡi ngựa, đội mũ cao bồi với diễn
viên phim Reagan, Đặng Tiểu Bình trở về và quyết dạy cho đàn em Việt Nam một
bài học. Môi đã bị răng cắn, hết tình hữu nghị.
Cú bắt tay thay đổi thế
giới
Hệ lụy của cú bắt tay năm 1972 khó mà nói hết. Liên Xô bị cô lập,
chạy đua vũ trang tới đỉnh điểm, kinh tế kiệt quệ và cuối cùng toàn bộ phe XHCN
sụp đổ. Quốc gia lớn nhất thế giới, hùng mạnh một thời, bỗng biến mất trong một
đêm.
Thế giới thành đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Đúng lúc ấy, Trung Quốc lặng lẽ trỗi dậy một cách không ngờ. Từ
năm 1978, với chính sách mở cửa và đổi mới, Trung Quốc đã liên tục tăng trưởng
trong 3 thập kỷ, GDP hàng năm tăng trung bình tới 9-10%.
Hiện họ là siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới, sau mỗi Hoa
Kỳ. Người ta dự đoán, vài năm nữa, quốc gia 1.3 tỷ dân này sẽ vượt Mỹ.
Hoa Kỳ bỗng nhận ra, cú bắt tay năm 1972 đang làm lung lay vai
trò lãnh đạo thế giới của chính mình. Sự nổi lên của Trung Quốc không đúng kịch
bản của Mỹ, nước này không sụp đổ như Liên Xô.
Châu Á, Thái Bình Dương có nguy cơ rơi vào tay kẻ khác.
Bây giờ đến lượt Hillary tìm cách sửa lỗi lầm của người tiền nhiệm
để lại. Bà tìm một cú bắt tay khác nhằm thay đổi cục diện ở Châu Á.
Nếu Kissinger coi Trung Quốc là lá bài chống Liên Xô và Đông Âu,
thì trong thời điểm hiện nay, Hillary coi Việt Nam là lá bài ở biển Đông để đấu
với Trung Quốc.
Biển Đông giầu trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và nguồn hải sản vô tận.
Quan trọng hơn cả nó là yết hầu đi lên phương Bắc. Ai nắm được vị trí chiến lược
này sẽ nắm được châu Á. Các nước lớn đều hiểu, các nước nhỏ cũng biết.
Việt Nam vừa có đất liền dính với Trung Quốc cả ngàn km biên giới.
Có biển Đông, cửa ngõ của người Trung Quốc.
Ngày xưa, Việt Nam là tiền đồn của phe XHVN, hứng tất cả tư tưởng,
từ Lê Nin, Marx, Stalin, Mao Trạch Đông, rồi Domino và… bom đạn. Ngày nay, đất
nước này là tiền đồn chống bành chướng… Thái Bình Dương.
Việt Nam đang kẹt giữa nhiều làn đạn. Một bên là hệ tư tưởng Cộng
sản, một bên là biển Đông đang dậy sóng, mặt khác muốn hội nhập để quốc gia mạnh
lên nhờ kinh tế thị trường có định hướng XHCN.
Xem chừng chưa có lối thoát nào.
Tam giác Nga-Mỹ-Trung luôn là mối quan tâm của cả thế giới. Ba
anh này vui cười với nhau trên sân khấu chính trị, “đồng sàng dị mộng” như đôi
vợ chồng, dù nằm chung giường hàng đêm, nhưng lại nghĩ đến tình nhân riêng của
mình.
Tại Á Châu, có một người
tình rất đẹp để ba anh kia ve vãn. Nhưng chân dài lại đỏng đảnh, lúc nghiêng
anh Trung, lúc hẹn chàng Mỹ ra chỗ vắng, ngày khác lại nhắn tin cho lão Nga già
lụ khụ tới quán café mờ.
Nhưng ai cũng biết, vẻ đẹp khó mà tồn tại với thời gian. Một hôm
nào đó, đứng trước gương, nàng chợt nhận ra những vết nhăn trên trán xuất hiện.
Gửi email không ai trả lời, nhắn tin vào hư không, điện thoại không ai nhấc
máy. Thảm họa cuộc đời bắt đầu.
Vì thế, người đẹp nên chọn bạn tình khi còn đang trẻ đep, đang
có giá. Để làm được việc đó, cần có cái đầu lạnh.
Ngày xưa các nước lớn từng mua bán sau lưng các nước nhỏ, bây giờ
đến lượt người bị bán rẻ năm nào lên tiếng.
Nếu dàn xếp được một cuộc
bắt tay của Obama tại Hà Nội trong tương lai, như đã từng xảy ra ở Điếu Ngư Đài
năm 1972, thì đó là cơ hội vàng cho Việt Nam góp phần thay đổi thế giới trong
thế kỷ 21.
Nếu không ai giơ tay ra thì có thể cần thêm 25 năm nữa, bằng khoảng
thời gian mà nước Mỹ đã mất để sửa lỗi ngoại giao, do John Dulles không bắt tay
Chu Ân Lai tại Genèva năm 1954.
HM. 9-07-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét