Trở lại với cuộc sống
thường ngày sau một kỳ Euro tưng bừng tưởng như có thể khiến dân tình quên đi mọi
sự, người ta vỡ lẽ rằng không phải cứ bóng đá thì ở đâu cũng làm người ta sung
sướng như nhau.
Báo chí Việt Nam trong
sáng thứ Hai hốt hoảng đưa tin, vì nợ 10 triệu đồng, một thanh niên ở Quảng Xương,
Thanh Hóa đã giết vợ và cô con gái đầu lòng rồi lao đầu vào ô tô chết ngay tại
chỗ.
Nguyên nhân của sự việc
đã khá rõ ràng, như một tờ báo nọ đã giật lên tít: Cả nhà chết thảm vì cá độ
Euro? Cụ thể, thanh niên này thua cá độ bóng đá hơn 10 triệu đồng, hiện đang rất
túng quẫn, lo lắng vì một số chủ nợ đòi tiền rát mặt và rất có thể đã hành động
dại dột trong lúc quẫn trí, bế tắc mọi đường.
Người ta hoàn toàn có
thể kết tội giết người cho cái giải vô địch xa xôi tít tận trời Âu, cho môn thể
thao vua có thể khiến cả tỷ người khóc khóc cười cười, thậm chí có thể kết tội
cả nạn cờ bạc cá độ từng làm vô số người trở thành bác thằng Bần chỉ sau một
đêm xem bóng… Nhưng, có cả tỷ người xem bóng, cả triệu người cá độ, sao anh
chàng này lại phải lao đầu vào ô tô chết thảm?
Sẽ thật vội vàng nếu
khẳng định rằng những khó khăn kinh tế hiện nay là nguyên nhân của vụ án mạng,
nhưng có một điều chắc chắn: 10 triệu đồng với người này là một số tiền quá lớn,
không tìm đâu ra cách xoay xở nổi. Nói khác đi, chỉ cần 10 triệu đồng thôi, 3
người này đã không chết (oan uổng hoặc không oan uổng tùy quan điểm của quý vị)
như vậy.
Tất nhiên, rất nhiều
người sẽ bĩu môi mà bảo rằng người viết đặt giả thiết như vậy khí cũng hơi quá
đáng, nhất là khi đất nước ta đã vượt qua ngưỡng nước kém phát triển từ năm nảo
năm nào và đến 2011 thì đã chạm mốc 1.300 USD, tương đương 27 triệu đồng mỗi
người nếu quy ra tiền Việt. Nhưng đấy chỉ là một mặt, còn rất nhiều mặt khác nữa,
thưa quý vị.
Chỉ cách đây mấy ngày,
mặt các nhà báo và nhiều chuyên gia kinh tế đã dài như cái bơm thay vì hồ hởi
khi nghe tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã lần đầu tiên giảm sau gần 40 tháng
tăng liên tục. Theo các nhà kinh tế, lý do là dân đã cạn kiệt sức mua, còn nói
theo ngôn ngữ bình dân, là do dân đã
nghèo đi đến mức không còn tiền để mua sắm nữa, sau một thời gian dài thu nhập
bở hơi tai chạy theo cỗ xe bốn ngựa mang tên lạm phát.
Đấy là chuyện vĩ mô,
còn ở tầm “vi mô”, sau khi các báo phản ánh hiện tượng cử nhân thất nghiệp đi
bán trà đá, vác lúa thuê, thậm chí đi hát rong kiếm cơm qua ngày, Phunutoday
hôm nay tiết lộ trường hợp một Tổng giám đốc ở Việt Nam phải làm thêm bồi bàn,
cụ thể là trở thành nhân viên bưng bê trong một cửa hàng hải sản để tăng thu nhập
trong thời buổi kinh tế khủng hoảng.
Quý vị có đồng ý rằng,
một người từng là Giám đốc bán hàng cho đại diện phân phối Mercedes Benz mà còn
gặp khốn khó đến mức phải đi bưng bê, thì chuyện một phó thường dân làm việc
chân tay tại cảng cá có thể tuyệt vọng vì 10 triệu đồng cũng không khó tin lắm?
Tất nhiên, chuyện có
tin hay không cũng còn tùy vị trí của bạn, mà cụ thể hơn, tùy thuộc bạn là dân
đen hay làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước, như ngành điện, ngành nước
hay ngành xăng dầu chẳng hạn.
Mấy hôm trước, nhiều người đã nức nở khen ngành điện và Bộ
Công Thương thật khéo chọn đúng lúc giá cả đang quay đầu giảm để tăng giá bán lẻ.
Cũng theo EVN, việc tăng giá này có tác động không đáng kể, vì giá chỉ tăng
trung bình 5% và các hộ gia đình chỉ phải trả thêm từ vài nghìn đến vài chục
nghìn đồng mỗi tháng.
Không chịu kém EVN và Bộ Công Thương trong cái khoản khôn
ngoan, Bộ Tài chính cũng cho phép kể từ ngày 11/7, giá nước sạch sinh hoạt sẽ
tăng lên tối đa là 18.000 đồng/m3 thay cho 12.000 đồng hiện tại, còn mức tối
thiểu cũng nâng lên từ 3.000 đồng lên 3.500 đồng.
Chưa hết, sau 4 lần
quyết liệt yêu cầu giảm giá xăng dầu (tất nhiên là vẫn chưa bằng 2 lần tăng giá
trước đó), Liên bộ Tài chính – Công
Thương cũng đã chính thức trao quyền quyết định giá xăng cho các doanh nghiệp.
Mà xét trong dài hạn, với các doanh nghiệp, chuyện tơ tưởng giảm giá có lẽ kỳ cục
hệt như việc bánh đúc có xương vậy.
Không biết các bạn
nghĩ gì, chứ riêng người viết thì tin sái cổ vào những gì EVN nói – mà có lẽ
cũng là lý lẽ tương tự của các ngành xăng dầu, ngành nước... Như đã nói ở trên,
người dân đã nghèo đi đến mức không còn tiền
chi tiêu nữa, cho nên, hoàn toàn có thể khẳng định rằng việc tăng giá điện đúng
lúc khốn khó này sẽ không làm giá cả tăng thêm một tẹo nào. Thậm chí, ta có thể tưởng tượng đến viễn cảnh giá cả từ
tháng sau sẽ tiếp tục giảm, vì nỗi lo hiện tại của nền kinh tế không phải là ở
lạm phát nữa.
Tình cảnh này thật không khác là mấy so với câu chuyện ngụ
ngôn con lừa và chiếc áo mà đứa trẻ con nào cũng từng biết. Con lừa khốn nạn nọ
sau khi chở trên lưng một đống to hàng hóa cùng củi khô, đá tảng, đã ngã quỵ
sau khi được bác nông dân vắt lên lưng thêm một cái áo. Câu chửi là: Đồ ăn hại,
chỉ có mỗi cái áo mà cũng không chở nổi.
Sức mua của dân rất có
thể trở thành kẻ “ăn hại” như con lừa kia, tức là thay vì gắng chút hơi tàn để
chở thêm 3 cái áo mang tên điện, xăng và nước, rất có thể nó sẽ ngã quỵ và
không đứng dậy nổi. Mà trên thực tế thì sức mua còn khốn khổ hơn con lừa
kia nhiều, vì nó đã quỵ trước khi được khoác thêm áo, mà khoác thêm hẳn 3 cái
chứ không phải 1 cái như bác nông dân tham lam nọ đã làm.
Một lần nữa, ta có thể
đặt việc xăng dầu, điện, nước tăng tí ti bên cạnh số nợ 10 triệu đồng bé mọn của
anh chàng cá độ nọ ở Thanh Hóa. Ấy đấy, thưa quý vị, to như Thái Sơn hay nhỏ
như con thỏ cũng còn phải tùy cảnh tùy người. Trong thời khốn khó, nếu 10 triệu
đồng có thể làm người ta khốn quẫn đến mức chết 3 mạng, thì mấy chục nghìn đồng
mỗi tháng xem ra cũng quý báu lắm với cái sự tiêu pha hàng ngày.
Đến đây, nếu cảm thấy
so kè những con số ở hàng triệu đồng và hàng nghìn đồng vẫn là khập khiễng và
không đủ độ “phê”, quý vị có thể tiếp cận với một trình độ mới, thực sự xứng
đáng là cao vời vợi khiến người ta ngửa mặt đến mỏi gãy cả cổ cũng không nhìn
thấy đỉnh.
Cái đỉnh ấy là số nợ của
các doanh nghiệp Nhà nước, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
cho biết hôm Chủ Nhật, một con số mà nếu viết bằng số thì rất có thể người ta
phải đếm đi đếm lại xem mình đã viết đủ số 0 chưa: 1.000.000.000.000.000 đồng. Xin được đọc thành chữ rõ ràng là một triệu tỷ đồng, vì cũng phải nói là
phần lớn độc giả cũng chưa bao giờ được tiếp xúc với con số nào khiếp thế, nhất
là về tiền.
Tuy nhiên, điều đáng
khen ngợi ở đây không chỉ là ở quy mô của món nợ này, vì theo Bộ trưởng, nó
cũng chỉ gấp 1,36 lần số vốn của các doanh nghiệp Nhà nước. Đáng khâm phục hơn
cả là quan điểm của chúng ta về món nợ này, mà có thể tóm lại lại trong 4 từ, 4
từ rất gọn gàng chứ không kềnh càng như bản thân con số gồm 15 chữ số 0 kia:
Không đáng lo ngại.
Dù rất sợ thiên hạ dè
bỉu về mức độ khí khái trong phát ngôn nhưng vẫn cứ phải nói thật rằng, nhìn
dân tình hậm hực đậm đèo nói mãi không thôi về mấy nghìn bạc lẻ vì điện, nước,
xăng dầu… tăng giá, rồi nhìn cậu thanh niên ở Thanh Hóa cùng quẫn vì không tìm
đâu ra mấy triệu đồng để trả nợ, người
viết xin dành cho các doanh nghiệp Nhà nước đủ 3 lạy vì sự tự tin, bình thản và
thảnh thơi trước nợ nần!
Lại nhớ đến một xã nọ ở
Nghệ An, nơi người ta giải quyết gánh nặng nợ nần quá kinh khủng do bộ máy cán
bộ khổng lồ bằng cách… chia đều số nợ ấy cho người dân trả theo đầu người. Ái
chà chà, nếu có cơ sự gì, cách làm từ cơ sở hoàn toàn có thể là một gợi ý hoàn
hảo cho các doanh nghiệp: Lấy 1 triệu tỷ đồng chia cho gần 100 triệu dân Việt
Nam sẽ ra con số sơ sơ khoảng 10 triệu đồng mỗi người, vừa khít bằng món nợ của
anh chàng cá độ Euro nọ.
Đến đây, bạn thử nghĩ
mà xem, anh chàng đáng thương của chúng ta có phải là dại không để đâu cho hết
không? Ô hay, dân Việt Nam ai mà chẳng nợ
như anh, thế mà các doanh nghiệp – người vay hộ chúng ta – vẫn bình chân như vại
đấy thôi, có gì mà phải xoắn?
Cuối cùng, nhân nhắc đến
Euro, xin mạn phép tất thảy những người Việt Nam để gửi những lời chào mừng có
tẩm ướp một chút thương cảm đến cho dân tộc Tây Ban Nha, những người đang “ngất
ngây con gà tây” trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu.
Chào mừng thì chắc quý
vị rõ rồi. Dân Tây Ban Nha bấy lâu nay đang vật vã trong cơn suy thoái kinh tế,
mà phát ngôn mới nhất từ Bộ trưởng Kinh tế nước này ngày 1/7 cho hay họ sẽ lún
sâu hơn vào suy thoái trong thời gian tới. Chiếc cúp vô địch Euro hẳn sẽ khiến
người ta tạm quên đi những khốn khó về miếng cơm manh áo hàng ngày.
Còn thương cảm thì
sao? Xin thưa, Việt Nam ta chẳng có chức vô địch nào, nhưng bất chấp những khó
khăn của nền kinh tế, chúng ta vẫn lạc quan yêu đời hàng đầu thế giới, mà được
xếp hạng hẳn hoi. Khổ thay cho dân Tây Ban Nha, tại sao cứ phải có cái cúp mới
thấy đời tươi lên chút xíu nhỉ, đây cóc cần nhé…
Tam Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét