Nhãn

19 tháng 8, 2011

163. Người tốt nè


Người đàn bà nhặt… ống tiêm!
“Thì gần chục năm nay, chị cứ đi nhặt xi lanh kim tiêm do các chú nghiện ma túy chích choác rồi bỏ lại ven đường, ven đồi thế. Lúc lên cơn, họ đi oằn èo như con sâu, lao cả xe vào ta luy đường, thương lắm…”.
“Họ tụt quần chích trước mặt chị. Chị bảo, này, các chú chích xong, nhớ đạy nắp kim tiêm lại, bà con, đặc biệt là các cháu nhỏ dẫm phải… thì khổ đời họ. Chị không dám nói chuyện lây HIV sợ các chú ấy cáu lên đánh chị. Các chú ấy bảo, chị yên tâm, em chỉ hít thôi chứ không chích đâu. “Bà chị hâm gàn” cứ về đi. Nói vậy, nhưng các chú ấy đi rồi, chị lại phải ra nhặt ống tiêm toàn máu, nhiều kim tiêm bị bẻ cong theo kiểu “trả thù đời”, ai đi qua là rất dễ “mắc”. Có hôm, chị nhặt mấy xô bơm kim tiêm, về đếm được 280 chiếc. Đành đào hố, chất vài bó củi vào, đốt!” - chị Hà Thị Long, nhà ở tổ 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái buồn bã kể.
 

Chị Long và công việc đi nhặt bơm kim tiêm do các con nghiện bỏ lại suốt nhiều năm qua.

Bán cả con chó đang chửa và cái công tơ điện đang dùng

Thú thật, lúc đầu, nghe tin Đài truyền thanh truyền hình huyện Yên Bình làm phóng sự về người đàn bà bao năm đi nhặt ống tiêm con nghiện bỏ lại để cứu “lương dân” khỏi hiểm họa dẫm phải ống tiêm mà lây nhiễm HIV/AIDS, tôi cũng rất “đề phòng”. Bởi chị Long còn trẻ, vốn lại không là cán bộ “phong trào” gì cả. Nhà chị “rách rưới” đến độ từng phải bán cả con chó đang chửa, cả cái công tơ điện đang dùng để lấy tiền cứu đứa con bệnh tật hiểm nghèo.

Người ta kể, 10 năm nay, chị Long thường xuyên xách xô nhựa đi nhặt bơm kim tiêm đỏ máu do con nghiện bỏ lại, về giấu ở chuồng lợn, đợi gom được vài trăm chiếc thì đi tiêu hủy luôn thể. Đứa con gái bụng mang dạ chửa quanh năm làm thuê dưới Hà Nội, sắp đến kỳ khai hoa nở nhụy, về nhà “nằm ổ”, cũng được mẹ vận động đi nhặt kim tiêm “cứu nhân độ thế”. Từ chỗ mắng chị Long hâm gàn “đốc chứng”, dần dà, “cảm” được việc làm tình  nghĩa của vợ, anh Lương Minh Sơn cũng theo vợ đi gom bơm kim tiêm rồi tiêu hủy. Anh Sơn bị bỏng cháy dăn deo dúm dó một nửa già khuôn mặt, thương tật đầy mình sau một vụ xả thân cứu trụ sở Bưu điện huyện Yên Bình, cứu cả một gia đình đang “chết cháy” trong đó vào năm 1979. Cứu được người, cứu được tài liệu và tài sản cho nhà nước, bản thân cậu bé Sơn (bấy giờ đang học lớp 7) thì phải vĩnh viễn nghỉ học, nằm viện 4 tháng 13 ngày, mất 41% sức khỏe. Sau này, anh được tôn vinh “nổi tiếng” trên nhiều diễn đàn, hội nghị của tỉnh Yên Bái và Trung ương nhiều.
 

Chị Lan giờ đã qua rồi cái thời cơ cực

Trước khi đến nhà thăm chị Long, đi nhặt bơm kim tiêm cùng chị, tôi đã trao đổi “thực hư chuyện khó tin” với Trưởng Công an thị trấn Yên Bình, với tổ trưởng dân phố nơi chị Long sinh sống, cùng nhiều người hàng xóm của chị. Có được sự “xác tín” khá kỳ công kể trên, chúng tôi mới hoàn toàn tin câu chuyện về người đàn bà đi nhặt ống tiêm kia không phải… là cái gì đó đã được “thêm mắm thêm muối”.

Bố mẹ mất sớm, cô bé Hà Thị Long ở với vợ chồng bà dì. Cuộc sống quá khổ, học rồi bỏ, rồi bám các cô chú công nhân vừa làm vừa học bổ túc ở lâm trường Thác Bà năm xưa. Bây giờ, chị Long vẫn chỉ dám rụt rè khoe mình đã học đến trình độ lớp 4 bổ túc. “Luận con chữ khó lắm, chậm lắm, nên chị cũng chả dám đọc báo. Tivi thì bị hỏng cái điều khiển, nên chả mấy khi mở. Chị chưa nghe ở đâu có “nghề” đi… nhặt ống tiêm của con nghiện cả. Chị nhặt không phải để các chú đến chụp ảnh, quay phim, không cần khu phố khen thưởng. Chị nhặt vì cứ xót lòng nghĩ đến cảnh con cháu mình, con cháu người ta, bỗng dưng chẳng may dẫm dính kim tiêm của con nghiện để lại. Máu me ấy, con HIV ấy, thì còn gì là đời. Nói thật, hôm hội phụ nữ khu vực đưa chị ra để bầu chọn, chị H. hội trưởng có bảo “bà Long à, lần sau làm cái gì phải nói với tổ chức, để “tổ chức” còn biết mà biểu dương nhé”; chị mới bảo: “Báo cáo chị, em làm là vì lương tâm, nhà em nghèo, ruộng thụt đến ngực, ngơi tay lúc nào em đi nhặt ống tiêm làm phúc cứu người. Chứ giờ lại còn đi báo cáo chị rồi mới đi nhặt, em không có thời giờ đâu ạ. Em nhặt đã 10 năm nay rồi mà”.
 
 
Đống xi lanh, kim tiêm mà chị Long “gắp” được trong… vài phút, trong chỉ một ngôi nhà hoang ở tổ 10, thị trấn Yên Bình.

Chị Long hơn chồng 3 tuổi. Chị lấy anh theo một lời mai mối, vì cảm kích trước hành động anh hùng và cái cuộc đời quá khổ sở của anh. Sau hành động anh hùng cứu lương dân trong đại hỏa hoạn, toàn bộ gương mặt anh Sơn bị ngọn lửa “kéo” hết sang một bên, mắt không mở được trong nhiều tháng. Trong nỗi tuyệt vọng anh đã từng đem khuôn mặt biến dạng và nỗi mặc cảm đè nặng của mình ra đường tàu để tự tử. Chị Long bảo, chị lấy anh Sơn, lúc đầu là vì nỗi cảm kích trước một người đàn ông vị tha. Với anh chị, nhân ái là lẽ sống.
 

“Cãi lại” những con nghiện trả thù đời

Chị Long, anh Sơn đi nhặt ống tiêm lúc rỗi rãi, lúc thấy bao hiểm họa bày ra trước mắt bà con mình. Lý do là khu vực họ sinh sống vốn rất tối tăm, con nghiện ngoài thị trấn và các xã lân cận cứ tiện đường ghé vào “họp kín”. Vừa rồi, con đường mới mở, lòng đường rộng những 40m, trải nhựa láng cóng, khuôn viên đẹp đẽ, cũng lại là nguyên nhân thu hút các con nghiện “té ngang tạt ngửa”, biến khu vực chị Long ở thành “điểm đến hành lạc”.

Tháng 8 năm 2011. Trời còn tinh sương, chị Long, tay xách cái xô, tay cầm cái gắp bằng tre đi nhặt kim tiêm, xi lanh. Đi dọc đường nhựa thênh thang, qua dải phân cách lác đác kim tiêm, chúng tôi lên một triền dốc, tạt vào một ngôi nhà hoang. Chi chít, la liệt kim tiêm. Chị gắp ống tiêm như cái cách người Á Đông dùng đũa trong bữa cơm. “Sợ lắm, đây này, máu đỏ lòm, gắp không khéo nó văng vào mình, sượt tí da là chỉ những sợ hãi đã đủ… chết. Sợ nhất là kim tiêm bọn nghiện nó cứ bẻ quặt đầu mũi hình chữ “L” vểnh lên. Ai đi qua, dẫm phải, đá phải, cũng có khi kim tiêm bị bẻ quặt kia nó như cái bẫy biết… nhảy. Hễ bị cỏ lác đẩy lên là nó bay, nó cắm vào chân người ta. Theo chị, đó là cách các cô chú ấy trả thù đời, muốn thiên hạ chết hết… như mình”. Chị Long nhặt được lưng xô ống tiêm.

“Dạo này đèn đường sáng, các chú ông an có chiến dịch làm quyết liệt lắm. Nên lượng kim tiêm có giảm. Đôi khi chị đi làm về, cứ nhặt rồi gom ống tiêm vào một góc, ít ngày sau đi vơ nhân thể. Chứ độ nọ, có buổi chị nhặt được 3 xô, về đếm đúng 280 chiếc. Không ai cho chị biết phải xử lý cái đồ nguy hiểm đó thế nào. Chị mới đem lên quả gò (đồi), đào cái hố, đi nhặt ba bốn vác củi thật to, chất củi lên đốt rồi ném các xô ống tiêm vào. Chắc nó chỉ cháy cái xi lanh nhựa thôi, chứ kim tiêm bằng sắt thép thì cháy thế nào được. Biết bao cái hố như thế ở trên đồi kia kìa”.
 
Có rất nhiều chiếc kim tiêm bị bẻ quặt cực kỳ nguy hiểm mà theo chị Long, là do các đối tượng nghiện, nhiễm HIV muốn “trả thù đời”.
 

“Bây giờ hết rừng, hết củi, thì chả có gì mà đốt ống tiêm nữa. Chị toàn đem ra cho các chị xe thu gom rác của thị trấn đem đi. Nhưng nếu để trong bao tải thì sợ lắm, khi bốc vác, xử lý họ sờ vào cái tải là thủng tay, thì mình ân hận đến chết không nhắm được mắt. Thế là chị lại “hy sinh” mấy cái xô đựng vữa, đựng hồ của thợ xây, chị để nguyên cả xi lanh, kim tiêm, cả xô sắt vào trong xe rác, dặn cô chở rác là thận trọng nhé. Những ngày ít bơm kim tiêm hơn, chị kiếm những cái giày, cái ủng hỏng ở ngoài đường, thả kim tiêm vào đó, chất lên xe chở rác. Từ hồi đi nấu cơm thuê ở ngoài kho bạc huyện, cách đây dăm bảy năm, chị đã có “nghề” nhặt kim tiêm của con nghiện mà (cười)”.
 

Lý luận về cái chết với cô gái tập hút chích

“Có vụ  người ta chích ma túy ở trên ô tô, ngay ven con đường mới mở gần nhà chị, rồi chết trên xe. Có lần chị thấy tiếng trẻ con cứ khóc ầm ĩ như bị ai bắt cóc. Chị sợ quá chạy ra. Thì thấy hai anh cán bộ huyện ngồi chích ở rìa đường, đứa con nhỏ (bố đón con đi học về) ngồi trên xe máy chờ bố, nó sợ quá, kêu như bị bóp cổ. Có chú tụt quần chích giữa ban ngày ban mặt. Các chú ấy lúc nào cũng gắn sẵn cái kim tiêm ở trong bẹn để chích choác cho nó… tiện. Thì, các chú nghiện các chú ấy có làm gì đâu mà cụ cựa thân thể, nên không thấy đau, không thấy vướng. Có lần gặp cả các cháu bé con gái mới lớn, đi theo đám nghiện tụ bạ tập tọe dùng ma túy. Chị thương quá, mới liều đến gần. Này cháu, cháu cũng như con của bác. Bác bảo, con trai nghiện đã cùng cực, con gái mà nghiện thì coi như hết cả cuộc đời, “con” ạ. Đời, ai chả phải chết, nhưng chết bằng cái này nhục lắm. Ai dè, cháu nó bảo: bác yên tâm, bọn cháu chỉ hút, hít, chứ không chích đâu!”.
 
Anh Sơn (ngồi) với gương mặt biến dạng do nhảy vào lửa cứu người.

Những người hàng xóm bảo, cái nhà chị Long là người tốt không điều kiện. Chị cứ theo đuôi các con nghiện và dọn dẹp chiến trường đầy máu me, bơm kim tiêm nhọn hoắt có thể chứa nhiều virut HIV để  làm phúc. Không khoe mà cũng không giấu công việc “toàn bị gọi là con hâm” của mình. Không cần một danh hiệu, một lời khen hay một quyền lợi vật chất nào. Chị Long còn rụt rè: “Gớm, tôi sợ gặp chú nhà báo, rồi lên báo lên tivi, người lắm điều họ lại bảo tôi bày trò nhặt ống tiêm để được… nổi tiếng. Như thế nó mất cả cái lòng thơm thảo của tôi đi không. Này, tốt nhất đừng có viết gì”.

Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét