Nhãn

17 tháng 8, 2011

162. Thùy Linh - Xà Nu xuống phố


Thùy Linh
Mình bỏ phiếu bầu nhà văn Nguyên Ngọc làm Già làng Việt Nam. Lâu nay Già làng bận với trường đại học Phan Chu Trinh tận Hội An. Già làng ít có dịp ở Hà Nội. Hôm vừa rồi Gìa làng lượn ra Hà Nội là lập tức nhập vào đoàn người “đi bộ vỉa hè” vòng quanh hồ Gươm vào buổi sáng.

Già làng người thấp nhỏ, khuôn mặt phúc hậu, lọt thỏm trong đám người biểu tình. Lâu lắm mình mới được gặp Già làng sau khi rời trường viết văn Nguyễn Du. Thời ấy, tụi mình nhóc con ham chơi, ham tình tang yêu đương nên ít biết quí trọng những giờ học trong trường, nhưng giờ học mà Già làng đứng lớp bao giờ cũng đông đủ mọi người. Đến được nghe Già làng kể chuyện, tâm tình của một người cầm bút đi trước. Nhưng quan trọng hơn là được tranh luận thoải mái với Già làng những gì bức xúc, những gì khó nói ở chỗ đông người, những gì chỉ có thể thì thầm với nhau…Thời đó Già làng làm tổng biên tập báo Văn Nghệ. Một loạt phóng sự nóng hổi hơi thở cuộc sống như “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (Phùng Gia Lộc); “Lời khai của bị can” (chuyện về vua lốp) của Trần Huy Quang; “Người đàn bà quỳ” (Nguyễn Văn Ba)…làm cho xã hội lúc đó sôi lên sùng sục. Báo Văn Nghệ như vừa thoát thai sau “đêm trường” ngơ ngơ với cuộc sống. Cũng thời gian này, báo Văn Nghệ giới thiệu những tên tuổi mới toanh và gây nên cơn sốt trong làng văn chương như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…Năm 1987, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Văn Nghệ, với tư cách tổng biên tập ông đã đọc một bài diễn văn “Đối mặt với cuộc sống”. Đó chính là lời khẳng định sự dấn thân của người cầm bút và văn nghệ nói chung, nhà văn nói riêng. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Phần lớn nhà văn đều lảng tránh, làm ngơ với hiện thực cuộc sống và không muốn liên lụy vì tiếng nói mạnh mẽ của Già làng. Y như rằng sau đó báo Văn Nghệ bị chính thức phê phán là “chệch hướng” vì làm nhiều người phật ý. Và cái gì đến phải đến, Già làng buộc phải thôi làm tổng BT và cuối năm 1988, Già làng nhận quyết định “thuyên chuyển công tác” khỏi Báo Văn Nghệ. Đại hội Nhà văn sau đó bầu Già làng vào Ban chấp hành, phụ trách ban sáng tác của hội. Năm 1991, Ban sáng tác của hội đã bỏ phiếu trao tặng giải thưởng cho những tác phẩm gây xôn xao dư luận, đó là “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh); “Bến không chồng” (Dương Hướng) và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường). “Đó là những tác phẩm thật sự đặc sắc, còn đứng được cho đến bây giờ” – Già làng Nguyên Ngọc khẳng định. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Sau này chưa có năm nào lập được kỉ lục về chất lượng giải thưởng như vậy. Cả ba tác phẩm đã đi vào cuộc sống và sống mãi trong lòng bạn đọc. Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới. Mới đây anh giai còn được nhận giải thưởng châu Á của tờ báo gì đó bên Nhật cho tác phẩm này. Công của Già làng là rất lớn. Cơ mà ít ai cần đến cái tâm, cái tầm của Già làng Nguyên Ngọc ngoài những đứa học trò bướng và bất tài như mình. Cố theo Thầy để học nghề văn và học làm Người. Già làng có mặt trong hầu hết những phản biện của cuộc sống, hết phản biện về bôxit đến luật sư họ Cù, gần đây là lên tiếng về thái độ ứng xử của chính quyền với người biểu tình chống Trung Quốc. Chủ nhật vừa rồi thì Già làng chính thức nhập vào quân số những kẻ thích “đi bộ vỉa hè” vào sáng chủ nhật. Mình nghe anh bạn báo tin có Già làng tham gia đoàn biểu tình liền chạy thốc lên hàng đầu để được nói lời cám ơn và để chiêm ngưỡng dung nhan của Già làng sau nhiều năm chưa được gặp. Già làng vẫn thế, hay cười, nhỏ nhẹ và hiền khô. Nhưng khi trình bày vấn đề gì bức xúc, ấp ủ thì rất quyết liệt, như khối thuốc TNT sắp nổ tung. Mình bảo Già làng: “Thầy còn xuống đường thế này, tụi em ngồi nhà sao đành?”. Già làng chỉ cười, tay vung lên hô khẩu hiệu: “Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm biển Đông”…Rồi sau đó mình được lững thững bên Già làng, lắng nghe âm thanh cuộc sống sôi động xung quanh, thấy bố mình như sống dậy, đi cùng mình trong cuộc biểu tình này, thân thương, gắn bó, dịu lòng và bình yên lạ lùng…Nhiều người đến gần đòi chụp ảnh, khoác tay Già làng và hô: “Đất nước đứng lên rồi”…Một anh bạn tôi thì nói to: “Đất nước đứng lên rồi nhưng vẫn còn rất nhiều “anh hùng núp”…Già làng vẫn chỉ cười hiền. Không biết từ đâu anh hùng Núp trong “Đất nước đứng lên” của Già làng lại hóa thân thành anh hùng “núp” với nghĩa ngược lại? Khổ thân anh hùng Núp ngoài đời thật đã quá vãng!
Trong “Rừng xà nu”, Già làng Nguyên Ngọc viết: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương. Có  những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ  vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi  dần dần bầm lại, đen và đặc quện vào thành từng cục máu lớn. Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà  nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi  tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên  cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây  bay ra. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt  làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không  lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những  cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ  lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của  chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng  vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã…Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà  nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì  khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”…
Theo sách dạy học sinh phân tích tác phẩm này thì, xà nu được nhân cách hoá thành con người. Nỗi đau của rừng xà nu mãi mãi là vết thương lòng của con người trong nhiều năm tháng chiến tranh. Cây xà nu có một sức sống phi thường, vô cùng mãnh liệt, ở mỗi gốc cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, “ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, thể hiện tư thế hiên ngang dũng mãnh của con người trong khói lửa. Còn nhựa xà nu “thơm mỡ màng”, “thơm ngào ngạt”, tượng trưng cho phẩm chất cao quý của con người…Đó là loại cây ham ánh sáng mặt trời nhất trong rừng, luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Nếu cây tùng trong thơ Ức Trai có “tài “đống lương”…nhà cả đòi phen chống khoẻ thay”, để lại hổ phách phục linh “dành còn để trợ dân này”, thì rừng xà nu “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”. Chắc cũng trúng cái bụng của Già làng…
Trước khi Già làng tham gia buổi biểu tình hôm 14/8 thì cây xà nu của Tây Nguyên đã được đem xuống trồng ở vườn hoa Lê Nin. Nhưng chắc xà nu không hợp với “không gian” sống nơi đó nên đã được bứng ra trồng ở quanh hồ Hoàn Kiếm. Cứ chủ nhật là mọi người được chứng kiến xà nu vươn vai lớn dậy…Hihi…
Cả Hà Nội như là làng Xô Man của Già làng Mết trong “Rừng xà nu” mà mỗi dân làng là một cây xà nu – chiến sỹ. Cụ Mết già làng oai phong lẫm liệt, mắt sáng và xếch, râu dài tới ngực mà đen bóng. Già làng ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn. Già Mết đã thắp sáng ngọn lửa chiến đấu, chiến thắng vì chân lý lịch sử: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”. Cụ nhắc nhở người Strá phải giữ lấy truyền thống “thương núi, thương nước” để có thể ngẩng cao đầu kể lại cho con cháu nghe sau này. Già làng Nguyên Ngọc không to con bằng Già làng Mết, nhưng mình vẫn thấy bóng dáng Già làng cao vời vợi giữa những người biểu tình hôm 14/8. Hai Già làng đều truyền ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu đất nước vào tâm hồn con cháu…
Còn các giai đẹp tham gia đoàn biểu tình có khác gì T’nú đâu? T’nú là người trai dũng mãnh, là niềm tự hào của dân làng Xô Man. T’nu “là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta” (lời già làng Mết). Ngọn lửa xà nu trên mười ngón tay T’nu thắp sáng dũng khí và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân làng Xô Man. Hy vọng sẽ còn nhiều T’nu của Già làng Nguyên Ngọc bước ra từ trang sách sử thi Tây Nguyên để sống giữa Hà Nội hôm nay. Vì Già làng đã đứng lên cùng đất nước, lẽ nào con cháu của Già làng lại quì xuống cho người khác lớn hơn mình?
Mình phấp phỏng hy vọng xà nu sẽ ươm trồng trên tất cả mọi tỉnh thành trên cả nước. Xà nu dễ sống, sống kiên cường, lẽ nào lại lụi tàn? 
Có thời cây tre, cây dừa, cây đước đã được một số nhà văn nhà thơ dành cho một địa vị sang trọng: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người” (“Cây tre Việt Nam” – Thép Mới). Giờ xà nu “thế hệ mới” của Già làng Nguyên Ngọc có kém cạnh gì tre chứ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét