Nhãn

3 tháng 8, 2011

154. Bác Phạm Viết Đào bóc mẽ gã y tá mặt dày

CÁI ĐỘT PHÁ SINH TỬ, CHIẾN LƯỢC NHẤT, CHÍNH PHỦ LẠI VẪN TIẾP TỤC NÉ TRÁNH?

Nghiên cứu kỹ bài viết quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa được TTXVN công bố hôm qua 31/07/2011: Ba khâu đột phá của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, thấy đây là một vấn đề cần được rộng đường dư luận để tham góp với Chính phủ, giúp Chính phủ hoạch định chính sách đúng hướng, không làm lãng phí thêm nữa các nguồn tài lực của nhân dân…


Xin tạm tóm tắt 3 khâu đột phá đã được Thủ tướng đề ra:

“Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 xác định ba khâu đột phá, gồm: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; và, (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn…”

Theo người viết bài này, mọi ách tắc trong xã hội hiện nay, mọi tiêu cực, vấn nạn trong xã hội hiện nay xuất phát từ bộ máy công quyền nhà nước; cụ thể hơn đó là guồng máy hành chính của chính phủ… Khi còn sống, Cụ Hồ từng nói: cán bộ quyết định hết thảy… Cán bộ tốt, đủ phẩm chất, năng lực, công việc trôi chảy, hoàn thành; cán bộ hư hỏng dẫn tới làm láo báo cáo hay…

“Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa…”  câu nói có vẻ ngược, duy tâm: con người, ý thức có trước sự tồn tại của thiết chế xã hội… nếu như chỉ xem xét câu nói này bằng việc căn cứ vào cái vỏ bề ngoài của chữ nghĩa; nhưng nếu nghiên cứu sâu, thấu đáo thì đây là một đúc kết của phương đông: Cán bộ nào phong trào ấy, chính phủ nào chính sách ấy, rau nào sâu ấy; anh hãy chỉ bạn anh là ai, tôi sẽ cho biết anh là loại người nào (ngạn ngữ phương tây)… và đây cũng chính là một định đề quan trọng của Hồ Chí Minh…

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, khi thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001 – 2010, Chính phủ cũng đã đề ra ba khâu đột phá: “(i) Xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm giải phóng triệt để lực lượng sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; (ii) Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; (iii) Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh…”

Mặc dù, đã đưa vào 1 trong 3 mũi đột phá nhưng tình hình kinh tế xã hội tuy có những phát triển nhất định, thế nhưng cũng đã đề lại nhiều tai tiếng nhất, điển hình đó là vụ án Năm Cam, Vụ PMU 18, Vụ Huỳnh Ngọc Sĩ và mới nhất là vụ Vinashin với hàng loạt cán bộ cao cấp hàm thứ trưởng, Bộ trưởng đã bị kỷ luật, vào tù vì dính đến tiêu cực, tệ nạn xã hội… Có vẻ như khi Chính phủ càng hô “đột” không những không “phá” được mà nó càng trở nên dày hơn, to hơn, phát triển vụ sau to hơn vụ trước, nguy hiểm hơn trước…

Đề ra đột phá để củng cố bộ máy hành chính mà còn đến nông nỗi đó; còn Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện tại lại lờ cái việc xây dựng bộ máy công quyền trong sạch vững mạnh thì quả là nguy nan rồi…

Dư luận sững sỡ trước số tiền đánh bạc của Bùi Tiến Dũng, nếu không có vụ đánh bạc vô tình vỡ lở thì với bộ máy thanh tra, điều tra hiện có khó lòng đưa được Bùi Tiến Dũng ra vòng móng ngựa… Tưởng sau vụ này, sự quản lý kinh tế xã hội sẽ rút ra được bài học quản lý cán bộ, sẽ bớt sơ hở hơn, sẽ chặt chẽ hơn… Nào ngờ đến vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, đến vụ Vinashin thì vụ Bùi Tiến Dũng chỉ còn là những “con muỗi” đứng cạnh những con voi… Và với cái đà này ai dám chắc sẽ không có những vụ đổ bể còn to gấp năm, gấp mười vụ Vinashin trong nay mai ???

Nếu xem xét các kỹ Đại hội Đảng, là sinh hoạt chính trị quan trọng nhất của Đảng cầm quyền thì vấn đề chủ yếu, cơ bản nhất vẫn là vấn đề nhân sự, sắp xếp các loại ghế, tức là sắp xếp con người… Tổ chức Đảng chỉ quan tâm mỗi vấn đề phân, chia người của Đảng ra nắm bộ máy nhà nước, nắm các chiếc ghế… Đây có vẻ là điều duy nhất mà Đảng quan tâm: vấn đề con người nắm các bộ máy công quyền; không phải là con người chung chung mà con người cụ thể sẽ được sắp đặt tiếp quản các loại ghế: Ai sẽ là Tổng Bí thư, ai sẽ là Chủ tịch nước, ai sẽ nắm ghế Thủ tướng, ai sẽ làm Chủ tịch Quốc hội, ai sẽ nắm chiếc ghế Bộ trưởng nọ, Ủy ban kia…

Đảng và Chính phủ chỉ quan tâm tới việc sắp đặt, phân chia các loại ghế nhưng lại chưa thiết kế được một thiết chế quản lý giám sát những người ngồi trên những chiếc ghế đó, đảm bảo để cho những người ngồi trên ghế ấy không làm bậy, không vơ vét không biến của nhà nước thành của mình; biến các nguồn tài lực đất nước trở thành cái “sân sau” phục vụ cho nhóm lợi ích của mình? Câu nói chí lý của ông Nguyễn Văn An: Bộ Chính trị là một ông vua tập thể đã nói lên chính xác bản chất của cái cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…

Thử hình dung, 4,5 tỷ USD (vụ Vinashin) là thành quả lao động, là mồ hôi nước mắt của hàng triệu con người bỏ ra; bằng 1/20 của tổng thu nhập quốc dân… Thế nhưng ai là kẻ làm cho số tiền này tiêu tan trong vòng vài năm trời? Hiện nay mới chỉ ra được chưa trên dưới chục vị… Chỉ cần vài chục kẻ như vụ Vinashin thì cả cái cơ nghiệp quốc gia này, mồ hôi xương máu của hàng triệu con người sẽ tiêu tan trong phút chốc… Tại sao cả cái dân tộc này, cả bộ máy công quyền đồ sộ như vậy họp lên họp xuống để sắp đặt mà lại để cho một vài chục kẻ có thể thụt két, phá hoại đến khi đổ bể ra mới biết, mới tá hỏa ra, mới ra quyết định điều tra này, điều tra nọ, mở phiên tòa này, phiên tòa nọ cho nó có chứ có hữu ích gì đâu?

Những phần du thủ du thực ngoài đường có trộm cướp thì thiệt hại cho xã hội không đáng là bao, sự thiệt hại do cán bộ công quyền gây ra, tiếp tay đó mới là điều khủng khiếp nhất. Vinashin là một điển hình. Vụ án kinh tế này đã hủy hoại lòng tin chế độ và bộ máy công quyền bởi do cán bộ trong các tập đoàn kinh tế nhà nước gây ra; nó thật sự đã gây mất lòng tin cái thiết chế: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…

Ông chủ biết gì về vụ Vinashin? Nhà nước quản lý gì trong vụ Vinashin ? Đảng lãnh đạo gì trong vụ Vinashin ? Nếu không bạch hóa được cái thiết chế này thông qua một vài trường hợp cụ thể thì đất nước tiếp tục hứng chịu, lãnh đủ nhưng vụ còn to gấp năm, gấp mười Vinashin???

Nếu Chính phủ muốn làm tốt khâu quản trị kinh tế xã hội thì phải quản cho được bộ máy công quyền do mình bổ nhiệm, sắp đặt… Nếu quản không được thì khác gì một gia đình chồng làm ra của cải nhưng vợ con ở nhà lại máu mê cờ bạc, lại nghiện ngập…

Chuyện làm ăn là chuyện của xã hội, chuyện xây dựng bộ máy công quyền mới là chuyện của chính phủ… Vậy hiện nay phải chăng do dân lười nhác không chịu lao động dẫn tới của cải bị nghèo đi, hay do của cải, các nguồn tài lực nằm trong tay Chính phủ nhưng đã bị các quan chức chính phủ phung phí, không được quản lý tốt để tái đầu tư, phân bổ hợp lý để nhân nguồn tài lực này lên đưa đất nước vào con đường phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo?

Để mở được đột phá trong khâu này thì phải minh bạch đời sống thông tin xã hội, minh bạch hóa thể chế và quyền lực quản trị của nhà nước. Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong… Trước những thử thách cam go, hiểm nghèo do chiến tranh, giặc ngoại xâm uy hiếp thì Đảng và Chính phủ sử dụng thiết chế này; còn giờ đây, trong lao động hòa bình và phân chia lợi ích, nhân dân đã bị đẩy ra ngoài rìa để cho bộ máy nhà nước, chính phủ trở thành những ông vua, bộ máy độc quyền nắm giữ hết thảy mọi thứ quyền lực, lợi ích dẫn tới muốn làm gì thì làm… Chỉ cần một vài chục ông trong bộ máy công quyền rắp tâm phá thì cả cơ đồ đất nước sẽ xuống sông xuống hồ… Vụ Vinashin là một ví dụ điển hình?!

Một định đề đã được đúc kết đối với bộ máy công quyền: Thượng bất chính thì hạ tắc loạn; nếu quả Thủ tướng Chính phủ muốn hoàn thành được trọng trách thì trước hết phải nghiêm, chính với bản thân mình trước; kế đến hãy “đột phá” tới các ông Phó, các ông Bộ trưởng trong nội các, các ông Tống các tập đoàn kinh tế độc. Còn nếu không…

Trong bài viết kỳ này không thấy Thủ tướng nhắc tới từ “quyết liệt”? Phải chăng ông cũng đã bắt đầu cảm thấy bất lực, nhàm chối trước bộ máy công quyền trong tay ông? Ông có quyết… liệt thế chứ quyết… liệt hơn thế nữa nữa thì rồi nó vẫn thế. Vì thế nên ông đánh bài lờ, buông mũi “đột phá” sinh tử này đi để sắm vai một kẻ sớm vác ô… (tô) đi tối vác ô… (tô) về” ?!
                                                        P.V.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét