Ngoài kết nối mạng, hỗ trợ lướt web, giải trí trực tuyến, TV "thông minh" còn cho phép người dùng chơi game, gọi điện trực tuyến như trên laptop và smartphone.
Khái niệm "Smart TV" được nhắc đến lần đầu tiên từ Samsung, sau đó được mở rộng và phổ biến bởi cả LG và Philips. Tuy nhiên, cũng có những nhà sản xuất TV khác, như Sony, lại lựa chọn Internet TV để mô tả về HDTV của mình với các tính năng tương tự. Bởi vậy, "Smart TV" cũng là cụm từ thường được dùng để mô tả về những mẫu TV có khả năng kết nối mạng.
Smart TV của Samsung được hãng quảng cáo rầm rộ thời gian gần đây. Ảnh: Samsunghub |
Smart TV hay TV "thông minh" cũng giống như smartphone. Nó cho phép người dùng sử dụng một loạt dịch vụ trực tuyến, kết nối Internet, điều mà các mẫu TV thông thường không thể làm được. TV thông minh sở hữu các tính năng hữu ích vốn có trên một chiếc máy tính cá nhân như cho phép sử dụng ứng dụng, xem nội dung trực tuyến, lướt web, chơi game và điều quan trọng nhất là xem truyền hình IPTV. Đây cũng là tính năng cho thấy sự khác biệt giữa Smart TV và smartphone.
IPTV là một chuẩn video Internet đặc biệt, ngoài việc có thể cung cấp các đoạn video trực tuyến ngắn thì người xem cũng có thể thưởng thức các kênh truyền hình được phát trực tiếp từ Internet với Smart TV. Đây không phải là một tính năng mới mẻ, thực tế nó đã nó đã xuất hiện trên một số model đời cũ hay set-top box từ những năm 2005, nhưng khi khái niệm Smart TV xuất hiện tính năng này mới được quan tâm nhiều hơn.
Điểm mạnh ở Smart TV là việc nó mang lại sự tiện dụng nhiều hơn cho người dùng so với TV thông thường. Với tính năng Personal Video Recorder (PVRs), người xem có thể sử dụng chế độ tua lại hình "Time Shifting" ngay khi đang xem truyền hình thông thường. Nếu giả sử bỏ lỡ một đoạn phim, một chương trình yêu thích nào đó, "Time Shifting" cho phép quay lại để xem sau đó lại tiếp tục trở lại nội dung hiện tại mà nhà đài đang phát.
DLNA cũng là một tính năng được nhắc đến nhiều ở TV thông minh, xuất hiện trên nhiều model của Sony, Samsung hay LG... Tính năng này cho phép truy xuất và phát các nội dung có trên máy tính hoặc điện thoại ra TV mà không cần dây cắm, cáp nối. Nếu như máy tính sở hữu một kho dữ liệu nhạc hay phim được tải về từ mạng, nếu có các thiết bị hỗ trợ DLNA người dùng cũng không cần phải sử dụng đến ổ đĩa HDD hay USB để chép chúng rồi cắm vào TV và sử dụng.
Tất cả các mẫu Smart TV đều được trạng bị kết nối Ethernet với dây nằm ở mặt lưng của TV, tuy nhiên, hầu hết các model trung và cao cấp hiện nay còn sở hữu cả kết nối không dây. Cách thức kết nối Internet trên TV cũng tương tự các bước như khi sử dụng trên laptop hoặc smartphone.
Nhưng điều cần lưu ý khi kết nối Internet trên HDTV là nên ưu tiên phương thức dùng dây dẫn với chuẩn Ethernet để đảm bảo hoạt động ổn định nhất. Hơn nữa, nhiều mẫu TV đều được giới thiệu là có tính năng Wi-Fi. Tuy nhiên, chỉ một số model cao cấp mới được tích hợp sẵn bộ thu sóng nằm bên trong TV còn nhiều model khác, người mua cần có thêm phụ kiện bên ngoài, gắn qua cổng USB. Thông thường mức giá của phụ kiện này khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng.
Ứng dụng gọi điện Skype trên HDTV của LG. Ảnh: Mediamentalism |
Ngoài việc hầu hết không có các tính năng đặc thù như soạn thảo e-mail, gõ văn bản, tính năng ở Smart TV cũng giống như một chiếc máy tính. Nó cho phép lướt web với một trình duyệt cài đặc sẵn, xem YouTube hay tham gia vào một mạng xã hội. Các model của Samsung và LG còn được hỗ trợ cả định dạng Flash, cho trải nghiệm lướt web tốt hơn. Trong khi Sony sử dụng trình duyệt của Opera cho các mẫu Internet TV của mình.
Tuy nhiên các tính năng trên Smart TV cũng có nhiều mặt hạn chế so với trên máy tính thông thường và thường bị giới hạn đối với mỗi thị trường, khu vực địa lý khác nhau.
Sử dụng các tài khoản cá nhân luôn yêu cầu tính bảo mật cao. Một chiếc TV thông thường luôn được nhiều người sử dụng và phục vụ cho nhu cầu của cả gia đình, điều này đồng nghĩa với tính riêng tư, bảo mật của tài khoản Facebook sẽ giảm đi nếu sử dụng trên Smart TV.
Một trong những điều thú vị nhất ở Smart TV là khả năng truy cập các dịch vụ nội dung theo yêu cầu (Video-on-demand). Tuy nhiên ở VN hay rộng hơn là khu vực châu Á (trừ Nhật và Hàn Quốc), các dịch vụ này đều chưa được cung cấp. Hàng loạt các dịch vụ hấp dẫn như kênh phim, nhạc, bóng đá, thể thao trực tuyến như Hulu, NetFlix, iPlayer, vốn nổi tiếng ở Mỹ, châu Âu đều đã được cài đặt sẵn trên Smart TV của bạn, nhưng việc sử dụng thì lại không thể.
Skype là tính năng duy nhất không bị giới hạn và tỏ ra hữu ích. Với một webcam gắn thêm, người dùng có thể thoải mái trò chuyện hình ảnh với bạn bè, người thân mà không tốn phí (hoặc rất ít) ngay trên màn hình rộng của HDTV.
Hãng game di động Gameloft cũng làm game cho HDTV. |
Cung cấp kho ứng dụng, bổ sung thêm nhiều phần mềm cho TV thông minh đang là xu hướng được nhiều nhà sản xuất TV áp dụng thời gian gần đây. Tiếp bước Samsung, LG đang xây dựng gian ứng dụng trực tuyến dành riêng cho Smart TV của hãng. Trong khi Panasonic và Samsung đều đang hợp tác với Gameloft để đưa các tựa game di động nổi tiếng như Asphalt, Brain Challenge hay Let's Golff... lên màn hình rộng của TV.
Tuy nhiên, người dùng cũng nên nhớ, ứng dụng dành cho HDTV "thông minh" hiện tại không có một chuẩn thống nhất nên phần mềm ở TV hãng này sẽ không sử dụng được cho hãng kia. Và tất nhiên, người dùng hiện tại chỉ có thể tải ứng dụng trực tiếp từ TV chứ không thể chép vào từ các nguồn khác hay từ thẻ nhớ, USB, giống như ở máy tính hay điện thoại di động.
Không có màn hình cảm ứng như smartphone, bàn phím và chuột như máy tính, thông thường Smart TV sử dụng điều khiển từ xa để thực hiện tất cả các thao tác điều khiển tính năng và nhập liệu trên màn hình.
Các loại điều khiển có tích hợp bàn phím QWERTY hay sử dụng công nghệ cảm biến chuyển động hỗ trợ chuột ảo (Magic Motion Remote) hiện mới chỉ được Samsung và LG áp dụng hạn chế. Đây cũng là một điểm chưa thuận tiện của Smart TV đối với người dùng.
Phạm Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét