Nhãn

14 tháng 5, 2011

104. Nguyễn Quang Lập - Tuần qua số 12


1. Mẹ của trẻ bị bỏ rơi (báo Tuổi trẻ) là câu chuyện cảm động hai người phụ nữ bước vào tuổi ngũ tuần hằng ngày tình nguyện chăm sóc những em bé còn đỏ hỏn bị cha mẹ vô tình vứt bỏ. Đó là chị Đặng Thị Hiệp (54 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (50 tuổi), “cứu tinh” của những em bé bất hạnh ở tổ ấm Bình Minh. Mỗi năm tổ ấm này đón khoảng 50 bé bị bỏ rơi ngay từ khi còn đỏ hỏn từ các bệnh viện, nhà hộ sinh hay từ các bụi cây bên đường… Công tác chăm sóc, nuôi dạy các trẻ bị bỏ rơi do hai chị đảm nhận chính, với sự hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng của Ban Bác ái xã hội Giáo phận Huế. Đêm nào các chị cũng bị đánh thức bởi tiếng khóc thét của con trẻ, khi thì bé đái dầm, lúc thì đói sữa mẹ. Những hôm trái gió trở trời các bé ốm đau, các chị  phải thức trắng đêm trông trẻ.  Thật quá cảm động. Trong khi đó một cơ sở nuôi trẻ mồ côi ở Bình Thuận đã bắt trẻ  quỳ trên gai mít. Ảnh bên  là hai Ngọc Châu, Ngọc Hoàng  và những vết thương trên đầu gối dù đã xảy ra hơn hai tuần. Rõ  là người hiền thì hiền hết mực, kẻ ác thì ác vô cùng. Ở đâu không biết chứ ở xứ mình chưa kịp mừng vui đã lo ngay ngáy là vì thế.


2. Một chuyện lạ lùng cũng của báo Tuổi trẻ: Bán vé số nuôi chim trời, bà Phạm Thị Sao, 73 tuổi, ngụ TP Mỹ Tho và bà Trương Mùi Muỗi (tên thường gọi là bà Kim) TP Bến Tre, vì yêu thương chim sẻ, đã dành một phần tiền bán vé số để mua lúa gạo nấu cơm cho chúng ăn.”Trong lúc bán vé số, bà nhìn thấy vài chú chim sẻ đói đang khó nhọc mổ những cọng cỏ héo queo bên đường. Bà lấy ít cơm của mình rải xuống đường, mấy chú chim này chạy tới ăn như chưa từng được ăn. ”Kể từ đó, bà Sao (cũng như bà Kim) trích ít tiền lời bán vé số mỗi ngày mua gạo nấu cơm cho chim ăn. Mỗi ngày trung bình hai bà chỉ bán mỗi người được vài chục tờ vé số, tiền lời chỉ có năm, bảy chục ngàn đồng nhưng bao giờ họ cũng dành ra 15.000-20.000 đồng để mua gạo, lúa cho chim ăn. Dân nhậu đùa, nói nếu sống ở TQ thời kì ” đuổi chim sẻ” của ông Mao, thể nào hai bà cũng bị qui là ”lực lượng thù địch”, rũ tù là cái chắc.
3. Đây không phải chuyện lạ mà là chuyện kì khôi. Báo SGGP choáng về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, 10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam được nhóm tác giả lựa chọn đề cập và nghiên cứu trong cuốn này: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh (trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý), Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu (lĩnh vực khoa học và công nghệ) cùng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi và… Đặng Lê Nguyên Vũ (lĩnh vực kinh tế, kinh doanh). Trong khi phần Bác Hồ chỉ có 25 trang thì phần ông Vũ cà phê chiếm đến 41 trang. Kinh. Sau mới biết ông Vũ cà phê là một trong 8 tác giả của cuốn sách. Ông Vũ phụ trách viết về… ông Vũ.
Báo Người lao động cho biết: “Biên tập viên Phạm Thị Thinh, người trực tiếp biên tập cuốn sách, cho biết khi biên tập cuốn sách này, bà đã rất băn khoăn vì phần tự thuật của nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ quá dài. Chính bà Thinh đã dự tính cắt bớt phần nội dung Hướng đến một thiên đường cà phê toàn cầu và triết lý sống mới của cà phê đến từ Việt Nam dài đến 18 trang. Sau khi trao đổi với hai đồng chủ biên, phản hồi từ phía chủ biên cuốn sách cho biết đó là “tâm huyết của ông Đặng Lê Nguyên Vũ” và ông Vũ tha thiết muốn được giữ lại phần này. Vì vậy mà phần nội dung về doanh nhân này lên đến 41 trang.”
Chết cười vì mấy chữ ham hám  háo hão.
4. Đây là chuyện Anh Ba sàm phát hiện. Báo điện tử Việt Nam (TTXVN) đưa tin: Tình hình an ninh trật tự tại Mường Nhé ổn định: “Chiều 12/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói, vừa qua đã có một số thông tin thổi phồng, không đúng sự thật về sự việc ở Mường Nhé với dụng ý xấu là xuyên tạc chính sách của Nhà nước Việt Nam và thực tế tình hình ở Việt Nam. Trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, một số phần tử cực đoan đã sử dụng những luận điệu lừa gạt, dụ dỗ, kích động, lôi kéo, thậm chí đã cưỡng bức nhiều đồng bào dân tộc Mông từ một số địa phương về các bản của huyện Mường Nhé để tụ tập, rêu rao cái gọi là “thành lập Vương quốc Mông,” gây mất trật tự, an ninh, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.”
Tin hay thế lại đưa cái ảnh: “Đồng bào dân tộc Hà Nhì, Mường Nhé, tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên tại địa điểm bỏ phiếu”. Cũng vậy, báo điện tử Chính phủ đưa tin: Việt Nam luôn ưu tiên cao đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số : ” Một số thông tin thổi phồng, không đúng sự thật về sự việc ở Mường Nhé là nhằm xuyên tạc chính sách của Nhà nước Việt Nam và thực tế tình hình ở Việt Nam. Việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số luôn luôn là ưu tiên cao của Việt Nam. Trong khi đó ảnh minh họa ” Bộ đội giúp làm nhà, định canh, định cư cho đồng bào La Hủ ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.” Người Mông đâu rồi vậy ta? Khổ thân, đến cái ảnh cũng không được ” ưu tiên cao”.
Nói năng thì hùng hồn, đến cái ảnh minh họa cho ra hồn cũng không có. Bi hài nghiệp vụ báo chí ở những nơi chót vót.
5. Vụ việc phóng viên Báo Người Lao Động bị các điều tra viên thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long cản trở và thu giữ ĐTDĐ khi đang tác nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy -TPHCM vào chiều 11-5, vui nhất là biên bản coi phóng viên như tội phạm:  “…khi chúng tôi phát hiện yêu cầu tên Dũng xuất trình giấy giới thiệu – thẻ phóng viên – giấy CMND. Nhưng tên Dũng chỉ xuất trình được tờ giấy giới thiệu của Báo Người Lao Động”…. “Biên bản kết thúc vào lúc 16 giờ cùng ngày, có đọc lại cho tất cả cùng nghe và hẹntên Dũng đúng 7 giờ 30 phút ngày 20-5-2011 đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long giải quyết”. Dân nhậu kháo nhau, người bảo giả  sử người ta sai thật thì cũng không được gọi người ta là tên này tên nọ như gọi tội phạm. Người khác cãi lại, nói ông nhà báo kia cũng là dân, không gọi dân là tên nọ tên kia thì gọi dân bằng gì? Không lẽ lại gọi dân bằng đồng chí!
6. Báo Vietnamnet dẫn lời ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. HCM).”Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này“. Dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, có người con kêu to: Tuyệt vời ông Trương Tấn Sang! Chỉ cần lãnh đạo biết xấu hổ khi thấy nhiều sâu dân đã phấn khởi vô cùng. Mới hay dân ta thật rộng lòng bao dung, lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ lãnh đạo, miễn sao đừng nói hay cày dở. . Người đẹp Kỳ Duyên (Vietnamnet) có một ý rất hay: “Đương nhiên, có sâu thì phải có thuốc trừ sâu DDT. Nhân dân ngàn đời nay- chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa- vẫn làm như thế.” Phải rồi, vì sao sâu ngày càng nhiều? Thuốc trừ sâu có không? Không lẽ không có, hay có mà không dùng, hay thuốc  DDT để lâu ngày đã biến chất thành thuốc nuôi sâu Mackeno? Dân nhậu có người ngửa mặt lên trời cười ba tiếng khóc ba tiếng, nói chả phải chả phải, cứ nhập thuốc trừ sâu của bạn thì còn lâu sâu mới chết, vì đó là thuốc vỗ béo sâu. Hu hu.

2 nhận xét:

  1. Các BÁc Ơi,
    Trong phần viết về tiểu sử của Đặng Lê Nguyên vũ tuy có dài nhưng nói về bản thân Vũ chỉ một phần nhỏ thôi, còn lại là dự án thiên đường cà phê toàn cầu và triết lý của cà phê cái này là phục vụ cho lợi ích của cả cộng đồng chứ không phải dành riêng cho Vũ.
    hãy đọc cho kỹ rồi bình phẩm nhé

    Trả lờiXóa
  2. dự án thiên đường café và triết lý café ... Vũ có thể viết riêng 1 cuốn sách mà ==> tại sao Vũ cố chui vào Tài năng và Đắc dụng làm giề?!

    Trả lờiXóa