Trước đây thì mình đã dịch 1 bài về phương thức hoạt động của pin Lithium Ion cũng như nguyên nhân nó bị chai, trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phương thức sạc sao cho loại pin này đạt được thời lượng sử dụng cao nhất cũng như độ bền tốt nhất. Có thể sau bài viết này, bạn sẽ thay đổi quan niệm của mình, từ đó không còn làm những hành động vô nghĩa như tháo pin ra khỏi máy hay cắm sạc liên tục ngày này qua ngày khác.

Hiểu đúng về cycle count:


Viên pin này có cycle count là 26 lần
Để cho dễ hiểu, tuổi thọ của 1 viên pin được tính bằng số cycle count. Khi đạt đến một con số nhất định nào đó thì dung lượng của 1 viên pin bắt đầu sụt giảm và sẽ trở nên không thể sử dụng được nữa vào 1 ngày xa hơn trong tương lai. Trung bình thì 1 viên pin truyền thống đạt khoảng 300 lần hoặc có thể lên tới 1000 với những dòng pin sử dụng trên Lenovo Thinkpad X1 hay Apple Macbook Pro mới. 

Để dịch từ cycle count ra tiếng Việt thật sự rất khó, bạn cứ hiểu nôm na 1 cycle count là 1 lần sử dụng pin. Tuy nhiên, lần sử dụng pin này hoàn toàn khác với quan niệm sai lầm mà chúng ta thường hay mắc phải. Hầu hết người dùng cho rằng mỗi khi cắm sạc vào và rút sạc ra, bất kể dung lượng pin còn bao nhiêu thì đã được tính 1 cycle count, bất kể dung lượng pin lúc đầu là 50, 70 hay 90%.... 1 sai lầm khác là 1 cycle count chỉ tính khi pin trong máy hết sạch. Hiểu đúng nhất thì cycle count nghĩa là viên pin đó đã sử dụng hết 100% dung lượng lưu trữ của nó. Ví dụ nếu bạn sử dụng 30% pin vào buổi tối, sau đó sạc lại cho đầy lên 100% rồi xài hết 70% pin trong ngày hôm sau thì đó mới được tính là 1 cycle count. 

Vậy phải làm sao để sử dụng pin cho đúng?
Như đã nói ở trên, thời gian sử dụng của 1 viên pin không tính bằng số lần bạn cắm sạc mà nó tính bẳng số lần viên pin xả hết 100% dung lượng mà nó có thể lưu trữ. Ngày xưa, khi các pin Nickel Cadmium (Ni-Cd), Ni-MH... còn phổ biến thì chúng đều bị 1 hiện tượng gọi là hiệu ứng nhớ (memory effect). Nói cho dễ hiểu, nếu pin còn 20% trước khi bạn sạc thì sau đi sạc đầy lên 100%, viên pin này cũng chỉ dùng được 80% dung lượng khi mới mua. Do vậy, với loại pin Ni-MH người ta đều phải dùng cho cạn kiệt trước khi sạc nếu không muốn nó bị chai sớm. 

Pin Lithium Ion hoặc Lithium Polymer lại không bị như thế, dù bạn sạc nó ở bất cứ mức nào thì nó vẫn có thể xả hết 100% dung lượng khi được sạc đầy. Dung lượng này chỉ bị giảm đi khi đã đạt đến 1 mức cycle count giới hạn mà mình đã giải thích ở trên. Do vậy, đối với các viên pin thế hệ mới này thì hiệu ứng nhớ đã không còn đáng để quan tâm nữa rồi, điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể sạc bất cứ lúc nào mình thích.

Một trong những phương thức hủy hoại tuổi thọ của viên pin nhanh nhất chính là việc dùng nó cạn kiệt rồi mới bắt đầu sạc. Hành động này tạo áp lực cho viên pin cao hơn rất nhiều so với việc sạc khi pin còn nhiều. Lấy một ví dụ dễ hiểu, nếu bạn chạy marathon 52km mỗi ngày thì chẳng chóng thì chầy sẽ kiệt sức mà chết, trong khi chạy 3-5km mỗi ngày thì lại giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Pin cũng tương tự, các chuyên gia khuyên chúng ta nên sạc khi dung lượng pin còn trên 20%. 

Một sai lầm khác rất phổ biến là người dùng không thèm sử dụng pin, có thể bằng cách tháo pin ra khỏi máy và chỉ dùng nguồn điện trực tiếp hay luôn cắm sạc ở bất cứ nơi nào. Đây cũng là một hành động tàn phá viên pin khốc liệt không kém việc dùng cạn kiệt. Một người không tập thể dục thường xuyên sẽ rất yếu ớt và pin cũng vậy. Tốt nhất bạn hãy dùng sử dụng cho hợp lý, đừng quá vắt kiệt pin nhưng cũng đừng nên bảo vệ nó quá.


Hãy sử dụng pin laptop thường xuyên
Đừng bao giờ để nhiệt độ xung quanh viên pin lên quá cao vì đây cũng là 1 tác nhân làm giảm tuổi thọ của nó. Nhiệt độ không phải là vấn đề quá quan trọng với điện thoại nhưng nó là 1 thảm họa của máy tính xách tay. Những viên pin được giữ kỹ ở nhiệt độ trung bình thì có tuổi thọ giảm khoảng 20% sau 1 năm và còn có thể tăng cao hơn nữa nếu hoạt động ở nhiệt độ cao. Hầu hết pin máy tính xách tay đều hoạt động trong tình trạng không thể tệ hơn, người dùng luôn luôn cắm sạc mọi lúc mọi nơi và nhiệt độ của máy quá cao. 

Nếu bạn không sử dụng pin trong một thời gian dài thì hãy lưu trữ nó trong một nơi mát, thậm chí là tủ lạnh (nhưng đừng lạnh quá như ngăn đá vì nhiệt độ khắc nghiệt cũng làm hỏng pin) với dung lượng còn khoảng 40-50%. 

Mặt khác, khai thác quá sức của 1 viên pin cũng góp phần vào việc giảm tuổi thọ của nó, việc chơi game nặng liên tục bằng pin chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi sẽ gây hại cho pin nhiều hơn là lướt web trong vòng nhiều tiếng. Sẽ dễ hiểu hơn nếu bạn liên tưởng đến việc chạy 200m cực nhanh sẽ mệt hơn rất nhiều so với việc chạy tà tà 1km.

Nhìn chung, để sử dụng 1 viên pin có thời lương lâu nhất thì chúng ta nên dùng nó nhưng không nên khai tác quá nhiều, chủ yếu là cho các ứng dụng nhỏ. Nhớ đừng bao giờ đưa pin vào các điều kiện sử dụng khắc nghiệt và hãy sử dụng nó thường xuyên. Hầu hết các nhà sản xuất đều đưa ra thông số “tối đa”, chẳng hạn như còn tối đa 80% sau 1000 lần sạc và nếu sử dụng được như hướng dẫn trong bài viết này, có thể bạn sẽ gần đạt được con số đó.

Tổng hợp từ Ars TechinicaAppleBattery University