Nhãn

28 tháng 3, 2012

358. Cái tầm của thăng nổ là đây sao?


Lương Bằng - Ngược đời “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ”

(HQ Online) – Việc Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đặt tên loại phí đang đề xuất thu là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” cho thấy Bộ GTVT dường như chưa hiểu rõ về “phí” - Đó là nhận xét của một chuyên gia kinh tế.

Khi câu chuyện về “phí bảo trì đường bộ” còn đang "nóng hầm hập", thì Bộ GTVT lại tiếp tục “đốt cháy” dư luận bởi Tờ trình gửi Chính phủ về việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ.

Theo Tờ trình số 1818/Ttr-BGTVT gửi Thủ tướng của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng được báo chí đăng tải, đối tượng thu phí là xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và môtô. Các loại xe công như xe của cơ quan hành chính, đơn vị công lập, xe quân đội, xe công an, xe của cơ quan tổ chức ngoại giao nước ngoài không phải nộp loại phí này.

Điều đáng lưu ý, tại Tờ trình lần này, Bộ GTVT đã đổi tên “phí lưu hành phương tiện cá nhân đường bộ” (như cách gọi tại Tờ trình về phí lưu hành trước đó) thành “phí hạn chế phương tiện cá nhân đường bộ”.

Khoan hãy nói đến những gánh nặng mà người dân phải "cõng" khi khoản phí này được thông qua, và cũng chưa bàn đến loại phí này có làm đường thông hè thoáng như khẳng định chắc nịch của vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời báo chí hay không, bản thân cái tên “mới toanh” kia đã bộc lộ ngay hạn chế về trình độ của những người “nghĩ” ra khoản phí này.


Đem cái tên “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” trao đổi với một vị chuyên gia kinh tế, ông không giấu nổi bức xúc.

Ông nói: Thế nào là phí? Từ trước đến nay không có loại phí hạn chế. Phí là người ta bỏ một lượng tiền nhất định ra để hưởng một dịch vụ nào đấy. Ta đi học thì phải trả học phí, vào viện thì phải trả viện phí… Người ta nhận được dịch vụ nào đó thì người ta mới phải trả phí. Đó là bản chất của phí. Làm gì có loại phí nào gọi là “hạn chế phương tiện cá nhân”.

Tò mò lần theo khái niệm về “phí”, tôi tìm thấy một khái niệm được nêu ở Pháp lệnh về Phí và Lệ phí:

Theo quy định tại Điều 2, Chương I, Pháp lệnh Phí và Lệ phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2002, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này. Có nhiều loại phí khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, tư pháp, tài chính ngân hàng…

Như vậy, rõ ràng, hiểu theo đúng bản chất, không thể có chuyện người dân phải trả tiền cho một loại phí mà dùng để hạn chế người dân sử dụng dịch vụ nào đó.

Và chắc chắn, chẳng ai "mù quáng" đến mức tự nguyện móc hầu bao để trả cho người “cấm” mình tiếp cận nhu cầu chính đáng, hợp pháp của bản thân, mà thể hiện trong câu chuyện này là nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân.

Nếu tờ trình của Bộ GTVT được Chính phủ thông qua, thì theo quy định tại Điều 9, Chương II Pháp lệnh về Phí và Lệ phí, Chính phủ sẽ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục phí và lệ phí.

Khi đó, tôi mong rằng, cùng với việc nghiên cứu kĩ lưỡng xem có nên bổ sung khoản phí này vào Danh mục phí và lệ phí hay không, Quốc hội cũng sẽ nhìn ra được đúng bản chất của loại phí này để đặt cho nó một cái tên thích hợp.

Mức thu phí hạn chế phương tiện cá nhân được Bộ GTVT đề xuất: Áp dụng mức thu phí đối với xe ô tô từ 20 triệu đồng/năm đến 50 triệu đồng/năm. Trong đó, mức 20 triệu đồng/năm áp dụng đối với ô tô có dung tích xi lanh không quá 2.000 cm3; ô tô có dung tích xi lanh từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 thu 30 triệu đồng/năm và 50 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.
Mức thu đối với mô tô từ 500.000 đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm. Trong đó, 500.000 đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.
Theo tính toán của Bộ GTVT, tính đến 31-10-2011 có 612.691 xe chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân, tương ứng với chủ phương tiện chiếm 0,77% dân số cả nước. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét