Nhãn

14 tháng 3, 2012

349. Vũ Thư Hiên – đôi điều có thể bạn và tôi chưa biết


Vũ Thư Hiên (18 tháng 10 năm 1933) là nhà văn Việt Nam, còn có bút danh là Kim Ân, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988với tác phẩm Miền thơ ấu. Ông là con trai của Vũ Đình Huỳnh - cận vệ, giúp việc, lễ tân trang phục, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông là một trong những nhân vật của Vụ án Xét lại Chống Đảng. Năm 1997, hồi ký Đêm giữa ban ngày của ông được xuất bản, trong đó ông tiết lộ những bí mật của vụ án này và gây dư luận lớn trong cộng đồng người Việt.

Nguyễn Thanh Giang - "Bông hồng vàng" ấy trong tôi


Nhà văn Vũ Thư Hiên

Trí nhớ tôi không đủ tốt để hình dung tương đối tường tận cái bối cảnh không gian – thời gian nâng trên tay cuốn “Bông Hồng Vàng” của Konxtantin Pautopxki, do Vũ Thư Hiên chuyển ngữ. Buổi ấy, có vẻ như là hơi xa xưa, cách đây nửa thế kỷ. Tôi mê bản dịch “Bông Hồng Vàng” đến mức choáng ngợp. “Làm sao để có thể vừa lãng mạn, vừa thâm thúy, vừa mơ màng, vừa bốc lửa như vậy được nhỉ? …”, tôi nghĩ. Cho nên, dường như chính Vũ Thư Hiên là người đã góp phần phá “tan giấc mộng vàng văn chương” của tôi. Những bài luận của tôi đã từng được thầy giáo cấp ba (nhà giáo nhân dân Cao Hữu Nhu, tôi nhớ) nhận xét là có văn phong đặc biệt. Thơ của tôi đã từng được in trong tuyến tập thơ Chống Mỹ đầu tiên (tập “Ngọn Đèn đứng gác” của NXB Văn Học thời ấy), nhưng sau khi đọc Pautopxki tôi nhận ra mình chỉ như một cánh tay bé con chới với, mà “Bông Hồng Vàng” kia thì như vì sao ở tít tắp xa. Tôi đành yên tâm làm khoa học – kỹ thuật.

Không phải chỉ K. Pautopxki mà chính Vũ Thư Hiên cũng thật huyền ảo. Huyền ảo mà tinh tường. Tinh tường vì ngay cả chú chuồn chuồn ngô trong “Miền Thơ Ấu” của nhà văn cũng biết lau mắt:

“Những con chuồn chuồn lửa lúc lắc hai con mắt to như hai hạt đỗ tương trầm ngâm trên những ngọn ý rĩ, thỉnh thoảng lại lấy chân lau mắt cho sáng thêm để thưởng ngoạn. Mấy bông súng trắng xinh xắn đung đưa gần mép ao. Những chiếc lá tre rơi lềnh bềnh trên mặt nước khẽ rùng mình mỗi khi có gió thoảng. Lũ thờn bơn với cặp mắt đen láy ngo ngoe trên mặt nước. Trên cao, một con bói cá xanh biếc ngồi yên lặng như một nhà hiền triết. Thỉnh thoảng, nó rời cành cây khô lao vút xuống nước như một mũi tên vừa rời cây cung, rồi lộn trở về đậu vào chỗ cũ, hai cánh xòe ra phơi gió. Trên làn nước gần như bất động, những con kéo vó lênh khênh nhẹ nhàng trượt qua trượt lại trong một điệu vũ khó hiểu” (1).


Tôi cũng có một “Miền Thơ Ấu” đầy ắp kỷ niệm với những tinh mơ kéo te kéo tép, thả chũm bắt lươn, những phút hồi hộp đè chặt miệng nơm giữ con cá quẫy, những khi rúc vào đụn rơm trên nóc chuồng bò chơi trốn tìm mà không hề biết ngứa …., nhưng trong những ngày bị giam cầm ở B14 có lẽ nỗi khắc khoải đọa đầy tôi đã không thể bằng Vũ Thư Hiên. Bởi vì, đối với ông:

“Tôi bao giờ cũng nhớ về tuổi thơ của mình với tất cả niềm thương yêu dịu dàng, bởi vì tuổi thơ của ai cũng vậy nó chứa đựng những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thế cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp lánh và gió bao giờ cũng ngát hương. Nơi miền đất tuổi thơ, mỗi đám mây bay ngang cũng gợi ta hình dung ra những xứ xở xa xôi từ đó nó bay đến, mặt trăng rằm nào cũng bắt ta phải ngắm nhìn để tìm ra bóng dáng cây đa với chú Cuội cổ tích, thậm chí một con chuồn chuồn ngô cũng có phép màu làm cho ta biết bơi” (1).

“Miền Thơ Ấu” của Vũ Thư Hiên đầy chim, và ông rất yêu chim:

“Trong các giống chim gần người tôi thích chim ri hơn cả. Con chim bé bỏng với bộ lông màu gụ và cái mỏ sừng mập mạp nếu được nuôi từ lúc bé tí thì luyến chủ vô cùng. Nó không rời tôi nửa bước. Khi lớn hơn, đã có thể tự kiếm ăn, thì nó cũng bay xa, nhưng chỉ cần gọi "tơri, tơri.i.i..." là nó đã tự đâu xà xuống trước mặt. So với sẻ và các loại sáo, chim ri thông minh hơn. Ấy là tôi nghĩ thế, chứ giữa loài chim với nhau tiêu chuẩn thông minh chắc phải khác. Một con chim bỏ loài để theo người hẳn bị chúng chim coi là xuẩn ngốc” (2).

Chim ri

Cái tình yêu ngây dại ấy đã có lúc khiến ông uớc được làm tù phát vãng của Nga Hoàng:

“Chao ôi, giá mấy thằng cha độc tài ở nước tôi có được cái đức độ của Sa hoàng thì may biết mấy! Chúng tôi sẽ được phát vãng như những nhà cách mạng Nga lên một vùng rừng núi nào đó, kiểu Sibir hoang vu, chứ không phải nằm mốc ra ở đây. Trong cuộc sống phát vãng đáng mơ ước đó tôi sẽ buộc tổ sáo trên những cành xoan, hoặc của bất cứ cây gì. Tôi sẽ nuôi những con sáo con mép vàng hoe bằng cào cào châu chấu và cơm nguội cho tới khi chúng khôn lớn” (2).

Nhưng, trong cái nhà tù nghiệt ngã của cộng sản Việt Nam, ông chỉ dám ước có một chú chuột nuôi làm bạn. Nhưng rồi, ông lại bắt được một chú cóc và “Ðành nuôi con cóc xấu xí kia vậy. Những ngày đầu nó còn lẩn tránh tôi, mỗi khi tôi tới gần là nó vội vã nhảy đi. Lâu dần rồi cu cậu cũng quen, không đến nỗi xa lánh tôi như trước. Thậm chí thỉnh thoảng tôi có vuốt ve nó, nó vẫn ngồi im. Người ta nói khi đụng vào cóc, da nó sẽ tiết ra một loại mủ độc, chạm vào thì bị lở loét. Con cóc của tôi chẳng tiết ra chất gì hết. Chắc nó không muốn hại tôi. Quen thêm chút nữa, tôi đặt nó vào lòng bàn tay rồi đưa lên tận mắt ngắm nghía. Nó cũng mặc. Chỉ tiếc nó không biết nói, tôi có nói gì nó cũng không thèm đáp, chỉ giương đôi mắt thao láo ra nhìn lại” (2).

Ông đặt tên chú cóc là Arlequin. Ngày ngày ông rắc nước đường nhử kiến vào nuôi cóc. Thế mà rồi cóc cũng trốn đi tìm tự do, bỏ lại mình ông “Trong xà lim vắng lặng hẳn. Cứ như thể Arlequin còn đó thì xà lim không vắng vẻ đến thế. Tôi cảm thấy hụt hẫng. Không còn nữa tiếng sột sạt khe khẽ khi Arlequin di chuyển trên nền xi măng, chỉ có thể nghe thấy được nếu rất chú ý. Không còn cái bóng nhỏ lui cui lúc chỗ này lúc chỗ kia trong cái cũi người nay còn lại mình tôi” (2).
Sống trong no đủ nhưng Arlequin vẫn quyết dứt áo ra đi. Nằm một mình, Vũ Thư Hiên triết lý:

“Tôi nghĩ tới Lênin và hiểu rằng ông đã sai biết bao nhiêu khi đặt tự do nằm trong phạm trù ý thức. Bằng sự ra đi của nó Arlequin chứng minh điều ngược lại: tự do nằm trong phạm trù bản năng” (2).

Ông bị giam đằng đẵng chín năm trời trong hoàn cảnh như thế. Một viên chấp pháp đã từng cảnh báo ông: “Anh bảo anh không sợ chết. Thế thì tôi phải nói để anh biết rằng có những cái còn đáng sợ hơn cái chết, ở đây lâu rồi anh khắc biết". Câu này tôi nhớ mãi. Càng ngẫm càng thấy anh ta có lý. “Cái đáng sợ hơn cái chết mà anh ta muốn nói là sự ở tù vì tội chính trị. Anh cứ việc nằm xà lim dài dài, mà không bao giờ biết được ngày về. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, cũng như nhà cầm quyền ở bất cứ quốc gia cộng sản nào khác, rất khoái áp dụng cái chết từ từ cho các đối thủ chính trị. Người ta tuyên bố không một chút ngượng ngập rằng chuyên chính vô sản là thể chế không cần tới pháp luật. Trong thể chế này mỗi công dân là một người tù dự khuyết. Sinh mạng anh ta nằm gọn trong tay đảng cầm quyền. Cho tới nay, chưa có một thống kê nào đáng tin cậy về số người bị chết mòn mỏi trong nhà tù tại các quốc gia được gọi là xã hội chủ nghĩa” (1).

“Những người bị giam ở đây, bên cạnh xà lim tôi, thường đã qua thời kỳ hỏi cung (thẩm vấn). Họ yên tâm nằm chờ, tháng này qua tháng khác, mà cũng có thể năm này qua năm khác, nhưng họ có cái để mà chờ: đó là ngày chắc chắn sẽ được ra tòa lĩnh án. Chúng tôi, những người một thời là người của Đảng (viết hoa), được Đảng đưa vào đây để giáo dục (!), trong một vụ án được coi là để trong nội bộ Đảng chứ không đưa ra trước pháp luật thì cứ nằm chết đấy cho tới ngày được Đảng "giải quyết".

Không một ai có thể biết được bao giờ cái ngày ấy sẽ tới, và Đảng sẽ "giải quyết" vụ án của chúng tôi bằng cách nào cũng là điều không ai có thể đoán ra” (1).

Ký ức tuổi thơ Vũ Thư Hiên trỗi dậy không chỉ có bắt chim, nuôi chim, mò tôm, câu cá mà còn âm vang tiêng chuông lồng lộng trong những sớm tinh khôi lao xao tiếng người khỏa chân giếng nước trước khi bước lên thềm cao nhà thờ.

“Tôi thích những buổi lễ sớm ấy, khi trong bóng đêm đang nhạt dần, con đường trước cổng nhà tôi bỗng nườm nượp bóng người và vang lên những lời chào hỏi niềm nở. Vào giờ ấy, thật đáng tiếc là chỉ vào giờ ấy, làng tôi bỗng trở thành một gia đình. Mọi người đều bộc lộ lòng yêu thương đối với nhau, và trong thâm tâm có dễ người ta chỉ mong cho nhau sự tốt lành. Chuông nhà thờ đổ hồi, vang vang, xua đuổi những mảng đêm cuối cùng còn cố thủ trong những ngõ hẻm, những tán lá rậm, những bụi cây thấp um tùm đầy gai góc. Nghe chuông gọi, ánh ban mai nhợt nhạt bay lên từ phương Đông, tô xanh dần bầu trời mỗi phút một mất đi màu tím. Những vì sao muộn chìm vào trong ánh sáng của một ngày mới. Trước gác chuông cao lồng lộng, những người đi lễ rẽ xuống những bậc đá rộng thênh thang dẫn tới mặt nước còn u tối của cái ao nhỏ để khỏa chân cho sạch trước khi bước vào ngôi nhà của Chúa. Mặt nước âm thầm nuốt chửng những bóng đen đi xuống với nó rồi lại nhả ra cho con đường lát gạch đang sáng dần lên dưới gác chuông. Bước mấy bậc lên thềm cao của nhà thờ, tôi thành kính khuỵu gối, đưa tay lên làm dấu. Bên mỗi cửa vào có một bông hoa đá trong đựng nước mát, có dễ là nước mưa, gọi là nước thánh. Nhúng mấy đầu ngón tay chụm lại vào đó, tôi đưa mấy ngón tay ướt lên trán, làm dấu lần nữa rồi bước theo cô tôi vào bên trong ngôi nhà của Chúa ở đó đàn chiên của Người đang rì rầm cầu nguyện” (1).

Sống trong một xứ đạo toàn tòng, một gia đình ngoan đạo, đã từng “thành kính khuỵu gối, đưa tay lên làm dấu” nhưng không biết tư tưởng Mác đã len lỏi từ đâu mà xúi bẩy cậu bé Vũ Thư Hiên có lần dám vung tay đập vỡ tượng Đức Bà.

Năm 1949 Vũ Thư Hiên đi bộ đội, rồi theo cha làm cộng sản.

Tôi không đồng ý khi Vũ Thư Hiên bảo “Đêm Giữa Ban Ngày” là “Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị”. Vũ Thư Hiên làm chính trị từ huyết thống, nói khác, có gien làm chính trị.

Làm chính trị cần thiết lắm chứ. Vinh quang lắm chứ.

Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị. Dấn thân vào chính trị là chuyên tâm để tạo được lợi ích chung cho mọi công dân trong cộng đồng. Khổng Tử bảo: “Chính trị là làm mọi việc cho ngay thẳng … Nước mà có chính trị hay thì dù hèn yếu nhưng sau sẽ hùng cường. Nước có chính trị dở thì dù lớn nhưng rồi sẽ suy vong”.

Thuở nhỏ Vũ Thư Hiên từng làm chính trị không tự giác khi đi đưa thư bí mật của thân phụ Vũ Đình Huỳnh cho các nhà cách mạng cộng sản. Sau này dù, có thể là tự phát, nhưng chính là VTH đã làm chính trị thật quang minh ngay từ khi cho in truyện ngắn “Ðêm Mất Ngủ” trên báo Văn Nghệ vào năm 1961 để bị Tố Hữu vạch mặt chỉ tên cùng Nguyên Ngọc và Ngô Ngọc Bội là những tên xét lại hiện đại trong văn học qua bài: "Giương cao ngọn cờ tính Ðảng, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ". Sau đó là kịch bản “Ðêm Cuối Cùng Ngày Ðầu Tiên” và truyện ngắn “Ðêm Mùa Xuân” làm cho tập truyện ngắn cùng tên (Nhà xuất bản Lao động, 1963) bị thu hồi.

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị thì lớn tiếng: "Vũ Thư Hiên đã phất cao ngọn cờ ấn tượng chủ nghĩa nhằm chống lại đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa của Ðảng"!

Trong lớp học nghị quyết 9, tổ chức cho các trí thức công tác trong các cơ quan văn hóa, Vũ Thư Hiên đã từng báng bổ cái luận điểm được xem là sáng tạo của ĐCSVN khi bảo rằng: Ở các nước không có giai cấp vô sản hoặc giai cấp vô sản chưa hình thành cũng có thể thành lập chính đảng mác-xít lê-nin-nít”.

Ông còn chế diễu:

“Ðồng chí Lênin có nói: trong mọi cách chứng minh, chứng minh bằng toán học là con đường ngắn nhất. Tôi xin phép được dùng cách hoán vị trong toán học để các đồng chí thấy vì sao tôi thắc mắc. Như vậy, khi giai cấp vô sản không có, tức là nó không hiện hữu, tôi hoàn toàn có thể hoán vị nó bằng một ký hiệu toán học biểu thị sự không có là số không.

Khi con số không được thay vào cụm từ giai cấp vô sản thì định nghĩa của Lênin trở thành rất quái dị: Ðảng cộng sản là chính đảng của 0 (con số không)" (2).

Tuy nhiên, có thể chứng giám rằng Vũ Thư Hiên chỉ trình bầy nhãn quan chính trị chứ không/chưa làm tổ chức chính trị. Điều này thì không chỉ quốc tế mà ngay cả Hiến pháp Việt Nam cũng không xem là có tội. Vậy mà người ta đã ngang nhiên bỏ tù ông suốt 9 năm (1967 – 1986).

Thủ phạm tội ác tày trời này là tập đoàn Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Song, vì không muốn “xử sự không xứng với tư cách trí thức”, ông chỉ có thể tỏ biểu đồng tình với bạn tù để trút nỗi căm uất của mình:

“Chúng tôi mỗi ngày một thô lỗ thêm cùng với thời gian bị nhốt. Một hôm tôi nghe tiếng Lưu Ðộng oang oang vang động cả một vùng:

- Cút mẹ mày đi! Ðừng có mang mấy thằng mất dạy nhà mày ra dọa tao. Bảo cho thằng Lê Ðức Thọ khốn kiếp của chúng mày biết, tao ỉa vào mồm nó! Cả cái thằng Lê Duẩn ăn cứt nữa! Tao nguyền rủa con đĩ ngựa đẻ ra nó. Tiên sư chúng mày! Tổ bố chúng mày!

Nghe Lưu Ðộng chửi thật đã con ráy! Tiếng Lưu Ðộng ồm ồm không lẫn với tiếng người khác được. Nền văn hóa làm cho con người bớt thật đi, bớt được là mình đi trong sự bộc lộ cảm xúc. Thỉnh thoảng phải được sống nguyên sơ, sống hoang dã như thế mới sướng. Tôi còn muốn nghe Lưu Ðộng chửi nữa, nhưng đang chửi ầm ầm anh bỗng im bặt. Cơn giận dữ bùng lên qua nhanh, anh thấy ngượng với mình, thấy mình xử sự không xứng với tư cách trí thức” (2).

Vũ Thư Hiên vạch mặt Lê Duẩn - Lê Đức Thọ:

“Hoàng Văn Hoan lầm to khi cho rằng Lê Duẩn theo Khrushov chống Mao, Lê Duẩn là xét lại. Trên thực tế, Lê Duẩn gần với Hoàng Văn Hoan hơn bất cứ ai trong ban lãnh đạo Ðảng thời kỳ đó. Cả hai đều là Tiểu Mao về tư tưởng. Cả hai cùng có chung một định hướng chính trị, một hình dung về thể chế xã hội, một cách cai trị. Họ không chơi được với nhau, không chung sống được với nhau, là do những cái khác. Hoàng Văn Hoan còn có trong mình nhân cách nhà nho, ông thích mô hình xã hội Mao vì cho rằng chỉ có nó mới bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của cách mạng vô sản, trong khi Lê Duẩn đã là người thực dụng của thời hiện đại, Lê Duẩn thích nó vì nó bảo đảm cho ông ta ngồi yên trên ghế độc tài. Những người biết Lê Duẩn nói rằng Hoàng Văn Hoan nhận xét chính xác về tính cách của Lê Duẩn. Theo Hoàng Văn Hoan, Lê Duẩn có tham vọng vô độ. Việc Lê Duẩn vội vã gạt Hồ Chí Minh ra khỏi quyền bính bộc lộ tham vọng này. Trong hành động Lê Duẩn là người duy lý, không thừa nhận tình nghĩa, không hợp tác được với ai mà không nghĩ tới chuyện hất cẳng họ. Lê Ðức Thọ có không trung thành với Lê Duẩn sau này cũng chỉ là sự đi trước đối thủ một bước mà thôi. Chuyện màu sắc chính trị của Lê Duẩn thay đổi như da tắc kè nhông lại là chuyện khác, nó thuộc về tính lá mặt lá trái của Lê Duẩn” (2).

“Lê Duẩn đặc biệt không ưa Dương Bạch Mai. Theo nhận định của những người từ Nam bộ ra Bắc tập kết thì sự không ưa này không phải vì nguyên do chính trị. Cái chính là Lê Duẩn biết mình chẳng bao giờ có được cái mà Dương Bạch Mai có - sự nổi tiếng với tư cách một thủ lĩnh có trí tuệ. Dương Bạch Mai nói về Lê Duẩn: "Cháu để ý tới cái thằng cha ấy làm chi! Tâm trí bậc nam nhi là để cho sự nghiệp, thằng này thời chỉ lo kiếm chác vinh quang và quyền lực, lúc nào cũng nơm nớp sợ người khác hơn mình. Sự nghiệp và vinh quang là hai thứ khác nhau, như ngôi nhà với nước vôi phủ bên ngoài nó, cháu à!" (2).

Vũ Thư Hiên kể về Dương Bạch Mai và cái chết đầy nghi vấn của ông:

“Dương Bạch Mai, con hổ dữ chống lại đường lối thân Trung Quốc đột tử khi ông đang dự cuộc họp Quốc Hội tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vào lúc giải lao, các đại biểu kéo nhau đi uống bia ở bar, ông Mai thết trước các bạn một chầu bia mừng sinh nhật ông hôm sau. Ông ngã xuống, ly bia chưa cạn. Khi xe cấp cứu đến, bác sĩ Tôn Thất Tùng định nhảy lên cùng đi tới bệnh viện thì hai thanh niên lực lưỡng áp sát ông: "Mời bác sĩ quay lại tiếp tục cuộc họp Quốc Hội, việc nước quan trọng hơn". Chiếc xe cấp cứu phóng đi trước khi Tôn Thất Tùng hiểu chuyện gì xảy ra với ông, hai thanh niên kia là ai và tại sao họ lại ngăn cản ông đi cùng xe để săn sóc bạn ông?

Cái chết của Dương Bạch Mai gợi nên một nghi vấn. Ông ngã xuống đúng vào lúc ông sắp sửa đọc một diễn văn nảy lửa chống lại đường lối xây dựng xã hội trại lính kiểu Mao Trạch-đông, đòi Ðảng phải cải thiện đời sống cho dân chúng, đòi thực hiện dân chủ trong nội bộ Ðảng, trong xã hội, và hàng loạt vấn đề khác. Bài diễn văn ông đút trong túi áo để đọc trước Quốc Hội biến mất. Nhà báo Thái Hồng, rất thân với Dương Bạch Mai, được đọc bản thảo diễn văn mấy hôm trước đó nói rằng đó là một tuyên ngôn cháy bỏng, hùng hồn và cực hay. Ðược tin ông Mai mất đột ngột, bà Mai từ giã các cháu học sinh miền Nam ở Thủy Nguyên về Hà Nội để làm ma cho chồng. Ngôi nhà của ông bà bị công an gác. Bà phải làm dữ mới vào được nhà mình. Trong nhà đồ đạc bị lục soát tung tóe” (2).

“Dương Bạch Mai là một trong những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Ông cũng là một trí thức yêu nước của đất Nam bộ. Ông từng du học Pháp, gia nhập Ðảng cộng sản Pháp năm 1926. Trong cuộc nổi dậy mang tên Nam kỳ Khởi nghĩa ông được ủy ban khởi nghĩa dự kiến làm thủ tướng chính phủ cách mạng. Năm 1935 Dương Bạch Mai trúng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn trước sự bực bội của chính quyền thuộc địa. Dương Bạch Mai cũng là một trong những nhân vật chủ chốt của tờ La Lutte, tờ báo cách mạng đầu tiên có sự bắt tay giữa những người cộng sản và những người tờ-rốt-kít thuộc nhóm các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch” (2).

Lê Duẩn - Lê Đức Thọ táng tận như vậy đã đành, nhưng còn “Bác Hồ” – người được xem là đã từng “đầu gối tay ấp” với cha con Vũ Thư Hiên?

Sao mà “Bác” lại có thể để cho người ta hành xử như thế này với người đã từng cúc cung tận tụy với mình cho được:

“Chúng nó đến, con có tưởng tượng được không, còn tệ hơn cả mật thám Pháp nữa kia. Tay bố to, còng không vừa, chúng nó cố ních khóa vào đến bật máu ra mà chúng nó vẫn cố khóa bằng được. Ðến khi biết không khóa nổi, chúng nó lấy thừng trói giật cánh khuỷu rồi điệu bố ra xe bịt bùng chở đi. Lúc chúng nó khám nhà, mẹ quẳng cái khung kính có giấy chứng nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhất của bố vào mặt chúng nó: "Các người khám kỹ cái này đi, xem ở mặt trái nó có gì?". Chúng nó xử sự, hừm, đúng như cụ Nguyễn Du tả: "Người nách thước, kẻ tay đao. Ðầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi..."(2)

“Trong lòng bà ông Hồ Chí Minh chết vào đêm cha tôi bị bắt”(2).

Vũ Thư Hiên thì bừng thức:

“Bây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta. Than ôi, lũ dân thường chúng ta làm gì có những giấc mơ như thế. Chúng ta chỉ mơ thấy cưỡi trâu, cưỡi bò, cưỡi ngựa. Sang lắm thì cưỡi bình bịch là cùng. Lẽ ra tôi phải hiểu sớm hơn mới phải: bác Hồ của tôi từ lúc đang phải sống lẩn lút để làm cách mạng đã ôm ấp mộng ước làm vua. Ông có chí lớn để thực hiện nó. Và ông đã thực hiện được.

Con người là vốn quý nhất, tôi từng nghe ông nói với mọi người trong lần gặp anh hùng La Văn Cầu ở Thác Dẫng, mùa thu năm 1950. Stalin cũng nói thế. Mao Trạch Đông cũng nói thế.

Mà đúng: con người chỉ là vốn thôi, để kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn, nó thôi là Người” (2).

Bổ túc cho nhận định trên là câu chuyện về Phó chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng:

“Vào thời kỳ có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối việc nhiều nhân vật cao cấp bị công an mật theo dõi không còn là chuyện lạ. Thậm chí các công an viên được phân công theo dõi đại tướng Võ Nguyên Giáp còn khoe với bè bạn công việc vinh quang của họ. Ðến nhà cách mạng cao niên rất mực hiền lành Tôn Ðức Thắng cũng không thoát khỏi con mắt cú vọ của Lê Ðức Thọ. Mà cụ đâu phải người thèm muốn chức quyền. Với đám con cháu, cụ Tôn bảo: "Tụi bay đừng có kêu tao bằng phó chủ tịch nước, nghe ngứa cái con ráy lắm! Người ta đặt đâu tao ngồi đó, chớ tao không màng cái chức chi hết". Ngoài việc dự các nghi lễ long trọng bắt buộc phải có mặt cụ, cụ không làm việc gì khác ngoài một việc cụ thích thú hơn cả là sửa xe đạp. Làm phó chủ tịch nước, ông thợ máy ngày trước buồn tay buồn chân. Hết xe đạp hỏng cho cụ chữa, anh em bộ đội bảo vệ và nhân viên phục vụ phải lấy xe của người nhà mang vào cho cụ kẻo ngồi không cụ buồn. Thương cụ quá, đôi khi họ còn làm cho xe trục trặc đi để dắt đến nhờ cụ sửa giùm. Một người bạn tôi quen thân với cụ Tôn, cha anh trước kia là đàn em cụ, kể rằng một hôm anh đến thăm cụ, vào thời gian Nghị quyết 9, thì cụ dắt anh vào phòng riêng thì thào: "Mầy có thấy lính kín theo mầy tới đây không mầy?" Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu: "Là tao lo cho tụi bây, chớ tao hổng lo cho tao. Trong nhà tao nè, lính kín hổng có thiếu" (2).

Tuy vậy, Vũ Thư Hiên vẫn “bênh” cụ Hồ:

“Tôi được đọc khá nhiều về Stalin, Mao Trạch-đông, Kim Nhật-thành, Ceaucescu... Mới thấy chúng ta còn may lắm - Hồ Chí Minh của ta hơn hẳn họ về lòng nhân ái. Nếu không phải ông mà là họ, chắc chắn tấn bi kịch xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã lớn hơn nhiều. Và riêng tôi, hẳn đã đi tù sớm hơn, hoặc đã chết trong tù, nếu như không bị bắn tắp lự. Tôi cho rằng sự biết ơn người có quyền giết mà không giết mình cũng là cái nên có trong lòng chúng ta” (2).

“Tôi cũng chẳng căm thù người đứng đầu cái nhà nước đang hành hạ tôi. Tôi biết, ông không phải là thủ phạm. Nói cách khác, không phải đầu vụ. Cũng không phải tôi muốn bào chữa cho ông Hồ. Khi ông đã kề đùi kề vế với Duẩn, với Thọ, thì mọi việc làm của họ ông đều có dự phần, vinh cũng như nhục. Nhưng tôi tin nhận xét của cha tôi - ông Hồ không phải người ác. Không hiểu sao ông lại làm ngơ để xảy ra vụ án thảm khốc này?” (2)

“Theo cha tôi nói lại thì ông Hồ cũng không chủ trương dùng bạo lực để thống nhất đất nước. Ông Hồ thật sự tin rằng sau hai năm đất nước bị chia cắt tạm thời sẽ có tổng tuyển cử và thắng lợi chắc chắn sẽ đến với những người cộng sản. Những ngày ở trong rừng Việt Bắc, cha tôi kể, mỗi khi sắp mở một chiến dịch ông Hồ trở nên bẳn gắt và hút thuốc lá luôn miệng, có khi thức trắng đêm. Ông hiểu rằng gắn liền với mỗi thắng lợi trên chiến trường là máu chiến sĩ, đồng bào phải đổ ra” (2).

Để chứng minh luận điểm “Hồ Chí Minh của ta hơn hẳn họ về lòng nhân ái”, Vũ Thư Hiên dẫn ra sự gớm ghiếc của Mao Trạch Đông:

“Mao muốn thế giới thấy dưới sự lãnh đạo của ông ta, trong một thời gian cực ngắn Trung Quốc sẽ vươn lên ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Chẳng hạn ông chủ trương trong vài năm Trung Quốc phải đạt được sản lượng gang vượt nước Anh. Ông hô hào, ông ra lệnh. Thế là từ năm 1958 trên đất nước bao la các lò luyện thép sân sau mọc lên như nấm. Nhà nhà luyện gang, người người luyện gang. Các hợp tác xã nông nghiệp không chú ý tới trồng lúa, trồng cao lương nữa, dồn sức vào luyện gang. Người ta phá tủ quần áo, chẻ bàn học, mang cả ban thờ ông bà ông vải ra đốt lò. Gang ra ùn ùn. Nhưng chẳng nền công nghiệp nào cần tới thứ gang ấy, chúng chẳng để làm gì.

Mấy anh bác học nhà quê trình lên Mao một con toán lập theo quy tắc tam suất: nếu một con chim sẻ một ngày ăn hết bằng này hạt thóc thì toàn bộ chim sẻ ở Trung Quốc một ngày sẽ ăn hết bao nhiêu, một năm sẽ ăn hết bao nhiêu? Hiện ra những con số khủng khiếp. Người cầm lái vĩ đại bèn hạ bút một nhát ra lệnh tiêu diệt bằng hết lũ chim ăn hại. Gần một tỷ dân đổ ra đồng, khua chiêng, gõ mõ, thúc trống, đập mẹt, đập thùng, đốt pháo... làm cho trăm họ chim chóc kinh hồn táng đởm bay tán loạn, bay mãi, bay mãi, không dám đáp xuống, không còn chỗ nào yên để đáp xuống, cho tới khi rã cánh thì rơi xuống mà chết, hoặc để bị đập chết. Tôi rùng mình khi nhìn thấy những bức ảnh chụp xác chim chồng chất cao như đống rạ trên họa báo Trung Quốc. Thiên nhiên lập tức cho Mao một cái tát trời giáng. Mất mùa. Sâu bệnh. Không còn chim để bắt sâu. Cùng với chim sẻ, mọi giống chim biến mất trên đại lục mênh mông. Nạn đói hoành hành” (2).

Nhiều người từ lâu đã nhìn thấy Mao Trạch Đông không chỉ ghê sợ đối với nhân dân Trung Quốc mà còn với nước ta. Vũ Thư Hiên kể:

“Vào năm 1961, từ lâu trước khi có nghị quyết 9, từ Bắc Kinh sư Thiện Chiếu viết thư về cho Trung ương: “Tôi muốn chắp cánh bay về phương Nam để cấp báo các đồng chí biết rằng chớ có tin Mao Trạch Đông. Nó là một con ác quỷ... ” Ông lập tức bị Hồ Chí Minh hốt hoảng triệu về nước. Ông về, sống lầm lũi một mình trong một căn phòng nhỏ được cấp theo tiêu chuẩn. Người ta cho ông một chỗ làm để không làm gì cả ở Uỷ ban Khoa học Xã hội, với chức danh chuyên viên triết học. Tết Ất Tỵ (1965), thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp tới thăm ông, hỏi ông sao Tết đến mà hương lạnh khói tàn, thì ông già Thiện Chiếu đi cuồng trong căn phòng hẹp mà kêu lên: “Còn vui chi mà nói chuyện Tết nhứt! Tết này ta tưởng nhớ tới Quang Trung! Tổ tiên đổ biết bao nhiêu xương máu mới đuổi quân xâm lược ra ngoài bờ cõi, nay con cháu rượu thịt rước chúng vào nhà, ta ăn Tết sao đang!” Thứ trưởng họ Hà thấy ông già ăn nói bặm trợn hãi quá, đặt vội quà Tết lên bàn, rông thẳng” (2).

Theo Vũ Thư Hiên thì tất cả tội lỗi của cuộc chiến tranh Nam - Bắc tương tàn đều chỉ do Lê Duẩn:

“Lê Duẩn không giấu giếm chê bai Hồ Chí Minh không dám chủ trương dùng bạo lực giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. "Bác còn do dự, chớ khi rời miền Nam tui đã chuẩn bị hết cả rồi. Với tui chỉ có uýnh thôi, uýnh cho tới thắng lợi cuối cùng" (2).

“Lê Duẩn, nhà lãnh đạo toàn quyền vào những năm đó, không cần suy nghĩ nhiều, chọn tư tưởng Mao và mô hình Trung Quốc làm nền tảng cho cách cai trị. Ðó là sự lựa chọn duy nhất có thể có đối với Lê Duẩn, sự lựa chọn bẩm sinh, thích hợp nhất. Có anh nhà quê ra tỉnh nào mà lại thích thú những sự phiền toái, những cái đòi hỏi phải động não trong đời sống thành thị. Vốn là một nhân viên bẻ ghi đường sắt trước khi trở thành nhà độc tài, Lê Duẩn tất nhiên muốn chỉ bằng một cú gạt là bắt được con tàu quốc gia chạy theo hướng mình muốn” (2).
*
Trong “Đêm Giữa Ban Ngày” còn một người rất hay được Vũ Thư Hiên nhắc đến là Hoàng Minh Chính:

“Cứ như sự giải thích của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Ðảng khóa VI (1986-1991) vào tháng 11.1991 thì từ đầu những năm 60 Ðảng đã phát hiện một nhóm chống Ðảng mà hạt nhân gồm ba người : Ðặng Kim Giang, Vũ Ðình Huỳnh, Hoàng Minh Chính; rằng nhóm này từ tháng 9 năm 1963 đã chủ trương phá hoại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, âm mưu truất bỏ Trung ương nhằm lập ra một Trung ương mới...

Ðể tăng thêm tính thuyết phục người ta dẫn đoạn trích lời khai của Hoàng Minh Chính: "Ngay từ khi mới thành lập, tổ này (tổ lãnh đạo 3 người) đã mang đầy đủ tính chất và nhiệm vụ của Ban chấp hành Trung ương tương lai" mà mục tiêu là "truất bỏ Trung ương đi, quyết định ra đường lối mới và bầu ra Trung ương mới để điều hành" (2).
Trong những ngày “chung lưng đấu cật” đấu tranh vì nền dân chủ đất nước tôi thường băn khoăn day dứt khi láng máng nghĩ điều này: “Không biết ông Hoàng Minh Chính có trách nhiệm gì trong cái oan khuất của vụ án “Xét lại Chống Đảng”?”.

Tôi vốn rất nể trọng ông Hoàng Minh Chính, không chỉ vì tuổi tác mà còn vì được biết, ở Việt Nam, ông là một trong những người đầu tiên đã đặt vấn đề xét lại chủ nghĩa Mác, xét lại chủ trương đường lối của ĐCSVN. Tôi cũng rất cảm phục cái khí tiết cương cường của ông. Tuy nhiên, giữa ông với tôi có một bất đồng sâu sắc.

Tôi cho rằng đấu tranh dân chủ trong môi trường chuyên chính vô sản vừa tàn bạo vừa hết sức lão luyện, tinh vi như ở Việt Nam thì cần kiên trì trường kỳ mai phục. Dù đã có tổ chức cũng vẫn phải biểu hiện như không. Chỉ công khai và đứng bật dậy (Đúng Bật Dậy) khi tổ chức đủ mạnh, lực lượng đủ đông. Trước mắt phải tập trung “Khai dân trí”, phải cải tạo nhận thức cho xã hội, trong đó có cả những đảng viên Cộng sản, cả những người lãnh đạo ĐCSVN. Nhiệm vụ này hết sức khó khăn vì bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản quá đồ sộ, quá chuyên nghiệp. Song, ta có cái thế là ta có lẽ phải, ta là chính nghĩa. Tôi tin rằng nếu theo đường lối ấy thì ngày nay ta đã có thể có tổ chức đủ mạnh rồi. Ông Hoàng Minh Chính thì ngược lại. Ông không quan tâm nhiều đến đấu tranh tư tưởng-lý luận mà rất hăng hái khích lệ cả những người công khai phất cờ, tuyên xưng lãnh tụ trong khi sát cánh cùng họ hầu như chưa có ai!

Dẫu sao, Hoàng Minh Chính cũng như Vũ Thư Hiên … đều là những bụi vàng quý giá góp phần đúc nên “Bông Hông Vàng” mơ ước trong tôi.

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại: (04) 35 534370
____________________
Ghi chú:
(1) Vũ Thư Hiên – “Miền Thơ Ấu”
(2) Vũ Thư Hiên – “Đêm Giữa Ban Ngày”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét