Nhãn

8 tháng 4, 2011

085. Vài nét về nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm

Nguyễn Hưng Quốc – VOA
Thi sĩ Hoàng Cầm, Hải Phòng (2002)
Nhân Văn – Giai Phẩm là một trong những hiện tượng nổi bật nhất trong sinh hoạt văn học và cả sinh hoạt chính trị ở miền Bắc vào nửa sau thập niên 1950.
Gọi là nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm thật ra chỉ là một cách nói cho tiện. Thực chất những người bị liệt vào Nhân Văn – Giai Phẩm đã tham gia tranh đấu chống độc tài không phải chỉ trên tạp chí Nhân Văn hoặc trên Giai Phẩm. Mầm mống của sự phản kháng xuất hiện rất sớm, ngay từ đầu năm 1955 và bài viết của họ được đăng tải trên nhiều cơ quan ngôn luận khác nhau, kể cả trên những tờ báo, những tạp chí nằm trong tay các tổ chức đảng.
Năm 1950, trong một cuộc Hội nghị văn công tổ chức tại Việt Bắc, Hoàng Cầm lúc ấy đang là đoàn trưởng Đoàn văn công quân đội khu Việt Bắc đã ngang nhiên tuyên bố: “Đảng không nên nhúng tay vào chuyên môn của nghệ thuật”. Sau năm 1954, về Hà Nội, Hoàng Cầm được cử làm đoàn trưởng đoàn kịch Tổng cục chính trị trong quân đội miền Bắc, vẫn tiếp tục tranh đấu đòi tự do cho văn nghệ sĩ. Thời gian này, bên cạnh ông xuất hiện một người nữa, cũng tài hoa và cũng quyết liệt như ông: Trần Dần. Cả hai người đều tâm đắc với nhau trong mục tiêu tranh đấu đòi đảng Cộng sản phải “trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội. Thủ tiêu mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. Thành lập trong quân đội một Chi hội văn nghệ trực thuộc Hội văn nghệ, không qua Cục Tuyên huấn và Tổng cục chính trị. Tóm lại là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật quân đội đối với họ” (1).
Yêu sách trên không được đáp ứng, Hoàng Cầm phản kháng bằng cách làm đơn xin ra khỏi quân đội, lột bỏ tất cả các chức vụ quan trọng và hứa hẹn nhiều vinh quang mà cộng sản dành cho ông.
Những biến động trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới càng làm cho Hoàng Cầm, Trần Dần và bạn bè của ông tin tưởng hơn đối với lý tưởng tranh đấu đầy chính nghĩa của mình. Trong các biến động ấy, đáng kể nhất là: sự kiện ngày 24.2.1956, tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Khrouchtchev đọc một bản báo cáo nẩy lửa vạch trần những tội ác tày trời của Staline, lên án cái bệnh sùng bái cá nhân rất mực nghiêm trọng và phổ biến trong các nước xã hội chủ nghĩa; sự kiện ngày 26.5.1956, Lục Đỉnh Nhất, trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đọc báo cáo hô hào phát động chiến dịch “Trăm hoa đua nở” với khẩu hiệu “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh”; sự kiện dân chúng nổi dậy chống chính quyền tại Ba Lan và tại Hung Gia Lợi…
Đầu năm 1956, lực lượng chống đối trong giới văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc phát triển mạnh, cực kỳ đông đảo, trong họ có nhiều người là những tài năng lỗi lạc. Về lý luận: Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang… Về thơ: Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Văn Cao… Về văn xuôi: Trần Duy, Thuỵ An, Như Mai, Hoàng Yến, Trần Dần… Về nhạc và hoạ: Nguyễn Văn Tý, Chu Ngọc, Sĩ Ngọc, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Nguyễn Sáng…
Những người trên tập trung trong hai cơ quan ngôn luận chính: một là Giai Phẩm, một loại tập san không định kỳ, hai là Nhân Văn, một tạp chí ra mỗi nửa tháng.
Số Giai phẩm đầu tiên được gọi là Giai phẩm mùa xuân phát hành đúng dịp Tết 1956 thực sự là một tiếng sét nổ trên vòm trời âm u tối sầm của Hà Nội. Hầu hết các bài viết đều tập trung phê phán gay gắt những sự khốn cùng trong xã hội, những hiện tượng mất dân chủ trầm trọng dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc. Trong bài Cái chổi quét rác rưởi, Phùng Quán ví xã hội chủ nghĩa giống như một đống rác khổng lồ, và ông, với tư cách là một nhà văn, sẽ nhận trách nhiệm dùng ngòi bút quét sạch hết đi những rác rưởi đó để đem lại sự sạch sẽ, sự trong lành cho mặt đất.
Trong Giai phẩm mùa xuân, bài viết làm cho cộng sản tức tối nhất là bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần. Dài hơn 300 câu, bài thơ vẽ lại khung cảnh miền Bắc bị cộng sản tiếp quản mới có hơn một năm mà đã u uất, tối tăm, cùng quẫn vô hạn. Dân chúng lũ lượt di cư vào Nam. Những người ở lại chịu đựng biết bao đau thương:
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ !
họ vẫn bảo chờ
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót…
Bài thơ cứ lặp đi lặp lại mãi một điệp khúc buồn rầu:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu. Trần Dần bị bắt giam. Phẫn uất, Trần Dần phản kháng một cách tuyệt vọng nhưng vô cùng quyết liệt: cứa cổ tự tử. May, bạn bè ông phát hiện kịp và cứu sống. Sau đó ông xin ra khỏi đảng.
Trong năm tháng cuối năm 1956, Trần Dần và các bạn hữu của ông tái bản Giai phẩm mùa xuân và ra tiếp ba số Giai Phẩm nữa: Giai phẩm mùa xuân tập 1 và 2, Giai phẩm mùa đông, đồng thời xuất bản tạp chí Nhân Văn do Phan Khôi đứng tên làm chủ nhiệm, Trần Duy làm tổng thư ký. Nhân Văn số 1 ra ngày 15.9.1956, đến số 6 ra ngày 30.11.1956 thì bị thu hồi và đóng cửa hẳn.
Như vậy, toàn bộ hoạt động của tạp chí Nhân Văn cũng như các Giai Phẩm chỉ diễn ra trong năm 1956. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cho đến nay, chưa bao giờ có một tạp chí hoặc một đặc san nào chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi mà lại khuấy động được dư luận, có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài như vậy.
Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, những người thuộc nhóm này, được sự đồng tình của Ban chấp hành Hội Nhà văn mới được thành lập đầu năm 1957, tiếp tục đăng bài trên báo Văn do Nguyễn Công Hoan, chủ tịch Hội Nhà văn làm chủ bút.(2)
***
Chú thích:
Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận của nhiều tác giả, nxb Sự Thật, Hà Nội, 1959, tr. 24.
Có thể đọc toàn bộ các số Nhân Văn và Giai Phẩm trên Talawas:
http://www.talawas.org/talaDB/talaDBFront.php?rb=08&von=80&bis=100&pg=1

Nội dung tranh đấu của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm

Phan Khôi tại Lễ kỷ niệm Lỗ Tấn ở Bắc Kinh năm 1956
Tất cả những bài viết của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm dưới hình thức lý luận, đều nhắm tới hai mục đích: thứ nhất là vạch trần những mặt trái xấu xa, độc hại của chủ nghĩa xã hội; thứ hai đòi hỏi văn nghệ phải độc lập với chính trị.
Trọng tâm của việc phê phán xã hội chủ nghĩa là vấn đề nhân quyền. Hoàng Cầm có hai câu thơ được coi như là tuyên ngôn của cả nhóm:
Dù sợi tóc còn cứa vào nhân phẩm
Tôi còn thét to dù khản tiếng khàn hơi.
Trần Dần viết truyện Lão rồng và Anh Cò Lấm để tố cáo những tội ác dã man của cộng sản trong phong trào cải cách ruộng đất. Lê Đạt viết Nhân câu chuyện mấy người tự tử để lên án chế độ cộng sản đã:
Đem bục công an
máy móc
đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
theo đúng luật đi đường Nhà nước.
Thanh Châu viết bài Mua hàng mậu dịch đăng trên tạp chí Nhân Văn số 4 để kết án phong cách quan liêu, cửa quyền, chà đạp lên dân chủ của bọn cán bộ cộng sản trong các hoạt động xã hội hàng ngày.
Chính tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng trong một xã hội tự xưng là của công nhân, của nông dân đã làm cho những người thuộc nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm căm hận và vùng dậy, bằng ngòi bút, đấu tranh. Trên báo Văn Nghệ số 10 ra tháng 3-1958, trong một bài báo buộc tội nhóm Nhân văn – Giai phẩm, Hồng Cương tóm lược nội dung những lời phê phán của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm như sau:
“Hoàng Cầm cho rằng trong chế độ ta con người bị chà đạp như“con ‘giun bị xéo quằn lên’. Hoàng Cầm viết: ‘Tôi đã khóc và suy nghĩ rất nhiều về giá trị con người’. Lê Đạt cũng nói chế độ ta ‘ngang nhiên xúc phạm con người’… Những người trong nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm không ngớt lời chửi rủa các chiến sĩ cách mạng, các đảng viên cách mạng là ‘ốc sên’, là ‘dây leo’, là ‘nịnh hót’, là ‘tĩnh vật’, là ‘thiếu tim thiếu óc’. Trắng trợn hơn cả là Trần Duy, Trần Duy đã gọi cán bộ của Đảng, của chính quyền là ‘sên óc không cánh mà bay cao’. Nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm đua nhau đả kích chế độ ta. Họ vu chế độ ta là cái ‘phủ chúa Trịnh’ làm hư hỏng hết cả nhân tài (Xem bài Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung). Họ bảo chế độ ta chỉ có thể chế tạo ra những loại ‘thi sĩ máy’ (Xem bài Thi sĩ máy của Châm Văn Biếm)”.
Đòi hỏi văn nghệ phải độc lập với chính trị, nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm xuất phát từ một thực tế: chính sự can thiệp quá nặng nề của chính trị mà nền văn học kháng chiến cũng như nền văn học xã hội chủ nghĩa bị còi cọc, khô héo, không những không phát triển được tài năng mà còn khiến cho những tài năng có sẵn dần dần bị thui chột đi. Phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu, quyển truyện vừa Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc cũng như cơ man những tác phẩm mà cộng sản tự hào huênh hoang chính là một nỗ lực vạch trần cái hiểm hoạ chính trị hoá văn nghệ của cộng sản. Học Phi, trên báo Văn Nghệ số 11 ra tháng 4 năm 1958, dẫn lại sự đả kích của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm đối với nền kịch nói xã hội chủ nghĩa: “Họ bảo kịch kháng chiến đều thẳng tuồn tuột như ruột ngựa, đều máy móc, công thức, giáo điều, đều là những sơ đồ chính trị dùng để minh hoạ chính sách hoặc những luận đề giai cấp đấu tranh. Họ chê bai sân khấu của chúng ta chưa có con người”.
Trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ đăng trên tạp chí Giai phẩm mùa thu tập 1, Phan Khôi vạch trần chính sách độc tài thô bạo của cộng sản trong việc lãnh đạo văn nghệ. Ông dẫn ra thật nhiều ví dụ cụ thể, trong đó có mấy chuyện hài hước đến đau xót:
“Tôi nhớ có một vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ ‘Người’ viết hoa. Lấy lẽ rằng chữ ‘Người’ viết hoa lâu nay chỉ dùng để xưng Hồ Chủ tịch thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ ‘Người’ không phải để xưng Hồ Chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như trong chiêm bao: chiêm bao thấy mình đang đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về Hoàng thượng mới phải dài, thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám xài những chữ không phải thuộc về Hoàng thượng. Nhưng may cho tôi, tôi tỉnh ra ngay là mình ngồi học trong phòng họp Hội văn nghệ”.
“Sáng hôm mồng một Tết âm lịch năm nay, ông Tố Hữu đến chơi trụ sở Hội văn nghệ. Giữa anh em đông, ông hỏi ý kiến tôi về tập Giai phẩm mùa xuân. Tôi nói trong đó chỉ có bài thơ của Trần Dần nói lôi thôi, có hơi không lợi, còn của Phùng Quán, của Lê Đạt, tôi thấy nói đúng đấy. ‘Chống công thức’, ‘Quét rác rưởi tư tưởng’ là việc chúng ta cần phải làm, có điều cái gì là công thức, cái gì là rác rưởi chẳng những nên bảo họ nói rõ ra, mà còn nên bảo họ viết trên trang báo rõ ra. Ông Tố Hữu nói một câu có đông anh em cùng nghe: ‘Giấy mực đâu mà phí để họ viết?’. Thế rồi tôi làm thinh. Tôi làm thinh nghĩa là tôi trả lời nhiều rồi, tôi tròn lắm rồi, tôi không dại dột đến nỗi đã thế rồi mà còn cứ nói nữa”…
Từ những câu chuyện cụ thể như trên, Phan Khôi khái quát thành một hiện tượng: hiện tượng đối lập giữa một bên là lãnh đạo văn nghệ và một bên là quần chúng văn nghệ. Lãnh đạo văn nghệ, với quyền lực trong tay, chăm chắm rình rập, uốn nắn, trấn áp quần chúng văn nghệ trong từng lời nói, từng dòng chữ, từng hành vi.
Đi xa hơn nữa, Phan Khôi đặt ra vấn đề tương quan giữa chính trị và văn nghệ. Ông khôn khéo chấp nhận nguyên tắc chung là văn nghệ phải phục vụ chính trị, tuy nhiên, nó phục vụ theo cái cách riêng, phù hợp với đặc trưng thẩm mỹ của nó. Ông phản đối việc đồng nhất văn nghệ với tuyên truyền. Ông viết: “Đành rằng văn nghệ phục vụ chính trị, cho nên chính trị phải lãnh đạo văn nghệ. Nhưng phải hỏi: chính trị nếu muốn đạt đến cái mục đích của nó thì cứ dùng những khẩu hiệu, biểu ngữ thông tri, chỉ thị không được hay sao, mà phải cần dùng đến văn nghệ? Trả lời cho thành thật, e chính trị phải vỗ vai văn nghệ mà nói rằng: “Sở dĩ tao tha thiết đến mày là tao muốn lợi dụng cái nghệ thuật của mày”. Đã cởi mở với nhau như thế rồi, văn nghệ đồng ý. Nhưng phần nghệ thuật này là phần của riêng văn nghệ, chính trị không bao biện được, nó phải đòi tự do trong phần ấy. Như thế, tưởng chính trị cũng không lấy lẽ gì mà không đồng ý. Hai bên đều có lợi, cái nguyên tắc ấy, ở ngày nay, nó thích dụng trong bất cứ một sự hợp tác nào”.
Lời đề nghị của Phan Khôi không những không được chấp thuận mà còn bị giới lãnh đạo văn nghệ của cộng sản chống đối dữ dội. Phan Khôi viết tiếp bài Ông Năm Chuột đăng trên báo Văn số 36 ngày 10.1.1958 ví cán bộ cao cấp cộng sản như một anh thợ bạc lưu manh, gian xảo. Cuối truyện, mượn lời của Năm Chuột, Phan Khôi nhấn mạnh tính chất độc lập của văn nghệ: “Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc cho tôi”.
Cùng quan điểm với Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang cũng lên tiếng phê phán: “Đường lối lãnh đạo văn nghệ của Trung ương Đảng hẹp hòi, gò bó. Cần phải sửa đổi đường lối ấy”. Trần Duy, trong bài Phấn đấu cho trăm hoa đua nở đăng trên tạp chí Nhân văn số 2, viết: “Sau khi gắn bó người nghệ sĩ chặt chẽ hơn với thực tế để lấy tài liệu xây dựng tác phẩm, giúp cho nghệ sĩ nắm được cái chủ yếu, giúp cho nghệ sĩ những cái bí quyết bắt được cái “thần” của cuộc sống, lãnh đạo, sau khi đã làm xong công việc ấy rồi, thì nên dừng lại ở đấy”.
Trong bài viết Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ đăng trên Giai phẩm mùa thu tập 1 và bài Văn nghệ và chính trị đăng trên Giai phẩm mùa đông, Trương Tửu một mặt, thừa nhận: “Đảng lãnh đạo văn nghệ là một tất yếu lịch sử”, nhưng mặt khác, lại đòi hỏi, Đảng “phải trả quyền điều khiển chuyên môn cho những người chuyên môn”.
Theo Trương Tửu, “lãnh đạo tốt là tuyệt đối không ngăn cản văn nghệ sĩ phát hiện sự thật một cách hoàn toàn tự do”. Văn nghệ sĩ phải “hoàn toàn theo sự suy nghĩ riêng, sở nguyện riêng, lương tâm riêng của bản thân họ. Họ hoàn toàn độc lập tác chiến, độc lập sáng tạo”, “họ chỉ tuân theo kỷ luật và chỉ thị của trái tim họ, của khối óc họ, của hiện thực xã hội mà họ phản ánh tuỳ theo trình độ nhận thức cá nhân của họ”.
Nghiên cứu lịch sử văn học trên thế giới, Trương Tửu rút ra kết luận: “Văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền”. Trương Tửu tuyên bố: “Văn nghệ sĩ yêu Đảng nhưng họ yêu sự thực hơn Đảng”. Rồi ông nhấn mạnh: “Vận mạng của văn nghệ dài hơn vận mạng của Đảng, dài hơn vận mạng của chế độ”.
Nói tóm lại, mục tiêu tranh đấu của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm không phải chỉ ở lý tưởng tranh đấu cao cả của họ cũng như không phải chỉ ở thái độ bất khuất và anh hùng của họ, trong hoàn cảnh thân cô thế cô, dám dùng ngòi bút chống lại cả một hệ thống quyền lực hung hãn, tàn bạo là chế độ cộng sản. Tầm vóc của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm còn được khẳng định ở khía cạnh thuần tuý văn chương. Không thể nghi ngờ được, vào khoảng thời gian từ năm 1954 đến hết năm 1957, họ, những người tham gia nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm là những tài năng ưu tú nhất ở miền Bắc. Phá đổ mọi khuôn sáo, vượt qua những giáo điều cứng nhắc về tư tưởng chính trị, đề cao vai trò của cảm xúc, dũng cảm nói thật, nói thẳng những gì mình ấp ủ, thơ và văn của họ là dòng chảy tiếp nối cái thượng lưu hào hùng của buổi đầu kháng chiến. Đóng góp của họ lớn: về nghệ thuật, là một phong cách trần trụi, gân guốc, khỏe khoắn; về nội dung, là một bức tranh sắc nét và trung thực của xã hội miền Bắc nồng nã, oi oi sắt máu. Nhiều tác phẩm của họ, dù bị chính quyền vùi dập, suốt mấy chục năm trời, vẫn âm vang trong trí nhớ người đọc. Nhiều câu thơ của Hoàng Cầm, của Trần Dần, của Phùng Quán tồn tại mãi như một thứ châm ngôn của thời đại. Tư tưởng của họ, đến nay, vẫn còn mới. Tất cả những nỗ lực được gọi là “đổi mới” tại Việt Nam cũng như tại các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới từ mấy năm nay thật ra vẫn chưa vượt qua những yêu sách của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm vào giữa thập niên 1950. Cũng đòi hỏi dân chủ. Và cũng đòi hỏi văn nghệ phải thoát ly ra khỏi sự lãnh đạo độc tài, thô bạo của chính trị.
Vừa có lý, vừa có tâm, vừa có tài, những người thuộc nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm đã tạo ra được một ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng trong giới văn nghệ sĩ miền Bắc thời ấy. Hơn một năm sau khi Nhân Văn – Giai Phẩm bị đóng cửa, nhà cầm quyền Hà Nội mới khởi sự tấn công, đàn áp khốc liệt nhóm Nhân văn – Giai phẩm: điều này chứng tỏ cái mà cộng sản sợ hãi nhất không phải là bản thân các hoạt động của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm mà chính là những ảnh hưởng nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm đã tạo được trong giới văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng miền Bắc. Trấn áp một cách muộn màng nhóm Nhân văn – Giai phẩm, thực chất ý đồ của cộng sản là qua đó, khủng bố tinh thần của những người có thiện cảm và đồng tình với lý tưởng tranh đấu của nhóm này.
***
Chú thích:
Có thể đọc toàn bộ các số Nhân Văn và Giai Phẩm trên Talawas.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét