Lời nói đầu của bọ: Chỉ vẻn vẹn 200 chữ, bài viết “Về sự sợ hãi” của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu không những đã chỉ trúng đích sự yếu kém đến tệ hại của bộ máy công quyền qua vụ xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, mà còn cho chúng ta một bài học lớn về phẩm cách người trí thức Việt. Như các trí thức có công khác, Ngô Bảo Châu đã được Đảng và Nhà nước ưu ái và quí trọng, lời ngợi khen đã ban, lợi lộc nhỏ to đã tặng. Nhưng anh cao và sang hơn nhiều trí thức Việt khác cùng được hưởng lộc như anh, thậm chí còn được nhiều hơn anh, ở chỗ anh đã không để cho “xôi chùa” làm ngọng miệng. Kịp thời phê phán thẳng thắn, chí lý chí tình để can gián bề trên trước mọi vấn nạn của Đất nước chính là tiếng nói của trung thần, của những người biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, chứ không phải khóm róm xiểm nịnh, lê lết ton hót hoặc “ngậm miệng ăn tiền”. Đó là thái độ sống của trí thức chân chính, bất chấp sự khó chịu của bề trên cùng với sự lu loa của đám u mê lũ gian thần sẵn sàng qui chụp đủ thứ mũ cả chính trị lẫn đạo đức. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, người dân thường còn như thế, huống hồ là trí thức.
Tiếp theo bài viết của Ngô Bảo Châu, bọ giới thiệu hai bài nữa của Huy Đức, nhà báo ở phía Nam và Hồ Bất Khuất, nhà báo ở phía Bắc. Họ là những người lớn lên dưới mái trường XHCN, và tất nhiên họ là những trung thần.
Chính trị, Tôn giáo và Cù Huy Hà Vũ
HUY ĐỨC
Chính quyền có thể là đã lo lắng về một đám đông có thể xuất hiện khi đưa tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ra tòa nên đã triển khai một lực lượng cảnh sát hùng hậu ngay trong ngày tòa xử.
Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.
Trong một nhà nước toàn trị, chính quyền có đủ quyền lực để làm bất cứ điều gì. Nhưng không phải cứ toàn trị thì không cần cân nhắc chính trị khi hành xử quyền hành vốn không bị ai giới hạn. Bức ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm trong phiên tòa diễn ra ngày 30-3-2007 mang tính biểu tượng có lẽ không kém bức ảnh tướng Loan dí súng vào đầu bắn một tù binh hồi Mậu Thân. Trong lần đến Mỹ, khi trả lời phỏng vấn đài CNN, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết giải thích, khi ấy linh mục Nguyễn Văn Lý đã lăng mạ tòa. Nghe nói ông Lý còn định đạp đổ cả vành móng ngựa.
Cũng như những phiên tòa cùng loại, thường thì chính quyền chỉ muốn nó diễn ra đúng kịch bản, chứ ít khi để nó diễn ra tự nhiên. Phiên tòa sẽ chính trị hơn, chính quyền sẽ được lợi hơn nếu hình ảnh cha Lý-thay vì dùng lý lẽ lại dùng những lời lẽ không thích hợp ở một nơi tôn nghiêm-được phát đi trên truyền thông đại chúng. Hôm đó, nếu như các nhà báo được vào phòng xử án thì họ sẽ phải ngồi sau lưng cha Lý và đã không thể chụp bức ảnh cha Lý bị bịt mồm. Vì quá cẩn thận để các nhà báo quan sát phiên xử qua truyền hình nên bức ảnh chụp gián tiếp đã trở thành một công cụ tố cáo mạnh hơn trăm nghìn bài báo khác.
Không chỉ với “các nhà dân chủ”, cách hành xử cứng nhắc trong vụ nhà thờ Tam Tòa hồi tháng 7-2009, cũng đã tự nhiên đặt chính quyền trước một xung đột với các giáo dân. Tháp chuông bị bom-một chứng tích chiến tranh có giá trị bảo tồn- và tài sản của nhà thờ là hai mối quan hệ khác nhau. Không chỉ có giáo hội, nhiều người dân từng nuôi giấu những người cộng sản cũng đã phải dở khóc dở cười khi nhà của họ được xếp vào hàng di tích-Họ không còn dễ dàng đem bán, đem sửa nhà mình.
Không phải con cái trở thành nhân vật lịch sử thì cha mẹ không còn được xoa đầu. Quyền hành chánh của nhà nước và quyền dân sự của các tổ chức công dân là hai phạm trù khác nhau. Nếu quyền về tài sản của tổ chức, công dân không được tôn trọng thì xung đột là điều không tránh khỏi. Giáo hội chắc chắn cũng nhận thức được sức thu hút của cái tháp chuông bị đánh bom để bảo tồn và khai thác sự quan tâm của du khách. Nếu như để cho họ quản lý di tích ấy theo luật Bảo tồn và xây lên bên cạnh một nhà thờ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thì không những nhà nước-giáo hội có thể hữu hảo với nhau mà bà con lương-giáo cũng không việc chi phải tiếng chì, tiếng bấc.
Xét từ góc độ lợi ích của chính quyền, vụ bắt bớ Cù Huy Hà Vũ mất nhiều hơn được. Nếu cứ để cho ông Vũ kiện cáo, phát biểu trên internet hoặc trên đài nước ngoài, thì dân chúng trong nước cũng chỉ quan sát rồi cười còn những người chống cộng ở bên ngoài cũng không biết lấy cớ gì mà chống. Bắt Cù Huy Hà Vũ, không những giúp ông ấy kiến tạo hình ảnh của một người hùng mà Chính quyền tự nhiên phải đối phó với sự chỉ trích của quốc tế, đối phó với những mối lo ở quốc nội, một cách nhọc công không cần thiết.
Điều đáng chú ý là công giáo đã khai thác không giấu diếm những sự kiện như thế này. Nhiều bloggers, nhiều “nhà dân chủ”, sau những ngày bị bắt, sau khi mãn hạn tù, đã theo đạo để tìm sự chở che của Chúa. Trên mạng cũng bắt đầu thấy hình ảnh bà Dương Hà xuất hiện ở nhà thờ. Giáo xứ Thái Hà còn tổ chức đốt nến cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ. Để người dân tự do tín ngưỡng và tôn giáo trở thành một lực lượng giúp kiến tạo nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ thêm an bình. Để tôn giáo trở thành một lực lượng chính trị thì hậu quả về lâu dài là không lường được.
Theo blog Chú Tư Ngố
SỰ ẤM Ớ ĐÁNG XẤU HỔ
Hồ Bất Khuất
Trong entry “Biến thảm họa thành cơ hội”, tôi đã đưa ra “kịch bản” lãng mạn nhất về vụ án TS Cù Huy Hà Vũ. Đương nhiên“kịch bản” này đã không thành hiện thực. Tôi không bực tức và ngạc nhiên lắm về điều này. Điều làm tôi thấy tủi hận nằm ở khía cạnh khác. Đó là sự ấm ớ về truyền thông tới mức lố bịch.
Vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ có sức hút đặc biệt
Những người giảng dạy về nguyên lý truyền thông thường nói một cách sinh động thế này:
Việc chó cắn người là một sự kiện bình thường, không có gì hấp dẫn. Còn nếu người cắn chó là một sự kiện đặc biệt, là tin tức rất có sức hấp dẫn.
Ở nước ta gần đây đã có nhiều phiên tòa xử một số người vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự. Nhưng đó cũng chỉ là những sự kiện “chó cắn người”. Còn vụ án TS Cù Huy Hà Vũ thuộc loại “người cắn chó” vì ông Vũ là con đẻ và con nuôi của hai thi sỹ nổi tiếng của nước ta là Huy Cận và Xuân Diệu. Bản thân ông Vũ lại là người giao du rộng, thân thiết với nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Có rất nhiều bức ảnh chụp ông Vũ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Người như vậy mà lại “chống lại Nhà nước, chống lại chính quyền” là điều rất đáng suy ngẫm. Vì vậy vụ án TS Vũ được nhiều người quan tâm là điều dễ hiểu.
Đáng ra toàn bộ vụ việc này và đặc biệt là phiên tòa xử ông Vũ phải được thông tin một cách rộng rãi, trung thực để mọi người suy ngẫm. Thế nhưng thực tế diễn ra ngược lại.
Ấm ớ đến lố bịch
Vụ án TS Cù Huy Hà Vũ bộc lộ khía cạnh lố bịch về truyền thông trong thế giới hiện đại. Tòa của ta, xử người của ta, giữa Thủ đô của nước ta, ấy thế mà tôi lại phải theo dõi thông tin qua báo chí nước ngoài. Theo như thông báo, phiên tòa diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 4/4/2011, nhưng vào lúc 10 giờ sáng, không thấy tờ báo mạng nào của ta tường thuật. Trong khi đó, vào lúc 9 giờ 26 phút, BBC đã có bài và có ảnh về quanh cảnh phiên tòa. Sau đó BBC liên tục cập nhật. Còn tất cả các báo chí của ta, đến chiều mới đồng loạt đưa tin ông Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù.
Điều đáng nói là ở chỗ cho đến lúc đó cũng không có tờ báo chính thống nào tường thuật trung thực, chi tiết về những gì đã diễn ra ở phiên tòa xử ông Vũ. Lại vẫn phải nhờ cậy đến báo chí nước ngoài mới biết được đôi điều.
Nếu căn cứ vào hai luồng thông tin thì thấy chúng mâu thuẫn nhau và không biết hiểu thế nào cho đúng. Có điều thông tin không chính thống cho thấy bức tranh toàn cảnh trung thực hơn, dễ hiểu hơn.
Theo Luật sư Trần Đình Triển và một số luật sư khác nữa thì phiên tòa xử ông Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011 vi phạm Luật tố tụng Hình sự ngay từ ban đầu và người vi phạm là Hội đồng xét xử. Ông Triển nói rất rõ ràng là Điều 214 Bộ luật Hình sự bị vi phạm nghiêm trọng. Chính Hội đồng xét xử mà lại vi phạm Luật thì còn gì để nói nữa?!
Coi chừng phản tác dụng!
Thật ra, việc ông Vũ bị phạt tù bao nhiêu năm không quan trọng. Cái quan trọng là phải hiểu vì sao ông ấy bị phạt tù. Theo thông tin chính thống thì ông Vũ bị phạt 7 năm tù về tội chống lại chế độ XHCN. Nhưng ông ấy chống như thế nào và tại sao ông ấy chống thì không được nói rõ ràng.
Cần phải hiểu rằng vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ là một cơ hội để nhận thức những vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc, như: Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là tuyên truyền chống chính quyền nhân dân? Làm thế nào để tăng uy tín quốc gia?… Đáng ra những vấn đề này phải được tranh tụng tại tòa, nhưng thật là buồn là ở phiên tòa vừa rồi không có phần tranh tụng vì các luật sư cho rằng Hội đồng xét xử đã vi phạm điều 214 Bộ Luật hình sự nên họ bỏ về. Còn ông Cù Huy Hà Vũ thì lại sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào. Trong tình thế như vậy mà tòa vẫn tuyên án thì thật không hiểu được mục đích của phiên tòa là gì. Ấy thế nhưng các phương tiện thông tin chính thống vẫn thông báo rất hùng hồn về việc ông Vũ bị bị phạt 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc. Phải chăng tòa và các phương tiện truyền thông đại chúng muốn biến ông Vũ thành “Mandela của Việt Nam ”?
Với cách xử án và thông tin như vừa qua, người ta không thấy ông Vũ phạm tội như thế nào, chỉ thấy ông hiên ngang chịu đựng mọi thứ người ta khoác lên đầu ông.
Những điều cay đắng đọng lại
Đọc những thông tin về vụ “Cù Huy Hà Vũ” trên báo chí chính thống, tôi có cảm giác các nhà báo của chúng ta không biết hành nghề (Mặc dù trên thực tế, chúng ta có nhiều nhà báo có trí tuệ, có bằng cấp, có kinh nghiệm và kỹ năng viết báo rất giỏi). Đó là điều cay đắng thứ nhất. Điều cay đắng thứ hai chính là ở trình độ, bản lĩnh của các quan tòa. Một vụ án quan trọng, đương nhiên phải cử những quan tòa giỏi ra để xét xử. Ấy vậy mà họ tỏ ra không hiểu biết pháp luật, hiểu biết đạo lý và thông lệ quốc tế. Điều cay đắng thứ ba là cách tổ chức phiên tòa và thái độ của các nhân viên an ninh. Việc ngăn đường, cấm đường, đánh người, bắt người có cần thiết không?
Những điều cay đắng trên dẫn đến điều cay đắng tiếp theo là chúng ta bị quốc tế phản đối, bị đặt vấn đề về nhân quyền, bị nghi ngờ về những cam kết. Giáo sư Ngô Bảo Châu rất có lý khi cho rằng: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.
lũ điên.
Trả lờiXóa