Nhãn

8 tháng 3, 2011

061. Sự tích tháp rùa hồ gươm

Tháp rùa Hồ Gươm nguyên là một ngôi mộ

(Tamnhin.net) - Tháp rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm là hình ảnh quá quen thuộc với người Việt Nam nhưng chắc không nhiều người biết rằng nguyên gốc tòa tháp này được xây lên với chức năng như một ngôi mộ.
Tháp Rùa là tên gọi nôm na của người dân để gọi ngọn tháp 3 tầng nằm trên gò Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Từ thời vua Lê Thánh Tông, trên gò Rùa đã có điếu đài làm nơi cho nhà Vua ra câu cá, ngâm vịnh thơ ca. Sang thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh lại dựng đình tả vọng trên đó. Song trước khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh đã cho phá bỏ tất cả những gì họ Trịnh dựng lên. Đình tả vọng vì thế cũng bị phá bỏ không thương tiếc. Rồi mấy chục năm binh hỏa, gò rùa chỉ nằm trơ giữa hồ Hoàn Kiếm.

Sau khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội, dân vùng quanh hồ Hoàn Kiếm xiêu tán cả. Bấy giờ, bá hộ Kim (Nguyễn Ngọc Kim) là người làm trung gian liên lạc giữa dân bản xứ với chính quyền thực dân. Y thấy gò Rùa nằm giữa hồ là một huyệt đất đẹp. Nghĩ rằng đó là huyệt có thể phát bá vương nên bá hộ Kim âm mưu đặt mộ cha mẹ mình vào đó.

Năm 1886, bá hộ Kim xin phép chính quyền thực dân và xây lên gò Rùa một tòa tháp 3 tầng. Ban đầu tòa tháp này mang tên là tháp bá hộ Kim.  Kiến trúc của nó là sự kết hợp hai nền kiến trúc đông tây. Hai tầng dưới trổ các cửa theo kiểu cửa vòm của nhà thờ phương tây. Còn tầng trên cùng lại làm mái kiểu truyền thống với đầu đao và lưỡng long trầu nhật. Đánh giá về tháp Rùa, từ điển Địa danh lịch sử Việt Nam (NXB Văn hóa thông tin, 1998) viết: tháp Rùa không có giá trị về mặt kiến trúc. Còn từ điển mở Wikipedia thì cho rằng đó là một sự kết hợp thất bại hai nền kiến trúc đông tây.


Tháp rùa xây xong, bá hộ Kim tổ chức khánh thành linh đình và đem cốt cha mình ra đặt vào đó. Chuyện đặt hài cốt cha mẹ bá hộ Kim cũng có nhiều câu chuyện li kỳ. Nhà văn Băng Sơn kể ra một câu chuyện trong một bài ký về hồ Gươm rằng: “ hôm táng, đêm tối nhá nhem, đám thợ sau khi hoàn thành công việc lẻn trở lại vứt cốt ông lão xuống hồ”. Còn cố giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng thì kể rằng: “ Bá Kim chờ đến đêm mới lẻn đem cốt bố ông ta ra tháp đặt. Có người rình ông ta vừa quay vào thì lập tức ra đào vứt đâu không ai biết”. (theo bài báo "Có nên đập bỏ tháp rùa" - đăng trên Tiền Phong cuối 2002).

Việc bá hộ Kim vì chơi với chính quyền thực dân mới dám ngang nhiên xây tháp đặt cốt cha mẹ giữa trung tâm đất Hà thành ngàn năm văn hiến đã có một kết cục theo đúng logic của văn hóa Việt. Đó là những thứ chỉ vì mục đích cá nhân thì không trường tồn được. Câu chuyện đó đã diễn ra từ hơn trăm năm trước. Còn giờ đây, tháp bá hộ Kim ngày nào đã được mang tên tháp Rùa và trở thành một điểm chiêm ngưỡng du lịch giữa lòng thủ đô.

Dưới con mắt nghệ thuật thì tháp Rùa không đẹp chút nào vì nó là một sự kết hợp vụng về. Nhưng những câu chuyện về kết cục của việc đặt cốt cha bá hộ Kim thì như một thang thuốc để người Hà thành đắp lành vết thương.

Vì bá hộ Kim được chính quyền thực dân bảo hộ nên người ta không thể đập phéng cái tháp đi được. Song từ những anh thợ nề trong câu chuyện của nhà văn Băng Sơn hay một người dân thường nào đó trong vùng đã bí mật vứt tro cốt bố bá hộ kim đi, đều thể hiện rằng mọi người dân Việt đều hiên ngang bất khuất. Không có chuyện một kẻ đi cúi đầu làm tay sai cho quân xâm lược lại có thể mơ đến ngôi vương đế của nước Việt Nam với truyền thống 4000 năm quật khởi.

Tiến Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét