Nhãn

7 tháng 6, 2012

404. Tham nhũng ODA - nỗi nhục quốc thể!


Trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ năm 2012, bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố dừng ¾ dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ các cơ quan, đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền khoảng 69 tỷ đồng (19,9 triệu Kroner Đan Mạch), chiếm 23%. Tuy điều này sẽ làm mất mặt các quan chức chủ nhà Việt Nam trong hội nghị (diễn ra từ hôm nay 4.4 đến ngày 6.6) và gây nên những băn khoăn của đại diện các nhà tài trợ, các nhà tài trợ song phương và đa phương… nhưng thực sự, đó lại là điều cảnh tỉnh rất cần thiết để Việt Nam mạnh tay chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA.

Đừng nói rằng tổng số tiền tài trợ của Đan Mạch là ít, số tiền nghi thất thoát là ít… so với những vụ việc tham nhũng vốn ODA trước đây như dự án đại lộ Đông Tây, khiến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên giám đốc ban quản lý dự án phải bị xử tù.
Số tiền tuy không lớn nhưng bản chất vụ việc, các hành vi vi phạm lại rất nghiêm trọng. Ví dụ như có dự án như dự án nghiên cứu "tác động của biến đổi khí hậu tới biến đổi sử đụng đất và thay đổi sinh kế ở đồng bằng sông Hồng", được cơ quan kiểm toán của Đan Mạch cho rằng tổng số tiền thâm hụt lên đến 1,3 triệu kroner Đan Mạch (tương đương 4,4 tỷ đồng). Trong đó có những khoản lên đến 900 triệu đồng được sử dụng mà không có chứng từ, hơn 1 tỷ đồng được chi cho 2 nhân viên làm kiểm kê, thu thập số liệu trong khi, các nhân viên này đã được trả lương…


Tại dự án "đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế xã hội miền Trung", số tiền chi sai mục đích lên tới 5,4 tỷ đồng. Trong đó có  2,1 tỷ đồng chi lương, thù lao cho nhiều người mà không rõ công việc cụ thể. Hay tại dự án "biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông Việt Nam", có khoản chi sai 860 triệu đồng làm học bổng cho con gái của điều phối viên dự án, do giám đốc dự án ký duyệt. Việc lợi dụng, tham nhũng tiền dự án là rõ ràng vì người nhận học bổng lại rời viện ngay sau khi đã học xong.

Thụy Điển, Đan Mạch… và một số nước EU khác khi hỗ trợ các dự án ODA cho Việt Nam thường chọn các dự án nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lớn cho nước nhận viện trợ. Ví dụ, trong lĩnh vực về cải thiện môi trường, giúp Việt Nam cân bằng, phát triền bền vững… các nước này thường dễ nhất trí với các đề xuất từ Việt Nam. Nhất là gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam ngày càng rõ rệt thì việc có thêm nguồn kinh phí vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại từ các nước hỗ trợ ODA như từ các nước Bắc Âu là rất đáng quý. Nhưng với tình trạng tham nhũng, tiêu cực như ở các dự án nêu trên, đây là một đòn làm giảm sút lòng tin nghiêm trọng từ phía các nhà tài trợ. Không những thể, nó còn gây nên sự giận dữ từ phía những người dân như ở Đan Mạch đòi hỏi hạn chế, thậm chí đóng cửa với các nguồn tài trợ ODA cho những nước để xảy ra tham nhũng, làm giảm hiệu quả vốn ODA -cũng là nguồn tiền được trích từ ngân sách do những người dân đóng thuế.

Không chỉ đến bây giờ, tình trạng tham nhũng vốn ODA mới được cảnh báo. Từ vụ việc xảy ra tại PMU18 thuộc bộ Giao thông vận tải cho đến vụ tham nhũng chấn động tại dự án đại lộ Đông Tây TP Hồ Chí Minh khiến Nhật Bản - một trong 3 đối tác cung cấp vốn ODA lớn nhất hàng năm cho Việt Nam đã phải ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian (nối lại vào tháng 3.2009). Nhưng kể từ đó đến nay, dường như không có những nỗ lực nào đáng kể để chấn chỉnh, quản ký chặt chẽ hơn nguồn vốn này. Và hậu quả để tiếp tục xảy ra các vụ khác như tình trạng gây thất thoát vốn ở 3 dự án trên đây đã cho thấy, hiệu quả công tác rà soát, chống tham nhũng trong sử dụng vốn ODA đã không đạt được như nhiều tuyên bố của cơ quan chức năng nhà nước sau vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ.

Đã có nhiều khuyến cáo từ phía các nhà tài trợ, nhiều kinh nghiệm về quản lý vốn ODA được nhiều chuyên gia, tổ chức giới thiệu cho Việt Nam như: thành lập cơ quan quản lý độc lập về vốn ODA, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiếm toán ngay khi các dự án đang triển khai chứ không chờ dự án kết thúc… nhưng tất cả những điều này thực tế được tiếp thu rất ít. Báo chí chỉ ghi nhận có một vài dự án do Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra khi đang triển khai và chấn chỉnh được ngay khi sai phạm mới xảy ra. Nhưng kết quả đạt được có thể nói là rất ít.

Đã có gần 30 tỷ USD từ nguồn vốn ODA chảy vào Việt Nam trong vòng 15 năm qua giúp thực hiện hàng ngàn dự án phát triển cơ sở hạ tầng: sân bay, cảng biển, hệ thống điện... giúp Việt Nam xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường, môi sinh… Nhưng, chỉ một phần rất nhỏ trong số đó là viện trợ không hoàn lại còn chủ yếu là tiền cho vay. Do đó, với nguy cơ tham nhũng trong việc sử dụng nguồn vốn này ngày một tăng, với mức độ tham nhũng nghiêm trọng trong khi các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí không được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, nó sẽ đe dọa việc giảm dần nguồn vốn này cho Việt Nam và khiến gánh nặng trả nợ ODA ngày càng lớn và phi lý cho các thế hệ sau.

Không biết tham nhũng là gì?

Trước tình hình dư luận đang xôn xao xung quanh sự kiện nghi tham nhũng khiến chính phủ Đan Mạch quyết định cắt tài trợ cho 3 dự án ở Việt Nam, đã có ngay sự thanh minh đồng loạt từ phía các quan chức dự án Việt Nam.

Hy vọng những lời thanh minh của họ là đúng sự thật, hoặc ít ra cũng góp phần "làm chìm" sự kiện mang tầm quốc tế này giữa lúc đất nước đang đứng trước mấy vụ tham nhũng quốc nội tầy đình có họ "Vina...". Nhưng có một chi tiết khiến dư luận khó đồng tình. Đó là bên cạnh những lời hay ý đẹp của các vị chức trách Việt Nam đều là một cách lập luận "dấu đầu hở đuôi" như thường lệ. Xin trích ra đây lời của một vị phó GĐ dự án nói: “Cán bộ khoa học hiện nay không thể sống bằng lương được, vì thế khi có dự án thì họ phải làm thêm thông qua các hợp đồng này. Bản thân tôi cũng nhận hai khoản, một là lương của viện, một là khoản “bù lương” mà phía Đan Mạch đã chấp thuận là 300 đôla/tháng, chứ không phải hai lương như kiểm toán nói” – theo BáoTT hôm nay 04/6/2012. 

Đáng chú ý là, vị phó GĐ này cũng là người có cô con gái “tình cờ” trúng tuyển học bổng của Đan Mạch đúng vào thời kỳ dự án đang vận hành, và việc này cũng bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan kiểm toán Đan Mạch.

Lời giải thích trên đây có nghĩa, lương không đủ sống là lý do để vị phó GĐ phải được "bù lương" bằng tiền lấy từ nguồn tài trợ dự án.

Có lẽ đây cũng là cách hiểu phổ biến trong giới công chức Việt Nam ngày nay(?). Đó là một hậu quả của cả quá trình lương không đủ sống kéo dài 1/2 thế kỷ, mà trong quá trình đó, tham nhũng đã được "thể chế hóa" dưới những quy định khác nhau cho phép các cơ quan công quyền, kể cả các viện nghiên cứu, được "làm ba lợi ích" hoặc được trích tỷ lệ % từ nguồn thu để bù vào lương.v.v. Rốt cuộc những quy định lúc đầu chỉ là tạm thời như những giải pháp tình huống thì giờ đây đã trở nên chính thức tạo cơ sở pháp lý cho công chức có quyền được "bù lương" vào đồng lương bao giờ cũng có "phần cứng" và "phần mềm"; và theo đó tất cả các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng có quyền "làm kinh tế tập thể" hoặc xè xẻn các nguồn công quỹCó lẽ không mấy nước nào trên thế giới mà người công chức lại được sử dụng quyền hạn, thời giờ và công sản để kiếm thêm thu nhập như thế. Đó chính là cái kẽ hở mà từ con kiến đến con voi đều có thể chui qua vừa khít! Suy cho cùng, đã là quan chức Việt Nam thì ít nhiều đều can dự vào vấn nạn tham nhũng dù vô tình hay cố ý. Và đó là môi trường mà "sờ đâu cũng thấy tham nhũng". 

Đối với người Việt Nam cách hiểu như ông phó GĐ có thể là bình thường. Nhưng với quốc tế, không thể có một chế độ lương công nhập nằng như vậy. Đây chính là một lỗi trong cái gọi là "lỗi hệ thống" mơ hồ lâu nay. Nó chỉ có thể được chỉnh sửa bởi chính những người đứng đầu hệ thống, trong đó một việc không thể trì hoãn là thiết lập một chế độ lương nghiêm chỉnh.
Điều mà vị phó GĐ đã "vô tư" nói ra trên đây có thể là bình thường trong điều kiện Việt Nam, nhưng  là điều mà các công tố viên tại các tòa án quốc tế thường khuyên kẻ phạm tội: Hãy đừng nói gì, vì những gì ông/bà nói ra sẽ có thể chống lại ông/bà!./.     


2 comments:


Đây là 1 thực tế ở VN cần được các cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể. Bình thường, nếu 1 dự án thuê người làm toàn thời gian thì ko có gì phải bàn cãi, vì sẽ có mức lương trả cho họ mà trong hợp đồng của dự án ghi rõ. Vấn đề là ko thể thuê 100% người ngoài được, vì như vậy thì gần như là thành lập 1 cơ quan mới.

Thông thường, dự án muốn hoạt động được phải cần cán bộ có chuyên môn, đang là công chức trong cơ quan đối tác với nhà tài trợ. Vậy tiền thù lao sẽ được trả thế nào? Nếu nói họ ăn lương nhà nước rồi, ko được lãnh tiền thù lao từ dự án, sẽ ko ai đồng ý làm. Vì dự án là 1 hoạt động mới, phải bỏ rất nhiều tâm huyết, chất xám, công tổ chức thực hiện, viết báo cáo v.v... vô số việc. Nếu ko có thù lao thêm, thì hóa ra anh có công khai phá cái mới cũng hưởng lương như khi anh ko phải làm thêm việc dự án. Nên nhớ là người CB làm dự án, thường vẫn đảm nhiệm các nhiệm vụ như cũ trong cơ quan. Vì ko thể tuyển người thêm để làm phần việc của anh làm DA, do cơ chế biên chế, và các tiêu chuẩn về chuyên môn khác.

Vì vậy, thực ra chỉ 1 số lãnh đạo có thêm tiền thù lao dự án, nhưng thực tế chỉ chịu trách nhiệm pháp lý qua việc ký hợp đồng với nhà tài trợ, là thêm ít việc thôi. Còn cán bộ dự án kiêm nhiệm, thì thật sự là hàng núi việc chất lên vai. Nhà tài trợ cũng hiểu điều này nên thường có khoản thù lao cho CB dự án. Với 200-300$/tháng thì ko thể gọi là lương được. Với khoản tiền này, thuê 1 chuyên gia (thực hiện chuyên môn đặc thù) làm toàn thời gian cho DA cũng ko bao giờ thuê được.

Cho nên, chính Bộ TC nên xem xét lại các quy định về tiền lương, tiền thù lao, trách nhiệm của người làm DA, làm sao cho hợp lý, để người CB làm DA có lãnh thù lao từ nhà tài trợ là điều hợp pháp.

Tham nhũng là anh hưởng tiền mà ko làm gì, hoặc ko tương xứng với công sức góp cho DA. Hoặc như trên, cho con hưởng học bổng từ DA sau đó bỏ cơ quan.



Bạn Góp lời đã nói lại đúng điều đã được nói rõ: "Đối với người Việt Nam cách hiểu như ông phó GĐ có thể là bình thường. Nhưng với quốc tế, không thể có một chế độ lương công nhập nhằng như vậy. Đây chính là một lỗi trong cái gọi là "lỗi hệ thống" mơ hồ lâu nay".

Tôi đã từng làm việc 5 năm cho một dự án của LHQ. Lương rất rõ ràng tách bạch: NPC (National Project Coordinator - Điều phối viên QG) làm việc toàn thời gian lãnh đủ lương bằng USD theo dòng tiền có sẵn của dự án, NPD (National Project Director - GĐ DA QG) kiêm nhiệm thì lãnh lương phía nhà nước (GĐ sở). Tất cả công việc liên quan cần làm đề có chi phí và được trả theo HĐ thuê cho các tổ chức, công ty... thực hiện.

Việc trả lương hay chi phí thuê làm việc (phải có sản phẩm được nghiệm thu) đều xác định ngay từ đầu trong qui định kinh phí của dự án, người điều hành bắt buộc phải tuân thủ khi sử dụng chi trả.

Khi bên kiểm toán độc lập đã phát hiện có sai lệch là họ so sánh với qui định của dự án đã được hai CP ký kết thỏa thuận.

Mọi cách hiểu khác hoặc biện hộ đã được tác giả nêu chính xác ở tiêu đề: "Không biết tham nhũng là gì?"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét