Thường Sơn - Tổng thống
Nguyễn Tấn Dũng? (Phần 2)
Gió đang xoay chiều
Mùa hè oi bức cùng hơi thở nóng hổi của đợt chỉnh đốn đảng vào
tháng 7/2012 đang phả vào gáy của các quan chức cao cấp. Gần một năm rưỡi sau Đại
hội Đảng lần thứ 11 hồi đầu năm 2011, Thủ đô Hà Nội lại một lần nữa được sưởi ấm
với những biến động tin đồn xuất hiện ngày càng dày đặc.
Một trong những tin
hành lang gây chú ý nhất có lẽ là khả năng có thể phải ra đi của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ, tức đầu năm 2013.
Tin đồn trên đã hiện hình cùng với một sự kiện nho nhỏ: Tô Linh
Hương – ái nữ 24 tuổi của Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng Tô Huy Rứa – đã từ
nhiệm chức vụ Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư
xây dựng Vinaconex chỉ sau hai tháng chấp nhiệm. Sự kiện này xảy ra vào những
ngày cuối tháng 6/2012, tức chỉ còn chưa đầy một tháng trước khi đợt chỉnh đốn
đảng được tiến hành.
Nhưng khác với loại tin đồn hành lang vào thời gian trước Đại hội
Đảng lần thứ 11, lần này cái ghế thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng có vẻ bị thách
thức nghiêm trọng bất thường. Cần nhớ lại rằng chỉ mới vào thời điểm cuối năm
2011, đầu năm 2012, đây vẫn là một địa chỉ mà người khác không thể lai vãng tới.
Như một quy luật, xu hướng chuyển biến nhân sự hầu như được tiếp
nối ngay sau những biến động tiêu cực về kinh tế và tài chính. Vào lần này,
khác hẳn với thời kỳ năm 2009 là lúc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước còn có thể
kiểm soát được huyết quản của cơ thể kinh tế và còn tích lũy được một gói kích
cầu 8 tỷ USD nhằm phục hồi các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản,
năm 2012 lại là hệ quả tất yếu của thời kỳ 2011 trượt dốc và đổ vỡ về hình ảnh
doanh nghiệp.
Vào quý 1/2011 vừa qua, tại Hà Nội đã không hiếm lời bàn tán về
khả năng Chính phủ phải cho in thêm tiền, thậm chí một phương án về đổi tiền
cũng được đặt ra. Một phần ba số doanh nghiệp lâm vào tình thế phá sản, nhưng số
còn lại vẫn hầu như không thể nào tiếp cận được “nguồn vốn vay giá rẻ” từ các
ngân hàng. Tất cả những nghịch lý như thế đã khiến cho bộ máy được gọi là “tân
chính phủ” – thành lập từ tháng 8/2011, trở nên chông chênh hơn bao giờ hết trước
áp lực dư luận xã hội và sức ép chính trị từ những phe phái khác ngay trong Bộ
Chính trị.
Hầu như khắp nơi trên đất nước, người ta xoáy vào một thực trạng
và dằn vặt hơn là xu thế chuyên quyền của người đứng đầu Chính phủ. Điều đáng nói là trong suốt một thời gian dài, đặc biệt từ
đầu năm 2011 đến nay, tính độc đoán của Nguyễn Tấn Dũng đã gần như chỉ phục vụ
cho một nhóm lợi ích có vai trò độc tôn: ngân hàng.
Blog Quan Làm Báo
Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu tháng 6/2012, cùng với làn sóng
tin đồn về thay đổi nhân sự có thể diễn ra ở Hà Nội, một blog mới và hết sức ấn
tượng cũng xuất hiện: Quan Làm Báo. Ngay từ “số ra” đầu tiên của blog này, người
được đã nhận ra một nét khác biệt rất lớn so với nhiều blog khác. Đó là lần đầu
tiên kể từ khi hiện diện tờ báo chui Người Sài Gòn vào năm 1998, rất nhiều tin tức nội bộ trong đảng và
chính quyền đã được công bố bởi Quan Làm Báo. Trong đó, vai trò và những ảnh
hưởng của thủ tướng gần như được gắn liền với hoạt động của những nhân vật được
coi là cận kề như Nguyễn Văn Hưởng – nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách về
an ninh; Bầu Kiên, tức Nguyễn Đức Kiên, một nhân vật đã không còn giữ vẻ thầm lặng
trong những lời dị nghị của giới đầu tư và tài chính Hà Nội, người đã mau chóng
biến thành một “bố già” trên gương mặt đương đại quốc gia. Gắn bó đầy hữu cơ với
Bầu Kiên lại là Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, người từng có
thời là trợ lý đắc lực cho Nguyễn Tấn Dũng, giờ đây đang phủ sóng toàn bộ khu vực
tín dụng quốc gia và siết chặt yết hầu tài chính đất nước…
Dường như cỗ xe cải cách nhân sự đang chuyển động gấp rút hơn.
Những phân tích và quan trọng hơn cả là những bằng chứng chi tiết đáng ngạc
nhiên được trưng ra bởi blog Quan Làm Báo về chiến dịch thao túng thanh khoản
và và thâu tóm ngân hàng – diễn ra từ giữa năm 2011 đến nay, đã trở nên một mắt
xích sống động nếu liên hệ với những động thái chính trị ở Hà Nội.
Câu hỏi cần đặt ra là những thông tin có tính đa diện của Quan
Làm Báo hay dư luận râm ran ở Thủ đô liệu có phản ánh trung thực đời sống chính
khách và hoạt động tài phiệt ở Việt Nam đương đại?
Một thực tế giản đơn mà hầu hết các giới chính yếu ở đất nước
này đều nhận ra là cho dù những dị nghị của
dư luận và blog Quan Làm Báo có bị coi là đồn thổi, vai trò cá nhân của Nguyễn
Tấn Dũng cũng đã in quá đậm dấu ấn về hành vi dung túng cho các nhóm lợi ích
bao cấp và ngân hàng. Bởi cho đến giờ, trong khi đang hiện diện những hậu quả ghê gớm
không thể phủ nhận về tình hình đình đốn của nền kinh tế, lượng doanh nghiệp
phá sản và kéo theo tỷ lệ thất nghiệp có thể không thua kém gì con số 25% của
Tây Ban Nha, tình cảnh phân hóa về thu nhập giàu nghèo giữa 5% có thu nhập cao
nhất với 5% thu nhập thấp nhất có thể đã lên đến 60-70 lần như hiện trạng nóng
bỏng ở Trung Quốc.., nhóm tài phiệt ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt chiến
dịch thôn tính đối thủ của họ.
Cũng cho đến giờ, đã có thể định hình một phát hiện có thể xem
là khủng khiếp: để tiến hành và đạt kết quả thâu tóm nhau lẫn thâu tóm doanh
nghiệp nằm trong tầm ngắm của mình, nhóm tài phiệt ngân
hàng, với sự hỗ trợ trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước, đã chấp nhận biến nền kinh
tế, doanh nghiệp và người lao động thành con tin của nó. Từ đầu năm 2011, bằng
vào sự “vận dụng linh hoạt và uyển chuyển” Nghị quyết 11 về thắt chặt chi tiêu
công và tín dụng, tiền mặt lưu thông trên hệ thống thị trường 2 (liên ngân
hàng) đã được Ngân hàng Nhà nước rút mạnh về. Thiếu trầm trọng tiền mặt, thị
trường 2 nhanh chóng rơi vào túng quẫn và vô hình trung đẩy lãi suất cho vay giữa
các ngân hàng lên trên 20%, thậm chí có thời điểm gần 30%. Tương ứng, thị trường
1 (dân cư và doanh nghiệp) cũng lâm vào tình trạng khốn quẫn khi không được
cung ứng đủ tiền để bù đắp cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tình hình trầm kha như thế kéo dài cho đến tận cuối quý 1/2012,
vào lúc mà nền kinh tế đã kiệt quệ, nhưng lại hoàn toàn tương phản với hình ảnh
những ngân hàng như Eximbank, Vietcombank, kể cả một ngân hàng nhỏ như Phương
Nam và lẽ dĩ nhiên không thể thiếu ngân hàng Bản Việt của con gái Nguyễn Tấn
Dũng, đã gia tăng đáng kể bản đồ bành trướng ngoài lãnh địa của chúng.
Ngã rẽ nào?
Hoạt động thâu tóm của giới tài phiệt ở Việt Nam không chỉ nhằm
mục đích kinh doanh và phát triển ảnh hưởng – như một hoạt động thường xuyên của
thế giới tư bản tài chính. Chủ đề xã hội học cần bàn là thâu tóm đã trở thành một
cái mốt của những kẻ lắm tiền nhưng vẫn cần nhiều tiền hơn, đồng thời chuyển
hóa tiền thành một thứ quyền lực cụ thể. Trong lịch sử cách đây không quá lâu,
người đời đã kết luận được nhiều bài học tiền – quyền như thế từ các tập đoàn
mafia ở nước Nga hậu Liên Xô – cái nôi sản sinh ra tầng lớp mafia người Việt đầu
tiên.
Rất có thể, chính sách
lấn sân không chỉ về tài chính mà cả sang lãnh địa chính trị của Nguyễn Tấn
Dũng và nhóm tài phiệt ngân hàng đã trở nên chủ quan và hãnh tiến đến mức khiến
cho chính ông và những tập đoàn của ông phải nhận lấy quá nhiều phản ứng quyết
liệt như ngày hôm nay. Lần đầu tiên kể từ lúc tại vị thủ tướng, sân sau của Nguyễn
Tấn Dũng đang trở thành nơi hỗn chiến giữa các niềm đam mê. Khác hẳn với nửa cuối
năm ngoái, giờ đây vị trí của Thủ tướng trong Bộ Chính trị gần như là một sự
tách rời giữa chính quyền với đảng.
Không có sự đồng nhất, cũng không còn được đồng thuận bởi phần lớn
nhân vật trong Bộ Chính trị, Nguyễn Tấn
Dũng dường như đang tự cô lập mình. Ở một chiều kích ngược lại, sự xích lại
gần nhau của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng
đã kéo theo một số nhân vật khác – vốn trước đây theo quan điểm “chiết trung”.
Hãy trở lại với Quan
Làm Báo. Dù chỉ là một trong vô số blog và còn sinh sau đẻ muộn, nhưng rất có
thể đây chính là một tín hiệu chính trị. Cả việc từ nhiệm của người con gái của
ủy viên Bộ Chính trị Tô Huy Rứa hay việc điều chuyển con trai của nguyên Tổng
Bí thư Nông Đức Mạnh cũng thế – cũng có thể coi là những tín hiệu bất thường
cho đợt chỉnh đốn đảng mà xu thế gần như tất yếu là tái sắp xếp về nhân sự. Những sự việc này lại
diễn ra chỉ sau ít ngày nổi lên scandal Dương Chí Dũng, người đã được Thủ tướng
ký quyết định bổ nhiệm và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng – một
người thân tín của Thủ tướng – bao che, khi Dũng bỏ trốn trước sự bất lực của toàn bộ ngành công an Việt Nam…
Điểm trùng hợp là cũng đã diễn ra một cuộc “chạy trốn” của Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thứ ba Quốc hội khóa XIII
vào tháng 6/2012. Trong khi tuyệt đại đa số đại biểu quốc hội nhất trí cao về
Luật Biển với chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa – một ý tưởng không in đậm dấu ấn
đề xuất của cá nhân Thủ tướng, thì Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “thu xếp” để Nguyễn Văn Bình không phải trả lời bất
cứ một câu hỏi chất vấn trực tiếp nào về những khuất tất trong hệ thống ngân
hàng.
Sự xuất hiện của Nguyễn Tấn Dũng cũng có vẻ thưa thớt hơn. Tiếng
nói của ông, một thời có sức nặng trong Bộ Chính trị, giờ đây lại trở nên xao
xuyến hơn bởi thói quen nói vo.
Dường như sự tương phản
trong một nhân vật – có thể được coi là có ngoại hình “chính khách” nhất trong
Bộ Chính trị Việt Nam – với tật nói vo thiếu tư duy đang biểu hiện rõ hơn.
Nếu ai đó dị đoan đôi chút vào mối liên hệ giữa sự thay đổi của
giọng nói với số phận của con người, thì hàng loạt hệ lụy có thể xảy đến với
Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự của ông trong những tháng tới. Hàng loạt nước cờ
gai góc mà ông đang phải buốt đầu tính toán, trước khi nghĩ đến vai trò tổng thống
đất nước của mình trong tương lai. Chẳng
hạn là sự an toàn theo đúng nghĩa đen đối với Nguyễn Thanh Phượng – con gái ông
ở Ngân hàng Bản Việt; cũng như thân phận của Nguyễn Thanh Nghị – con trai của
ông ở Bộ Xây dựng – làm sao có thể thoát được câu chuyện “hồi tố” như số phận
con trai Nông Đức Mạnh; hoặc khả năng tồn tại mà không bị lật đổ hay bị tiêu diệt
của nhóm tài phiệt ngân hàng, trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì mục tiêu thâu
tóm và bành trướng, đồng thời ngay trước mắt phải giải phóng khối hàng tồn kho
khổng lồ về vốn và bất động sản…
Nhưng quan yếu hơn cả là vấn đề của bản thân Nguyễn Tấn Dũng.
Nói một cách bóng gió, sự tồn tại của ông như thể đang giữa ngã ba đường, khi cả
hai ngả đường rẽ về Trung Quốc và Mỹ đều đã bị án ngữ bởi những vật cản tăng tiến
theo cấp số nhân.
Chẳng lẽ người từng xưng là “công bộc” chỉ còn cách quay trở về
với nhân dân?
© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012