Bạn tự cho là thuộc hạng nào theo cách xếp hạng trí thức của pác ĐTT? Tớ chẳng phải loại nào, đơn giản là làm gì có định nghĩa “trí thức” mà được “trí thức” công nhận?!
Trí thức mà cái gì cũng tốt, cũng cao siêu thì e có mấy người, chắc đa phần là các ông thánh. Tớ làm việc bằng suy nghĩ, tự thấy đủ kiến thức để phân biệt cái tốt cái xấu, tớ cố gắng từng ngày để hoàn thiện mình hơn, làm nhìu việc tốt hơn, cố tránh việc xấu... Có điều kiện tớ cũng sẵn sàng đóng góp cho sự tiến bộ của XH VN, cho dân chủ... Nhưng trước hết tớ phải vì vợ con và chính tớ đã... tớ nghĩ mỗi người chỉ cần đóng góp theo khả năng của mình.
CSVN thắng được Mỹ cũng là do lợi dụng được mọi tầng lớp nhân dân: từ bà mẹ đào hầm nuôi Việt Cộng, đến nhà tư sản chế độ cũ (CS gọi là tư sản yêu nước), đến các nhà trí thức VNCH (CS gọi là trí thức yêu nước)... thía hồi ấy có ai phân hạng rùi lại bắt họ phải thía này phải thía kia ko?
Giờ muốn đấu tranh cho Dân chủ thì phải tận dụng mọi nguồn lực, ko phân biệt này nọ mới chóng đến thành công, mỗi người trí thức đóng góp theo khả năng điều kiện của mỗi người đều đáng quí như nhau phải ko nhỉ? Vì thía thằng nào xếp tớ vào trí này trí nọ hay Chí Phèo trước mặt tớ là tớ VẢ VỠ MỒM.
Đào Tiến Thi - LẠI NÓI VỀ CHUYỆN CHỮ TÂM CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC
Nhân chủ đề TÀI và TÂM mà TS. Nguyễn Thị Từ Huy nêu ra (Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 21-1-2012 (28 Tết), tôi muốn góp thêm một chút. Trong bài của chị Từ Huy (T.H), chữ “tài” và chữ “tâm” thực tế không phải là “tài” và “tâm” nói chung mà là “tài” và “tâm” của người TRÍ THỨC. Còn bài này chỉ bàn về chữ TÂM của người trí thức mà thôi.
Nhân chị T.H nhắc đến bài thơ Bán Vàng của Nguyễn Duy, nên thay cho mở bài, tôi xin chép hầu quý độc giả một đoạn. (Tôi thuộc bài thơ này ngay khi nó đăng lần đầu ở báo Văn nghệ khoảng 1987 - 1988):
Tâm hồn ta là một khối vàng ròng
Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ
Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ
Mảnh này vì cha mẹ, em ta
Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu
Ta giàu lắm mà con ta đói lắm
Ta vương giả mà vợ ta lận đận
Cha mẹ ta trong lụt bão trắng trời
Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi
Để mặc kệ mái nhà xưa dột nát
Mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác
Mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao
Ta rất gần bể rộng với trời cao
Để xa cách những gì thân thuộc nhất
Nồi gạo hết lúc nào ta chả biết
Thăm thẳm nỗi lo, mắt vợ u sầu
Viên thuốc nào dành để lúc con đau
Vợ nằm đó xoay sở mần răng nhỉ?
Cơn hoạn nạn bỗng làm ta tĩnh trí
Ngọn gió tha hương lạnh toát da gà
Cái ác biến hình còn lởn vởn quanh ta
Tai ách đến bất thần không báo trước
Tờ giấy mong manh che trở làm sao được
Một câu thơ chống đỡ mấy mạng người…
Nhân vật trữ tình ở đây là một nhà thơ, tức là người trí thức. Anh ta tự nhận “Tâm hồn ta là một khối vàng ròng” nhưng mà rồi “Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ/Mảnh này vì cha mẹ, em ta…”
Thế mới biết cuộc mưu sinh nó ác lắm. Xuân Diệu cũng từng viết:
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
Bởi vậy, tuy tôi chia sẻ với nỗi bức xúc của chị T.H về lối sống thực dụng “sát sạt” của nhiều trí thức hiện nay, nhưng tôi vẫn nhìn ở sự thông cảm nhiều hơn.
Một ông giáo sư dù tài giỏi đến mấy thì cũng phải sống cuộc đời thường như tất cả mọi người, không phải là thánh. Cho nên, cái ông giáo sư mà chị T.H nói đến, theo tôi, cũng chưa chắc (chưa chắc thôi) đã là người xấu. Bởi vì tuy việc đọc nhận xét luận văn của ông có chế độ của nhà nước nhưng cái giá này quá bèo. Nếu đọc cho kĩ thì rõ ràng nó chẳng tương xứng tí nào. Cho nên theo lệ thường đã từ rất lâu rồi, bất cứ ai đưa đọc luận văn, dù luận văn cao học (thạc sỹ) hay nghiên cứu sinh (tiến sỹ) đều có khoản thù lao thêm cho thầy. Và tôi nghĩ thế cũng là chính đáng. Vấn đề là nhận thế nào cho phải chăng. Theo tôi, ông thầy không đòi hỏi, mà nếu trò có đưa nhiều thì nên trả bớt lại, nhất là với trò nghèo, và nhất là với trò nghèo mà lại giỏi. Càng không nên vì tiền nhiều tiền ít mà nhận xét sai lạc luận văn. Lương tâm là ở chỗ ấy, chứ không phải cứ nhận tiền là mất lương tâm. Tôi có mấy giáo sư dạy mình hồi làm thạc sỹ, sau này luôn động viên tôi đi làm tiếp tiến sỹ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi ngại đi. Có lần trong bàn tiệc có nhiều giáo sư bậc thầy, một giáo sư bảo tôi: “Nếu chú mày đi làm tiến sỹ, các thầy ở đây đều hết sức giúp đỡ, không ai lấy tiền của mày đâu”. Tôi nghĩ đó là một thái độ thành thực, sòng phẳng và tốt bụng. Tôi có một anh bạn là phó giáo sư ở một viện nghiên cứu nọ, một lần nhân đề cập chủ đề này, anh bảo: “Mình vẫn thường nhận tiền thù lao đọc phản biện. Nhận tiền thù lao này không những không xấu mà còn chính đáng. Còn ông nào không thích nhận thì tùy, thì cũng tốt thôi. Nhưng mình không chấp nhận có một ông nọ không nhận nhưng lại cầm phong bì đến cơ quan để bêu riếu người học trò đó trước mọi người”.
Đối với các bác sỹ, tầng lớp mà bây giờ dư luận xã hội hay chê trách, nhưng tôi không thấy họ xấu đến như thế. Lương họ còn thấp hơn cả lương giáo viên, việc thì lại vất vả hơn giáo viên. Và cũng chẳng dễ có việc làm thêm như giáo viên. Vậy thì lấy lý do gì để đòi hỏi quá nhiều ở họ? Lấy lý do gì để áp đặt vào họ cái gọi là Y ĐỨC, trong khi lại chẳng áp đặt những cái khác, cần thiết hơn, thực thi hơn, như QUAN ĐỨC, LẠI ĐỨC, CẢNH SÁT ĐỨC,… Mỗi lần đến bệnh viện, tuy cũng không ít những việc làm tôi bực mình, nhưng tôi thấy thương các thầy thuốc nhiều hơn là sự khó chịu. Hai mươi chín Tết năm ngoái, tôi đến bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội) để hỏi về tình trạng bệnh của vợ tôi (đang điều trị tại nhà), bác sỹ Đ.N.L vẫn rất chu đáo giải thích tình trạng bệnh của vợ tôi, hướng dẫn cách dùng thuốc, cách ăn uống hợp lý,… Và tôi thấy xung quanh các bác sỹ, các y tá vẫn làm việc tất bật như ngày thường (trong khi hầu hết các cơ quan đã nghỉ Tết), khiến tôi rất cảm động.
Trên kia là phần cảm thông của tôi. Cảm thông về những người làm khoa học nhưng đồng lương không đủ sống, vẫn phải lo toan kiếm sống bằng cách khác để con cái không đến nỗi tủi thân thua thiệt, nhưng chính họ lại chịu sự xét đoán cao hơn mọi người.
Tuy nhiên, tôi cũng xét đoán người trí thức khắt khe hơn TS. Nguyễn Thị Từ Huy ở chỗ khác. Cái TÂM của người trí thức theo tôi không thể chỉ trong ứng xử đời thường, trong những việc thuộc về VI MÔ như chị T.H nêu. Cái TÂM của người trí thức còn phải hướng tới những vấn đề VĨ MÔ, tức những vấn đề của đất nước, của nhân dân, và của thời đại nữa.
Theo tiêu chí đó, theo tôi hiện nay nước ta có 4 hạng trí thức:
1. Hạng đau đáu với vận mệnh đất nước và nhân dân. Xin lấy mấy câu của nhà văn Phạm Ngọc Luật viết về hạng trí thức này thay cho nhận xét của tôi: “Họ không mũ ni che tai. Không lạnh tanh máu cá. Không chép miệng triết lý vặt. Họ là những trí thức dấn thân. Họ nói và làm có thể không theo một khuôn phép thông lệ. Có thể nó đắng hơn mướp đắng, cay hơn ớt, xốc hơn mù tạt, nhưng không giả”.
Hạng thứ nhất này hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (không biết có nổi một phần nghìn hay không) và hiện nay đánh giá về họ có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thông thường, trong cộng đồng, họ bị chê là “hâm”, là “ngu”, là “điếc không sợ súng”, nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Trong thâm tâm sâu thẳm, mỗi công dân vẫn nhìn họ với thái độ kính phục (tuy rằng đa số chỉ “kính nhi viễn chi” mà thôi), cho nên theo tôi họ là linh hồn của đất nước, nhân dân nhìn vào họ để lấy chút niềm tin vào cuộc sống. Vì những hoạt động của họ là vì đất nước và nhân dân, cho nên mặc dù nhà cầm quyền nhiều khi không ưa họ nhưng có lẽ vẫn thấy sự có mặt của họ là cần thiết, nhất là trong một số vấn đề “nhạy cảm” mà nhà nước thì không tiện hiện diện. Thử hỏi nếu không có họ thì làm sao hồi năm 2010, Hội Địa lý Hoa Kỳ sửa tên địa danh Hoàng Sa, Trường Sa vốn lúc đầu mang tên Trung Quốc? Nếu không có họ thì làm sao mới đây tạp chí Nature và tạp chí Science tuyên bố không cho đăng bản đồ Biển Đông có hình lưỡi bò?
2. Hạng có quan tâm, có “biết cả”, cũng đau khổ, cũng bức xúc ít hoặc nhiều nhưng nhìn chung không động tay động chân một việc gì cho sự nghiệp chung cả. Lý lẽ của họ là “chả làm gì được đâu”, và họ quay sang giữ lấy sự an toàn và hạnh phúc cho riêng mình, không chấp nhận bất cứ thứ hệ lụy nào do “hành động cao cả” mang lại.
Hạng thứ hai này có lẽ là đông đảo nhất trong giới trí thức hiện nay. Điều đáng chú ý là họ còn lương tâm, thậm chí nhiều người rất tốt, nhưng họ chỉ dùng một nửa lương tâm thôi, tức là chỉ dành cho những việc thuộc phạm vi gia đình, anh em, bè bạn,... Tuy nhiên, ngay cả những đối tượng đó, sự tương trợ cũng chỉ khi nào nó không gây hệ lụy cho họ. Trong trường hợp một đồng nghiệp cùng đơn vị, cơ quan bị đánh, dù đúng mười mươi, nhưng nếu sếp quyết tâm đánh thì họ cũng không dám bảo vệ. Vì vậy, yêu nước thương dân đối với họ là khái niệm quá xa xỉ, không thể với tới, không dám với tới. Với cách định nghĩa tuyệt đối “trí thức là những người làm những việc không liên quan gì đến mình” thì thực chất họ cũng không còn là trí thức nữa, mà chỉ là công chức, viên chức thôi. Nhưng ngay cả với tư cách công chức, viên chức, thì họ cũng chỉ đáng ghi nhận ở bản chất lương thiện. Nhưng nếu người lương thiện xét một cách đầy đủ, không phải là người ngồi nhìn cái ác hoành hành thì họ cũng không hẳn là lương thiện nữa. Cho nên dễ thấy một điều trên cả xã hội hiện nay: người tốt thì còn nhiều nhưng việc tốt thì quá ít.
3. Hạng không quan tâm các vấn đề xã hội, chỉ mải làm ăn, rất giỏi thu vén lợi ích cá nhân. Nếu có ai nói đến những vấn đề “bức xúc”, “nhạy cảm” thì họ tránh ngay, bảo “quan tâm đến nó làm gì, nhức đầu lắm”. Thực ra bảo họ không quan tâm đến chính trị hay bảo họ “vô cảm” thì chỉ đúng một nửa. Họ có thể không biết ông chủ tịch nước bây giờ là ai, hay có biết thì chỉ biết cái tên là cùng, chứ chẳng biết con người, học vấn, đạo đức, xu hướng tư tưởng,… của vị nguyên thủ quốc gia của mình thế nào, nhưng họ lại biết rất rõ về các sếp của mình, từ sếp trực tiếp cho đến sếp của sếp, từ sếp ông đến sếp bà: sếp ông thích cà vạt màu gì, sếp bà thích nước hoa gì, sinh nhật của con gái sếp là ngày nào, v.v..
Hạng thứ ba này theo tôi chiếm một tỷ lệ khá lớn, chỉ sau hạng thứ hai. Điều đáng buồn cho họ chưa phải là thái độ bàng quan, vô cảm hay thực dụng mà cái đáng buồn là ở chỗ: họ đã đổ vỡ hoàn toàn niềm tin. Nhiều người có địa vị, có học hàm học vị sáng choang, có cả nhiều tiền của nữa nhưng chả còn chút niềm tin gì. Họ sống trong sự trống rỗng, buồn tẻ nhưng đôi khi để khỏa lấp cái trống rỗng, buồn tẻ đó, họ vênh váo với thiên hạ bằng những thứ họ có (địa vị, học hàm học vị, tiền của chẳng hạn).
4. Hạng thứ tư, hạng trí thức thoái hóa hoàn toàn, dùng chất xám để buôn chính trị, hạng người mà một nhà thơ đã gọi là “điếm cấp cao”:
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi…thân (hay trôn)
Họ thường là những người thông minh, họ có một cái đầu nhạy cảm với mọi vấn đề của cuộc sống, cho nên đón ý quyền lực cũng rất tinh. Chỉ có điều họ dùng cái bẩm chất thông minh, nhạy cảm ấy hoàn toàn cho lợi ích cá nhân. Nếu hạng thứ ba phải mua địa vị, học hàm, danh hiệu bằng tiền thì hạng thứ tư này hoàn toàn bằng cái lưỡi rắn. Ví dụ, để tiến thân, cái lưỡi rắn dám phun nọc độc vào những người chân chính đang “có vấn đề”.
Hạng này cho đến nay chỉ là thiểu số nhưng có xu hướng đang phát triển.
Vẫn biết cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trí thức thì cũng là người, có tốt có xấu, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn, nếu so sánh tầng lớp trí thức hiện nay với tầng lớp trí thức trước Cách mạng tháng Tám (chứ chưa dám so với trí thức các nước khác). Tầng lớp trí thức hiện nay về số lượng đông gấp hàng trăm lần so với tầng lớp trí thức trước Cách mạng. Học hàm, học vị thì rực rỡ mà trí thức thời trước không thể nào dám đọ. Nhưng so sánh về tính độc lập tư tưởng, về khả năng tác động vào đời sống xã hội, về tính tự chủ tự lập trong đời sống mưu sinh thì trí thức ngày nay thật khó sánh với cha ông cách đây chưa lâu. Chỉ cần để ý sự kiện đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925), để tang Phan Châu Trinh (1926), phong trào đón tiếp Bùi Quang Chiêu và đòi thả Nguyễn An Ninh (1926) cũng đủ thấy vai trò to lớn của trí thức trong các phong trào xã hội thời ấy như thế nào.
Đ.T.T.
Đêm Giao thừa Tân Mão sắp sang Nhâm Thìn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét