Thay vì nghĩ cách "đuổi quạ", ngành giao thông cần có giải pháp cơ bản, bền vững để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn ở Việt Nam cho hôm nay và hàng trăm năm sau nữa.
Quạ là loài động vật được xếp vào loại thông minh nhất trong số các loài động vật trên trái đất. Thậm chí các nhà khoa học còn cho rằng nếu não của quạ lớn như não của con người chúng có thể thông minh hơn con người nhiều lần. Ở Nhật Bản có rất nhiều quạ sinh sống và cũng không ít những câu chuyện phiền toái mà loài chim thông minh này mang đến cho người Nhật.
Một trong những phiền toái đó là câu chuyện của ngành điện Nhật Bản: khi các cột điện cao thế trở thành nơi lý tưởng để xây dựng tổ ấm, các đôi quạ đã mang vật liệu gồm tất cả những thứ chúng kiếm được như vỏ cây, dây điện, vải, lông .., thậm chí cả những cái móc áo bằng kim loại đến phụ vụ cho việc xây tổ. Các công ty năng lượng Nhật Bản đứng trước vấn đề nan giải là mất an toàn trên lưới điện do tổ quạ có thể gây chập điện, rò rỉ điện. Vậy phải làm gì để giải quyết vấn đề này?
Nhóm nghiên cứu giải pháp gồm hàng trăm kỹ sư của ngành điện đã được thành lập, họ tập trung nghiên cứu và nghĩ ra nhiều phương pháp đuổi quạ như: vẽ những đôi mắt giống như thật trên cột điện, dùng hình nộm người, thậm chí cả một thiết bị mới được sáng chế để liên tục phát ra âm thanh cũng được lắp đặt trên cột điện. Nhưng tất cả các thiết bị đều chỉ dọa được những chú quạ thông minh trong một thời gian ngắn. Sau đó chúng thậm chí còn làm tổ ngay trên những thiết bị được nghĩ ra để dọa chúng.
Các kỹ sư lại nghĩ ra việc đặt bẫy nhưng những chú quạ thông minh lại chẳng bao giờ mắc bẫy mà chúng vẫn làm tổ ngay bên cạnh những cái bẫy đắt đỏ của ngành điện. Bất lực trong giải quyết vấn đề, nhiều kỹ sư đã đưa ra ý kiến dùng súng săn để tiêu diệt quạ, nhưng pháp luật Nhật Bản không cho phép.
Cuối cùng lãnh đạo công ty điện đã mời một chuyên gia hàng đầu của Nhật về tư duy đột phá (breakthrought thinking) đến hiến kế. Ông này đề nghị công ty điện lực trả lời một câu hỏi: Mục tiêu của các ông là gì?
Công ty điện lực trả lời: mục tiêu của chúng tôi là đuổi quạ để chúng không làm tổ trên các cột điện.
Chuyên gia đề nghị trả lời thêm một câu hỏi nữa: Vậy tại sao không cho quạ làm tổ trên cột điện?
Công ty điện trả lời lý do vì các tổ quạ làm ảnh hưởng đến an toàn truyền tải điện.
Sau câu trả lời này, ông chuyên gia kết luận: mục tiêu thực sự của ngành điện là an toàn truyền tải điện chứ không phải là đuổi quạ. Như vậy bài toán đã có đầu bài mới là làm gì để không còn những tổ quạ ảnh hưởng đến an toàn truyền tải điện. Cuối cùng, ý tưởng về những khách sạn xinh xắn, ấm áp với chi phí còn rẻ hơn những cái bẫy phục vụ miễn phí được triển khai trên cột điện. Một loài chim thông minh như quạ dễ dàng nhận ngay ra sự tiện ích của hệ thống khách sạn này, chúng lập tức chuyển vào đó làm tổ và không làm tổ gần dây truyền tải điện nữa.
Kể chuyện trên để nói đến thực tế giao thông ở Việt Nam. Các giải pháp ngành giao thông đưa ra để giải bài toán chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn trong thời gian qua có những nét giống như các biện pháp mà các kỹ sư Nhật Bản nghĩ ra để đuổi quạ.
Ví dụ việc thu phí đối với phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố sẽ không làm cho nhu cầu đi lại của người dân giảm đi. Rồi tổ chức thực hiện thế nào? Các trạm thu phí đặt ở đâu? Việc đặt trạm thu phí có ảnh hưởng gì đến kiến trúc đô thị và có hạn chế khả năng thông xe của đường phố không? Ngành giao thông có chắc chắn sẽ không ùn tắc tại các trạm thu phí không?
Chúng ta cần phải có mục tiêu rõ ràng nếu muốn có giải pháp tốt cho mục tiêu đó. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại những thành phố lớn không thể nóng vội đưa ra các quyết định hành chính cảm tính theo kiểu cứ thử xem thế nào, vì kết quả của nó chắc chắn sẽ không như chúng ta mong đợi và điều cuối cùng có được chỉ là kinh nghiệm và sự tốn kém tiền của.
Nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại những thành phố lớn, chúng ta không thể có biện pháp nào khác tốt hơn các biện pháp cơ bản sau:
- Thứ nhất là phải làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện nghiêm quy hoạch tại các khu đô thị phát triển mới.
- Thứ hai là quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông như: các tuyến đường cao tốc trên cao, các loại hình vận tải công cộng có sức chở lớn…
- Thứ ba là mạnh dạn chuyển các cơ quan hành chính, trụ sở các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện, trường học công ra ngoài. Việc chuyển các đơn vị ra ngoài là biện pháp giãn dân tự nhiên tại các đô thị lõi một cách hiệu quả nhất, theo đó nhiều người sẽ chuyển chỗ ở theo cơ quan để tiện cho công việc. Về sâu xa nó còn có ý nghĩa giúp cho công chức nhà nước có thể ổn định được chỗ ở vì giá nhà ở nơi mới đến chắc chắn sẽ thấp hơn trong nội đô. Điều đó sẽ làm giảm áp lực giao thông nên khu vực đô thị lõi.
- Thứ tư là phải tuyên truyền giáo dục ý thức người tham gia giao thông, bên cạnh đó là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đang diễn ra rất phổ biến ở nước ta. Pháp luật sẽ được tôn trọng nếu cơ quan thực thi pháp luật làm đầy đủ trách nhiệm và nghiêm minh.
Thay vì nghĩ cách "đuổi quạ", ngành giao thông cần phải có giải pháp cơ bản, bền vững để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn ở Việt Nam cho hôm nay và hàng trăm năm sau nữa. Năm, mười năm là một thời gian dài so với một nhiệm kỳ nhưng lại quá ngắn so với một thời đại và càng ngắn hơn nhiều lịch sử của một đất nước. Nếu nóng vội, thiếu tầm nhìn chiến lược, các giải pháp tạm thời chưa chắc đã có kết quả mong muốn và nhìn về tương lai lại càng mù mịt hơn.
TELO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét