Nhãn

17 tháng 1, 2012

307. Vua Trang Tông là chúa Chổm?

Lê Trang Tông (1533-1548) là vua nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Lê Duy Ninh. Ông còn được dân gian ưu ái cho mỹ danh nghèo nàn chúa Chổm.

Xung quanh cuộc đời vua Lê Trang Tông có nhiều giai thoại dân gian, nhất là giai thoại về thời hàn vi của ông.

Giai thoại


Tương truyền rằng, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi đã giam vua Lê Chiêu Tông ở phường Đông Hà, nhà vua giấu được quả ấn “ngọc tỷ truyền quốc”. Có cô bán rượu xinh đẹp, ăn nói có duyên, vốn người làng Lủ (Kim Lũ) gần bên sông Tô Lịch thường mang rượu, bánh đến bán cho lính canh ngục.


Thấy vua bị giam, cô rất thương tình; bố cô trước là một viên quan nhỏ của nhà Lê, đau lòng trước cảnh vua gặp bước suy vong mà chưa có con nối nghiệp, nên đã bày cho con gái đem hàng đến bán ở chỗ giam, chuốc rượu cho quân canh, chờ dịp lẻn vào tình tự với vua. Khi được tin cô đã có thai, vua Chiêu Tông lén giao cho cô chiếc ấn ngọc làm dấu tích và dặn trốn đi, sau này đẻ con trai sẽ có ngày phục thù. Sau đó, nhà vua bị họ Mạc giết chết, cô gái làng Lủ lánh đi nơi khác, sinh ra một con trai đặt tên là Chổm.

Đền thờ vua Lê Trang Tông 

Nhà nghèo, Chổm phải đi làm thuê và kiếm củi nuôi mẹ, những lần vào thành bán củi thường la cà vào ăn ở các quán cơm cửa ô. Chổm ăn hàng nào là hàng ấy hôm đó bán đắt như tôm tươi. Vậy nên các hàng thi nhau chèo kéo mời Chổm ăn, uống rượu và sẵn sàng cho chịu. Ðược thể, Chổm đánh chén hoang tàn, tiêu pha bạt mạng, nợ đìa khắp nơi. Ai đòi, Chổm cũng chỉ bảo: Chờ lúc tôi làm nên sẽ trả.

Tướng Nguyễn Kim, cựu thần triều Lê chiêu quân diệt Mạc, muốn tìm một người dòng chính nhà Lê để bố cáo cùng thiên hạ, tạo danh chính ngôn thuận nên đã cải dạng ra Bắc thăm dò. Một đêm, có vị thần báo mộng “Ðón ở sông Tô, thấy ai "cờ son, nón sắt" đấy chính là nhà vua đấy!”.

Hôm sau, Nguyễn Kim chờ mãi, đến trưa mới thấy một bè củi lờ đờ trôi đến. Trời mưa, anh chàng đen đủi trên bè đội chảo gang nấu kẹo thay nón; tay cầm cây sào có quấn cái khố đỏ. Ông đoán ra "cờ son, nón sắt" chắc là đây, bèn gọi vào hỏi gia thế và bắt đưa về gặp mẹ.

Mẹ Chổm khi biết rõ đây là người có thiện chí phù Lê mới đưa ngọc tỉ ra và kể đầu đuôi. Hai mẹ con Chổm được bí mật đưa về Ái châu (Thanh Hoá), Chổm được tôn lên làm vua...

Sau khi nhà Mạc bị diệt, triều đình nhà Lê trở lại Thăng Long, khi kiệu vua đến cửa ô, tiếng đồn vang khắp nơi, các chủ hàng cơm rượu ùn ùn kéo đến chào đón và đòi nợ cũ của đời vua trước. Vua sai quan lính lấy tiền trả họ; thấy thế, nợ một họ đôn lên gấp mười và khối kẻ cũng mạo nhận là chủ nợ đến đòi khống. Quan hầu cận đếm tiền mãi, trả mỏi tay chưa hết nợ, mà người đòi vẫn kéo đến, bèn tung tiền cho ai nhặt được bao nhiêu thì lấy. Ðến gần cửa Ðại Hưng, đám chủ nợ ngày càng đông, chẳng còn ra thể thống gì, một viên tướng thấy vậy bèn hạ lệnh “Cấm Chỉ” không ai được đòi nữa. Chỗ ấy gần một ngã tư, sau thành tên ngã tư Cấm Chỉ (nay là phố Tống Duy Tân, Hà Nội).

Đâu là sự thực?


Mặc dù dân gian mặc nhiên thừa nhận chúa Chổm chính là vua Lê Trang Tông nhưng chính sử lại không có một dòng nào nói về vấn đề này. Thậm chí, một số sách còn khẳng định việc gắn vua Lê Trang Tông là chúa Chổm chỉ do dân gian dựng nên.
Thân thế và cuộc đời của vị vua này được viết trong Từ điển bách khoa toàn thư mở như sau: Đầu thế kỷ 16, nhà Hậu Lê suy yếu. Sau khi các cuộc khởi nghĩa Trần Tuân, cha con Trần Cảo bị dẹp, quyền hành lọt vào tay các tướng lĩnh. Các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau. Cuối cùng, Mạc Đăng Dung thu được thắng lợi, giết hai anh em vua Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc (1527).

Năm 1533, cựu thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Kim không phục nhà Mạc, chạy vào Thanh Hoá lập lực lượng riêng, rồi đón lập Lê Duy Ninh tại Ai Lao, tức là Lê Trang Tông, tái lập nhà Hậu Lê.

Khi Mạc Đăng Dung giết vua Chiêu Tông, cướp ngôi nhà Lê thì Lê Duy Ninh còn nhỏ, được một viên quan là Lê Quán ẵm chạy trốn sang Ai Lao (Lào), rồi đổi tên là Huyến. Một thời gian sau, các cựu thần nhà Lê dựng cờ chống Mạc, đã đón Lê Duy Ninh về làm vua, sự kiện đó diễn ra năm Qúy Tị (1533) và ông trở thành biểu tượng để quy tụ nhân tâm trong sự nghiệp Trung Hưng, “phù Lê diệt Mạc”.

Tháng 1 năm Mậu Thân (1548), vua Lê Duy Ninh mất, thọ 34 tuổi, làm vua được 16 năm, quân thần tôn miếu hiệu là Trang Tông. Sử sách đánh giá: “Vua gặp vận gian truân, nhờ được bề tôi cũ tôn lập, bên ngoài kết nước láng giềng, bên trong dùng được tướng giỏi, cho nên người đều vui lòng làm việc, nền móng Trung hưng gây ra từ đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tuy nhiên, việc sử sách ghi Trang Tông là con của vua Lê Chiêu Tông, sinh năm 1514, lại khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ vì khoảng cách giữa vua cha Chiêu Tông và vua con Trang Tông quá ngắn, chỉ có 8 năm. Trong khi đó, nhà Mạc, trong biểu tâu nhà Minh, phân trần về việc cướp ngôi nhà Lê nói rằng: Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của vua Chiêu Tông… Vì vậy, thân phận thực sự của vị vua này đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Bảo Bình (DVO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét