mình tôn trọng cái tâm của pác Khải ozon, nhưng không thể không đồng ý với ý kiến của pác Hồ Hải!
Nếu ai đã từng theo dõi blog của tôi trên 1 năm đều có thể nhớ rằng, đã có một lần tôi góp ý với một bác sỹ y khoa ở Mỹ về vấn đề tư vấn thuốc men, điều trị cho người bệnh trên báo phổ thông như trang VOA online (Voice of America). Vì y khoa là một ngành liên quan đến tính mạng của con người mà, nó còn là một khoa học thực nghiệm. Không có khám bệnh nhân không được tư vấn về chẩn đoán, điều trị bất kỳ một bệnh nào. Không có học hành bài bản không được nhảy vào làm bậy trong lĩnh vực y khoa. Không được sử dụng thông tin truyền thông đại chúng không chuyên ngành để viết chuyện chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh cụ thể, v.v... Đó là luật của y khoa Quốc tế. Sau đó bác sỹ này có trả lời với tôi rất đàng hoàng. Tôi rất quý trọng. Ở các nước tiên tiến muốn mua được tạp chí chuyên ngành y dược, phải có bằng cấp của nghề y dược. Nó cũng giống như phải có giấy phép hành nghề y thì, mới được mở phòng khám bệnh và được phép kê toa cho người bệnh.
Nói sơ qua về một chút luật và sự nghiêm ngặt về nghề y, để nói chuyện chính hôm nay tôi muốn viết cho cộng đồng về bệnh tay chân miệng đứng trên nhiều góc độ khác nhau. Vì nhiều năm nay, truyền thông đại chúng trong nước, bộ y tế, thầy thuốc, và người dân Việt đã bị một nạn dịch gọi là sai luật ngành y dược, làm cho xã hội rối bời.
Trước hết, tôi xin định nghĩa dịch bệnh là gì - Epidemic - là một từ có nguồn gốc Hy Lạp. Nó gồm 1 tiếp đầu ngữ là epi- có nghĩa là ở trên. Tiếp vị ngữ là demic bắt nguồn từ chữ demos - có nghĩa là dân chúng. Nó hợp thành, và có được 3 định nghĩa. Thứ nhất là, một bệnh lý xảy ra trên nhiều người ở nhiều vùng địa lý trên cùng một thời gian. Định nghĩa thứ hai là, một bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao chỉ đôi khi xảy ra ở một cộng đồng dân cư. Định nghĩa thứ ba là, một mùa mà có tầng suất lan rộng của một bệnh cụ thể nào đó. Như vậy, chúng ta hãy đứng nhìn tổng hoà các mối quan hệ xã hội trên bệnh lý tay chân miệng ở Việt Nam xem sao?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (World Health Organization) - bệnh Tay Chân Miệng (Hand Foot Mouth disease): HFMD (sẽ dùng từ này cho hết bài) - là một bệnh lý nhiễm thường gặp. Biểu hiện lâm sàng của nó là những bọng nước hoặc vết loét ở tay chân và miệng. Nó thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng vẫn có thể ở người trưởng thành và người già. Hầu hết các trường hợp là tự khỏi, mà không cần điều trị. Nguyên nhân do 2 dòng virus Coxackie và Enterovirus gây ra. Nhưng một tỷ lệ ít các trường hợp có thể nặng và biểu hiện triệu chứng thần kinh của viêm màng não, viêm não hoặc liệt mà, y học còn gọi tên là nhóm bệnh do enterovirus mà không phải do virus sốt bại liệt gây ra (non-polio enteroviruses). Nhóm bệnh này do chủ yếu dòng siêu vi enterovirus A, mà đặc biệt là Enterovirus 71 gây những biểu hiện nặng trên lâm sàng và có thể đưa đến tử vong.
Đường lây truyền của bệnh chân tay miệng là đường ăn uống. Trong y học, dịch bệnh lây theo đường không khí như cúm là loại được đưa lên hàng ưu tiên số một trong công bố. Vì không thể khống chế được không khí. Còn bệnh lậy theo đường ăn uống, đường máu thì thuộc loại dễ khống chế bằng giáo dục cộng đồng tự bảo vệ mình, và tích cực phòng chống của y tế cơ sở kết hợp với trung ương. Nên loại này được xếp hàng thứ hai, không đáng sợ.
Cũng theo WHO, đến ngày 25/10/2011, HFMD đang hoạt đồng ở các nước vùng Đông Á với những con số sau đây: Trung Hoa đứng hàng đầu với số lượng bệnh này là 1.217.768 trường hợp, nhưng có khuynh hướng giảm so với năm 2010 với số trường hợp mắc bệnh lên đến 1.567.254. Đứng hàng thứ hai mắc HFMD trong năm 2011 là Nhật Bản với 317.461 trường hợp và có khuynh hướng gia tăng so với năm 2010 chỉ có 141.660 trường hợp bị mắc bệnh. Đứng hàng thứ ba là Việt Nam với 76.121 trường hợp mắc bệnh mà không có con số thống kê của năm 2010, dĩ nhiên có khuynh hướng gia tăng mạnh. Thứ tư là Singapore, thứ năm là Macao, thứ sáu là Hongkong và thứ bảy là Hàn Quốc đều có thống kê của năm 2010.
Chỉ riêng Việt Nam là duy chỉ có thống kê của năm 2011. Qua đó cho thấy HFMD có thể xuất nguồn từ Trung Hoa lục địa lan rộng sang các nước. Vấn đề nữa là, có thể tình hình HFMD ở Việt Nam không được cục vệ sinh phòng dịch lưu ý sớm, hoặc bệnh chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam năm 2011.
Nhưng có một vấn đề đáng lưu ý là, trong khi ở Nhật Bản thì do dòng Coxsackie gây ra là chủ yếu thì ở Macao thuộc Trung Hoa và Việt Nam thì con Enterovirus 71 lại nhiễm và gây bệnh có tỷ lệ cao hơn. Phải nói thêm về tình hình HFMD ở Việt Nam theo Tổ chức Y tế Thế giới như sau:
Báo cáo từ Việt Nam từ ngày 01/01 đến 19/10/2011 thì có 76.121 trường hợp mắc HFMD, trong đó có 135 ca tử vong. Khỏang 75% tử vong là gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Hầu hết những trường hợp mắc bệnh và tử vong chủ yếu tập trung ở miền Nam Việt Nam. Báo cáo đến ngày 19/10/2011 thì có đến 61% trường hợp mắc bệnh HFDM do con enterovirus 71 gây ra. Và Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo vào ngày 25/10/2011 với Việt Nam 6 biện pháp rất cụ thể như sau:
1. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng ngừa bệnh HFDM.
2. Tăng cường giám sát để phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh HFDM.
3. Phối hợp đồng bộ giữa bộ y tế và bộ giáo dục để huấn luyện nhân viên y tế tuyến cơ sở và giáo viên mầm non kiến thức phòng chống bệnh tay chân miệng.
4. Ngăn chặn nguồn lây qua tiếp xúc nếu cần thiết phải đóng cửa các trường học khi phát hiện đây là nguồn bệnh xuất hiện và lây lan cho cộng đồng.
5. Theo dõi và kiểm soát các trường hợp lâm sàng và thực hiện chống nhiễm khuẩn ở bệnh viện như cách lý và khử trùng.
6. Phân bố lượng thuốc 22.415kg thuốc Chloramin B cho 2 viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang để đưa về các tuyến địa phương phòng dịch bệnh HFMD.
Ta hãy xem xét các vấn đề trong HFMD xem sao?
Đầu tiên là HFMD có phòng ngừa được không? Quá đơn giản khi mọi người dân biết giữ vệ sinh ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Vì nó lây qua đường ăn uống.
Thứ hai là HFMD có trị được không? Xin thưa là trị được, không khó như báo đài đã tung tin quá mức. Mắc bệnh chủ yếu ở trẻ có sức đề kháng yếu. Đối với trẻ khoẻ mạnh thì HFMD không đáng để làm người dân lo lắng. Vì nếu trẻ hay người lớn khoẻ mạnh bị nhiễm các con viruses này thì hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ loại chúng ra và chỉ cần phát hiện sớm, nâng thể trạng và vệ sinh tốt.
Thứ ba là, đã nên công bố dịch tay chân miệng ở Việt Nam chưa? Đứng trên phương diện định nghĩa về lý thuyết như tôi trình bày ở trên thì, ở Đông Á có 3 nơi, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam phải công bố dịch HFMD, mặc dù số trường hợp tử vong của HFMD ở Việt Nam trong 10 tháng xảy ra bệnh này chưa bằng số tử vong trong vài ngày do tai nạn giao thông hay bão lũ!
Thứ tư là, về luật y khoa Quốc tế nhiều năm nay không biết có phải vì do ban tư tưởng trung ương của đảng cộng sản Việt Nam đã co hẹp khu vực báo chí được viết hay không mà, báo chí truyền thông từ báo giấy, báo mạng đến báo hình bắt đầu đưa những phóng viên, giáo sư tiến sĩ không có chuyên môn y khoa hoặc có chuyên môn chưa chín tư vấn, viết những bài về y học có cả giới thiệu thuốc điều trị cụ thể cho cộng đồng mà người dân tự làm bác sỹ, nhà thuốc tự kê toa làm loạn khâu quản lý y dược nước nhà. Đó là chưa kể những quảng cáo liên quan đến y học rất tai hại.
Thứ năm là, đảng quang vinh cần xem lại khả năng yếu kém của mình về mặt quản lý và điều hành xã hội, hòng cần nên rút lui bớt chuyện thọc tay đến những lĩnh vực khoa học, để các tổ chức độc lập gồm những người có tâm, có tầm đứng ra gánh vác. Nếu không thì tình trạng bác sỹ thì đi bán hàng đa cấp, còn tiến sĩ vật lý thì đi chữa bệnh kiểu "thuốc xuyên tâm liên"(1). Trong khi đảng không có người đủ chuyên môn và đạo đức để ngăn chặn những việc xằng bậy này ngay từ khi nó còn manh nha. Đây là một điều sỉ nhục cho y dược học nước nhà không thiếu người tài.
Bài viết này chỉ mong cộng đồng dân Việt trong nước hãy hiểu, và tin cậy vào lực lượng chuyên môn ngành y từ tư nhân đến công lập, họ dư khả năng để phát hiện và điều trị HFMD, mà đừng nghe lời xằng bậy của những ai đó. Ngoài ra, mỗi người dân có thể tự phòng bệnh cho mình. Cao hơn nữa, chỉ mong các cấp chính quyền lãnh đạo hãy biết khả năng, nhiệm vụ của mình ở trong giới hạn nào mà, ban hành mệnh lệnh cho đúng. Đừng để ông phó chủ tịch tỉnh mời ông tiến sĩ vật lý chữa HFMD. Và đừng để bộ y tế mới thò công bố dịch rồi lại thụt vào như vài tháng qua. Đó là những biểu hiện của một đất nước đang loạn, mất kiểm soát cả mọi mặt.
Ghi chú: (1) Xuyên Tâm Liên là một loại thuốc vô thưởng vô phạt ở miền Bắc sản xuất với công hiệu điều trị bách bệnh. Nó cũng giống như thực phẩm chức năng bán hàng đa cấp hiện nay. Nó đã được sử dụng rộng rải ở hầu hết các toa thuốc của các bác sỹ được đào tạo ở miền Bắc Việt Nam từ trước 30/4/1975 ở miền Bắc và sau 30/4/1975 ở trên toàn cõi Việt Nam. Sau đổi mới 1990, không còn thấy bóng của thuốc này trên đất nước Việt lắm đau thương và nhục nhằn.
Asia Clinic, 12h49' ngày thứ Năm, 17/11/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét