CÓ PHẢI BỨC CÔNG HÀM CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG
LÀ LÁ BÀI TẨY TRONG TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT-TRUNG?
Theo tờ Xinhua ngày
14-6-2011, dẫn theo tờ Quân Giải phóng hàng ngày cho biết chính phủ Trung
Quốc phản đối nỗ lực để quốc tế hóa vấn đề biển Đông, mà chỉ nên giải
quyết song phương thông qua hiệp thương hữu nghị giữa các
bên tham gia.
Trong bài báo này có đoạn viết:
“Trong một tuyên bố chính thức vào năm 1958, chính phủ
Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng các đảo ở biển Nam Trung Hoa như là một phần của
lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, và sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng
cũng bày tỏ sự thỏa thuận”.(1)
Những luận cứ và luận chứng của chính
phủ Trung Quốc không có gì mới.
Ngày 17-11-2000, Bộ Ngoại giao Trung
Quốc phát đi bản tin với cái gọi là “Sự thừa nhận của quốc tế về chủ quyền của Trung Quốc
trên quần đảo Trường Sa”:
“5. Việt Nam
a) Thứ trưởng ngoại
giao Dung văn Khiêm [Ung Văn Khiêm] của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông
Li Zhimin, xử lý thường vụ Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo
những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch
sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Le Doc [Lê Lộc], quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc
Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử
thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”.
b) Báo Nhân Dân của Việt
Nam đã tường thuật rất chi tiết trong số xuất bản ngày 6/9/1958 về Bản Tuyên bố
ngày 4/9/1958 của Nhà nước Trung Quốc, rằng kích thước lãnh hải của nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các
lãnh thổ của phía Trung Quốc, bao gồm tất cả các quần đảo trên biển Nam Trung
Hoa. Ngày 14/9 cùng năm đó, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng của phía nhà nước Việt Nam,
trong bản công hàm gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai, đã thành khẩn tuyên bố rằng Việt
Nam “nhìn nhận và ủng hộ Bản Tuyên bố của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
trong vấn đề lãnh hải”.
c) Bài học về nước CHND
Trung Hoa trong giáo trình cơ bản của môn địa lý của Việt Nam xuất bản năm
1974, đã ghi nhận rằng các quần đảo từ Trường Sa và Hoàng Sa đến đảo Hải Nam và
Ðài Loan hình thành một bức tường phòng thủ vĩ đại cho lục địa Trung Hoa”(2).
Ở đây chúng ta phải hiểu vấn đề này như thế nào?
Cần nhắc lại rằng ngày 4 tháng 9 năm
1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc bấy giờ đang xảy
ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Đài Loan lúc đó còn giữ hai
đảo nằm giáp lãnh thổ Trung Quốc là Kim Môn và Mã Tổ. Hải quân Mỹ
đến vùng eo biển Đài Loan, khiến Trung Quốc lo sợ rằng Mỹ có thể tấn
công xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc phải lập tức ra
tuyên bố lãnh hải của mình là 12 hải lý.
Sau đây là toàn văn tuyên bố:
“Tuyên bố của Chính phủ
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ
100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm
1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Hoa nay tuyên bố:
(1) Chiều rộng lãnh hải
của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn
lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất
liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo
khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối
liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài
khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và
các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận
của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển
Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản,
kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và
Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải
Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho
phép của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và
tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải
phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều
phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
(4) Ðiều (2) và (3) bên
trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo
Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo
Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo
khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Bành Hồ hiện
còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn
lãnh thổ và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang
chờ được chiếm lại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp
thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoài không nên
xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Phê chuẩn của hội nghị
lần thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 4-9-1958
(Nguồn:
http://law.hku.hk)
Đáp lại tuyên bố này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng
gửi bức công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai nguyên văn như sau:
“Thưa đồng chí Tổng lý
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.(3)
Theo Tiến sĩ Balazs Szalontai, một
nhà nghiên cứu về châu Á đang sống ở Hungary đã giải thích: “Trong các năm
1955-1958, ban lãnh đạo Bắc Việt chưa đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước vì
phải đối phó với khó khăn nội bộ và thiếu ủng hộ của quốc tế. Đồng minh chính của
họ lúc này là Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, Hà Nội không thể hy vọng xác lập
quyền kiểm soát đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong tương lai gần, và vì vậy họ
không thể có sự bất đồng lớn với Trung Quốc về các hòn đảo. Lúc này, chính phủ
Bắc Việt tìm cách có được giúp đỡ của Trung Quốc, và họ chỉ cố gắng tránh đưa
ra tuyên bố công khai ủng hộ những tuyên bố chủ quyền cụ thể của Trung Quốc hay
ký vào một văn kiện bắt buộc mà sẽ công khai từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với
các đảo này.
Sang năm 1974, tình hình hoàn toàn
khác. Việc thống nhất Việt Nam không còn là khả năng xa vời. Giả sử Trung Quốc
có không can thiệp, Hà Nội có thể dễ dàng lấy các đảo cùng với phần còn lại của
miền Nam. Từ 1968 đến 1974, quan hệ Việt - Trung đã xuống rất thấp, trong khi
Liên Xô tăng cường ủng hộ cho miền Bắc. Trong tình hình đó, quan điểm của Bắc
Việt dĩ nhiên trở nên cứng cỏi hơn trước Trung Quốc so với thập niên 1950.
Vì những lý do tương tự, thái độ của Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn hơn. Đến năm 1974, Bắc Kinh không còn hy vọng Hà Nội sẽ theo họ để chống Moscow. Thực sự vào cuối 1973 và đầu 1974, Liên Xô lại cảm thấy sự hòa hoãn Mỹ - Trung đã không đem lại kết quả như người ta nghĩ. Washington không từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan cũng không bỏ đi ý định tìm kiếm hòa hoãn với Liên Xô. Ngược lại, quan hệ Xô - Mỹ lại tiến triển tốt. Vì thế trong năm 1974, lãnh đạo Trung Quốc lại một lần nữa cảm thấy bị bao vây. Vì vậy họ muốn cải thiện vị trí chiến lược ở Đông Nam Á bằng hành động chiếm Hoàng Sa, và tăng cường ủng hộ cho Khmer Đỏ và du kích cộng sản ở Miến Điện.
Tiến sĩ Balazs Szalontai phân tích tiếp
hoàn cảnh ra đời của bức công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi cho Chu Ân
Lai: “Trước
tiên, ta nói về tuyên bố của Trung Quốc. Nó ra đời trong bối cảnh có Hội nghị
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1956 và các hiệp định được ký sau đó năm 1958.
Lẽ dễ hiểu, Trung Quốc, mặc dù không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc,
cũng muốn có tiếng nói về cách giải quyết những vấn đề đó. Vì lẽ đó ta có tuyên
bố của Trung Quốc tháng 9 năm 1958.”
Như tôi nói ở trên, trong những năm
này, Bắc Việt không thể làm phật ý Trung Quốc. Liên Xô không cung cấp đủ hỗ trợ
cho công cuộc thống nhất, trong khi Ngô Đình Diệm ở miền Nam và chính phủ Mỹ
không sẵn sàng đồng ý tổ chức bầu cử như đã ghi trong Hiệp định Geneva. Phạm
Văn Đồng vì thế cảm thấy cần ngả theo Trung Quốc.
Dẫu vậy, ông ấy có vẻ đủ thận trọng để đưa ra một tuyên bố ủng hộ nguyên tắc rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với hải phận 12 hải lý dọc lãnh thổ của họ, nhưng tránh đưa ra định nghĩa về lãnh thổ này. Mặc dù tuyên bố trước đó của Trung Quốc rất cụ thể, nhắc đến toàn bộ các đảo bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa mà Bắc Kinh nói họ có chủ quyền, thì tuyên bố của Bắc Việt không nói chữ nào về lãnh hải cụ thể được áp dụng với quy tắc này.
Dù sao trong tranh chấp lãnh thổ song
phương này giữa các quyền lợi của Việt Nam và Trung Quốc, quan điểm của Bắc Việt,
theo nghĩa ngoại giao hơn là pháp lý, gần với quan điểm của Trung Quốc hơn là với
quan điểm của miền Nam Việt Nam.
Còn lời phát biểu của Thứ trưởng Ngoại
giao Ung Văn Khiêm đưa ra năm 1956, Tiến sĩ Balazs Szalontai đã có ý kiến: “Theo trang web
của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào giữa năm 1956, Ung Văn Khiêm đã nói với đại
biện lâm thời của Trung Quốc rằng Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử đã thuộc
về lãnh thổ Trung Quốc. Ban đầu tôi nghi ngờ sự chân thực của tuyên bố này. Năm
2004, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí xóa đi những chương tranh cãi của lịch
sử Triều Tiên khỏi trang web của họ. Tức là họ sẵn sàng thay đổi quá khứ lịch sử
để phục vụ cho mình.
Tôi cũng chấp nhận lý lẽ rằng nếu ông Khiêm quả thực đã nói như
vậy, thì có nghĩa rằng ban lãnh đạo Bắc Việt thực sự có ý định từ bỏ chủ quyền
của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng
nay tôi nghĩ khác, mà một lý do là vì tôi xem lại các thỏa thuận biên giới của
Mông Cổ với Liên Xô.
Tôi nhận ra rằng tuyên bố của Ung Văn Khiêm thực ra không
có tác dụng ràng buộc. Trong hệ thống cộng sản, tuyên bố của một quan chức như
ông Khiêm được coi như đại diện cho quan điểm chính thức của ban lãnh đạo.
Nhưng ban lãnh đạo cũng có thể bỏ qua ông ta và những tuyên bố của ông ta bằng
việc sa thải theo những lý do có vẻ chả liên quan gì. Đó là số phận của Ngoại
trưởng Mông Cổ Sodnomyn Averzed năm 1958. Trong lúc đàm phán về biên giới Liên
Xô – Mông Cổ, ông ta có quan điểm khá cứng rắn, và rất có thể là vì ông ta làm
theo chỉ thị của ban lãnh đạo. Nhưng khi Liên Xô không chịu nhả lại phần lãnh
thổ mà Mông Cổ đòi, và chỉ trích “thái độ dân tộc chủ nghĩa” của Averzed, Mông
Cổ cách chức ông ta.
“Trong trường hợp Ung Văn Khiêm, ông ta khi ấy chỉ là thứ
trưởng, và chỉ có một tuyên bố miệng trong lúc nói riêng với đại biện lâm thời
của Trung Quốc. Trong hệ thống cộng sản, tuyên bố miệng không có cùng sức mạnh
như một thông cáo viết sẵn đề cập đến các vấn đề lãnh thổ. Nó cũng không có sức
nặng như một tuyên bố miệng của lãnh đạo cao cấp như thủ tướng, nguyên thủ quốc
gia hay tổng bí thư. Rõ ràng các lãnh đạo Bắc Việt không ký hay nói ra một thỏa
thuận nào như vậy, vì nếu không thì Trung Quốc đã công bố rồi.”
Vậy thì, bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có ý nghĩa pháp lý nào
không?
Tiến sĩ Balazs Szalontai bày tỏ: “Nó khiến cho
quan điểm của Việt Nam bị yếu đi một chút, nhưng tôi cho rằng nó không có sức nặng
ràng buộc. Theo tôi, việc các tuyên bố của Trung Quốc nhấn mạnh nguyên tắc “im
lặng là đồng ý” không có mấy sức nặng. Chính phủ miền Nam Việt Nam đã công khai
phản đối các tuyên bố của Trung Quốc và cố gắng giữ các đảo, nhưng họ không
ngăn được Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Trung Quốc đơn giản bỏ mặc sự phản đối của
Sài Gòn. Nếu Hà Nội có phản đối lúc đó, kết quả cũng sẽ vậy thôi.”
Tiến sĩ Balazs kết luận, do lá thư của
Phạm Văn Đồng chỉ có giá trị pháp lý hạn chế, nên một sự thảo luận công khai về
vấn đề sẽ không có hại cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng dĩ nhiên chính phủ
hai nước có thể nhìn vấn đề này theo một cách khác.(4)
Còn theo Tiến sĩ Luật Từ Đặng
Minh Thu của Đại học Sorbonne, Pháp Quốc, thì cho rằng những lời tuyên bố
trên của Thủ tướng Phạm văn Đồng không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự
quản lý của Việt Nam Cộng hòa; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hòa luôn luôn khẳng
định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng không tuyên bố điều gì có thể làm hại đến chủ
quyền này cả. Tác
giả Monique Chemillier-Gendreau đã viết như sau:
“Dans ce contexte, les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…”
(Có thể dịch là: “Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”).
Một lý lẽ thứ hai nữa là đứng trên
phương diện thuần pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là
một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ
tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy,
những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một
quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.
Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những
lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực. Tuy nhiên, có
tác giả đã nêu thuyết “estoppel” để khẳng định những lời tuyên bố đó có hiệu lực
bó buộc đối với Việt Nam, và Việt Nam bây giờ không có quyền nói ngược lại.
Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. Điều 38 Quy chế Tòa án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at the same time blow hot and cold.” Nhưng thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó.
Thuyết estoppel bắt nguồn từ hệ thống
luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục đích chính của nó
ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của
mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ
các điều kiện chính:
1. Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch (clair et non equivoque).
2. Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance”.
3. Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.
4. Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”,…
Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương
có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm
một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa
đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó.
Thuyết estoppel với những điều kiện
trên đã được án lệ quốc tế áp dụng rất nhiều. Trong bản án “Thềm lục địa vùng
biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Đan Mạch, Hà Lan, Tòa án quốc tế đã
phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc
gia này đã có những lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công
ước Genève 1958 về thềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại
khi dựa vào những lời tuyên bố đó.
Trong bản án “Những hoạt động quân sự
và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Tòa đã phán quyết như sau:
“… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời tuyên bố của một
quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc lời tuyên bố không
những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn phải khiến cho một
hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và do đó phải chịu
thiệt hại”.
Áp dụng những nguyên tắc trên của
estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta thấy
thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc
đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị
thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng
không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó. Lúc đó hai dân tộc Việt
Nam và Trung Hoa rất thân thiện, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Những lời
tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn do tình hữu nghị Hoa-Việt.
Hơn nữa, lời văn của bản tuyên bố
không hề nói rõ ràng minh bạch là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng
Sa. Bức công hàm chỉ nói: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng
quyết định ấy (quyết định ấn định lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc), và sẽ chỉ thị
cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của
Trung Quốc…”.
Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, một lời tuyên bố ý định sẽ làm một
việc gì (declaration d’intention). Thật vậy, đây là một lời hứa sẽ tôn trọng
quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải của Trung Quốc, và một lời
hứa sẽ ra lệnh cho cơ quan công quyền của mình tôn trọng lãnh hải đó của Trung
Quốc.
Một lời hứa thì lại càng khó ràng buộc
quốc gia đã hứa. Tòa án Quốc tế đã ra thêm một điều kiện nữa để ràng buộc một lời
hứa: đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa. Nghĩa là quốc gia
đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay không. Để xác định yếu
tố “ý chí” (intention de se lier), Tòa xét tất cả những dữ kiện xung quanh lời
tuyên bố đó, xem nó đã được phát biểu trong bối cảnh, trong những điều kiện nào
(circonstances). Hơn nữa, nếu thấy quốc gia đó có thể tự ràng buộc mình bằng
cách ký thoả ước với quốc gia kia, thì lời tuyên bố đó là thừa, và Tòa sẽ kết
luận là quốc gia phát biểu không thực tình có ý muốn bị ràng buộc khi phát biểu
lời tuyên bố đó. Vì vậy, lời tuyên bố đó không có tính chất ràng buộc.
Trong bản án “Những cuộc thí nghiệm
nguyên tử” giữa Úc, New Zealand và Pháp, Pháp đã tuyên bố là sẽ ngừng thí nghiệm
nguyên tử. Tòa án đã phán quyết rằng Pháp bị ràng buộc bởi lời hứa vì Pháp thực
sự có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó.
Trong trường hợp Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc, không hề có ý định nói đến vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Ông đã phát biểu những lời tuyên bố trên trong tình trạng khẩn trương, chiến tranh với Mỹ bắt đầu leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe doạ Trung Quốc. Ông đã phải lập tức lên tiếng để ủng hộ Trung Quốc nhằm gây một lực lượng chống đối lại với mối đe doạ của Mỹ.
Lời tuyên bố năm 1965 của Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như vậy. Động lực của lời tuyên bố đó là tình trạng
khẩn trương, nguy ngập ở Việt Nam. Đây là những lời tuyên bố có tính chính trị,
chứ không phải pháp lý.
Nếu xét yếu tố liên tục và trường kỳ
thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hội đủ tiêu chuẩn
này. Estoppel chỉ đặt ra nếu chấp nhận giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một; và cả Pháp trong thời kỳ thuộc địa,
và Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 cũng là một đối với Việt Nam hiện thời. Nếu
xem như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia riêng biệt với Việt Nam hiện
thời, thì estoppel không áp dụng, vì như đã nói ở trên, lời tuyên bố sẽ được
xem như lời tuyên bố của một quốc gia không có quyền kiểm soát trên lãnh thổ
tranh chấp. Như vậy, nếu xem Việt Nam nói chung như một chủ thể duy nhất từ xưa
đến nay, thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một sự phát
biểu có ý nghĩa chính trị trong đoản kỳ thời chiến, so với lập trường và thái độ
của Việt Nam nói chung từ thế kỷ XVII đến nay.
Tóm lại, những lời tuyên bố mà chúng ta đang phân tích thiếu
nhiều yếu tố để có thể áp dụng thuyết estoppel. Yếu tố “reliance” (tức là quốc gia
kia có dựa vào lời tuyên bố của quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý
chí” (tức là quốc gia phát biểu lời hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó)
rất quan trọng. Không có “reliance” để giới hạn sự áp dụng của estoppel thì các
quốc gia sẽ bị cản trở trong việc hoạch định chính sách ngoại giao. Các quốc
gia sẽ phải tự ép buộc cố thủ trong những chính sách ngoại giao lỗi thời.
Khi điều kiện chung quanh thay đổi, chính sách ngoại giao của quốc gia kia thay đổi, thì chính sách ngoại giao của quốc gia này cũng phải thay đổi. Các quốc gia đổi bạn thành thù và đổi thù thành bạn là chuyện thường.
Còn những lời hứa đơn phương trong đó
quốc gia không thật tình có ý muốn bị ràng buộc, thì nó chẳng khác gì những lời
hứa vô tội vạ, những lời hứa suông của các chính khách, các ứng cử viên trong
cuộc tranh cử. Trong môi trường quốc tế, nguyên tắc “chủ quyền quốc gia” (état
souverain) rất quan trọng. Ngoại trừ tục lệ quốc tế và những điều luật của Jus
Congens, không có luật nào ràng buộc quốc gia ngoài ý muốn của mình, khi mà quốc
gia này không gây thiệt hại cho quốc gia nào khác. Vì vậy ý chí của quốc gia
đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tính chất ràng buộc của một lời
hứa đơn phương.(5)
Ông Lưu Văn Lợi, cựu Chánh văn
phòng-Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng
(1978-1989) đã nhận xét: “Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một cử
chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị, ủng hộ Trung Quốc trong lúc Mỹ đưa
hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan mà thôi”.(6)
Từ những phân tích trên, theo chúng
tôi là xác đáng nhưng cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao
của Thủ tướng Phạm văn Đồng không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của
Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm và đã trả giá
trong bàn đàm phán Geneve năm 1954, khi bàn về việc chấm dứt chiến tranh và lập
lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng kinh nghiệm ấy cũng không ngăn ông được khi giải
quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc vì Việt Nam đã tạo nên ấn
tượng rằng Việt Nam đã tự nguyện chấp nhận những hy sinh vì lợi ích của đường lối
chung về “cùng tồn tại hòa bình” đang thịnh hành trong thế giới xã hội chủ
nghĩa lúc bấy giờ.
Nhưng quan trọng hơn hết, từ
năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nước Việt
Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt và hiện nay là là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao
giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo
Hoàng Sa-Trường Sa.
Tất cả những chứng cứ mà
phía Trung Quốc đưa ra đều vô hiệu!
Chú Thích:
(1) Nguồn:
(2) www.fmprc.gov.cn, ngày 17/11/2000
(3) Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt-Trung
về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an, Hà Nội, 1995, trang 105.
(4) BBC ngày 24-1-2008 và tổng hợp ý
kiến của Tiến sĩ Balazs
(5) Từ Đặng Minh Thu,Chủ quyền trên
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung
Quốc,Thời Đại Mới, Số 11/7/2007).
(6) BBC Vietnamese.com ngày
18/09/2008. Bài “Trung Quốc xuyên tạc cử chỉ hữu nghị”.
*Bài viết do nhà nghiên cứu Đinh Kim
Phúc gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét