Nhãn

31 tháng 10, 2015

863. EM VỢ THỦ TƯỚNG & "SIÊU LỪA" DƯƠNG THANH CƯỜNG

Giang hồ từ lâu đã đồn, đằng sau Huyền Như là con gái TT NTP ... chả bik fải thế nào thì các đảng viên trung kiên của đảng mở mắt ra B-|
EM VỢ THỦ TƯỚNG & "SIÊU LỪA" DƯƠNG THANH CƯỜNG
Huy Đức
Vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm - em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - là "mắt xích" quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Thế nhưng, khi tường thuật phiên tòa diễn từ 22-10-2015 và kéo dài suốt tuần, các nhà báo (lại) đều làm như không nhìn thấy "cặp voi này trong phòng khách".
Không một lần, cái tên Trần Quốc Liêm và vợ ông, Trần Hoa Mai, xuất hiện trong các bài tường thuật. Vụ án, vốn được xếp trong "tám Đại án tham nhũng", nếu vẫn được tuyên vào thứ Tư, 4-11-2015, sẽ đi qua như một vụ hình sự thường.
Dương Thanh Cường, sinh năm 1965, vào giữa thập niên 1990 đã từng đối diện án tử hình với 5 tội danh trong đó có tội lừa đảo và đưa hối lộ; sau đó được giảm xuống chung thân rồi 20 năm. Cường ở tù tới năm 2005 thì được tha.
Năm 2007, nhờ mối quan hệ này và trên cơ sở 5 ha đất của ông bà Trần Quốc Liêm - Trần Hoa Mai tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Cường lập dự án "cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát". Ngoài việc "chuyển nhượng" đất cho Dương Thanh Cường, bà Trần Hoa Mai còn nhận đứng ra "mua gom đất đai" cho Cường làm dự án.
Theo lời khai ban đầu của Cường, anh ta có nhờ tướng Trần Quốc Liêm "trao đổi với ông Nguyễn Thế Bình, Tổng giám đốc Agribank" để ngân hàng cho Cường vay tiền. Cho dù khi bị tạm giam, Cường đã "rút lại lời khai" này, nhưng các diễn tiến của vụ án cho thấy, trong lịch sử làm ăn rất "liều" của mình, nếu không có sức ép đủ lớn, chưa bao giờ Agribank "giải ngân" theo kiểu "ném tiền" như thế.
Chỉ với 23 "sổ đỏ" đất nông nghiệp, "Dự án" chưa hề có một "bút phê" nào của cấp có thẩm quyền, vậy mà Dương Thanh Cường "xin vay 700 tỷ đồng", Agribank "duyệt ngay cho vay 700 tỷ đồng". Và, chỉ trong một thời gian mấy tháng, Agribank đã giải ngân 628 tỷ đồng cho dù "dự án" của Cường không hề có bất cứ dấu hiệu nào khởi động.
Theo Cáo trạng (liệt kê), có tới 566 tỷ đồng (một con số khác là 386,36 tỷ đồng - trong số 628 tỷ đồng này) ngân hàng Agribank chuyển cho Cường thông qua tài khoản cá nhân của bà Trần Hoa Mai.
"Giải ngân" xong, Agribank liền cho Cường "mượn" những cuốn "sổ đỏ" đang được thế chấp này đi làm thủ tục sang tên. Trưởng phòng tín dụng Agribank, chi nhánh 6, Hồ Văn Long khai, lẽ ra Agribank phải cử cán bộ "áp tải" những cuốn sổ đỏ này đến cơ quan chức năng, nhưng Long tin lời Dương Thanh Cường, "nếu để Cường trực tiếp cùng bà Trần Hoa Mai và ông Trần Quốc Liêm đi làm sẽ nhanh hơn".
Cường mang khối tài sản đã thế chấp này đi gặp ông Trầm Bê, ông Trầm Bê cho vay tiếp 1.500 lượng vàng (từ ngân hàng Phương Nam - chúng ta còn có cơ hội "gặp" lại ông Trầm Bê khi nói về gia đình này).
Những hành động tiếp tay khá đắc lực cho Dương Thanh Cường lừa đảo đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan tố tụng cho rằng, mối quan hệ giữa vợ chồng thiếu tướng Trần Quốc Liêm và Cường là "quan hệ dân sự".
Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao vừa đặt vấn đề áp dụng án lệ ở Việt Nam. Tham khảo án lệ trong trường hợp này không có ví dụ nào tốt hơn là đối chiếu với hợp đồng chuyển nhượng đất giữa công ty Bình Giã và Tamexco hồi 1994.
Ông Trần Quang Vinh, chủ công ty Bình Giã, vì bán đất cho Tamexco và sau đó số đất này được "định giá cao lên" để Tamexco đi thế chấp mà cả ông, ông giám đốc Tamexco và ông trưởng phòng công chứng Vũng Tàu đều bị tử hình.
Hội đồng thẩm định giá TP HCM định giá "23 sổ đỏ của Cường" chỉ tương đương 126 tỷ đồng - giá tại thời điểm thế chấp - vậy mà Agribank vẫn cho vay 628 tỷ. Và, chỉ riêng 5 hecta của vợ chồng thiếu tướng Trần Quốc Liêm, đã "bán" được cho Dương Thanh Cường 347,9 tỷ đồng (giá 7 triệu đồng/m2 đất ruộng). Vợ chồng ông Liêm bà Mai đã nhận 171,2 tỷ đồng (119 tỷ chuyển khoản; 52,2 tỷ do Cường nhiều lần mang tới tận nhà).
So sánh vụ này với Tamexco là xúc phạm vong linh các bị án trong vụ Tamexco, đặc biệt là xúc phạm ông Trần Quang Vinh. Ông Vinh là một nhà doanh nghiệp nghiêm túc. Ông đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm "cơ sở hạ tầng đổi đất", góp phần làm thay đổi bộ mặt Bãi Trước Vũng Tàu. Cho đến khi ông bị hành quyết, Chính quyền Vũng Tàu vẫn còn nợ ông Trần Quang Vinh 17 tỷ.
Khoản tiền "thất thoát" trong vụ án Dương Thanh Cường chủ yếu nằm ở "Dự án Thanh Phát". Một "Dự án ma" - có sự tham gia rất trực tiếp của ông bà Trần Quốc Liêm, Trần Hoa Mai - đã giúp Cường chiếm đoạt của Agribank 966 tỷ đồng (con số thiệt hại trên thực tế theo luật sư Trương Thị Hòa là 1.500 tỷ đồng). Vậy nhưng, trong mấy ngày xử án vừa qua, cho dù được các luật sư yêu cầu, Tòa cũng không triệu tập ông bà Liêm - Mai.
Đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng, không được chấp thuận làm dự án, được mua bán với giá 7 triệu/m2, có thể coi là một "giao dịch dân sự ngay tình" không.
Nếu đã xác định khoản tiền 171,2 tỷ đồng mà Dương Thanh Cường trả cho vợ chồng tướng Trần Quốc Liêm được lấy từ Agribank thì nên coi đó là những đồng tiền "do Cường phạm tội mà có" chứ không thể coi đó là tiền của Cường để xác nhận thương vụ này là bình thường.
Có một câu hỏi mà các "đồng chí trong Đảng" của ông Liêm cũng cần đối chiếu với Nghị quyết TW 4 để đặt ra là, khối tài sản khổng lồ mà tướng công an Trần Quốc Liêm có, liệu đã được kê khai trung thực.
Không phải tự nhiên mà vài bị cáo từ Agribank đã "đấm ngực" trước tòa. Những cán bộ ngân hàng ấy, nếu không có sức ép như các lời khai ban đầu, liệu họ có dám giải ngân một khoản tiền khổng lồ cho một người có nhân thân như Dương Thanh Cường với các điều kiện thế chấp vu vơ như thế.
Tòa án nhân dân TP HCM nên hoãn tuyên án; trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra lại từ đầu như đề nghị của một số luật sư. Và, theo tinh thần mà các vị đại biểu đang đề nghị ở Quốc hội: Với những vụ án liên quan đến những người quyền lực như thế này, nên trao cho một cơ quan điều tra đủ quyền độc lập.
Ông Trần Quốc Liêm không những là em của bà Trần Thanh Kiệm - phu nhân đương kim Thủ tướng - mà còn đang là một viên tướng quyền thế.
Năm 2010, Công an TP HCM (PC46) đã phát hiện, điều tra vụ án này và đã lên kế hoạch bắt "siêu lừa Dương Thanh Cường". Thiếu tướng Phan Anh Minh đích thân chỉ đạo. Nhưng ông Minh - một người được tiếng cương trực - cũng đã không vượt qua được những áp lực. Phải mất hơn hai năm sau, Cơ quan cảnh sát điều tra C48 của Bộ mới khởi tố được một vụ án "lừa đảo hai năm rõ mười".

Nếu phiên tòa xử "đại án tham nhũng" này khép lại vào thứ Tư, 4-11-2015. Và báo chí vẫn vờ như không có hai cái tên Trần Quốc Liêm - Trần Hoa Mai. Thì, cho dù Nghị quyết "Bốn, Năm" của TW có lấy chức Trưởng ban chống tham nhũng ra khỏi tay Thủ tướng. Trưởng ban chống tham nhũng mới, có vẻ như, vẫn chưa nắm được "thượng phương bảo kiếm".

12 tháng 6, 2015

862. 'DỰ ÁN XÃ HỘI HÓA' LÀ CÁI K**C KHÔ J?

Mỹ Lệ
Thứ Sáu, 12/6/2015, 06:10 (GMT+7)


Dự án BOT cầu Phú Mỹ - Ảnh minh họa: Anh Quân

(TBKTSG) - Gần đây, có nhiều dự án lớn được giới thiệu là dự án của Nhà nước nhưng thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, sẽ do tư nhân bỏ vốn ra làm, thậm chí có cả các dự án xây dựng khu hành chính tập trung. Lý do không dùng vốn ngân sách thường được sử dụng như một điểm cộng trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nợ công tăng cao. TBKTSG phỏng vấn luật sư Nguyễn Tiến lập về xu hướng này.


Ông Nguyễn Tiến Lập.

TBKTSG: Nên hiểu (bản chất) các dự án xã hội hóa này là gì, thưa ông?

- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trong ngữ cảnh “đầu tư”, chữ “xã hội hóa” được hiểu là các dự án đáng ra phải do Nhà nước đầu tư nhưng nay chuyển sang dùng vốn của thành phần khác, phi ngân sách nhà nước, mà thực chất là ám chỉ nguồn vốn tư nhân.

Về mặt tài chính, khi thuyết trình các “dự án xã hội hóa” hay dự án sử dụng “vốn xã hội hóa” trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các đại biểu Quốc hội hay các đại biểu hội đồng nhân dân, tính thuyết phục dường như cao hơn bởi ngầm định rằng “Nhà nước không mất gì mà chỉ có lợi” vì “ngân sách có phải chi đâu”...

Tuy nhiên, phân tích từ góc độ kinh tế quốc dân cũng như nền tảng pháp lý thì vấn đề không đơn giản như vậy.

Đối với nền kinh tế nói chung, đồng vốn nào cũng như nhau, không có sự phân biệt giữa vốn nhà nước hay tư nhân. Vấn đề ở chỗ sử dụng vốn thế nào cho công bằng, minh bạch, an toàn và hiệu quả. Ta vẫn hay nói rằng, khi đầu tư bằng vốn tư nhân, nếu có rủi ro thì tư nhân chịu.

Trên thực tế điều này không hẳn đúng, chẳng hạn các dự án xây khu đô thị, trung tâm thương mại vừa qua, trong đó, vốn mà nhà đầu tư tư nhân thực sự bỏ ra ban đầu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, ước khoảng 10% hoặc 15% hay thấp hơn, số còn lại là vay ngân hàng. Sau đó, bằng nhiều cách, các chủ dự án đã thu hồi ngay phần “ứng vốn trước” kia của mình, cộng với khoản lãi “khủng”, rồi mặc cho doanh nghiệp có thể phá sản và ngân hàng ôm đống nợ khó đòi.

Cá biệt có trường hợp một vài chủ dự án có thể bị truy tố, vào tù bởi tội “lừa đảo” nhưng số đó rất ít và nếu có xảy ra thì họ cũng không sợ bởi “người ra đi nhưng tiền còn ở lại”.

Tôi sợ rằng, quy luật này sẽ lặp lại đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đang và sắp triển khai. Cuối cùng ai sẽ là người gánh chịu các rủi ro kia, nếu xảy ra? Phải chăng chính là nền kinh tế, là toàn bộ xã hội?

Từ góc độ pháp lý, một cách sòng phẳng thì Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; và đổi lại, Nhà nước có quyền bán tài nguyên quốc gia hay phát hành trái phiếu để vay nợ rồi dùng tiền thuế để trả... Nay, nếu sử dụng con đường “xã hội hóa” để triển khai các dự án này sẽ đồng nghĩa với việc Nhà nước trao các quyền ấy, một cách cụ thể và trong từng dự án riêng lẻ, cho các ông chủ tư nhân.

TBKTSG: Với bản chất như vậy, có nhiều câu hỏi cần được đặt ra liên quan đến quan hệ giữa ba bên: Nhà nước - nhà đầu tư và người dân?

- Các câu hỏi đặt ra là Nhà nước, tức chính quyền ở trung ương và địa phương, có quyền làm như vậy không, nếu có thì trong giới hạn và điều kiện như thế nào?

Đối với chủ đầu tư, thì sẽ là các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đối với cơ sở hạ tầng được tạo ra, quyền huy động vốn xã hội để thực hiện dự án và quyền thu tiền từ người sử dụng để hoàn vốn và kiếm lời.

Còn đối với người dân với tư cách là người tiêu dùng thì liệu quyền được lựa chọn của họ có được đảm bảo? Ví dụ Nhà nước quyết định xây một con đường hay cây cầu duy nhất tại một địa bàn, giao cho tư nhân làm, mặc dù có thể đạt chất lượng tốt, nhưng người dân, dù giàu hay nghèo, đều buộc phải đi con đường và cây cầu ấy và trả mức phí cao như nhau mà không thể lựa chọn!

TBKTSG: Theo ông, vấn đề đối với Việt Nam, xét cả góc độ tích cực và cảnh báo tiêu cực trong chuyện này là gì? Chẳng hạn có xu hướng hiện nay đối với các dự án hạ tầng BOT là chúng bị đội vốn lên rất cao so với dự toán ban đầu.

- Ý nghĩa tích cực của các dự án hạ tầng “xã hội hóa” thì dễ thấy. Đó là việc có thể sử dụng nguồn vốn bên ngoài để thực hiện dự án. Còn tác động tiêu cực thì một phần tôi đã nói ở trên.

Tuy nhiên, đúng là có một vấn đề trước mắt là nhiều dự án BOT phát triển hạ tầng thường có chi phí cao và bị đội vốn so với dự toán ban đầu. Từ góc độ dự án, chúng ta quan tâm hai vấn đề là chất lượng sản phẩm và giá thành đầu tư, chưa nói tới thời hạn hoàn thành.

Chất lượng các con đường BOT vừa qua, như chúng ta thấy, không cao, nếu không muốn nói là khá kém về tuổi thọ và độ bền. Còn về giá cả thì có thể thấy là rất cao, chưa kể tới việc phải cộng thêm các tài sản là “thương quyền” mà Nhà nước đã cấp hay chuyển nhượng cho các chủ dự án với mức ưu đãi, tức ngược với quan niệm cho rằng “tư nhân sử dụng tiền túi nên bao giờ cũng rẻ hơn”.

Tuy giá thành cao nhưng chủ đầu tư không e ngại bởi họ vẫn có thể thu lời thông qua khai thác các “thương quyền” được cấp, trong khi phần rủi ro tài chính sẽ do xã hội gánh chịu thông qua nợ xấu của các ngân hàng như đã diễn ra vừa qua.

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các dự án BOT là cơ chế kiểm soát của Nhà nước. Nó cần phải chặt chẽ, thậm chí ở mức cao hơn so với chính các dự án mà Nhà nước tự làm.

TBKTSG: Có sự khác biệt gì trong câu chuyện xã hội hóa dự án xây dựng các khu hành chính tập trung, vốn trước đây do ngân sách nhà nước đầu tư, so với dự án hạ tầng xã hội như giao thông, cung cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải..., do doanh nghiệp đầu tư và thu hồi vốn trực tiếp từ người dân khi sử dụng dịch vụ? Phải chăng đây là một bước mở rộng mới trong phương thức xã hội hóa, và vấn đề quản trị các dự án xây khu hành chính tập trung do tư nhân đầu tư nên như thế nào?

- Sự khác biệt là rất lớn và mang tính bản chất bởi “xây dựng trụ sở hành chính” không phải là đầu tư phát triển mà chỉ là chi tiêu công thông thường, tức thuộc hạng mục cần cắt giảm một khi thiếu thốn ngân sách do thu không bảo đảm bởi thực trạng yếu kém của nền kinh tế. Do đó, có thể nói rằng nó không bao giờ mang tính cấp thiết cả, cho dù được diễn đạt dưới danh nghĩa để nhằm cải cách các thủ tục hành chính. Bởi vậy, nếu các dự án loại này được triển khai theo phương thức “xã hội hóa” thì phải coi là một sự dị biệt, so với xu hướng “xã hội hóa” dự án cơ sở hạ tầng thông thường.

Từ góc độ tài chính, cần lưu ý rằng khi một địa phương xây dựng trụ sở bằng cách sử dụng tiền của tư nhân, thì đó chính là đi vay nợ tư nhân để chi tiêu công, tuy nhiên có thể lại không ghi vào ngân sách nợ. Có nghĩa là sẽ khó kiểm soát từ góc độ Luật Ngân sách.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý khả năng phức tạp và khó làm minh bạch các cơ chế liên quan như đàm phán với chủ đầu tư về giá thành đầu tư cũng như chuyển nhượng các thương quyền thuộc tài sản nhà nước tại địa phương, ví dụ quyền sử dụng đất hay các quyền kinh doanh khác.

Chi phí vốn của các dự án BOT thường đắt hơn so với lãi suất trái phiếu chính phủ. Người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu cuối cùng thông qua việc trả “phí dịch vụ” ngày càng tăng. Ảnh: THÀNH HOA

TBKTSG: Trên thực tế, nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng rất lớn mà ngân sách nhà nước thì luôn có hạn, đâu là cách làm đúng để giải bài toán này? Kinh nghiệm của các nước trong thực hiện các dự án này như thế nào?

- Không thể phủ nhận một thực tế không chỉ ở nước ta mà tất cả các nước đang phát triển, thậm chí ngay cả các nước phát triển, là nhu cầu tài chính rất lớn cho việc phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhu cầu này thường vượt quá khả năng cho phép của các chính phủ trong giới hạn của luật ngân sách. Do đó, từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc triển khai dự án hạ tầng theo hình thức nhượng quyền cho tư nhân mà phổ biến là BOT đã trở thành một trào lưu được chào đón từ châu Âu, đến Mỹ, Nhật, Úc và các nước khác.

Các lợi thế được chờ đợi từ con đường mới này không phải chỉ là sự đáp ứng nhu cầu về nguồn tài chính bổ sung, mà quan trọng hơn, còn là việc ứng dụng các công nghệ mới cũng như khả năng quản trị và điều hành hiệu quả của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, với thời gian người ta đã bắt đầu làm các phân tích và so sánh, thấy có các “tác động ngược”, thậm chí gây bất ổn cho nền kinh tế.

Chẳng hạn, về mặt tài chính, chi phí vốn của các dự án BOT thường đắt hơn so với lãi suất trái phiếu chính phủ. Tức là, nếu chính phủ đi vay bằng cách phát hành các trái phiếu công trình thì chi phí sẽ rẻ hơn. Các ngân hàng và định chế tài chính sẽ dễ dàng chấp nhận tài trợ hơn nếu đó là dự án chính phủ, bởi rủi ro sẽ ít hơn.

Ngoài ra, quá trình đàm phán và chuẩn bị cho các dự án BOT thường bị kéo dài, và một khi như vậy, sẽ bị tác động tiêu cực do các điều kiện về kinh tế và chính sách vĩ mô thay đổi.

Tại Việt Nam, có đặc thù cần lưu ý là vốn tín dụng cho các dự án BOT xây cầu, đường thường lấy từ nguồn ngắn hạn để sử dụng dài hạn, do đó lãi suất buộc phải thả nổi, trong khi đồng tiền Việt Nam lại chưa thể chuyển đổi. Điều này làm tăng tính rủi ro cho cả chủ đầu tư và nhà cấp vốn.

Người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu cuối cùng thông qua việc trả “phí dịch vụ” ngày càng tăng cho các ông chủ tư nhân của các cây cầu, con đường ấy. Khác với việc trả thuế hay phí nhà nước, vốn phải do Quốc hội quyết định.

Tóm lại, tôi cho rằng con đường “xã hội hóa” các dự án hạ tầng chỉ nên coi là một giải pháp chứ hoàn toàn không phải là cứu cánh. Do đó, khi triển khai về phương diện chính sách, cần luôn luôn có sự cân nhắc kỹ càng để lựa chọn và quyết định, bao gồm cả mức độ về lượng trong tổng thể các dự án được quy hoạch, quy mô và sự tác động của từng dự án cụ thể, cũng như các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu các rủi ro của dự án đối với nền kinh tế và sự tổn hại đối với lợi ích xã hội.

TBKTSG: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm tập trung đầu mối điều chỉnh thống nhất các hình thức đầu tư có tính chất xã hội hóa từ trước đến nay và có bổ sung một số hình thức. Ông nhận xét gì về các điều kiện pháp lý hiện nay cho vấn đề xã hội hóa này?

- Việc ban hành nghị định này là một nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm tạo ra một quy chế pháp lý rõ ràng và sát thực hơn trên cơ sở tổng kết các kết quả và cả thất bại của các dự án cơ sở hạ tầng được triển khai chủ yếu theo hai hình thức BT và BOT trước đó.

Quản lý nhà nước đối với các dự án cơ sở hạ tầng “xã hội hóa” sẽ còn phức tạp và khó khăn hơn nữa, so với các dự án hạ tầng trước đây do Nhà nước tự thực hiện.



Cho tới nay, các dự án BT thường được thực hiện theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” khởi phát từ những năm 80 của thế kỷ trước. Với sự đi xuống của thị trường bất động sản, các rủi ro đối với dự án BT loại này tăng lên, nên loại dự án này cũng trở nên kém hấp dẫn hơn. Với các dự án BOT, vấn đề chung lại ở chỗ nguồn vốn huy động, hoặc chủ yếu từ tín dụng ngân hàng thay cho trái phiếu công trình, hoặc vẫn sử dụng vốn nhà nước một cách gián tiếp.

Vẫn còn khá sớm để đánh giá các tác động thực tế của nghị định mới này, tuy nhiên, có thể nói rằng đối với cơ chế “đối tác công tư” nói chung và các dự án cơ sở hạ tầng triển khai theo hình thức “xã hội hóa” này nói riêng, một khung khổ pháp lý hoàn thiện sẽ không chỉ bao gồm một văn bản pháp lý, hơn nữa lại mới ở cấp độ một nghị định chính phủ.

Các luật cũng như cơ chế thực thi luật trong lĩnh vực này cần phải được hoàn thiện ngay, bởi quản lý nhà nước đối với các dự án cơ sở hạ tầng “xã hội hóa” sẽ còn phức tạp và khó khăn hơn nữa, so với các dự án hạ tầng trước đây do Nhà nước tự thực hiện.

TBKTSG: Sau một thời gian dài chỉ chú trọng vào đầu tư công trong khi nguồn lực không đủ, quản lý hiệu quả đầu tư không tốt, nay ta có xu hướng xu hướng cổ xúy cho việc xã hội hóa, mà nổi lên gần đây là xã hội hóa các dự án hạ tầng xã hội, nhưng điều đó cũng tiềm ẩn những “bất ổn” như ông vừa nói ở trên.
Trong bối cảnh như vậy, theo ông, làm sao để sử dụng vốn nói chung cho “công bằng, minh bạch, an toàn và hiệu quả” vì “đối với nền kinh tế nói chung, đồng vốn nào cũng như nhau, không có sự phân biệt giữa vốn nhà nước hay tư nhân”?

- Trong điều kiện cắt giảm đầu tư công để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng do thiếu hụt về ngân sách, chủ trương huy động các nguồn vốn khác từ xã hội cho mục tiêu này là hoàn toàn đúng. Vấn đề cần lưu ý trước hết ở đây là sự đa dạng hóa cách thức huy động vốn, một biện pháp để phân tán rủi ro. Chẳng hạn như không nên tập trung ở mức quá cao vào vốn tín dụng ngân hàng mà cần tăng mức sàn vốn góp của chủ đầu tư; mở rộng phát hành trái phiếu công trình và phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tiếp đó là tăng cường chất lượng, hiệu quả, hiệu lực và tính kỷ luật pháp chế của các biện pháp quản trị, bao gồm quản trị tài chính, quản trị dự án và quản trị chất lượng công trình.

Ngoài ra, vì PPP nói chung và BOT nói riêng vốn là một cơ chế phức hợp cả về chính sách, pháp luật, tài chính và quản trị, nên chăng Chính phủ cần thành lập một cơ quan chuyên biệt để quản lý và chịu trách nhiệm về lĩnh vực này?

Chúng ta đều biết rằng hậu quả của núi nợ xấu ngân hàng chính là do quản trị tài chính yếu kém, việc để lọt các chủ đầu tư không đủ năng lực là do thiếu cơ chế đấu thầu minh bạch và nguyên nhân của việc các con đường cao tốc mới làm xong đã phải sửa là do thiếu sự giám sát hiệu quả cả về chuyên môn lẫn từ góc độ quản lý nhà nước. Tất cả những vấn đề trên đều đã xảy ra trong các câu chuyện của quá khứ. Do đó, cùng với việc ban hành một loạt các văn bản pháp luật mới trong thời gian qua trong lĩnh vực đầu tư, đấu thầu dự án và tài chính ngân hàng, tôi tin và hy vọng rằng các bài học kinh nghiệm đã được rút ra cho một chặng đường phát triển tiếp theo, không kém phần sôi động, của đất nước.  

Mời xem thêm

11 tháng 5, 2015

861. NƯỚC NGA TRỞ LẠI THỜI TRUNG CỔ


Một bài hay, tự truyện của nhà văn Nga Mihail Siskin, thêm cho người đọc VN một góc nhìn về cái gọi là "Liên Xô giải phóng châu Âu khỏi Đức quốc xã". Từ niềm tự hào là công dân của một quốc gia thắng trận, đến nỗi thất vọng khi sự hy sinh xương máu của những người lính làm nên chiến thắng bị lợi dụng trở thành mục tiêu cho tham vọng quyền lực sắt máu của một nhóm vài cá nhân.

Cuối bài, tác giả chua chát nhận ra rằng họ - nhân dân Nga - là những người thua trận!

Chú thích:
- Bản tiếng Việt do anh Cuong Nguyen dịch từ bản tiếng Phần Lan của Vappu Orlov.

- Có sửa một câu trong bản tiếng Việt cho dễ hiểu, từ "Lúc cha tôi sáu tuổi, cha của ông ấy bị bắt giữ" trở thành "Ông nội tôi bị bắt giữ lúc cha tôi được 6 tuổi (GKP).
-----

NƯỚC NGA TRỞ LẠI THỜI TRUNG CỔ

Nhà báo người Nga Mihail Siskin suy nghĩ gì trong ngày Chiến thắng qua bài viết của mình, nước Nga đã thắng hay thua trận.

Cha tôi tình nguyện đi chiến đấu khi ông 18 tuổi. Ông phục vụ dưới tàu ngầm ở vùng biển Baltic.

Hồi còn nhỏ, gia đình tôi sống trong một căn hộ ở dưới tầng hầm vùng Arbatti và trên tường, phía trên giường của tôi có treo bức ảnh chụp ”Con cá chó” của ông. Hồi đó, tôi vô cùng tự hào rằng cha tôi có chiếc tàu ngầm, và tôi đã sao chép lại tấm ảnh đó vào quyển vở học sinh. Mỗi năm, cứ đến ngày 9 tháng năm là cha tôi lại lấy trong tủ ra bộ quân phục của lính hải quân mà ông đã phải sửa đi sửa lại khi bụng cứ to dần, rồi gắn lên đó tất cả những huân chương của mình. Đối với tôi, điều rất quan trọng để tự hào về người cha: hồi đó có chiến tranh và cha tôi đã chiến thắng!

Khi lớn lên tôi mới biết là trong những năm 1944 1945, cha tôi đã bắn chìm nhiều tàu của Đức chở người tị nạn từ hai thành phố Riga và Tallin (thủ đô của Latvia và Estonia). Hàng trăm hàng nghìn người đã bị chìm sâu dưới đáy biển Baltic – vì chiến công này mà cha tôi đã được trao tặng huân chương. Đã bao lâu nay tôi không còn tự hào về ông ấy nữa, nhưng tôi cũng không lên án ông ta. Hồi ấy có chiến tranh.

Sau chiến tranh, ông uống rượu suốt cuộc đời của mình. Và cũng như tất cả các đồng đội tàu ngầm của mình. Chắc là họ cũng không chịu đựng nổi. Ông ấy còn quá trẻ khi tham gia chiến tranh bao năm tháng trên biển và luôn luôn lo sợ rằng mình sẽ bị chết chìm trong cái quan tài sắt đó. Chẳng bao giờ có thể thoát khỏi những chuyện như vậy.

Thời Gorbatsov, thời kỳ đói kém thực sự, cha tôi vì là cựu chiến binh nên đã nhận được những thùng cứu tế mà trong đó là những thực phẩm từ nước Đức. Đây là một điều sỉ nhục cá nhân đối với cha tôi. Ông và đồng đội của mình, trong suốt cuộc đời, luôn cảm thấy mình là người chiến thắng, nhưng giờ đây ông buộc phải nuốt những miếng ăn bố thí do kẻ thù mà mình đã từng thắng ném cho.

Lần đầu tiên khi mang về thùng quà cho gia đình, cha tôi đã uống say mèm và la hét: chúng ta là kẻ chiến thắng mà! Nhưng sau đó ông lặng câm, bắt đầu khóc và liên tục hỏi, chẳng biết hỏi ai, hướng về phía tôi: nói đi, chúng ta là kẻ thắng trận hay thua trận đây?

Trong những năm cuối đời, cha tôi đã thực sự hủy hoại thân mình bằng rượu votka. Tất cả các đồng đội tàu ngầm của cha đã uống để chui xuống mồ cách đây lâu lắm rồi. Chắc hẳn là cha tôi cũng đang vội vã đi gặp đồng đội của mình. So với các đồng đội tàu ngầm của mình thì cha tôi có tuổi thọ cao nhất. Ông được thiêu trong lò hỏa táng Moskva trong bộ quân phục của mình.

Trong mười sáu năm cầm quyền Putin đã đạt được tất cả những gì mà một kẻ độc tài muốn có. Được dân chúng yêu mến và kẻ thù lo sợ. Ông ta đã tạo lập nên một chính quyền mà những điều luật lung lay của hiến pháp không thể kiềm chế, nhưng được tạo dựng nên bởi những điều luật không lay chuyển nổi của sự trung thành của các chư hầu đối với bá vương – từ đáy cho tới đỉnh của kim tự tháp.

Chế độ độc quyền của thế kỷ 21 này đã nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của những người đi trước nhằm tránh khỏi những sai lầm của những người đi trước: biên ải được mở rộng và tất cả những ai bất mãn (với chế độ) đều có quyền rời bỏ đất nước để ra đi.

Làn sóng di dân mới tăng dần theo tháng năm. Rời bỏ quê hương toàn là thành phần ưu tú: những nhà nghiên cứu, những chuyên viên công nghệ thông tin, các nhà báo, kỹ sư, doanh nhân. Những mất mát mang tính chất thảm họa nhân bản này làm suy yếu đất nước, nhưng lại làm cho chính quyền thêm vững mạnh. Những người ở lại được dành cho một toa thuốc đã trải qua thực nghiệm: chiến tranh.

Sự cuồng loạn vì lòng yêu nước xuất phát từ truyền hình (TV) là một vũ khí huyền diệu của chính quyền. Cái ”Hòm ma cà rồng” này (truyền hình – người dịch) đã tạo dựng cho người dân một thế giới quan lý tưởng: tây phương muốn chúng ta bị hủy diệt, cho nên cha ông cũng như tổ tiên của chúng ta phải phát động cuộc thánh chiến để chống lại chủ nghĩa phát-xít và chúng ta phải sẵn sàng hy sinh tất cả để giành lấy chiến thắng. Và những ai đứng lên chống lại điều này là kẻ phản quốc.

Bất kể lý tưởng là gì – đạo thiên chúa giáo chính thống (orthodox), chủ nghĩa cộng sản, hay lại là thiên chúa giáo chính thống – thì chính phủ luôn lấy lòng yêu nước để thao túng người dân.

Ông nội tôi bị bắt giữ lúc cha tôi vừa 6 tuổi. Ông nội tôi bị mất tích trong gulag (trại cải tạo lao động Liên Xô). Đứa con trai (cha tôi – ND) muốn tự hào về cha mình, nhưng người cha ấy lại là kẻ thù của nhân dân. Thế nhưng, khi xảy ra chiến tranh thì những người dân vốn bị chính quyền đánh đập trước đó bỗng nhiên lại được nghe loa phường gọi một cách thân mến: ”Các anh và các chị!”

Điều nhơ bẩn của chính quyền được thể hiện là họ đã và đang luôn luôn cũng như sẽ tiếp tục lợi dụng cái tâm huyết nhân bản tuyệt vời (của dân chúng): lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh tất cả vì điều đó. Sự độc tài đã tự biến mình thành tổ quốc. Cha tôi đã xông pha ra chiến trường để bảo vệ tổ quốc, nhưng thực ra ông ấy đã bảo vệ cái chính quyền đã sát hại cha của mình.

Đây là chiến thắng hay thất bại đáng mong đợi đối với đất nước? Đối với người yêu nước thì điều này quả là một câu hỏi lạ lùng, nhưng cũng không đến nỗi lạ lùng khi mà trải qua bao thế kỷ, tổ quốc chẳng hề ban phát cho thần dân nước mình cũng như kẻ ngoại bang một cơ hội sống còn nào cả.

Trong sự hiểu biết của người dân, mãi cho đến cuối cùng vẫn không sáng tỏ, tổ quốc chấm hết ở đâu và từ đâu bắt đầu một chính quyền tội phạm – cả hai cái này đều dính chặt với nhau và cùng nhau lớn lên. Tình yêu tổ quốc là một con bò thần của người dân Nga, con bò ợ lên rồi nhai lại những thứ như nhân quyền và sự tự trọng cá nhân như nhai kẹo cao su.

Đối với người Nga câu hỏi quan trọng nhất: nếu tổ quốc là con quái vật thì mình nên yêu hay ghét nó? Đã từ lâu, điều này được thể hiện qua câu thơ của người Nga: ”Trái tim không thể học được yêu thương những gì nó đã mệt mỏi vì thù hận.” (Xin lỗi. Vì không biết làm thơ nên xin tạm dịch nguyên văn ý thơ)

À này, có phải Chikatilo, kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng có phải cũng là người cha không. Có lẽ ông ta là một người cha tốt. Vậy thì đứa con trai (của ông) phải đối xử với ông ta thế nào?

Chikalo đã sát hại mấy chục mạng người. Tổ quốc của tôi thì lại sát hại hàng triệu, hàng triệu người. Kể cả người ngoại bang lẫn đồng bào của mình. Đồng bào của mình thì nhiều hơn rất nhiều. Và không thể nào chấm dứt.

Cha tôi đã chiến đấu để chống lại tội ác của chủ nghĩa phát-xít, nhưng ông ta ta bị một tội ác (tội đồ) khác lợi dụng. Ông ấy và hàng triệu người lính xô-viết khác, những người đã trở thành nô lệ, đã không mang lại cho thế giới một sự giải phóng mà chỉ là một nền nô lệ khác. Người dân đã hy sinh tất cả vì chiến thắng, nhưng hoa quả của chiến thắng lại là mất tự do và đau khổ.

Chiến thắng không đem lại cho kẻ nô lệ điều gì khác ngoài cảm nhận sự vĩ đại của chủ nhân. Chiến thắng to lớn chỉ xác nhận sự nô lệ to lớn của họ mà thôi.

Và giờ đây người Nga lại được kêu gọi ra trận để chống lại chủ nghĩa phát-xít.

Không biết đã bao nhiêu lần trong lịch sử, kẻ độc tài đã dùng chiêu bài yêu tổ quốc để duy trì quyền lực của mình. Trên màn truyền hình tiếng hò hét loạn cuồng càng to hơn: ”nước Nga vĩ đại”, ”chúng ta hãy đứng lên”, ”trả lại đất đai của người Nga”, ”bảo vệ tiếng Nga”, ”tập hợp thế giới của người Nga”, ”chúng ta hãy bảo vệ thế giới thoát khỏi chủ nghĩa phát-xít”.

Từ chính phủ này đến chính phủ khác, họ luôn giăng câu người dân bằng cái mồi yêu tổ quốc, nay họ đang giăng câu và trong tương lai họ cũng sẽ giăng câu. Một lần nữa, nền độc tài lại kêu gọi thần dân bảo vệ tổ quốc để bảo vệ chính mình. Và hệ thống tuyên truyền, bất chấp mọi thủ đoạn, tận dụng chiến thắng đã đạt được trong chiến tranh vì tình yêu tổ quốc vĩ đại (để mị dân). Dân tộc của tôi (Nga) đã bị lấy đi dầu mỏ, đã bị lấy đi bầu cử (tự do), đã bị lấy đi đất đai. Cả chiến thắng cũng bị lấy đi.

Lịch sử đang được viết lại, trong đó chỉ để lại những chiến thắng trong các cuộc chiến và danh dự của người lính. Các sách giáo khoa được thêm một chương về sự hoàn trả vinh quang của Crime. Đang đợi viết một chương tiếp theo: Kiev, như một thằng con hoang đàng, lê gối để sà vào lòng thế giới Nga.

Những kẻ côn đồ thuộc quyền lực của Nga đã và đang kích động lòng hận thù giữa hai dân tộc chúng ta (Nga và Ucraina). Qua truyền hình họ đã phạm phải sự xảo trá không thể tha thứ: họ đã làm cho người Nga và Người Ucraina chống đối nhau.

Cha tôi là người Nga, mẹ tôi là người Ucraina. Bây giờ, đôi lúc tôi nghĩ: cha mẹ tôi chết đi là một điều tốt, vì họ không biết, người Nga và người Ucraina đang tàn sát lẫn nhau.

Việc sát nhập Crime (vào nước Nga) đã mang lại cho ông Putin lợi ích của lòng yêu nước. Nhưng cái đó đã xuống dốc rồi, bây giờ ông ta cần có lòng yêu nước mới. Đối với chế độ độc tài thì hành động chiến tranh không quan trọng bằng tình trạng chiến tranh. Điều xấu nhất đang ở phía trước.

Ngày 9 tháng năm trên nước Nga của Putin đã cách xa chiến thắng của dân tộc, chiến thắng của cha tôi. Đó không phải là ngày hòa bình và cũng không phải ngày tưởng niệm những nạn nhân, mà là ngày vung vũ khí, ngày gây hấn, ngày chiến tranh giữa dân mình với ngoại bang, ngày của những chiếc hòm áo quan bằng thiếc, ngày của sự đại gian dối và đại xảo trá.

Dĩ nhiên, tôi mong muốn sự chiến thắng cho tổ quốc tôi. Thế nhưng, chiến thắng cho đất nước tôi là gì đây? Mỗi chiến thắng của Hitler là một thất bại cho dân tộc Đức. Và sự sụp đổ cuối cùng của phát-xít Đức là chiến thắng vĩ đại dành cho người dân Đức, bởi vì họ là những người đầu tiên trong lịch sử đã cho ta thấy, làm thế nào để một dân tộc có thể hồi phục và sống làm người, không hề bị điên loạn bởi chiến tranh.

Trước mắt của chúng ta, nước Nga từ thế kỷ 21 đã quay trở lại thời trung cổ. Một đất nước mà nơi đó không khí chứa đầy thù hận, không thể hít thở. Trong lịch sử, tiếp sau lòng hận thù lớn là sự đổ máu lớn. Điều gì đang chờ đợi đất nước của tôi? Nó có bị biến thành đại Donbass không?


Bố ơi, chúng ta đã thua trận rồi.

860. Bạn có quyền quay phim CSGT


Nhà báo hay người dân quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ công khai, không phải ở khu vực cấm thì không vi phạm pháp luật, đại diện đến từ Bộ Tư pháp khẳng định.

Trả lời Infonet, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Với chỉ đạo này của Công văn số 1042, chúng tôi thấy việc nêu 2 nhóm hành vi “có lời nói đe dọa, lăng mạ”, “hành vi chống đối cảnh sát giao thông” với hành vi “quay phim, chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ” đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau.


Nữ CSGT tạo hình ảnh đẹp trong mắt người dân

Có thể hiểu, khi bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP buộc phải “được phép đồng ý” của CSGT đang làm nhiệm vụ. Và CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định là “được phép” hay chưa, và xác định “đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo” đã không phù hợp với các quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim, chụp ảnh, bởi vì pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ khi quay phim, chụp ảnh.

Về nguyên tắc, cán bộ, chiến sỹ CAND trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ duy trì trật tự ATGT đường bộ được giao phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Qua rà soát, Cục KTVB chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sỹ công an đang thi hành công vụ (nếu không thuộc các trường hợp cấm, hạn chế).

"Như vậy, việc công dân thực hiện quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT, TTKS, XLVP không phải là hành vi bị pháp luật cấm. Hơn nữa, cán bộ, chiến sỹ CAND, CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo", ông Sơn khẳng định.

Việc Công văn số 1042 quy định nội dung “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”, theo chúng tôi càng thể hiện rõ hơn việc trao quyền cho CSGT truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định “đúng là nhà báo” hay “giả danh nhà báo”.


Văn bản 1042/C67 - P3 ngày 26/4 của Cục CSGT do Đại tá Trần Sơn Hà ký gây tranh cãi trong mấy ngày vừa qua

Nội dung “tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản” còn giao quyền tập hợp thông tin để thông báo cho cơ quan chủ quản cũng không phù hợp với nhiệm vụ của CSGT khi TTKS, XLVP.

Mặt khác, quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang TTKS, XLVP không phải là ghi hình riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể (không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo quy định tại Điều 31 BLDS), mà là ghi hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là bình thường khồng cần phải được CSGT (hay bất cứ cá nhân nào) có mặt ở nơi công cộng này “cho phép”.

Đó là việc giám sát hoạt động lực lượng thực thi công vụ hết sức bình thường của mỗi công dân. Nhờ những hoạt động này mà những hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý.

Theo quy định của Luật Báo chí hiện hành thì một trong những nhiệm vụ của báo chí là: “Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác” (khoản 4 Điều 6); Nhà báo có quyền: “Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật” (điểm b khoản 1 Điều 15) và nhà báo có nghĩa vụ: “Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm” (điểm b khoản 2 Điều 15). Khi nhà báo tác nghiệp đúng Luật Báo chí thì không ai có quyền ngăn cản, truy xét.

Đối với mọi công dân khác (ngoài nhà báo) quay phim, chụp ảnh trong các trường hợp đã nêu, theo chúng tôi cũng không phải là hành vi sai trái. Người dân hoàn toàn có quyền thực hiện việc này nếu không thuộc trường hợp pháp luật cấm hoặc hạn chế. Cũng không phải vì người đang quy phim, chụp ảnh “không phải là nhà báo” mà dễ dàng quy kết là giả danh nhà báo”.

Theo ông Sơn, việc xác định một công dân quay phim, chụp ảnh là “nhà báo”  hay “giả danh nhà báo” tại nội dung Công văn số 1042 là điều không phù hợp với chức năng, thẩm quyền của cán bộ, chiến sỹ CSGT khi tuần tra kiểm soát, xư lý vi phạm.


Xuân Hải

7 tháng 5, 2015

859. GS Nguyễn Tuấn: Phân tích đặc điểm các phát ngôn của giới lãnh đạo Việt Nam

chuẩn cmnr :D - em tks bác, giờ em đã bik tại sao mỗi khi tình cờ nghe các vị í phát biểu trên TV em lại bị tăng xông chỉ muốn cầm cái thước vụt vào cái mỏ các vị í và hỏi: cái j? nói rõ ra xem nào? nghĩa là j? dkm nói như căng củ cọt ... mỗi lần hỏi là 1 thước các bác ợ :))
P/S: em bổ sung còn 2 câu "nhạy cảm" và "thế lực thù địch" nữa ạ


Sẵn dịp bàn về danh ngôn, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn vài nhận xét và phân tích của tôi về những phát biểu của giới lãnh đạo VN. Có khi nào các bạn tự hỏi tại sao người ta không muốn đọc những bài viết của giới lãnh đạo, và khi họ viết hay nói ra cái gì thì rất ít người đọc. Người đọc thì chê (ví dụ như bài của vị nào đó trên Vietnamnet bị dislike nhiều gấp mấy lần like). Tôi tự hỏi câu này rất thường xuyên, và tôi rút ra vài đặc điểm thú vị dưới đây, mà tôi nghĩ có thể giải thích tại sao những phát ngôn của lãnh đạo VN kém hấp dẫn. Đây là bài viết còn ở bản nháp, và sẽ bổ sung khi nghĩ ra ý mới.

Những người lãnh đạo giỏi và có bản lĩnh họ không chỉ nói, mà còn thực hiện những gì họ nói. Ngay cả cách nói, mỗi một lần phát biểu họ đều để lại những câu mà báo chí có trích trích dẫn (quotable words) hay làm cho người nghe phải suy nghĩ vì nó có cái wisdom trong đó. Chẳng hạn như khi nói về những việc làm liên quan đến tai nạn máy bay MH17, thủ tướng Úc nói “Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo phẩm giá, sự tôn trọng, và công lí cho người quá cố và người đang sống”. Đó là một câu có thể trích dẫn.

Nhìn lại giới lãnh đạo VN, tôi thấy hình như họ không có cái tư chất về ăn nói của chính khách phương Tây. Chính khách VN quen với đường mòn chữ nghĩa mang đậm bản chất XHCN nên họ chỉ loanh quanh những câu chữ quen thuộc. Họ không nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu quen thuộc, kiểu như “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” Đọc qua nhiều bài phát biểu của các lãnh đạo VN tôi nhận ra vài đặc điểm chính (có thể chưa đủ) như sau:

Thứ nhất là tính chung chung, không có một cái gì cụ thể. Có thể nói rằng thói quen phát biểu chung chung là đặc điểm số 1 của chính khách VN, họ không có khả năng nói cái gì cụ thể, tất cả chỉ chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Ví dụ như phát biểu “Đặc biệt là, tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”. Đọc xong đoạn văn chúng ta chẳng có thông tin nào, mà tất cả chỉ là những rhetoric tầm thường, giống như những khẩu hiệu được nối kết với nhau. Chúng ta cũng không có thêm thông tin, ngoại trừ một chữ rất chung chung là “phức tạp”. Hai chữ “phức tạp” có thể nói là rất phổ biến ở VN, đụng đến cái gì họ không giải thích được, không mô tả cụ thể được, thì họ bèn thay thế bằng hai chữ “phức tạp” mà chẳng ai hiểu gì cả. Cả một đoạn văn 74 chữ, chúng ta không thấy một ý nào cụ thể và không thể trích dẫn bất cứ câu nào.

Thứ hai là dùng nhiều sáo ngữ. Ví dụ tiêu biểu cho đặc điểm này là bài nói chuyện nhân kỉ niệm 40 năm ngày kí Hiệp định Paris: “Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam”. Chú ý những chữ “mốc son”, “sử vàng”, “mặt trận ngoại giao”, tất cả đều là những sáo ngữ. Có một loại sáo ngữ khác là chúng mang tính tích cực nhưng không có ý nghĩa thực tế. Ví dụ như bài diễn văn nhân dịp kết thúc một đại hội đảng, có đoạn: “Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, tư duy lý luận về văn hóa của chúng ta đã có bước phát triển …. Nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực. Truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng… được phát huy”. Chúng ta chú ý thấy nào là “phát triển”, “phát huy”, “hiệu quả thiết thực”, nhưng vì chúng không có một dữ liệu cụ thể nào nên tất cả chỉ là rỗng tuếch về ý nghĩa. Thật vậy, đọc xong đoạn phát biểu này chúng ta không thấy bất cứ một điểm cụ thể nào để nhớ hay để làm minh họa. Chẳng có một ý tưởng nào để đáng nhớ.

Một trong những sáo ngữ chúng ta hay thấy trong các bài phát biểu là “đánh giá cao”. Ví dụ như “tôi cám ơn và đánh giá cao bài phát biểu rất tốt đẹp của Ngài Thủ tướng Hà Lan”, “tôi đánh giá cao và chân thành cám ơn sự hỗ trợ của Chính phủ …”. “Đánh giá cao” hình như là một thuật ngữ đặc thù xã hội chủ nghĩa nó vẫn còn sống sót đến ngày hôm nay. Thoạt đầu nghe qua “đánh giá cao” thì cũng hay hay, nhưng nghĩ kĩ thì thấy câu này chẳng có ý nghĩa gì cả. Thế nào là đánh giá cao, cao cái gì? Tôi thấy nó là một sáo ngữ cực kì vô duyên và vô dụng.

Thứ ba là không có thông tin (lack of information). Có nhiều lãnh đạo VN quen tính nói rất nhiều, nhưng nếu chịu khó xem xét kĩ chúng ta sẽ thấy họ chẳng nói gì cả. “Chẳng nói” vì những gì họ nói ra không có thông tin, tất cả chỉ là những câu chữ lắp ráp vào nhau cho ra những câu văn chứ không có dữ liệu. Do đó, có khi đọc xong một đoạn văn chúng ta chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. Chẳng hạn như phát biểu về hiến pháp, ông chủ tịch QH nói: “Chúng tôi cũng hiểu rằng một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và ngay một số ĐBQH cũng còn ý kiến khác. Tuy nhiên tuyệt đại nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Với quyền năng nhân dân trao cho Quốc hội, chúng ta đã thể hiện được đại đa số nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội với tinh thần làm chủ của nhân dân, chúng ta sẽ biểu quyết theo tinh thần đó”. Câu cú và cấu trúc ý tưởng chẳng đâu vào đâu. Lúc thì quyền năng nhân dân trao cho Quốc hội, lúc thì nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội, lại còn đèo theo một câu “tinh thần làm chủ của nhân dân”. Câu chữ cứ nhảy nhót loanh quanh, chẳng đâu vào đâu, và cuối cùng là chẳng có gì để nói!

Thứ tư là ngôn ngữ khẩu hiệu. Có thể nói rằng rất rất nhiều bài nói chuyện và diễn văn của các lãnh đạo VN chỉ là những khẩu hiệu được lắp ráp vào với nhau. Có những khẩu hiệu quá quen thuộc nên chẳng ai chất vấn tính chính xác của nó. Ví dụ như câu “Trong niềm tự hào, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới …”, có lẽ chẳng ai để ý đến chữ “danh nhân văn hóa thế giới”. Nếu người bình thường phát biểu như thế thì chắc người ta cũng lắc đầu bỏ qua, nhưng lãnh đạo mà phát biểu như thế thì chẳng có gì sáng tạo, chỉ lặp lại những câu chữ đã có trước đây. Thật ra thì ông cụ đâu được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Một loại ngôn ngữ khẩu hiệu khác mang tính tự hào. Tự hào là một “đặc sản” của các vị lãnh đạo VN, đi đâu cũng nghe họ nói về tự hào. Điều này cũng hiểu được, vì làm lãnh đạo thì phải gieo niềm tự hào vào người dân. Nhưng gieo không đúng chỗ và gieo mãi thì có thể trở thành phản tác dụng. Thử đọc bài diễn văn có đoạn “Chúng ta tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam anh hùng, tự hào về những con người giản dị bằng những việc làm tốt của mình ở mọi lúc, mọi nơi đã góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam; góp phần quyết định để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh”. Tôi tự hỏi có cần quá nhiều tự hào như thế. Đất nước anh hùng, con người anh hùng, vẻ đẹp văn hóa, v.v. nhưng tại sao đất nước vẫn còn nghèo và phải “ăn xin” hết nơi này đến nơi khác và ăn xin kinh niên, con người vẫn còn đứng dưới hạng trung bình trên thế giới. Thay vì tự ru ngủ là anh hùng và giàu mạnh, tôi nghĩ lãnh đạo phải nói thẳng và nói thật là đất nước vẫn còn rất nghèo, tài nguyên chẳng có gì, và cả nước đang phải đương đầu với ngoại xâm.

Thứ năm là … tự khen. Từ tự hào quen dùng khẩu hiệu dẫn đến tự mình khen mình là tài giỏi và vĩ đại, và đặc tính này tôi thấy khá thường xuyên. Một ví dụ tiêu biểu là bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỉ niệm 40 năm ngày 30/4: "Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng". Thật ra, đó là tựa đề của bài viết, mà dài như thế! Nhưng một phần tựa đề này là những khẩu hiệu chúng ta hay gặp trong suốt mấy thập niên qua. Cứ đề cập đến đảng là phải kèm theo những tính từ như sáng tạo, lỗi lạc, đứng đắn, quang vinh, vĩ đại, v.v. Tôi không bàn đến đúng hay sai về nội dung, mà chỉ muốn nói rằng rất hiếm thấy một tổ chức hay cá nhân nào mà tự khen như thế. Người Việt có câu "Hữu xạ tự nhiên hương", nếu mình làm điều tốt thì sẽ có người ghi nhận, chứ không cần phải tự khen như thế. Tự khen 1 lần thì có lẽ cũng không đến nỗi tệ, nhưng tự khen hết năm này sang năm khác, và tự khen khắp nơi như dàn đồng ca, thì rất dễ bị hiểu lầm là một bệnh lí tâm thần. Nhưng rất tiếc đó là một thói quen của các vị lãnh đạo, hay những người viết diễn văn cho các vị ấy.

Thứ sáu là loại ngôn ngữ hành chính hóa. Nếu chú ý kĩ chúng ta sẽ thấy phần lớn những bài nói chuyện, bài diễn văn các lãnh đạo đọc là họ nói với đảng viên, với quan chức, công nhân viên, với quân đội, v.v. chứ không phải nói với người dân. Có lẽ chính vì thế mà ngôn ngữ của họ thường mang tính hành chính. Có những chữ mà hình như họ sử dụng quá nhiều nên chẳng ai để ý ý nghĩa thật của nó, như “Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”. Đối với người dân bình thường, ít ai hiểu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là cái gì. Có thể nói đó là những ngôn ngữ xa lạ đối với người dân.

Những bài diễn văn của các chính khách phương Tây thường rất sinh động, thực tế, và có khi … vui. Chúng ta thấy nhiều lãnh đạo phương Tây (tiêu biểu là Mĩ) khi họ nói chuyện dù là trong buổi lễ rất trang trọng, mà họ vẫn làm cho khán giả vừa vỗ tay vừa cười. Khán giả cảm thấy gần gũi với diễn giả. Ngược lại, những bài diễn văn của lãnh đạo VN thường cứng nhắc, công thức, và lúc nào cũng tỏ ra hết sức nghiêm trọng (dù sự việc chẳng có gì nghiêm trọng). Vì thế mà khi lãnh đạo VN nói chẳng ai cười, có người lại buồn ngủ, tức là chính họ cũng cảm thấy nhàm chán. Khán giả cũng có khi vỗ tay, nhưng là vỗ tay theo kịch bản hơn là tự nhiên. Khán giả nghe họ đọc hơn là diễn. Một phần có lẽ do lãnh đạo VN chưa quen với văn hóa nói, và/hoặc họ cũng muốn tỏ ra là người quan trọng. Dù gì đi nữa thì những bài nói chuyện của lãnh đạo VN rất khó gần với người dân do ngôn ngữ cứng đơ và kém thân thiện, và cách họ triển khai bài nói chuyện quá xa rời công chúng.


Dĩ nhiên, những đặc điểm này không phải là độc quyền của các lãnh đạo VN, mà thỉnh thoảng các chính khách phương Tây cũng vướng phải. Khi họ vướng phải, người dân biết vị chính khách đó có vấn đề, hoặc là không nắm vững vấn đề, hoặc là lúng túng. Vì không nắm vững vấn đề nên họ nói chung chung. Có người nghĩ nói chung chung là nói “đa tầng”, nhưng thật ra đó chỉ là cách ngụy biện thô thiển. VN nói về hội nhập quốc tế, nhưng với loại ngôn ngữ đặc thù XHCN trên đây, tôi nghĩ các lãnh đạo VN sẽ rất khó gần với lãnh đạo thuộc thế giới văn minh.