Trung Quốc Ngàn Năm
Posted by Nguyễn Xuân Nghĩa Việt Báo Ngày
130724
Những nhập nhằng của Bắc Kinh và hiểu lầm của thế giới về
Trung Quốc
Lãnh thổ "Trung Quốc" thời Nguyên Mông... Hốt Tất
Liệt, Khang Hy, v.v... là người Hán ư?
Với dư luận thế giới, Trung Quốc là
cường quốc đã có ảnh hưởng quốc tế trong cả ngàn năm, sau thế kỷ lụn bại chỉ bằng
chớp mắt, nay đang chiếm lại ngôi vị truyền thống. Cho nên các chiến lược gia đều
thấy sự thật này trong cách xử trí với một quốc gia từng là trung tâm thế giới
hay thiên hạ, như tên gọi của Trung Quốc. Khốn nỗi, sự thật này chỉ là một huyền
thoại.
Sự thật là Trung Quốc chưa từng là trung tâm của thế giới, dù chỉ là thế
giới của đại lục Âu-Á. Và ngàn năm qua, Hán tộc đã từng bị các sắc tộc khác thống
trị trong nhiều thế kỷ. Bài này sẽ nói về giai đoạn đầu của "ngàn năm
Trung Quốc", từ năm 960 với Đế chế của nhà Đại Tống cho đến năm 1911 khi Đế
chế nhà Đại Thanh sụp đổ, chấm dứt luôn sự cai trị của các Hoàng đế Trung Hoa,
khởi đầu từ Tần Thủy Hoàng Đế vào năm 221 trước Công nguyên.
Sau ngàn năm đó là "trăm năm huy
hoàng" của Hán tộc, từ 1912 đến 2013 - một chuỗi huyền thoại cận đại mình
sẽ xét sau....
***
Thế giới ngoài Châu Á, là Âu Châu hay
"Tây phương", có thể đã lần đầu tiên biết về Trung Quốc dưới cái tên
là CATHAY, hình như là do lầm lẫn của Marco Polo khi kể lại chuyện Trung Quốc
thời nhà Nguyên với cái tên phổ biến KHITAN tại Tây Á và Trung Á của Đế quốc Khất
Đan hay Khiết Đan.
Khác với nhiều quốc gia mà tên nước
phản ảnh chủ quyền của một sắc tộc chính (Đại Việt là một thí dụ, Afghanistan
là một thí dụ khác, đất của người Afghan), Trung Quốc có tên nước khá trung hòa,
chung chung, là "quốc gia trung tâm". Bên trong có nhiều sắc tộc khác
nhau, nhưng Hán tộc giữ vai trò chính - hoặc làm như là đã từng giữ vai trò
chính. Đấy là huyền thoại đầu tiên, một sai lầm cứ lưu truyền như chân lý. Ngày
nay, khi tiếp tục dùng chữ "Trung" như Bắc Kinh hay con vẹt Hà Nội,
chúng ta lưu truyền sự sai lầm đó. Vô tình hay cố ý thì xin cứ chọn!
Trong ngàn năm Trung Quốc, từ 960 đến
1911, Hán tộc đã nằm dưới, hoặc bị các dị tộc bợp tai đá đít trong nhiều thế kỷ,
khoảng hai phần ba thời gian đằng đẵng này.
Trước hết, sử sách lười biếng - và kẻ
đọc sử theo tinh thần bị Hán hóa, là không dùng óc phê phán - thường ghi rằng
nhà Đại Tống khởi nghiệp nhờ Triệu Khuông Dận vào năm 960 sau 70 năm loạn lạc của
thời "ngũ đại thập quốc" ("năm đời 10 nước"), và kết thúc
vào năm 1279. Ngàn năm qua, đấy là triều đại của Hán tộc có thiên mệnh lâu nhất,
dài hơn ba thế kỷ (319 năm).
Sự thật lại không hẳn như vậy. Trước
hết là về nhà Đại Tống.
ĐẠI TỐNG 960-1279
Nhà "Đại" Tống quãng 1114, dưới chân Tây Hạ và
nhà Kim, bên cạnh Tây Tạng và Đại Lý (Nam Chiếu)
Sự thật là nhà Tống có nhiều thành tựu
chói lọi về văn chương hay kỹ thuật, nhưng là thời "đa nguyên" khi
chính quyền trung ương suy yếu nhất trong các triều đại của Hán tộc. Lý do là một
sự thật khác: lãnh thổ Trung Quốc tuột khỏi tầm kiểm soát của Hán tộc vì bị các
triều Khất Đan, Tây Hạ và nhà Kim cai trị trong cả thế kỷ. Xin hãy đọc lại:
Từ năm 960 đến 1279, nhà Đại Tống bị
mất đất 1) cho Khất Đan từ năm 916
(Triệu Khuông Dận chưa thống nhất tất cả như thiên hạ thường nghĩ) đến năm
1125; 2) cho Tây Hạ (thuộc tộc
Tangut, Thông Cổ Tư, có họ với dân Tây Tạng) từ 982 đến 1227; 3) cho nhà Kim, thuộc sắc tộc Nữ Chân,
có họ với dân Khất Đan và Mãn tộc sau này, từ năm 1115 đến 1234.
Không chỉ mất đất, nhà Tống còn bị
chia hai. Sau trăm năm đầu thì Bắc Tống bị tộc Liêu uy hiếp và bị nhà Kim tiêu
diệt năm 1127. Còn Nam Tống thoi thóp đến năm 1279 là tiêu vong.
Trong 319 năm đó, sự thật ai oán là
nhà Đại Tống của Hán tộc chịu phận chư hầu, phải triều cống cho Khất Đan từ năm
1004 và cho Tây Hạ từ năm 1044. Năm 1207, Hoàng đế Nam Tống là Ninh Tông Triệu
Khoách còn tăng mức triều cống và tự xưng cháu, "Hoàng điệt", với
"Hoàng thúc" nhà Kim. Chúng ta kính trọng các anh hùng của họ, như Nhạc
Phi hay Văn Thiên Tường, nhưng, khi thấy Hán tộc coi thường các sắc tộc họ gọi
là tứ di thì đừng quên sự thật: trong hơn ba thế kỷ của nhà Tống, có hai thế kỷ
là bị "man di" khuất phục. Ta nhớ lại các anh hùng dân tộc của ta đã
đánh bại quân Tống, như Lê Đại Hành năm 981 hay Lý Thường Kiệt năm 1075....
Nam Tống trước khi tiêu vong
NGUYÊN MÔNG 1279-1368
Sau đó là thời của cháu nội Thành Cát
Tư Hãn, là Hốt Tất Liệt, người lập ra nhà Nguyên của sắc tộc Mông Cổ trên một
lãnh thổ bát ngát.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn lấn đất cắm
dùi từ năm 1207 thì Mông Cổ hoàn toàn làm chủ Trung Quốc từ năm 1279 đến 1368.
Hán tộc là dân thứ cấp, hạng dưới, của người Mông Cổ. Dù có thi đỗ để ra làm
quan từ năm 1315 trở về sau cho triều Nguyên Mông thì sĩ phu Hán tộc chỉ được
nhậm chức ở địa phương. Triều đình trung ương thuộc các Đại Hãn. Họ kết nạp trí
thức Tây Á, Trung Á, Á Rập, thậm chí Âu Châu (Marco Polo là thí dụ).
Đây là một thời "đa nguyên"
khác vì tầng lớp ưu tú xuất phát từ nhiều sắc tộc, thuộc các tôn giáo hay văn
hóa như Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo, Cảnh giáo hay Mani giáo ("Minh
giáo" theo cái hiểu thông tục nhờ truyện võ hiệp Kim Dung).... Tư tưởng Khổng
Nho và cả chữ Hán có được sử dụng, nhưng chỉ là phương tiện cai trị thực tiễn ở
dưới. Và trí thức Hán tộc có hai ngả giải thoát là văn chương, và.... lại luyện
thuốc trường sinh theo Đạo giáo.
ĐẠI MINH 1368-1644
Vạn lý Trường thành vào đời Minh - Tân Cương, Mông Cổ và
Mãn Châu ở đâu?
Sau trăm năm dưới ách Nguyên Mông
(1279-1368) Hán tộc có cơ hội quật khởi khi Chu Nguyên Chương sáng lập ra một
triều đại kéo dài từ 1368 đến 1644.
Trải ngàn năm của Trung Quốc nếu có một
thời kỳ mà Hán tộc thật sự thi thố tài năng hoặc nguyện ước "bình thiên hạ"
thì đấy là vào nhà Minh, ít ra trong nửa đầu của 276 năm cai trị, là hơn một thế
kỷ. Kết luận là không có gì sáng láng!
Tính trung bình thì trong 276 năm, mỗi
năm lại có một cuộc chiến (con số chính xác của Alastair Johnson, một học giả
Harvard, là 1,12!) Ngoài chuyện loạn lạc triền miên với hơn 300 vụ xung đột giải
quyết bằng quân sự, những điểm nổi bật nhất của nhà Minh của tộc Hán là:
Thứ nhất, mở rộng và củng cố Vạn lý
Trường thành, một kỳ tích của sự sợ hãi có thể thấy được từ mặt trăng. Thứ hai
và đấy là lý do, vì khu vực Trung Nguyên của Hán tộc thường bị các dị tộc Mông,
Mãn tấn công. Thứ ba, nhà Minh quay đầu vào núi, giữ thể thủ để tồn tại: sau bảy
chuyến hải hành từ 1405 đến 1433 của Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa, một Đô đốc Hồi
giáo, thì Hán tộc ra lệnh "hải cấm". Nhường đại dương cho thế giới.
Thứ tư, nhà Minh trở lại lý luận tinh thuần của Khổng Nho, không tranh đua buôn
bán với thiên hạ.
Một lý do quan trọng không kém của kỳ
tích tự cô lập này là kinh tế: công khố bị kiệt quệ.
Mười năm chiếm đóng (1407-1418) và
thu vét tài nguyên của Đại Việt lại ộc ra hết và lỗ vốn vì 10 năm kháng chiến của
Lê Lợi từ 1418 đến 1427! Xin đặt lại "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn
Trãi vào bối cảnh "geopolitics"....
Và dù đã nâng cao mở rộng Vạn lý Trường
thành, Hán tộc dưới đời Minh vẫn không ngăn nổi thác lũ từ Đông Bắc, họ lại bị
dị tộc khuất phục sau khi gặp cảnh tham ô và động loạn liên miên từ trước đời
Sùng Trinh 1611-1644.
Kết luận thì lãnh thổ Trung Quốc thời
Nguyên Mông rộng lớn chừng nào thì co cụm dúm dó chừng đó vào thời nhà Minh của
Hán tộc. Rồi chỉ mở rộng là nhờ dị tộc Mãn Thanh.
ĐẠI THANH 1644-1911
Bản đồ Đại Thanh - và nghệ thuật nhận vơ của Hán tộc
Mối duyên, hay cái nợ, của Hán tộc với các sắc tộc Nữ Chân, Khất Đan hay Liêu Kim không kết thúc với nhà Nguyên hoặc được Trường thành Liêu Đông của nhà Minh ngăn trở. Các sắc tộc thiểu số trên vùng Đông Bắc đã tranh đua với nhau, thoát khỏi ách Nguyên Mông và quật khởi. Đó là Mãn Tộc, tự xưng nhà Hậu Kim rồi đổi thành nhà Thanh. Họ vượt trường thành vào làm chủ Trung Quốc từ năm 1644.
Ngẫm lại thì thế giới bên ngoài biết
quá ít về các sắc tộc hay bộ lạc như Mông Cổ, Tây Hạ hay Thông Cổ Tư, hoặc Mạt
Hạt, Nữ Chân, Khất Đan, Cao Ly hay Mãn Châu, v.v.... Có lẽ Hán tộc cũng tránh
nói đến cái phần kém vinh quang của họ trên những khu vực hoang vu cằn cỗi nơi
"quan ngoại", ngoài Vạn lý Trường thành. Cho đến khi bàng hoàng vì bị
một sắc dân thiểu số từ đó bước vào cai trị trong 267 năm.
Các sắc dân này cũng có đại
anh hùng, như Đại Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích và con trai là Hoàng Thái Cực, hai người
sáng lập nhà Đại Thanh. Họ là tổ phụ của
những Khang Hy và Càn Long nổi tiếng trên thế giới và góp phần nhân đôi diện
tích của Trung Quốc vào đời Minh!
Quả thật là nhà Đại Thanh đã là đại
cường Đông Á trong thời kỳ đầu, với các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi nhờ các
chiến công quân sự tại Tân Cương, Tây Tạng, Nepal và Miến Điện. (Trường hợp nước
ta với Quang Trung Nguyễn Huệ là ngoại lệ tê tái, y như các chiến công đời Trần).
Thế giới khi ấy chỉ có ba Đế quốc xứng
tài là Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo, Đế quốc Moghul của văn hóa Ba Tư và Đế quốc
Đại Thanh của Mãn tộc.
Dưới triều Mãn Thanh, Hán tộc lại là
loại công dân hạng nhì, thắt bím nằm im dưới các sắc tộc thiểu số. Trong tổ chức
quân sự và dân sự, là "bát kỳ", dưới tám lá cờ, các tộc Mãn và Mông vẫn
lãnh đạo ở trên, Hán tộc là nô bộc chỉ được tham dự về sau, và ở cấp thấp.
Trong sinh hoạt trị quốc, chữ Hán có được dùng, nhưng chỉ là phương tiện điều
hành cho cấp dưới, chứ các văn từ quan trọng nhất đều viết bằng tiếng Mãn. Việc
Hán tộc đã "Hán hóa" của dị tộc cũng là một huyền thoại khác. Nhà
Thanh áp dụng tư tưởng Khổng Nho vì có lợi cho bộ máy thống trị - và cũng khiến
xứ sở lụn bại dần - chứ vẫn khinh thường người Hán. Chỉ những ai đã nhiều đời
phục vụ các tộc Nữ Chân, Kim Liêu về trước hay Mông Mãn về sau mới được trọng dụng.
Họ là thành phần bị gọi là "Hán gian"....
Chính là sự miệt thị này mới giải
thích phản ứng dội ngược của Hán tộc trong cuộc cách mạng gọi là "Dân Quốc"
vào năm 1911 - và những thảm kịch về sau. Chuyện về sau, khi sẽ nói sau....
***
Khi điểm lại "ngàn năm
Trung Quốc", từ 960 đến 1911, ta thấy ra quy luật của sự nhập nhằng, lồng
trong mặc cảm tự ti được che giấu bằng tinh thần tự tôn nhờ chiến công của người
khác.
Trong 319 của nhà Tống, có hơn 200
năm bị ngoại thuộc từng phần rồi toàn phần. Cộng với gần trăm năm thống trị của
Mông Cổ và 267 năm của Mãn Thanh, Trung Quốc thực tế bị ngoại tộc khuất phục
trong khoảng 600 năm. Xin viết lại cho dễ nhớ: 600 năm cúi đầu trong 950 của Đế
chế Trung Quốc.
Nói cách khác, đa số các Hoàng
đế Trung Quốc không phải là người Hán. Hai phần ba thời gian vinh quang của
Trung Quốc ngàn năm là một chuỗi dài nhục nhã cho Hán tộc.
Khi các dị tộc man rợ này cai trị
thiên triều thì họ mở cơ hội cho nhiều sắc tộc khác tham gia. Khi Hán tộc có thể
một mình một chợ thi thố tài năng thì chủ nghĩa duy chủng thắng thế, Hán tộc là
nhất. Trung Quốc có sự "ổn định" huy hoàng - trăm năm đầu của nhà Tống
và nhà Minh. Sau đó là nội loạn, ngoại xâm và lụn bại.
Ngày nay, khi lãnh đạo Trung Quốc lấy
chiến công chinh phục của dị tộc để nói về chủ quyền của họ, từ vùng Mãn Châu
qua Nội Mông, Tân Cương hay Tây Tạng, họ nhập nhằng với lịch sử. Và với địa dư.
Những vùng đất nằm ngoài Vạn lý Trường thành, dù là xây vào đời Chiến Quốc, hay
Tần, hay mở rộng vào đời Minh, không thể là lãnh thổ của Trung Quốc.
Lãnh đạo Bắc Kinh còn nhập
nhằng với các sắc tộc khác khi lại đề cao Hán tộc và coi thường những sắc tộc
đã bị đồng hóa lần mòn, mà vẫn chưa thấy yên tâm trong bụng.... Nếu hiểu ra tâm
lý đó, ta có thể hiểu được những động thái ngày nay của Bắc Kinh, rất hung hăng
với bên ngoài, để che giấu mối lo ở bên trong.
Đặt vào bối cảnh địa dư chiến lược của trường kỳ, ta mới thấy sự kiêu
hùng của Đại Việt từ các chiến công lẫy lừng vào đời Tống, đời Nguyên, đời Minh
đến thời Thanh làm Càn Long phải tâm phục.... Còn đâu cái nét kiêu hùng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét