Chiều 04-07-2013
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Tôi dừng xe trước căn
nhà nhỏ bé số 94/19 trong con hẻm đường Trần Khắc Chân, quận 1, thành phố Hổ
Chí Minh. Nhìn qua cửa sổ tôi đã thấy mái đầu trắng phơ mờ ảo. Đó
chính là nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, một
cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, nổi tiếng với các tác phẩm như Dư âm, Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn,
Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre...
- Chú tới thăm nhạc sỹ
hả?
- Vâng!
- Mời chú vào!
Tôi bước qua manh chiếu,
tránh mấy thứ đồ lộn xộn, vào căn phòng nhỏ xíu. Chiếc giường cá nhân thấp gần
sát đất trải tấm đệm rách, có chiếc gối và chiếc mền chăn nhàu nát. Trên tường
treo chiếc đàn tì bà cũ kỹ đứt dây cạnh tấm ảnh chủ nhân thời hoàng kim. Cạnh cửa
sổ một chiếc bàn con, vài quyển sách và bản nhạc phủ đẩy bụi bặm. Bên trái một
chiếc đàn Organ có lẽ ra đời từ những năm tám mươi, đã rệu rã với những phím
đàn đen xỉn, mốc meo. Chiếc máy Cassete cũng cũ kỹ như chiếc đàn Organ đặt trên
đầu giường, băng ghi âm đang nhả bài Dư âm, giọng ca buồn của Ánh Tuyết
như cô đặc trong bầu không khí ẩm mốc, cô quạnh.
Nhạc sỹ đang chuẩn bị
ăn cơm chiều. Chiếc khay nhựa đặt trên chiếc ghế gỗ, có chén cơm, chén canh,
vài miếng đậu phụ. Tôi lên tiếng:
- Em chào anh ạ!
Ông già ngẩng nhìn tôi.
Khuôn mặt vuông vức, vầng trán cao, tóc râu trắng toát lòa xòa.
- Em là ai nhỉ? Anh
quên mất rồi!
- Minh Diện đây anh!
- À, anh nhớ ra rồi! Khỏe
không em?
Ông chìa bàn tay xương
xẩu, khô héo, teo tóp cho tôi, rồi bào:
- Đưa giúp anh chiếc gậy,
anh em mình ra kia uống trà!
Tôi nói:
- Thôi, ngoài đó đang sắp
mưa, lạnh lắm!
- Ừ, thế thì ngồi đây
nói chuyện!
Ông nói thế, và cười. Vẫn
ánh lên nét hồn nhiên trên đôi mắt đa tình của một thời từng làm rạo
rực trái tim bao cô gái trẻ. Ánh mắt của một mối tình ngang trái đẹp như mơ, tạo
lên một “dư âm” hơn nửa thế kỷ trước.
Nguyễn Văn Tý kể, hồi ấy
ông ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, có người mai mối cho một người con gái và dẫn đến nhà
cô chơi. Cô ấy đẹp nhưng nói nhiều, cái duyên lộ ra hết ra ngoài. Bỗng một cô
bé có đôi mắt to tròn, gương mặt thánh thiện, đẹp như vầng trăng mười sáu, thấp
thoáng sau chị gái. Nguyễn Văn Tý nhìn đắm đuối và cô bé đáp lại bằng nụ cười e
ấp. Thế là cảnh “Tình chị duyên em” xảy ra và người nhạc sỹ chiến sỹ phải
nén lòng, lặng lẽ ra đi, bởi ngày ấy kỷ luật vệ quốc quân vô cùng khe khắt.
Rồi một lần Nguyễn Văn
Tý tình cờ gặp lại người con gái ở Vĩnh Yên. Cô đẹp hơn, là một diễn viên văn
công, và đã có người yêu. Cô hỏi Nguyễn Văn Tý: “Sao ngày ấy anh bỏ đi biệt?”. Nguyễn
Văn Tý không trả lời, trao cho cô gái bản nhạc Dư âm mà ông đã
sáng tác trong một đêm thầm nhớ người con gái ấy:
“Đêm qua mơ dáng
em đang ôm đàn dìu muôn tiếng thơ.../ Đê mê lòng nhớ giấc mơ, môi em hé rung / Anh
muốn thành mây nương nhờ làn gió...”
Sau cuộc chia tay, Nguyễn
Văn Tý không gặp lại người con gái ấy. Ông bị cuốn theo bước chân hối hả
của bạn bè, đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông có mặt
trong đoàn văn hóa của Cục quân huấn, rồi nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn văn
công Sư đoàn 304, làm trưởng đoàn, vừa hát vừa sáng tác trên các mặt trận Cao Bằng,
Lạng Sơn, Điện Biên Phủ. Tuy nhiên bài “Dư âm” của ông chỉ được hát vài lần rồi bị cấm và
ông bị kiểm điểm vì người ta nói bài hát ấy ủy mị, thiếu lập trường tư tưởng
cách mạng.
Trong khi miền Bắc cấm thì
miền Nam lại hát. Bài hát Dư âm bay bổng trên đài phát thanh Sài
Gòn. Và đó là tai họa dáng xuống đầu Nguyễn Văn Tý. Người ta ghép ông vào nhóm “Nhân văn giai
phẩm”.
Tôi hỏi:
- Có một bài báo viết,
ngày ấy, theo lời khuyên của Lưu Hữu Phước, anh về Hưng Yên. Có đúng không
anh?
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý
nói:
- Đó là một lý do. Còn một
lý do nữa, là mình đã sửa cà nhạc và lời một bài hát cho một nhạc sỹ. Bài hát nổi
tiếng và ông ta trở thành một cán bộ lãnh đạo Hội âm nhạc. Ông ta muốn nhân cơ
hội đẩy anh đi cho khuất mắt, để khỏi lộ chuyện nhờ sửa nhạc...
- Anh ở Hưng Yên cũng
lâu nhỉ?
- Tám năm. Đúng tám
năm!
- Ngày đó nhờ ông
Lê Quý Quỳnh và nhà thơ Trần Doanh, anh mới được trở lại Hà Nội?
- Em nhớ dai nhỉ!
Đúng vậy đấy. Anh Quỳnh tốt và quý anh lắm.
Một hôm anh Trần Doanh
xuống chơi, anh nói:
- Cho tôi về Hà Nội đi
đây đi đó, may ra viết được cái gì, chứ ở đây mãi làm con chim chết
khô trên đồng đay mất thôi!
Trần Doanh đưa tờ giấy
bảo:
- Viết đơn đi!
Anh viết, Trần Doanh ký
liền và đưa anh Lê Quý Quỳnh. Anh Quỳnh nói:
- Mình rất quý cậu, bà
con Hưng Yên không quên bài “Tiếng chim hót trên đồng đay” của cậu. Đi đâu cũng
đừng quên Hưng Yên.
Nguyễn Văn Tý như con
chim sải cánh bay khắp mọi miền đất nước. Ông thâm nhập thực tế, chắt lọc chất
thơ, chất nhạc từ trong cuộc sống lao động, chiến đấu cùa quân dân ta, tạo nên
tác phẩm. Ông sáng tác không nhiều, không có những khúc tráng ca, những tác phẩm
của ông mang đậm chất dân ca, được chắt lọc từ những làng quê ông đã
đi qua. Những
tác phẩm ấy đi vào lòng người và ngân mãi qua nhiều giọng hát cùa các thế
hệ ca sỹ: Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa,
Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre...
Bây giờ, khi đêm đêm những bài
hát ấy vang lên ở một tụ điềm ca nhạc, một phòng trà, và những ca sỹ lộng lẫy
trong ánh đèn mầu, nhận những tràng pháo tay và sau đó nhận những phong
bao tiền cát xê vài triệu đồng, thì trong căn phòng vài mét vuông này, người nhạc sỹ
già Nguyễn Văn Tý vò võ trong cô đơn, bệnh tật và nghèo túng.
Ông nói với tôi:
- Từ ngày vợ anh chết,
anh sống một mình. Anh có hai người con gái, một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn, nhưng
cả hai đều nghèo, anh không muốn làm gánh nặng thêm cho con cháu. Tất cà các khoản lương hưu
và tiền bản quyền của anh mỗi tháng bây giờ được gần sáu triệu. Phần lớn dùng để
uống thuốc vì về già nhiều bệnh lắm. Một phần trả lương cho người cháu vợ chăm
sóc mình. Mỗi tháng chỉ còn vài trăm ngàn rau dưa thôi em ạ...
- Có cơ quan đơn vị nào quan tâm giúp đỡ anh không? Như
Hưng Yên, Thái Bình, Bến Tre, Hà Tĩnh... Những địa phương nổi tiếng nhờ bài hát
của anh!
Người nhạc sỹ già khẽ lắc
đầu. Và ông nhớ lại một chuyện buồn:
- Một lần, Hội nhạc sỹ
tổ chức sinh nhật anh, ông Phó giám đốc sở Văn hóa thông tin tỉnh Bến Tre mang
lên cho mười triệu. Ông ấy không đưa cho anh mà đưa cho ban tổ chức. Sau lễ
sinh nhật, ban tổ chức mới cho anh biết và bảo số tiền đó đã chi vào
lễ sinh nhật hết rồi!
Dừng một lát, nhạc sỹ cười,
rướm nước mắt:
- Gìá mà họ chia đôi số
tiền đó, cho anh năm triệu em nhỉ?
Tôi động viên ông quên
chuyện cũ đi. Ông đã không tiếc tuổi trẻ dấn thân vào con đường cách mạng thì
nhớ làm chi những chuyện buồn ấy.
Tôi đặt vào tay nhạc sỹ
Nguyễn Văn Tý chút tiền và ghi vào mảnh giấy trên bàn số điện thoại, và dặn
ông: “Khi nào cần anh bảo cô người làm gọi điện cho em!”
Tôi chào ông ra về.
Cơn mưa chiều sắp ập xuống.
Dắt xe ra về, tôi ngoái
lại nhìn qua cửa sổ, vẫn thấy mái tóc bạc phơ nghiêng ngả như đung đưa. Và giọng
ca Ánh Tuyết hát bài Dư âm buồn thăm thẳm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét