Anh Vũ, thông tín viên RFA, 2013-07-21
Ngày 09.7.2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố Kết
quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo
cáo cho biết “Tham
nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ
tham nhũng nhiều nhất”.
Kết quả của khảo sát vừa nêu hoàn toàn phù hợp với kết quả cuộc điều tra
xã hội do Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20.11.2012,
thì CSGT là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.
Lạm dụng quyền lực một cách có hệ thống
Vấn đề tham nhũng thì ở quốc gia nào
cũng có, chỉ khác nhau ở mức độ; thế nhưng điểm đáng chú ý là ở Việt nam chuyện
tham nhũng dường như đã trở thành một chuyện đương nhiên. Đó là vấn đề “đầu
tiên” - tiền đâu? Nói về nguyên nhân khiến cho tham nhũng tràn lan, TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Phát triển IDS cho biết
“Tôi nghĩ rằng cái đó là cảm nhận của người dân trong cuộc
sống hàng ngày. Việc cảnh sát hạch sách người dân có những chuyện người ta làm
đúng chứ không phải là sai, phạt các vi phạm này khác là chuyện cần thiết thôi.
Nhưng mà gắn vào cái việc phạt nào đấy thường là chuyện vòi tiền chẳng hạn, hay
là người dân nghĩ trả cho họ ít tiền cho đỡ rách việc để đi làm việc khác”.
Công an giao thông Việt Nam
Nói đến tham nhũng của cảnh sát thì
thường người ta nghĩ tới CSGT vòi vĩnh nhũng nhiễu để nhận tiền hối lộ từ người
tham gia giao thông, hay cảnh sát điều tra tham nhũng bằng cách làm sai lệch hồ
sơ trong vấn đề chạy án. Nhưng trên thực tế, những việc
đó chỉ là những hành vi tham nhũng rất nhỏ trong ngành công an. Thực tế, tham
nhũng trong ngành công an chủ yếu là việc lạm dụng quyền lực để trục lợi một
cách có hệ thống.
Thông qua danh nghĩa bảo vệ an ninh
chính trị, bí mật quốc gia, trật tự an toàn xã hội nên hiện nay ở Việt nam đã
có quá nhiều công an để theo dõi, quản lý trong hoạt động của đời sống xã hội ở
mọi cấp, mọi ngành. Về vấn đề này TS. Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Phát triển IDS cho biết
“Tôi nghĩ đây là cảm nhận của người dân, thì rõ ràng người
dân phải tiếp xúc với rất nhiều cảnh sát. Có thể nói rất đáng tiếc trong thời gian vừa qua
nhà nước Việt nam đã bị cảnh sát hóa một cách vô cùng mạnh mẽ. Có thể nói cảnh
sát hiện diện ở khắp mọi nơi, tôi đi nhiều nơi trên thế giới chưa thấy ở nơi
nào nhiều cảnh sát đến như vậy, như ở Việt nam này. Nhưng người dân có khi người ta không cảm nhận trực tiếp
được sự tham nhũng khủng khiếp hơn như thế rất là nhiều. Thì những cảm nhận đó
có thể không được thể hiện trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế”.
Do đó hoạt động kinh doanh của các
doanh nghiệp, hay các tranh chấp Hình sự, Dân sự đang được tiến hành theo trình
tự mà pháp luật quy định sẵn sàng bị công an can thiệp. Bằng cách vô hiệu hóa
nguyên đơn, hoặc bao che cho bị đơn với lý do cho rằng họ là đối tượng đang bị
theo dõi về chính trị hoặc là đang liên quan đến bí mật quốc gia. Với mục đích
cuối cùng là để tạo điều kiện cho công an có thể tham nhũng dưới mọi hình thức,
bằng tiền bạc, vật chất… thậm chí cả việc nắm giữ các cổ phần trong các doanh
nghiệp mà không phải bỏ vốn. Đáng tiếc là việc lạm dụng quyền lực của ngành
công an lại thành hệ thống, có tổ chức và được bảo kê từ lãnh đạo cấp cao trong
bộ máy của đảng.
Công an có quá nhiều quyền hành
Nhà báo chống tham nhũng Trần Quang Thành, người đã từng bị tạt acid trả thù
do chống tham nhũng cho chúng tôi biết
“CSGT nhũng nhiễu tôi cho rằng chỉ là một vài % của ngành
công an thôi. Ngành công an là một cái vòi bạch tuộc, nó khống chế mọi ngành ở
Việt nam. Từ cấp cao đến cấp thấp đều dính tới việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực,
dùng quyền lực để giành quyền lợi cho họ được. Họ bóp tất cả các ngành dưới bàn
tay của họ, bất cứ việc gì họ đều có thể. Cho nên muốn bịt mồm ai họ bảo phải
đình chỉ công tác, vì vụ này liên quan đến bí mật quốc gia, một thế lực nước
ngoài đang lợi dụng ông ấy để lật đổ chế độ thì… ”.
Được biết theo báo cáo của TI, số người
dân cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ không hiệu quả đã tăng lên
trong năm 2013 và họ không muốn tố cáo tham nhũng. Mức độ này hoàn toàn trái
ngược so với con số tự nguyện tố cáo tham nhũng và không muốn tố cáo của năm
2010.
Bình luận về sự thờ ơ của người dân
trong tố cáo tham nhũng và khi so với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng là
nước ít tố cáo tham nhũng nhất và ít có khả năng từ chối đưa hối lộ nhất. Nhà báo Trần Quang Thành, cho biết “Khó lắm, vì thế
lực tham nhũng nó có quyền, có tiền, đụng chạm đến sẽ bị cô lập. Không có ai bảo
vệ mình, (trong khi) nó có cả một thế lực lớn bảo vệ. Cho nên nói thật Việt
nam thành một mafia có những bố già tiêu diệt ai cũng được. Bộ Công an thuộc
vào các ngành có vị trí như vậy, nó lại vẽ cho tội này tội khác. Những cái tội
gọi là tưởng tượng, như móc nối với bọn phản động nước ngoài thì bố ai đi điều
tra được bây giờ?”.
Một nghịch lý ở Việt nam, công khai
và minh bạch là một trong những vũ khí có hiệu quả trong vấn đề phòng chống
tham nhũng, song luôn bị coi là những vấn đề nhạy cảm. Thậm chí người ta sẽ
truy tố, nếu ai muốn bạch hóa những vấn đề nhạy cảm đó, mà bản án 4 năm tù đối
với nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi trẻ vừa qua là một minh chứng. Hay chuyện
thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng
Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công an đã có biểu hiện dung túng khi cho rằng "Nhận của
lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là
tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.
Điều đó có lẽ chính là nguyên nhân vì
sao đã từ lâu, dư luận xã hội cho rằng dường như tham nhũng đã trở thành quốc
sách, khi mà tham nhũng và bao che cho tham nhũng đã trở thành hành vi có tổ chức
trong hệ thống lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương. Điều này đã khiến nhiều
người nghi ngờ khi cho rằng tham nhũng là chủ trương và là độc quyền của đảng
CSVN.
Tham nhũng của công an luôn dẫn đầu, vì họ có quyền lực quá lớn
nhưng không bị ai kiểm soát, thậm chí là còn được dung túng, điều đó đã biến họ
trở thành một lực lượng kiêu binh trong bộ máy nhà nước. Họ có thể làm bất cứ
điều gì họ muốn, kể cả không tuân thủ hay vi phạm hiến pháp và pháp luật.
Tham nhũng và độc tài đi liền với nhau và không thể tồn tại trong nhà nước
pháp quyền. Vì tham nhũng là sản phẩm của chế độ độc tài, mà ở đó hình thức cai
trị độc đoán do một đảng cầm quyền không bị luật pháp hay các nhân tố chính trị
và xã hội đó ràng buộc. Ở nhưng nơi đó, như ở Việt nam hiện nay thì tham nhũng
không bao giờ có thể giảm bớt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét