Việc kiến thiết một Tòa án hiến pháp liên bang độc
lập, bắt nguồn từ nguyên lý xây dựng nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) ở Đức. Các nhà lập hiến
Đức cho rằng không thể có nhà nước pháp quyền thực sự nếu như quyền lực nhà nước
không bị hạn chế và không tồn tại một cơ chế phân quyền, kiểm soát, cân bằng giữa
các nhánh quyền lực nhà nước. Làm thế nào để xác định được rằng một
hành vi cụ thể có vi hiến hay không, nếu như Hiến pháp chỉ toàn những qui định
chung, mơ hồ, không có giải thích cụ thể hay đảm bảo ràng buộc gì cả? Khi xây dựng
cơ chế bảo hiến, các nhà lập hiến Đức đã ý thức rất rõ vấn đề khó khăn này và rất
khéo léo trong việc xác định chủ thể bảo vệ, mục tiêu bảo vệ, phạm vi, cách thức
bảo vệ và đặt nó trong một chỉnh thể của Luật cơ bản thống nhất.
Trong bài viết "Thêm
một lời bàn về thể chế bảo hiến" đăng trên Tạp chí Tia sáng ngày
29/3/2012, PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa đã chỉ ra rằng chúng ta có thể dễ dàng
vay mượn một mô hình nào đó giống như một chiếc vương miện vào xứ mình, nhưng vấn
đề đặt ra là liệu vương miện ấy có tỏa sáng quyền uy, có bảo vệ được dân quyền
thực sự được hay không mới là điều thực sự cần bàn. Tôi hoàn toàn đồng tình và
chia sẻ với những trăn trở này. Cơ chế bảo hiến thực tế chỉ có thể ra đời và phát huy tác
dụng tích cực khi nó được đặt trong những điều kiện của một bản Hiến pháp thực
sự dân chủ, cùng với những đảm bảo cụ thể về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội.
Nhiều học giả hiện nay đánh giá cao cơ chế bảo hiến
ở Đức, coi đây là một trong những mô hình thành công trên thế giới và rất đáng
tham khảo đối với Việt Nam. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vì sao cơ chế bảo
hiến lại có thể thành công ở Đức, ẩn sau thành công ấy là những điều kiện, tiền
đề nào? Bài viết dưới đây tôi xin chia sẻ quan điểm cá nhân cùng góp bàn, lý giải
về vấn đề này.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi cho rằng sở dĩ cơ chế
bảo hiến ở Đức có thể thành công là do cơ chế này đã hội tụ được đầy đủ cả ba
điều kiện cơ bản sau đây:
Thứ nhất,
các nhà lập hiến Đức đã đặt cơ chế bảo hiến trong điều kiện của một chế độ dân
chủ bền vững, đồng thời lường tính trước lộ trình thực hiện.
Không ai đi bảo vệ cái mà mình không mong muốn.
Trước khi đặt ra vấn đề bảo hiến, những nhà lập hiến và người dân Đức ý thức rất
sâu sắc điều mà họ muốn bảo vệ. Nhân dân Đức là những người thấu hiểu hơn
ai hết sự tàn bạo, phi nhân tính của thể chế độc tài dưới thời Hitler đã gây ra
và họ không muốn điều đó một lần nữa lặp lại ở trên nước Đức. Cũng chính từ nhu
cầu ấy mà một chế độ dân chủ cần phải được xây dựng và được bảo vệ, những quyền
làm người cơ bản phải được đảm bảo.
Luật cơ bản của Đức (Grundgesetz - dưới đây viết tắt là
LCB) có hai Điều khoản đặc biệt quan trọng đó là Điều 1 (qui định về nhân phẩm,
quyền cơ bản của công dân và khẳng định rằng các quyền này có hiệu lực trực tiếp,
đồng thời trực tiếp ràng buộc các nhánh quyền lực nhà nước[1]) và Điều 20 (xác
lập các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp như nguyên tắc nhà nước pháp quyền, dân
chủ, liên bang và nhà nước xã hội[2]). Để đảm bảo về mặt chính trị - pháp lý,
những nhà lập hiến Đức đã khôn khéo xây dựng một điều khoản vĩnh cửu, đó là Điều
79 khoản 3. Điều khoản này ràng buộc Điều 1 và Điều 20 kể trên là không thể
thay đổi khi sửa Luật cơ bản vì bất cứ lý do nào. Chính thông qua qui định này,
chế độ dân chủ ở Đức đã được bảo vệ và được vĩnh viễn hóa.
Thực ra không phải ngay sau khi có hiệu lực vào
năm 1949 nước Đức đã có ngay một cơ chế bảo hiến hoàn chỉnh. Phải chờ thêm hai
mươi năm sau (năm 1969), kể từ khi Luật cơ bản có hiệu lực, chế định khiếu kiện
Hiến pháp của công dân tại Điều 93 khoản 1 số 4a LCB mới được bổ sung, nhằm cụ
thể hóa con đường tố tụng Hiến pháp (Rechtsweg) tại Điều 19 khoản 4 Câu 1
LCB.[3] Sau hai mươi năm, đặc biệt là sau cuộc đại nhảy vọt về kinh tế và những
chuyển biến xã hội sâu sắc của những năm 1950, 1960, CHLB Đức mới hội tụ được đầy
đủ các điều kiện chín muồi cả về kinh tế xã hội cũng như về pháp lý để hiện thực
hóa đầy đủ các qui định về bảo hiến.
Thứ hai, các nhà lập hiến Đức đã xác định chính
xác vị trí pháp lý và qui định rất rành mạch chức năng, thẩm quyền của Tòa án
hiến pháp liên bang, xác định rõ phạm vi, biện pháp và cách thức xử lý các hành
vi vi hiến.
Việc kiến thiết một Tòa án hiến pháp liên bang
(Bundesverfassungs-gericht) có một vị trí độc lập ở Đức bắt nguồn từ nguyên lý
xây dựng nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat). Các nhà lập hiến Đức cho rằng không
thể có nhà nước pháp quyền thực sự nếu như quyền lực nhà nước không bị hạn chế,
không tồn tại một cơ chế phân quyền, kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa các
nhánh quyền lực nhà nước.
Theo Luật cơ bản, Tòa án hiến pháp liên bang Đức đồng
thời có 2 chức năng. Hai chức năng nàytạo nên vị trí độc lập của Tòa án hiến
pháp liên bang trong hoạt động xét xử.
Chức năng thứ nhất, Tòa án hiến pháp liên bang là
một cơ quan có chức năng xét xử như các Tòa án khác (Theo các Điều 92, 93, 94,
97 LCB).
Chức năng thứ hai, theo Điều 1 Khoản 1 Luật
tòa án Hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgerichtgesetz - dưới đây viết tắt
là LTAHPLB), Tòa án hiến pháp liên bang là một thiết chế hiến định
(Verfassungsorgan) giống như các thiết chế khác ở liên bang như Hạ nghị viện
(Bundestag), Thượng nghị viện (Bundesrat), Tổng thống liên bang
(Bundespräsident) và Chính phủ liên bang (Bundesregierung).[4]
Theo Điều 2 Khoản 1 và Khoản 2 Luật Tòa án Hiến
pháp liên bang (LTAHPLB),[5] Tòa án Hiến pháp liên bang được chia thành 2
Hội đồng xét xử, mỗi Hội đồng xét xử gồm có 8 thẩm phán.
Hội đồng xét xử thứ nhất có nhiệm vụ xét xử
các vụ việc liên quan đến việc xâm phạm các quyền cơ bản của công dân
(Grundrechte) từ phía nhà nước theo Điều 14 Khoản 1 LTAHPLB, gọi chung là các
khiếu kiện Hiến pháp (Verfassungsbeschwerde).
Hội đồng xét xử thứ hai có nhiệm vụ giải quyết
các vấn đề còn lại thuộc thẩm quyền theo Điều 14 Khoản 2 LTAHPLB.
Việc chia thành hai hội đồng xét xử như vậy cũng
là một cách làm khôn khéo vì một mặt tiến độ xét xử các vụ việc liên quan đến
Hiến pháp được đẩy nhanh, mặt khác tính chuyên môn hóa cũng được nâng cao do mỗi
Hội đồng xét xử phụ trách một nhóm các khiếu kiện hiến pháp độc lập.[6]
Không ai đi bảo vệ và cũng không thể bảo vệ một Hiến
pháp không rõ đối tượng, không rõ mục đích. Làm thế nào để xác định được rằng
một hành vi cụ thể có vi hiến hay không, nếu như Hiến pháp chỉ toàn những qui định
chung, mơ hồ, không có giải thích cụ thể hay đảm bảo ràng buộc gì cả? Khi
xây dựng cơ chế bảo hiến, các nhà lập hiến đã ý thức rất rõ vấn đề khó khăn này
và rất khéo léo trong việc xác định chủ thể bảo vệ, mục tiêu bảo vệ, phạm vi và
cách thức bảo vệ Hiến pháp.
Cũng với cách lập luận, tư duy đó nên các nhà lập
hiến đã trao rất nhiều quyền cho Tòa án hiến pháp liên bang tại các Điều 93, Điều
100, Điều 21 Khoản 2, Điều 41 khoản 2, Điều 61, Điều 93 khoản 1 số 4b.[7] như
sau:
– Quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến nếu đạo
luật đó trái với Luật cơ bản (Điều 100 khoản 1 LCB);[8]
– Quyền giải thích, kiểm soát các qui phạm Hiến
pháp (Điều 93 khoản 1 số 2 LCB, Điều 100 LCB);[9]
– Quyền giải quyết xung đột thẩm quyền giữa các cơ
quan nhà nước ở Liên bang (Điều 93 khoản 1 số 1 LCB);[10] Quyền giải quyết
tranh chấp thẩm quyền giữa liên bang và tiểu bang (Điều 93 Khoản 1 số 3 và số
4);[11]
– Quyền giải quyết khiếu kiện liên quan đến bầu cử
(Wahlprüfungs-verfahren) (Điều 41 Khoản 2 LCB)[12], tuyên bố giải tán một Đảng
phái nào đó (Parteiverbotsverfahren - Điều 21 Khoản 2 LCB)[13], giải quyết khiếu
kiện Tổng thống (Điều 61 Khoản 2 LCB);[14]
– và đặc biệt là quyền giải quyết khiếu kiện Hiến
pháp của cá nhân khi bị cơ quan công quyền xâm phạm các quyền cơ bản qui định từ
Điều 1 đến Điều 19 LCB (Verfassungsbeschwerde - Điều 93 khoản 1 số 4a).[15]
Với những thẩm quyền quan trọng như vậy, những nhà
lập hiến Đức đã đặt kì vọng rằng thiết chế này sẽ đảm bảo được đúng chức năng của
mình là chức năng bảo vệ hiến pháp. Theo số liệu thống kê thực tế từ ngày
7/9/1951 đến ngày 31/12/2007[16], Tòa án hiến pháp liên bang Đức đã thụ lý
169.502 vụ việc, trong số đó có tới 163.374 vụ việc (chiếm tới 96,37%) là các
khiếu kiện Hiến pháp của cá nhân (Verfassungsbeschwerde). Con số này cho thấy,
số lượng khiếu kiện Hiến pháp của cá nhân là chiếm tỷ lệ lớn nhất, điều đó cũng
phản ánh mong muốn của người dân trong việc bảo vệ những quyền hiến định cơ bản
của mình.
Thứ ba, các nhà lập hiến Đức đã đặt ra đầy đủ các
điều kiện để đảm bảo cho sự độc lập của Thẩm phán Tòa án hiến pháp liên bang.
Điều 92 Câu 1 LCB qui định: “Quyền xét xử được
trao cho thẩm phán”. Điều này có nghĩa rằng ở Đức, thẩm phán luôn nhận được sự
tin tưởng tuyệt đối và cũng nhận lấy trách nhiệm to lớn trước nhà nước và xã hội.
Các thẩm phán Tòa án hiến pháp liên bang Đức hội đủ
các điều kiện đảm bảo sự độc lập cả bên trong và bên ngoài. Cụ thể là:
Về tiêu chuẩn của Thẩm phán: Điều kiện để được bầu
làm thẩm phán Tòa án hiến pháp liên bang trước tiên phải đạt được những tiêu
chuẩn sau:
– từ 40 tuổi trở lên (Điều 3 Khoản 1 LTAHPLB),
– tối thiểu phải thi đỗ kỳ thi quốc gia thứ hai về
luật (2. Juristisches Staatsexamen)[17] hoặc là Giáo sư luật (Professor der
Rechte)[18] tại trường Đại học ở Đức (Điều 3 Khoản 2 LTAHPLB và Điều 5 Khoản 1
Luật thẩm phán (Deutsches Richtergesetz[19]).
– không được đồng thời là thành viên của Hạ viện,
Thượng viện, Chính phủ liên bang, cũng như bất cứ cơ quan nào của bang (Điều 94
Khoản 1 Câu 3 Luật cơ bản và Điều 3 Khoản 3 LTAHPLB).
Về qui trình bầu thẩm phán: Thẩm phán Tòa án hiến
pháp liên bang được bầu theo nguyên tắc bầu đa số tiêu chuẩn (tức là phải đạt
được 2/3 số thành viên tán thành) (Điều 94 Khoản 1 Câu 2 LCB và các Điều từ Điều
5 LTAHPLB). Các thẩm phán được bầu theo nguyên tắc một nửa là từ Hội đồng bầu
thẩm phán (Richterwahlausschuss) của Hạ viện (Theo Điều 6 LTCTAHPLB) và một nửa
là bởi Thượng viện (Theo Điều 51, 52 LCB và Điều 7 LTCTAHPLB).[20]
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán: Nhiệm kỳ của Thẩm phán
Tòa án hiến pháp liên bang là 12 năm và chỉ được bầu duy nhất một lần (Điều 4
LTAHPLB).
Về điều kiện đồng nghiệp giúp việc về khoa học:
Tòa án hiến pháp liên bang hiện nay ở Karlsruhe có khoảng 60 đồng nghiệp giúp
việc về khoa học (wiss. Mitarbeiter). Đây thực sự là những chuyên gia pháp lý
giỏi, được tuyển chọn kĩ lưỡng, là trợ lực quan trọng giúp các thẩm phán Tòa án
hiến pháp liên bang có thể hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình.[21]
Về thu nhập: Lương của Chánh án Tòa án Hiến pháp
liên bang tương đương với lương của Bộ trưởng khoảng 15.500 Euro/ 1 tháng.[22]
Lương của Thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên bang tương đương với lương của Chánh
án Tòa án Tối cao (Nhóm BBesO R10) khoảng 12.503 Euro/ 1 tháng.[23]
Về tính độc lập với ngành hành pháp: Theo Điều 94
Khoản 1 Câu 3 LCB và Điều 3 Khoản 3 LTCTAHPLB thì Tòa án Hiến pháp liên bang:
- Không có giám sát công vụ (keine
Dienstaufsicht),
- Không có sự chỉ đạo công tác xét xử từ bên ngoài
(keine Dienstweg),
- Không phụ thuộc vào các cơ quan hành chính trong
việc trả lương, có ngân sách riêng độc lập (eigener Haushalt) về việc trả lương
thẩm phán.[24]
Về sự độc lập khi xét xử: Điều 97 Khoản 1 LCB qui
định: “Khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo luật”. Theo Điều 15
Khoản 2 Câu 1 LTAHPLB, khi xét xử, Hội đồng xét xử phải có ít nhất 6 trên tổng
số 8 thẩm phán tham gia và quyết định theo nguyên tắc quá bán (einfach
Mehrheit). Trong trường hợp số phiếu bằng nhau thì giải quyết theo Điều 15 Khoản
4 Câu 3 LTAHPLB). Thẩm phán Tòa án Hiến pháp khi phán quyết chỉ tuân theo Hiến
pháp và luật, hoàn toàn không chịu bất cứ tác động nào từ phía bên ngoài, không
chịu bất cứ sự chỉ đạo nào về mặt chính trị hay hành chính. Đây là tiêu chí, là
đòi hỏi quan trọng nhất đảm bảo tính độc lập của thẩm phán.
Về sự ràng buộc của phán quyết: Ý nghĩa đặc biệt
nhất trong phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang chính là giá trị của phán
quyết được qui định tại Điều 31 Khoản 1 LTAHPLB: "Phán quyết của Tòa
án Hiến pháp liên bang có hiệu lực ràng buộc đối với các thiết chế hiến định của
liên bang, các tiểu bang cũng như tất cả các tòa án và cơ quan hành
chính."[25]
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng cơ chế bảo
hiến ở Đức thành công vì cơ chế này đã hội tụ được đầy đủ các điều kiện chính
trị pháp lý, kinh tế, xã hội và các điều kiện đảm bảo cho sự độc lập của quan
tòa. Nhìn về Việt Nam, dù đã được bàn thảo khá nhiều, nhưng xem ra hành trình
xây dựng một cơ chế bảo hiến phù hợp vẫn còn khá gian nan. Dường như chúng ta
còn rất nhiều việc phải làm, không chỉ xây dựng những nền tảng về mặt pháp lý,
mà còn cả những điều kiện khác về chính trị, kinh tế, xã hội - những đảm bảo mà
thiếu hoặc không được quan tâm một cách xứng đáng, tôi cho rằng các qui định về
bảo hiến nếu có được đặt ra đi nữa thì cũng vẫn chỉ tồn tại trên giấy mà không
thể vận hành được vào cuộc sống một cách hiệu quả.
__________________________________
Chú thích
[1] Điều 1 LCB qui định: “(1) Nhân phẩm là bất khả
xâm phạm (unantastbar). Coi trọng và bảo vệ nhân phẩm là nghĩa vụ của tất cả
các nhánh quyền lực nhà nước. (2) Nhân dân Đức vì thế thừa nhận việc nhân quyền
(Menschenrechte) là bất khả xâm phạm và không thể bị lạm dụng hay áp đặt
(unveräußerlichen) như là nền tảng của mỗi một cộng đồng, hoà bình và công lý
trên toàn thế giới. (3) Các quyền hạn cơ bản dưới đây ràng buộc các nhánh quyền
lập pháp, hành pháp và tư pháp với tính chất là quyền có hiệu lực trực tiếp
(unmittelbar geltendes Recht).”
[2] Điều 20 LCB qui định: “(1). Cộng hòa liên bang
Đức là một nhà nước liên bang dân chủ và nhà nước liên bang xã hội. (2). Tất cả
quyền lực nhà nước là từ nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước được thực thi bởi
nhân dân thông qua bầu cử, trưng cầu dân ý và thông qua các cơ quan độc lập thuộc
nhánh quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. (3). Quyền lập pháp bị ràng buộc bởi
trật tự hợp hiến, quyền hành pháp và tư pháp bị ràng buộc bởi các Đạo luật và
các văn bản pháp luật. (4). Tất cả người dân Đức đều có quyền thay đổi nhà nước
(Recht zum Widerstand), nếu nhà nước ấy đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản
trên đây, khi mà các liệu pháp khác đã được áp dụng nhưng không hiệu quả”.
[3] Điều 19 khoản 4 LCB qui định: “Bất cứ ai cho rằng
quyền tự do cơ bản của mình bị xâm hại, đều có quyền khởi kiện lại nhà nước.”
[4] Theo qui định của Luật cơ bản Đức có 5 thiết
chế Hiến định của liên bang (Verfassungsorgane) gồm có: Hạ viện liên bang
(Bundestag), Thượng viện liên bang (Bundesrat), Chính phủ liên bang
(Bundesregierung), Tổng thống liên bang (Bundespräsident) và Tòa án hiến pháp
liên bang (Bundesverfassungsgericht). Về nguyên tắc, các thiết chế này là ngang
hàng nhau, kiểm soát và cân bằng quyền lực, không cơ quan nào cao hơn cơ quan
nào. Các Tòa án tối cao của liên bang (Bundesgerichthofs) trong hệ thống các cơ
quan tư pháp (Rechtsprechung) không có được vị trí là thiết chế hiến định như
Tòa án hiến pháp liên bang.
[5] Luật Tòa án Hiến pháp liên bang Đức (Gesetz
über das Bundesverfassungsgericht) lần đầu tiên được công bố vào ngày 12 tháng
3 năm 1951, trên Công báo số 1 từ trang 243, có hiệu lực thi hành từ ngày 17
tháng 4 năm 1951. Mặc dù đạo luật này do Nghị viện ban hành, nhưng thực chất nó
xây dựng một qui trình tố tụng hiến pháp bền vững, cùng với qui định tự hành
trong hoạt động của Tòa án (Điều 1 Khoản 3 BverfGG), bảo vệ khá tốt sự độc lập
của Tòa án, đồng thời với qui định này Nghị viện cũng sẽ không thể dễ dàng sửa
luật nhằm tìm cách can thiệp vào công tác xét xử của Tòa án Hiến pháp.
[6] Xem thêm: Võ Trí Hảo, Philipp Kunig, Đặc trưng
của mô hình tài phán Hiến pháp Đức, Nghiên cứu lập pháp. Văn phòng quốc hội, Số
8 (4/2009), tr. 52–57.
[7] Tòa án Hiến pháp liên bang chỉ làm việc dựa
trên cơ sở có khiếu kiện. Chức năng của Tòa án Hiến pháp khác với cơ quan hành
chính không phải là thi hành Hiến pháp hay luật, mà là bảo vệ Hiến pháp và pháp
luật.
[8] Xem: Wernsmann, Konkrete Normenkontrolle (Art.
100 Abs. 1 GG), Jura 2005, S. 328.
[9] Xem: Jarass/Pieroth, Grundgesetz für die
Bundesrepublik Deutschland, Kommentar, 11. Aufl., 2011, Art. 93, Rn. 19 f.
[10] Xem: Jarass/Pieroth, Grundgesetz für die
Bundesrepublik Deutschland, Kommentar, 11. Aufl., 2011, Art. 93, Rn. 5 f.
[11] Xem: Hillgruber/Goos,
Verfassungsprozessrecht, 2. Aufl. 2006; Alleweldt, BVerfG und
Fachgerichtsbarkeit 2006.
[12] T.Koch, „Bestandsschutz“ für Parlamente? –
Überlegungen zur Wahlfehlerfolgenlehre, DVBl 2000, 1093; Roth, Subjektiver
Wahlrechtsschutz und seine Beschränkungen durch das Wahlprüfungsverfahren, FS
Graßhof, 1998, S. 53.
[13] Xem thêm các phán quyết của Tòa án Hiến pháp
liên bang: BVerfGE 4, 27/30f.; BVerfGE 11, 239/241ff.
[14] Xem: Kunig, Der Bundespräsident, Jura 1994,
S. 217f.; Kilian, Der Bundespräsident als Verfassungsorgan, JuS 1988, S. 33.
[15] Xem: Zuck, Das Recht der
Verfassungsbeschwerde, 3. Aufl., 2006; Hain, Die
Individualverfassungsbeschwerde nach Bundesrecht, 2002.
[16] Số liệu thống kê thực tế của Tòa án Hiến pháp
liên bang Đức về giải quyết các vụ việc của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức từ
ngày 7/9/1951 đến ngày 31/12/2007 công bố tại website chính thức của Tòa án hiến
pháp liên bang Đức tại địa chỉ:http://www.bundesverfassungsgericht.de/organisation/gb2007/A-I-1.html truy
cập gần nhất ngày 3/4/2012.
[17] Hai ngành Luật và Y khoa là ngành đòi hỏi
tiêu chuẩn đầu vào cao cũng như quá trình đào tạo lâu nhất ở nước Đức. Để có được
chứng nhận kết thúc kỳ thi quốc gia thứ hai Assessor, kết thúc quá trình đào tạo
luật chính thức (die voll-juristische Ausbildung), một sinh viên luật trung
bình phải mất từ 9 đến 10 năm theo học. Đây là điều kiện cần để một người có thể
hành nghề luật như Luật sư, thẩm phán, công chức, công tố viên hoặc tiếp tục
nghiên cứu ở trường Đại học hay một Viện nghiên cứu. (Xem thêm: Nigel Foster,
Satish Sule, German Legal System and Laws, 3. Edition, Oxford, 2008, p. 86).
[18] Điều kiện trở thành Giáo sư đại học
(Professor) ở Đức rất khắt khe. Ngoài việc có chứng nhận Assessor, sau khi bảo
vệ thành công luận án tiến sĩ (Doktorarbeit), người có học vị tiến sĩ phải tiếp
tục tích lũy nhiều điều kiện khác như: 1. Hoàn thành bậc sau tiến sĩ
(Habilitation), bảo vệ thành công đề tài sau tiến sĩ (Habilitationsschrift); 2.
Tích lũy đủ các công trình khoa học; 3. Tích lũy đủ kinh nghiệm giảng dạy và 4.
Được một trường Đại học công nhận và bổ nhiệm. (Xem thêm: Nigel Foster, Satish
Sule, German Legal System and Laws, 3. Edition, Oxford, 2008, p. 88).
[19] Luật thẩm phán của Đức lần đầu tiên được công
bố ngày 8/9/1961, tại Công báo số 1 năm 1961 từ trang 1665, có hiệu lực thi
hành ngày 1/7/1962. Đạo luật này được sửa đổi, bổ sung, được công bố lần thứ
hai ngày 19/4/1972, đăng trên Công báo số 1 năm 1972, từ trang 713.
[20] H. Maurer, Staatsrecht I, 6. Aufl. 2010, §
19, Rn.1–28.
[21] Xem: Điều 13 Khoản 1 Luật tổ chức Tòa án Hiến
pháp liên bang (GeschO BVerfG); Gröpl, Staatsrecht I, 3. Aufl. 2011, Rn.
1611ff.
[22] Xem cụ thể Luật về thu nhập của thành viên
Tòa án Hiến pháp liên bang (Gesetz über das Amtsgehalt der Mitglieder des Bundesverfassungsgerichts)
được ban hành ngày 28/02/1964, công bố tại Công báo năm 1964, quyển 1, từ trang
133, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1964.
[23] Theo danh mục bảng lương 4, nhóm R, Luật trả
lương của liên bang: Anlage IV Tabelle „R“ zum Bundesbesoldungsgesetz, cập nhật
đến 28/2/2011.
[24] Gröpl, Staatsrecht I, 3. Aufl. 2011, Rn.
1611ff.
[25] H. Maurer, Staatsrecht I, 6. Aufl. 2010, §
19, Rn.1–28.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét