(VEF.VN) – Với
thực trạng ngày càng trở nên khó khăn đối với khối sản xuất, những dấu hiệu của
đình đốn đã xuất hiện và có nguy cơ dẫn đến thiểu phát kinh tế.
Hai đầu cán cân
Vào thời điểm tháng 11/2011, khi lần đầu tiên người đứng đầu
ngành ngân hàng tuyên bố trước Quốc hội là sẽ không một ngân hàng nào phải phá
sản, con số doanh nghiệp phải giải thể hoặc lâm vào tình cảnh tương tự qua một
số thống kế đã lên đến gần 50.000.
Có một sự liên hệ giữa hai nhóm này khi một bên được cam kết
hỗ trợ và để không đổ vỡ; còn một bên thì hàng chục ngàn DN khó khăn với nguyên
nhân lớn từ lãi suất quá cao. Dường như một một đầu cán cân kinh tế đang bị đè
nén bởi những vấn đề của nhóm “đặc thù” – ngân hàng?
Và trong khi lo chấn chỉnh những ngân hàng yếu kém ở một đầu
cân, ở đầu cân bên kia con số về tỷ lệ phá sản cho phép của doanh nghiệp gần
như không được đề cập. Khác hẳn với mức lợi nhuận vài ba ngàn tỷ đồng hàng năm
của mỗi ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất chỉ còn duy nhất triết lý tự thân: To
be or not to be.
Trong khi đó, từ nhiều tháng qua các cơ quan tham mưu về
phát triển kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đã không nêu ra bất kỳ đề xuất
nào về giải pháp hạn chế hoặc giảm thiểu tỷ lệ doanh nghiệp lâm vào đường cùng.
Vào quý đầu của năm 2012, những khốn khó của doanh nghiệp
còn trở nên “minh bạch” hơn: chỉ theo con số công bố chính thức, có trên chục
ngàn doanh nghiệp phải giải thể và ngưng hoạt động do thiếu vốn. Tuy nhiên,
trong một đánh giá khác, Bộ KHĐT vẫn tiếp tục cho rằng: “Tình hình kinh tế 3
tháng đầu năm 2012 có những chuyển biến tích cực. Các ngành, các lĩnh vực sản
xuất kinh doanh đều có bước phát triển”.
Tuy nhiên, khác với “những chuyển biến tích cực” này, những
con số từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại có một nét chấm phá rất
dị biệt: ít nhất 10% số doanh nghiệp đã
phải ngừng hoạt động.
Còn theo nhận định của chuyên gia, trong quý 4/2011, ảnh hưởng
của việc thắt chặt tín dụng đến sản xuất là rất rõ ràng khi chỉ số tăng trưởng
công nghiệp giảm từ 9% xuống còn 6,8%. Đến tháng 2/2012, chỉ số này đã có một
buớc thụt lùi sâu sắc về ngưỡng 4%, đặc biệt nhóm ngành chế tạo chỉ tăng 2,4%
so với mức tăng 12% trong 7 tháng đầu năm 2011. Rất nhiều ngành có tỷ trọng
đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất thậm chí còn tăng trưởng âm.
Với thực trạng ngày càng trở nên khốn khó như thế, lo ngại
về việc những dấu hiệu của đình đốn sản xuất đã xuất hiện. Nhưng cho đến nay,
các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa hề xuất hiện một sự thừa nhận nào về trạng
thái “đình lạm” của nền kinh tế.
Trong khi đó, “Chỉ tiêu” thất nghiệp vì thế dường như cũng
bị “quên lãng”. Nói đúng hơn, tỷ lệ thất nghiệp chính thức, thường được mô tả
như hệ quả của con số doanh nghiệp phá sản theo thống kê chính thức, là không
có gì đáng lo ngại. Nhưng chỉ cần nhìn
vào cảnh hàng trăm ngàn công nhân không có tiền mua vé tàu về quê ăn tết 2012
cũng đủ thấy hoàn cảnh bĩ cực về thu nhập dẫn đến trạng thái bĩ cực về xã hội
đã dâng cao đến thế nào.
Cơ hội nào cho DN?
Cho đến nay, các chính sách lớn về điều hành nhằm kiềm giữ
chỉ số lạm phát từ năm 2011 và mục tiêu lạm phát dưới 1 con số trong năm 2012
đã gây ra những hệ lụy tất yếu. Đó là sự suy giảm tăng trưởng mà nhiều chuyên
gia hay gọi là một cái giá phải đánh đổi.
Nếu quý 1 năm 2012 lạm phát tăng tổng cộng chưa đầy 3%
trong quý và đặc biệt chỉ có 0,16% trong tháng 3 là một điều tích cực thì một vấn
đề được cảnh báo đã xảy ra: ưu tiên mục tiêu khống chế lạm phát đã ảnh hưởng đến
tăng trưởng và lo lắng hơn có thể xảy ra là nếu tiếp tục các động thái “quyết
liệt” sẽ triệt tiêu phần lớn sức sản xuất xã hội?
Thực ra đã có quá nhiều tranh luận trong giới điều hành và
chuyên gia về vấn đề trên. Phương án được xem là ổn thỏa nhất là làm sao dung
hòa được mục tiêu kềm giữ lạm phát và đồng thời khơi dậy khả năng tạo ra giá trị
thặng dư cho các ngành sản xuất.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu như biểu hiện “đình lạm” đã
xuất hiện thì những cơ quan có chức năng điều tiết tín dụng và tài chính nhằm
phục vụ nền kinh tế như Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính lại cũng có biểu hiện
đình trệ khi chậm xoay chuyển trước thực tế của DN.
Những cơ hội tốt nhất để phục hồi phần nào đó sức sản xuất
đã chậm được triển khai, hoặc đã bị bỏ qua. 5 tháng liên tiếp chỉ số lạm phát
dưới 1% vào nửa cuối năm 2011 có ý nghĩa như một cơ hội hơn là một lời hứa giảm
lãi suất.
Nếu lãi suất được kéo giảm từ tháng 9/2011 thì sự thể liệu
có khả quan hơn? Đó cũng là thời điểm mà lần đầu tiên trong năm 2011, con số gần
50.000 doanh nghiệp phá sản và giải thể được công bố như một thực tế đầy bức
xúc.
Song từ tháng 9/2011, suốt 7 tháng qua, nhiều lần người đứng
đầu Chính phủ đích thân yêu cầu “giảm ngay lãi suất” nhưng mãi đến tháng 3, điều
này mới được thực hiện.
Cũng trong 7 tháng qua, bất chấp tình trạng chết dở sống dở
của doanh nghiệp ở một đầu cân, đầu cân bên kia vẫn nhịp nhàng tung hứng hoạt động
của vàng và ngân hàng. Các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng thi nhau
làm giá và thao túng trong mọi khâu từ nhập khẩu, sản xuất, niêm yết đến tiêu
thụ…; thị trường liên ngân hàng sôi động với tình trạng lãi suất liên ngân hàng
có lúc tăng đến 30%, nhưng lại chỉ nhằm phục vụ cho ý đồ gây sức ép về thanh
khoản và động cơ thâu tóm lẫn nhau; bất chấp lượng vốn ứ đọng khá lớn trong hệ
thống ngân hàng, lãi suất cho vay vẫn không hế hạ để DN có thể tiếp cận được.
Vào quý 1/2012, sau khi “loạn lạc” từ thị trường vàng và
liên ngân hàng đã tạm lắng, sự náo động duy nhất lại thuộc về một thị trường có
tính đầu cơ rất cao, kèm theo vô số đồn đoán về việc một số ngân hàng nào đó đã
tung tiền nhàn rỗi để “gom hàng” và “đánh lên” chứng khoán.
Nguy cơ thiểu phát dẫn
đến lạm phát?
Trong một cuộc họp của Thủ tướng với giới chuyên gia vào tuần
cuối tháng 3/2012, lần đầu tiên xảy ra sự việc chủ tịch một ngân hàng thương mại
cổ phần ngoài quốc doanh – Ngân hàng ACB đã cho biết, ACB hiện còn tồn đến 3 tỷ
USD mà không cho vay được. Tiết lộ chưa có tiền lệ này đã gián tiếp cho thấy,
“khó khăn thanh khoản” của ngân hàng dường như đã qua.
Rõ ràng, con số
hàng trăm ngàn tỷ đồng tồn ứ trong hệ thống ngân hàng, chí ít cũng nằm trong
nhóm G12, không phải chỉ là lời đồn đoán. Mà đó là một hiện thực, mô tả cho
nghịch lý quá về chuyện ngân hàng dôi dư vốn, nhưng nền kinh tế và các doanh
nghiệp lại bị “đói ăn”, dẫn đến nguy cơ đình lạm hoặc thiểu phát.
Đã có rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc nếu siết quá
chặt tín dụng, hệ quả tăng trưởng thấp dù sẽ góp phần “làm đẹp” con số lạm
phát, nhưng về lâu dài sẽ lại là tác nhân sinh ra lạm phát. Khi đó, như một cơ
thể trọng bệnh kéo dài quá lâu, khả năng hồi phục sẽ khó khăn hơn nhiều so với
hiện nay. Khi đó, động lực sản xuất sẽ bị giảm về mức tối thiểu khiến cung hàng
hóa trở nên khan hiếm hơn hẳn, làm cho giá cả hàng hóa có thể tăng lại. Mà như
thế thì không thể nói khác hơn là lạm phát những năm trước một lần nữa sẽ tái
hiện.
Trong trường hợp sớm nhất, theo chuyên gia Phạm Đỗ Chí, lạm
phát có thể bùng phát ngay từ quý 3/2012. Và như thế, liệu “quyết tâm kềm giữ lạm
phát” của Chính phủ vì thế đang có nguy cơ bị lung lay?
Cho đến giờ, vẫn chưa phải quá trễ để minh chứng cho khả
năng điều hành kinh tế của Chính phủ để xoay chuyển tình thế. ==> mịa pác đùa á
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét