Nhân đảng của ông Trọng đã quyết định ‘xử lý’ trường hợp Đinh La
Thăng [đc #], xì xèo đã có từ lâu nhưng công bố trên báo chính thức ngày 27 - 4
- 2017 - mời mọi người đọc lại loạt 4 bài của NB Huy Đức được cho là uýnh đc #,
bài đầu tiên ‘tảng băng nổi’ vào khoảng tháng 9 - 2016 đã được bốt lên stt FB của
Huy Đức (Trương Huy San).
Tất nhiên, HĐ ko có ‘thế lực chống lưng’ mới là lạ, ko thì ai
cung cấp data [hàng tuyệt mật] để viết bài? Và nếu là người khác khi bóc lịch
vì những điều xyz của đảng từ lâu rồi. Dù ‘thế lực’ nào chống lưng và mục đích
thực sự của anh Osin là j thì chúng ta cũng được uýnh chén no nê những thông
tin mật mà anh Osin cung cấp.
Còn phân tích/xử lý thông tin thế nào là do mỗi người thôi.
Nếu ai đã đọc loạt bài uýnh 3x trước ĐH12 và được cho rằng điềm
báo 3x rụng đài thì sẽ ko ngạc nhiên khi sau chưa đầy năm - đc # ‘giáng’ - chưa
bik kết cục ra sao!
Hồi 2016 giang hồ đã đồn, đc # thay bà Trương Thị Mai, bà Trương
Thị Mai thay Vương Đình Huệ và VĐH mần bí thơ tp HCM ... nhưng h đã khác, cứ
theo lời buộc tội của UBKTTW thì tội của # đi tù còn là nhẹ - chờ xem kịch hay
cả nhà hỉ :)
Bài 1- TẢNG BĂNG NỔI
Hôm qua, khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tìm cho ra những
"tảng băng chìm" tham nhũng, ông đang ngồi cạnh "tảng băng nổi
khổng lồ" Đinh La Thăng. Nếu "không đủ chứng
cứ" về những khoản "chênh lệch lãi suất" và phần "lại quả 1%"
trong vụ PVN góp vốn vào Ocean Bank, chỉ tính 800 tỷ PVN chịu mất đứt
cho "Thắm Đại Dương" đã có "hậu quả nghiêm trọng" đủ để
truy cứu trách nhiệm Đinh La Thăng. Tất nhiên, ở PVN thời Đinh La Thăng còn nhiều
"tảng băng" rất to, đủ sức làm đắm nhiều Titanic.
Lại
"Nội Lực"
Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải từ bỏ hai mỏ khí Hải Thạch
& Mộc Tinh nằm trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam (cách bờ 370km). PVN
đã được giao tiếp quản lại hai mỏ khí này. Đây không chỉ là một cơ hội kinh tế
cho PVN mà còn có một vai trò to lớn về chủ quyền cho đất nước.
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (POC) được thành lập.
Để mang được khí vào bờ, POC phải lắp đặt một đường ống dẫn khí. Trong
số các phần việc quan trọng, có gói thầu cung cấp khoảng 22 km đường ống bọc
hai lớp. Ngày 9-4-2010, khi đóng thầu, Chủ đầu tư (PTSC-MC là công ty được ủy
quyền) nhận được hồ sơ chào thầu từ Marubeni (Nhật) và POTS (công ty Thương mại
và Dịch vụ dầu khí Biển - thuộc PVN).
Chỉ có Marubeni đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Biết mình bị loại, ngày 25-5-2010, POTS gửi công văn lên Tập đoàn đề
nghị tái xem xét.
Vì đây là gói thầu có yêu cầu công nghệ cao chứ không phải thứ
"cây nhà lá vườn", nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ Đinh La Thăng, ngày
7-6-2010, PTSC-MC đã phải báo cáo lên lãnh đạo Tập đoàn khẳng định,
"Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật".
Thế nhưng vào ngày 11-6, PTSC-MC vẫn bị buộc phải lập một tổ thẩm định
khác, đánh giá lại, rồi công nhận "cả hai nhà thầu đều đạt về kỹ thuật".
Ngày 22-7-2010, Đinh La Thăng phê duyệt việc trao gói thầu cho POTS vì
lý do POTS đưa ra giá thấp hơn (40,8 triệu so với 49,8 triệu USD của Marubeni).
Không phải tự nhiên, Đinh La Thăng gây sức ép loại "nhà thầu duy
nhất đạt kỹ thuật". Nhân danh "phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch
vụ trong ngành", khi chưa có quyết định giao thầu (5-2010) Đinh La Thăng
đã yêu cầu POC "giao dịch vụ bọc ống cho PVID" - một công ty thuộc
PVGas được "đẻ ra" dưới thời Đinh La Thăng. PVID sau đó được chỉ định
thầu phần bọc ống, "bóc" ra từ gói thầu của POTS.
Ngay từ khi dự thầu, nội lực mà POTS thể hiện chỉ là như vai trò một
anh "cò". Gói thầu được POTS chia đôi cho Canadoil tại Thái Lan (phần
chế tạo ống) và Bredo Shaw tại Malaysia (phần bọc ống). Nhưng do phải nhường phần
bọc ống cho PVID nên công việc chưa bắt đầu, POTS đã phải mất thời gian đàm
phán để loại Bredo Shaw ra khỏi cuộc chơi.
Canadoil cũng chỉ là một nhà thầu liều mạng. Nhận một gói thầu trị giá
hàng chục triệu đô là để làm ống mà vừa thiếu thép tấm, thiếu máy hàn, thiếu cả
nhân công có tay nghề... Vì sốt ruột, Chủ đầu tư (PTSC MC) đã nhiều lần phải
đưa nhân công sang Thái Lan hỗ trợ.
Thế nhưng thời hạn giao ống vẫn liên tục bị Canadoil trì hoãn. Mặc dù
được Đinh La Thăng đầu tư thêm 1,1 triệu để lắp đặt "dây chuyền bọc ống",
PVID vẫn không thể nào thực hiện đúng hợp đồng, buộc PTSC MC phải mang gần một
nửa ống mà Canadoil sản xuất đưa sang Malaysia nhờ bọc.
Không phải tự nhiên ngay từ đầu Chủ đầu tư đã khẳng định "Marubeni
là nhà thầu duy nhất đạt yêu cầu kỹ thuật". Đối với những gói thầu đòi hỏi
công nghệ cao thì giá chưa phải là yếu tố quyết định.
Chủ trương "nhà làm được" của Đinh La Thăng khi chọn POTS để
"tiết kiệm 9 triệu USD" chênh lệch giá với Marubeni, kết cục đã làm
phát sinh giá thành của gói thầu này thêm 11 triệu, cao hơn giá bỏ thầu của
Marubeni 1 triệu USD (PVN phải bỏ thêm 1,1 triệu đầu tư dây chuyền bọc ống cho
PVID và các nhà thầu phụ đòi phát sinh thêm 5,44 triệu USD - riêng Canadoil đòi
phát sinh 3,6 triệu USD, cùng với chi phí PTSC-MC đưa nhân công sang Thái).
Con số phát sinh không dừng lại ở mức gần 11 triệu USD. Sự can thiệp của
Đinh La Thăng, buộc POTS phải chọn những nhà thầu kém năng lực, thiếu uy tín,
đã làm cho việc giao ống bị chậm 10 tháng; ngày giao khí đầu tiên lẽ ra phải là
31-12-2012 đã bị chậm mất gần 6 tháng (tới 28-6-2013). Sự chậm trễ này đã buộc
POC phải phá vỡ hợp đồng với các nhà thầu khác, khiến cho chi phí phát sinh
thêm những khoản rất lớn.
Tàu Seamac được thuê để rải ống vào năm 2012 bị chuyển sang 2013 khiến
cho POC phải bồi thường 25,7 triệu USD. Các phương tiện lắp ống phải chờ ngoài
biển trong giai đoạn rủi ro thời tiết buộc POC phải bồi thường 8 triệu. Phát
sinh chi phí quản lý và thuê kho chứa khí thêm gần 5 triệu USD; Mất doanh thu
do chậm đưa khí vào bờ gần 6 tháng (28-6-2013 thay vì 31-12-2012) lên đến gần
38 triệu USD (270 nghìn USD/ngày).
PTSC-MC không thể buộc POTS hay Canadoil bồi thường vì ngay từ đầu hợp
đồng đã bị vỡ do Đinh La Thăng đưa PVID chen ngang vào. Chỉ vì nhân danh
"phát huy nội lực" cho vài công ty con mà Đinh La Thăng đã làm tổn thất
gần 90 triệu USD cho Dự án Biển Đông I.
Bài 2- VENEZUELA & 2 TỶ USD
Chưa tới một năm sau khi PDV- 39 "chọc mũi khoan đầu tiên",
tháng 4-2013, PVN đã phải đầu hàng trước Venezuela, bỏ lại nơi đây dự án
Junin-2.
Trở lại hơn 6 năm trước đó, ít ai biết vai trò kiến tạo mối quan hệ
khăng khít giữa Việt Nam với Venezuela không phải nhờ vào thành tích của ngành
ngoại giao mà phần lớn nhờ vào Đinh La Thăng.
Đánh đúng "khẩu vị" của không ít nhà lãnh đạo khoái một Hugo
Chavez vừa chống Mỹ vừa thân với "người bạn gác" thành trì xã hội chủ
nghĩa ở bên kia bán cầu. Đinh La Thăng đã tạo ra "một mốc son trong mối
quan hệ quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Venezuela" sau chuyến
thăm Việt Nam của Hugo Chavez vào năm 2006 bằng cách bằng mọi giá liên doanh với
một đơn vị của Công ty Dầu quốc gia Venezuela, "Khai thác và Nâng cấp dầu
nặng ở lô Junin-2".
Để thuyết phục Chính phủ cho phép PVN bỏ 1,8 tỷ USD sang Venezuela,
Đinh La Thăng đã đưa ra đánh giá: "Junin-2 là mỏ có trữ lượng dầu lớn nhất
trong vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono - vành đai có trữ lượng lớn thứ nhì thế
giới. Việc khai thác dầu tại lô Junin-2 sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng
cho Việt Nam ít nhất trong 25 năm nữa".
Chiều ngày 19-4-2012, tại Venezuela, khi khởi động giàn khoan PDV-39,
PVN còn cứng cỏi tuyên bố: "Sang năm, Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng
200.000 thùng/ngày". Nhưng, vừa đúng "sang năm", khi Đinh La
Thăng đang lo "trảm tướng" bên ngành giao thông, những người kế nhiệm
Thăng ở PVN tái mặt khi lượng dầu khai thác được, cả sản lượng và chất lượng,
không đạt giá trị thương mại. Họ đã có một quyết định dũng cảm là gần như
"bỏ chạy".
Trong hợp đồng mà Đinh La Thăng cho ký với Venezuela vào ngày
29-6-2010 có một điều kiện rất "quái gở" là 6 tháng sau khi ký kết,
phía Việt Nam phải bắt đầu "bonus" cho Venezuela khoảng 1 USD trên một
thùng dầu (không phải thùng dầu khai thác được mà là thùng dầu trữ lượng theo dự
đoán). Ngay trong 2 năm đầu, bất kể có dầu hay không, phía Việt Nam vẫn phải nộp
đủ cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt.
Trước ngày 12-5-2011, trong khi Liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng
ký với cơ quan chức năng Venezuela, 300 triệu USD tiền mặt đã được
"bonus" cho đối tác; Đúng một năm sau, 142 triệu USD khác cũng đã được
thanh toán(12-5-2-12)[tổng cộng 442 triệu USD chưa kể hàng trăm triệu đã đầu tư
vào công tác thăm dò, khai thác].
Tháng 4-2013, PVN (đại diện trực tiếp là PVEP) đứng trước lựa chọn khó
khăn khi tới hạn nộp tiếp 142 triệu USD tiền mặt trong khi lượng dầu ở mỏ
Junin-2 hoàn toàn "không như dự đoán".
Hợp đồng mà Đinh La Thăng ký không chừa cho Việt Nam cửa lùi. Cho dù
không kiếm được thùng dầu nào đáng giá, 15 ngày sau thời hạn "bonus",
nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ tự động chuyển
cho đối tác Venezuela. Việt Nam cũng sẽ không được quyền thanh toán hoặc đền bù
bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư ở Junin-2.
Những người gánh di sản của Đinh la Thăng đã phải cứu 3000 tỷ (142 tiền
bonus đóng lần thứ 3), thay vì ném tiếp sang Caracas để nó chết chìm cùng các
khoản đã đầu tư vào Junin-2.
Cùng với các tổn thất ở những dự án "hợp tác quốc tế" khác
như Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới 2,1 tỷ USD.
Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng. Nhưng nếu
không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng trở nên
sáo rỗng.
PS: Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi
trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước
tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm.
Bài 3- THANH HAY THĂNG
Cho
đến trước khi bị C46 triệu ra Hà Nội, Vũ Đức Thuận vẫn nương náu trong biệt thự
Trần Quốc Thảo. Rất lạ là báo chí chỉ đặt câu hỏi, ai đã "làm công tác cán
bộ" cho Trịnh Xuân Thanh mà không nói gì về "quy trình" Đinh La
Thăng dàn xếp cho đồng phạm của Thanh, Vũ Đức Thuận. Vì
sao Thuận, một kẻ mà dấu hiệu phạm tội đã rõ từ năm 2013, vẫn được Đinh La
Thăng đưa về làm Chánh văn phòng Bộ Giao thông, rồi kéo vào Sài Gòn làm trợ lý.
Đàn Em
Xây lắp là ngành mà Đinh La Thăng nắm gần như ngay lập tức sau
khi về làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí (PVN), 10-2006, và biến nó trở thành một
thứ công ty xây dựng như thời Sông Đà.
Thoạt đầu, người được Đinh La Thăng đưa về làm Tổng giám đốc
công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) là "Diệu Đen" - đồng hương Nam Định,
từng làm ở Sông Đà - thay thế "Hưng Địa Chủ", một người được đào tạo
và có kinh nghiệm trong ngành.
Nhưng, ở thời điểm ấy PVN đang có trong tay một lượng vốn khổng
lồ. Một người giỏi điếu đóm không thể triển khai bài toán lớn để "giải
ngân" từng ấy tiền bạc. Năm 2007, Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ
Sông Hồng về thay thế "Diệu Đen" làm Chủ tịch kiêm TGĐ PVC. Năm 2008,
khi Thuận gặp khó khăn ở Sudico (Sông Đà), Thăng lại đưa về làm phó rồi năm sau
lên TGĐ.
Dự Án
Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh (2007) và Vũ Đức Thuận (2008) kiểm
soát được PVC, Đinh La Thăng bắt đầu sử dụng hàng chục nghìn tỷ của PVN ồ ạt
đầu tư cho các dự án: từ nhiệt điện, sợi polyester, ethanol... đến sân golf,
khách sạn, văn phòng, trụ sở... Rất nhiều công trình được quyết định đầu tư vội
vã, bất chấp pháp luật.
Có những công trình lớn, ngoài "chuyên môn" như
Ethanol Phú Thọ (1.700 tỷ, đội giá lên 2.400 tỷ), như Sợi Đình Vũ (đội giá từ
324,8 triệu lên 363,5 triệu USD) nhưng đã được Đinh La Thăng cho phê duyệt dự
án mà không thẩm định tính khả thi, không lấy ý kiến cơ quan quản lý có thẩm
quyền (Bộ Công Nghiệp lúc đó).
Hành vi cố ý của Đinh La Thăng khi quyết định đầu tư những công
trình này không chỉ làm thất thoát lớn trong quá trình xây dựng mà cả hai vừa
xây xong đã phải đắp chiếu vì nếu sản xuất sẽ làm lỗ cho PVN mỗi năm hàng nghìn
tỷ (năm 2014, Sợi Đình Vũ lỗ 1.085 tỷ).
Trảm Tướng
Đinh La Thăng đi đến đâu cũng làm "nức lòng nhân dân"
bằng các vụ "trảm tướng". Ít ai biết được đằng sau những quyết định
ầm ĩ đó là gì.
Trước khi chuẩn bị ồ ạt xây cất, Đinh La Thăng đã chuẩn bị
"cơ sở pháp lý" cho Thanh - Thuận bằng Nghị quyết 133 của Đảng ủy Tập
đoàn, "Phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành".
Hầu hết những dự án của PVN, Đinh La Thăng đều buộc các chủ đầu
tư (các đơn vị thành viên của PVN) phải "ưu tiên sử dụng dịch vụ" của
nhà thầu PVC. Mặc dù Thuận và Thanh thường đưa ra mức dự toán cao hơn rất nhiều
so với giá trị thực tế, Thăng vẫn gây áp lực để các chủ đầu tư (công ty con của
PVN) chấp nhận và thường phải ứng trước vốn lên đến hơn 80% giá trị hợp đồng
cho Thanh - Thuận.
Nhiều chủ đầu tư đã bị "trảm" vì không chịu vâng theo
những điều kiện phi lý này.
Chi phí để Thanh - Thuận xây phần thô của tòa nhà PVFC Đà Nẵng
lên tới 350 tỷ trong khi trước đó, khách sạn Petrosetco Sông Trà (Nhờ bên ngoài
nắm cổ phần lớn hơn PVN nên không để Thăng ép giao thầu cho PVC) có cùng diện
tích, cùng điều kiện xây dựng, đã hoàn thành nội thất, chỉ hết 69 tỷ.
Tòa nhà PVGas, đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, theo đánh giá của
giới chuyên môn và theo thị trường, cả tiền xây dựng và đất, chỉ khoảng 350 tỷ
đồng. PVGas đã phải quyết toán cho Thanh - Thuận lên tới 900 tỷ. Trong thời
gian xây dựng tòa nhà này (2008-2010) hai tổng giám đốc của PVGas (Trần Văn
Vĩnh và Nguyễn Việt Anh) đã bị Đinh La Thăng cách chức.
Có thể chỉ ra hàng loạt ví dụ tương tự khác ở những công trình
như khách sạn Lam Kinh, khách sạn dầu khí Thái Bình, Trung tâm thương mại Cà
Mau...
Ngoài Trần Văn Vĩnh, Nguyễn Việt Anh còn nhiều "tướng"
khác bị "trảm" với lý do tương tự, trong đó có các ông: Trịnh Thanh
Bình, TGĐ Đạm Phú Mỹ; Đinh Văn Ngọc, TGĐ Bình Sơn và Lương Khoa Trường, TGĐ
DMC...
PVC được nói là lỗ 3.300 tỷ, đúng ra là lỗ 4.100 tỷ vì đã sử
dụng hết 800 tỷ trong quỹ dự phòng. Nhưng con số thất thoát còn phải tính đến
cả ở những công trình bị kê giá (như vài ví dụ vừa nêu) mà cơ quan điều tra
hoàn toàn có thể làm rõ bằng cách trưng cầu giám định.
"Thiên Tài"
Tuy trong khoảng từ 2008-2010, PVC hạch toán là "hiệu
quả" nhưng những khoản lỗ nhìn thấy vào giữa 2012 chỉ là phần "bục
ra" và là hậu quả của cung cách Thanh - Thuận ngay từ khi họ nắm PVC.
Trong xây dựng, nếu các nhà thầu được ứng tới 80-90% vốn như PVC (chưa kể giá
trị đầu tư được kê cao lên) mà làm lỗ được thì phải nói là... thiên tài. Nhưng
Thuận - Thanh vẫn làm được.
Nhân danh "phát huy nội lực", Đinh La Thăng đã chỉ
định và giao cho PVC thầu các dự án của Tập đoàn. Nhưng Thanh - Thuận chỉ là
những anh "cò". Vừa nhận thầu của Tập Đoàn là PVC liền giao toàn bộ
quyền tổng thầu với các hình thức khác nhau cho các công ty con hoặc các công
ty không hề là con cái gì của PVC cả.
Nhân danh "nâng cao năng lực thiết bị thi công", PVC
đã bỏ ra 424,84 tỷ đồng để mua sắm máy móc. Thiết bị mua về, thay vì được PVC
khai thác sử dụng, thì toàn bộ lại được chuyển cho các công ty con dưới dạng bù
trừ công nợ, góp vốn... Các công ty con nhận những thiết bị này về cũng hoặc
không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng cho một công trình rồi bỏ đó.
Không chỉ áp dụng chính sách chỉ định thầu cho các công ty con,
Thanh - Thuận đã cho rất nhiều nhà thầu phụ không dính dáng gì tới PVC hưởng
"nội lực" của ngành dầu khí.
Đầu năm 2012, trong số 8.620 tỷ đồng ký với các nhà thầu phụ, có
tới 3.572 tỷ (41,43%) được PVC "giao thầu" cho các công ty ngoài
ngành. Nhiều nhà thầu phụ được ứng vốn cao hơn vốn mà PVC được ứng từ chủ đầu
tư với số tiền lên đến 753 tỷ. Các nhà thầu còn được "ứng ngoài hợp
đồng" lên tới 775 tỷ.
Dòng Tiền
Không phải công ty con nào cũng "sổ sách" như PVC-ME
để ta có thể giải thích vì sao Thuận - Thanh lại hào phóng với các công ty con,
nhà thầu phụ như thế. Và, nhờ nó, chúng ta biết được "dòng tiền".
PVC-ME là một công ty có số lỗ vào năm 2012 lên đến 576 tỷ đồng
và đang "cân đối âm" 714 tỷ. Ngoài những cách quen thuộc như khai
khống hồ sơ rút tiền, PVC-ME có một sáng kiến rất hay đó là cho các đối tác
hoặc chỉ huy trưởng công trường ký tạm ứng rồi... không nhận tiền. Có người
"để lại" 2, 3 tỷ, có đối tác "để lại" 4 tỷ. Tổng số tiền
"để lại" cho quỹ đen chung này lên tới 80,768 tỷ.
Trong "sổ đen", có những khoản chi nho nhỏ, kiểu như
"Học tập tấm gương HCM" 5 triệu; "Đi sở KHĐT" 5 triệu rồi
"Gửi anh Hải lái xe" 211 triệu; "Mua bộ đồ đánh golf cho
sếp" 350 triệu... Có rất nhiều khoản chi mỗi lần từ 1 đến gần 4 tỷ không
rõ làm gì. Chỉ trong năm 2011, lái xe riêng của TGĐ đã thanh toán các khoản
tiếp khách hết 1,126 tỷ đồng và tiền tiếp khách của PVC-ME hết 9,89 tỷ.
Trong "sổ" có ghi những bữa nhậu 4-5 trăm triệu, chúng
rất dễ làm ta liên tưởng đến "Bộ trưởng Ballantine ". Và, không rõ
tính toán ra sao mà trong ngày 15-8-2011 có tới 4 lần rút tiền "sinh nhật
bố sếp Thanh"(418 triệu + 50 triệu + 80 triệu).
Những khoản chi tiền tỷ chi chít trong sổ đen mà theo ngày tháng
thì nằm trong khoảng trước và sau Đại hội XI. Cấp tập hơn là những khoản chi
vào giai đoạn từ sau Đại hội cho đến khi hình thành Chính phủ mới, kéo dài tới
tháng 9-2011, thời điểm Đinh La Thăng chuẩn bị rời PVN qua Bộ Giao thông.
Đây cũng chính là giai đoạn Thanh - Thuận sử dụng tới 1.081 tỷ
vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình II ứng cho các nhà thầu không liên
quan tới công trình này "sử dụng vào những mục đích khác"(đến nay vẫn
còn 700 tỷ chưa thu hồi được).
Trịnh Văn Thảo, TGĐ PVC-ME đã bỏ trốn từ 2012. Thanh đang bị
truy nã. Nhưng không chỉ có Thuận, rất nhiều nhân vật thông thạo đường đi của
những "dòng tiền" dầu khí như: Duy, Sợi Đình Vũ; Hoàng, PVC-IC; Trung
PVC-SG... vẫn còn đi lại trước mặt cơ quan điều tra.
Khi làm Chủ tịch PVN, Đinh La Thăng không chỉ tiếp nhận một giai
đoạn vẫn rất thịnh vượng của ngành (giá dầu lúc ông ta rời PVN vẫn trên 100
USD/thùng) mà còn tiếp quản từ tay người tiền nhiệm khoảng 5 tỷ USD vốn liếng.
Thanh - Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa
hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản
của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là "tan hoang".
Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của
vụ án không chỉ "xảy ra ở PVC" mà là ở PVN, vấn đề không phải là
Thuận hay Thanh mà là Thăng.
Bài 4- NHỮNG "VINASHIN" CỦA ĐINH LA THĂNG
(Cả nước cứu trợ bà con vùng lũ Quảng Bình - Hà Tĩnh được bao nhiêu mà trăm nghìn tỷ bọn tham nhũng đổ ra như nước).
Chiều 13-10-2016, Trần Đức Chính - PTGĐ Điện lực Dầu khí - đã
được cơ quan điều tra "điểm danh"; Ninh Văn Quỳnh cũng đã phải trở về
từ Mỹ... Danh sách các "yếu nhân" tập đoàn Dầu khí (PVN) liên quan
tới tiền lại quả từ Oceanbank chắc chắn không dừng lại đó. Phanh phui bất cứ
công ty "con, cháu" nào do Đinh La Thăng "đẻ" ra trong thời
gian ông ta làm Chủ tịch PVN (1-2006 -- 9-2011) cũng đều tìm thấy những khoản
trăm nghìn tỷ bị "ném qua cửa sổ". Sự thao túng ở tổng công ty Tài
chánh Cổ phần Dầu khí (PVFC) lại còn tệ hơn nhưng có lẽ nhờ kịp xóa nhiều dấu
vết nên chưa thấy thanh tra, điều tra thụ lý.
TỰ ĐẤU GIÁ MÌNH
Khi về Dầu Khí, Đinh La Thăng đã "cầm cờ tiên phong"
biến Tổng công ty Dầu khí thành "tập đoàn kinh doanh đa ngành". Công
ty Tài Chánh Dầu Khí được nâng cấp thành Tổng Công ty Tài Chánh Cổ phần Dầu Khí
(PVFC) là nằm trong lộ trình tham vọng đó.
Tháng 6-2007, khi cổ phần hóa PVFC, Đinh La Thăng yêu cầu phải
tạo ra "thắng lợi chính trị" ngay trong lần đấu giá cổ phần đầu tiên
(IPO). Nhằm đạt được "mục tiêu chính trị" này, Đinh La Thăng đã phê
duyệt một phương án lấy tiền của nhà nước đấu giá công ty nhà nước.
Theo phương án mà Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí lúc đó
(do Đinh La Thăng làm Chủ tịch) phê chuẩn, công ty con PVFC đã dùng 500 tỷ
"đẻ" ra công ty cháu PVFC Invest và rót 671 tỷ khác để PVFC Invest
mua cổ phần công ty mẹ với giá đạt "mục tiêu chính trị"(70.000
đồng/cổ phiếu).
Theo Luật, PVFC chỉ được góp tối đa vào PVFC invest 11%. Nghị
quyết của PVN phê duyệt cho PVFC góp 11% (55 tỷ đồng), đồng thời phê duyệt thêm
cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) góp 38% (190 tỷ đồng).
Trên thực tế, PVFC dùng tiền Nhà nước góp tới 295 tỷ đồng [Ngoài
55 tỷ đồng đứng tên trực tiếp, PVFC còn dùng 240 tỷ góp dưới dạng cho cá nhân
(CBCNV) “ủy thác đầu tư trả chậm mua cổ phần PVFC Invest” - Bản chất là cho cá
nhân vay trá hình không có tài sản bảo đảm].
Sau đó, bằng hàng loạt "hợp đồng ủy thác đầu tư", PVFC
chuyển xuống cho PVFC Invest 671 tỷ, bao gồm các khoản: Chuyển trực tiếp 200 tỷ
cho PVFC Invest; Chuyển thông qua công ty con khác, PVFC Land, 400 tỷ; Chuyển
thông qua Công ty PV Inconess (PVFC là cổ đông lớn 30%) 71 tỷ.
Vì PVFC Invest cũng không thể dùng hết số tiền 671 tỷ này để mua
cổ phần nên phải chuyển 510 tỷ cho CBCNV "vay" dưới dạng nhận ủy thác
đầu tư để mua cổ phần với tỷ lệ 50-50 (CBCNV bỏ ra 50%, công ty cho
"vay" 50%). Bằng cách này, PVFC Invest đã "thắng" 20 triệu
cổ phần với giá 71.000 đồng trong đó có 14 triệu cổ phần do "CBCNV
mua"(Sau cổ phần hóa, PVFC là một tổng công ty có vốn điều lệ 5000 tỷ, Tập
đoàn PVN nắm 78%; như trên đã nói, 22% còn lại cũng chủ yếu được mua bằng tiền
nhà nước).
MỸ KHÊ VN & 762,6 TỶ MỘT ĐI
KHÔNG TRỞ LẠI
Năm 2007, sau khi ký với Quảng Ngãi thỏa thuận "hợp tác đầu
tư và phát triển bền vững", Đinh La Thăng đã cho bỏ ra 100 tỷ mua lại dự
án "du lịch biển Mỹ Khê" (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) từ tay công ty Idico
dù công ty này chưa đầu tư gì kể từ khi được Quảng Ngãi "giao dự án".
Trước đó, Đinh La Thăng giao cho PVFC lập ra công ty Mỹ Khê Việt Nam có vốn
điều lệ trên giấy là 400 tỷ.
Cũng như PVFC Invest, Mỹ Khê Việt Nam đã sai luật ngay từ khi ra
đời vì có tới 99,98% vốn ở Mỹ Khê VN được góp từ PVFC trong khi mức cho phép
không quá 11% (thực góp 210,1 tỷ trong đó, PVFC góp 210 tỷ, hai cổ đông khác
góp 100 triệu).
Mỹ Khê VN sau đó còn được PVFC biến thành một công ty đầu tư bất
động sản trái phép với hai dự án: "Đầu tư" 192,5 tỷ vào dự án 99C Phổ
Quang (Sài Gòn); "Đầu tư" 360 tỷ vào dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu (Sài
Gòn).
Với ba "dự án" này, Mỹ Khê VN đã "nướng" của
PVFC 762,6 tỷ.
Gần 10 năm trôi qua, phần vốn 210 tỷ đồng đã hết, Biển Mỹ Khê
vẫn chỉ có... cát; khoản chi đáng kể nhất của công ty này là để phá 10 hecta
rừng dương dọc bãi biển. Mỹ Khê còn: Đưa ngay 192,5 tỷ cho công ty tư nhân Lạc
Hồng trong khi 99C Phổ Quang đang là đất của Satraco và Lạc Hồng chưa hề có
"mảnh giấy lộn" nào chứng minh công ty này là chủ đầu tư hay đồng sở
hữu; Đưa ngay 360 tỷ cho công ty cổ phần Phúc Thịnh chỉ để nắm được một bản
photo giấy tờ đất 168 Nguyễn Đình Chiểu trong khi Phúc Thịnh chưa phải là chủ
sở hữu và không được cấp phép đầu tư.
XÓA DẤU VẾT
Trước Đại hội XI (12-2010), Đinh La Thăng chỉ đạo không được để
bất cứ công ty con nào âm vốn. PVFC đã "xử lý" bằng cách yêu cầu PVFC
Invest bán hơn 11 triệu cổ phiếu của PVFC mà công ty này đang nắm giữ cho công
ty cổ phần đầu tư và thương mại Sông Đà (SDCON - thuộc Ocean Group, sở hữu
6,65% vốn điều lệ của OceanBank và do mẹ vợ Hà Văn Thắm làm Chủ tịch).
Trên thực tế, thương vụ này chỉ tức thời giúp PVFC làm đẹp sổ
sách. SDCON chỉ trả 5% (gần 20 tỷ đồng), 95% còn lại không bao giờ được nói tới
nữa.
PVFC còn "xóa dấu vết" một công ty con khác: VN
Assets.
Ở thời điểm ấy, trị giá tài sản của VN Assets vẫn còn được ghi
là 707 tỷ đồng nhưng PVFC đã bán 23 triệu cổ phiếu của mình trong VN Assets cho
một công ty tư nhân, ATC (Công ty cổ phần dầu khí An Thịnh), với giá chỉ 1
đồng/cổ phiếu (Hợp đồng 16/2003/PVFC-ATC) trong khi giá vốn là 10.000 đồng/cổ
phiếu (thất thoát khoảng 230 tỷ đồng).
Các thương vụ khuất tất giữa PVFC và ATC không phải tới lúc này
mới bắt đầu.
Năm 2007, ATC được PVFC rót vốn để xây nhà máy sản xuất xơ sợi
Hưng Yên. Ở nhà máy này, PVFC cho vay tổng số 120 tỷ, trong đó có 40 tỷ làm vốn
lưu động. ATC đã dùng số tiền đó để nhập một dây chuyền "nghĩa địa"
về. Nhà máy hoạt động được một năm rưỡi thì đóng cửa. Thay vì tìm cách thu hồi
nợ, PVFC đã âm mưu "chuyển đổi” 40 tỷ vay làm vốn lưu động này thành vốn
góp (do không thực hiện được nên đã phải trích lập 100% dự phòng).
Tháng 6-2009 nhà máy ngưng hoạt động. Tháng 7-2011, PVFC kêu bán
thanh lý. Mãi tới 2-2012 mới bán được với giá... 3,9 tỷ.
Trong số 240 tỷ "ủy thác đầu tư" dưới hình thức góp
vốn lập nên PVFC Invest qua CBCNV mà Ngân hàng Nhà nước cho là "cố ý làm
trái"(công văn 9788 - 2009), tới nay chỉ mới thu hồi được 10 tỷ(gây hậu
quả nghiêm trọng, thất thoát 230 tỷ). Trong số 510 tỷ "ủy thác" dưới
dạng đưa tiền cho CBCNV mua cổ phần tới nay vẫn chưa thu hồi được 419 tỷ gốc,
86 tỷ tiền lãi.
Các khoản đầu tư bất chấp pháp luật của PVFC - đều phải thông
qua Hội đồng thành viên PVN, nơi đang nắm 78% vốn, do Đinh La Thăng làm Chủ
tịch - đã làm cho công ty này mất không dưới 2.000 tỷ. Các khoản cho vay, tính
tới tháng 2-2012, chỉ riêng 5 "nhóm nợ có vấn đề" của PVFC đã có
8.550 tỷ không có khả năng thu hồi.
Các hành vi làm trái của Đinh La Thăng, đổ tiền nhà nước ra mua
cổ phần nhà nước, không chỉ gây hậu quả cho nhà nước (mất hàng nghìn tỷ đồng)
mà còn góp phần bóp méo thị trường cổ phiếu. "Bong bóng" tự PVN bơm
lên đã nhanh chóng xẹp xuống. Số cổ phiếu từng được tiền của PVN đẩy lên giá
76.000 đồng (mua trung bình 71.000), khi đóng cửa phiên cuối cùng trước khi hủy
niêm yết (23-9-2013) chỉ còn 4.200 đồng/Cổ phiếu.
PVN sau đó đã thủ tiêu, xóa dấu vết PVFC - do làm ăn bất chấp
pháp luật mà thua lỗ - bằng cách nhập với ngân hàng Phương Tây để trở thành
Ngân hàng đại chúng.
SÂN VẬN ĐỘNG CHI LĂNG &
OCEANBANK
Không chỉ bắt tay với Thắm Đại Dương, nếu không có 1.510 tỷ của
PVFC, Phạm Công Danh khó có thể mua ngân hàng rồi trở thành tội phạm.
Ngày 1-12-2010, để mua sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng với giá
1.393 tỷ, Phạm Công Danh lập 10 công ty (con của tập đoàn Thiên Thanh) để đứng
tên 10 sổ đỏ [có tổng diện tích 55.061m2, giá 25,3 triệu/m2). Ngay sau khi Đà
Nẵng giao sổ đỏ, 28-1-2011, Danh đem cắm cả 10 vào OceanBank để vay 1.254 tỷ
đồng.
Hơn một tháng sau đó, 4-3-2011, đất sân Chi Lăng được PVFC - nơi
mà PVN của Đinh La Thăng nắm 78% cổ phần - định giá lên hơn gấp đôi: 57
triệu/m2; sau khi "tham chiếu các kết quả tư vấn khác", PVFC đưa giá
xuống một chút, 54,9 triệu/m2, và quyết định mua gần phân nửa sân Chi Lăng từ
tay Danh với giá 1.510 tỷ (27.000m2, thuộc 5 sổ đỏ).
Hơn 1.306 tỷ được PVFC chuyển thẳng cho OceanBank, thanh toán cả
gốc lẫn lãi cho Phạm Công Danh; 20 tỷ được chuyển vào tài khoản của tập đoàn
Thiên Thanh; 183 tỷ chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của Danh. Như vậy,
với thương vụ mua bán sân vận động Chi Lăng, chỉ trong một tháng, Danh lấy lại
được vốn, cầm về 5 sổ đỏ "sạch" (28.000m2) và vẫn còn dư 203 tỷ.
Chưa thấy cơ quan điều tra nhắc đến thương vụ này, ít nhất là
khoản "trốn thuế" không dưới 160 tỷ. Không chỉ là vấn đề lời lãi, cơ
quan điều tra cũng cần làm rõ bản chất của nó và đường đi lắt léo của các dòng
tiền [tháng 5-2011, PVFC lại bán 27.000m2 đất này cho Seabank AMC (công ty mua
bán nợ của Seabank) với giá không lời, không lỗ].
Khoản tiền 1.510 tỷ mà PVFC trả cho thương vụ nửa sân Chi Lăng
đã giúp Phạm Công Danh có "lực" để mua TrustBank từ tay Hà Văn Thắm,
có vai trò như bàn tay của một bà đỡ giúp Danh "đẻ ra" ngân hàng Xây
Dựng.
Mặc dù Hà Văn Thắm có quan hệ với Nguyễn Xuân Sơn trước, nhưng
trên thực tế, Đinh La Thăng là người cung cấp oxy cho Ocean Bank. Nếu Đinh La Thăng
không quyết định góp 800 tỷ đồng (20% vốn) và "lái" phần lớn dòng
tiền của PVN chảy qua Ocean Bank thì ngân hàng này đã khó mà tồn tại [Từ thời
Thăng làm Chủ tịch Tập Đoàn Dầu khí gần như tất cả các công ty thành viên của
PVN đều phải mở tài khoản tại Ocean Bank; tổng cộng PVN đã đem hơn 50 nghìn tỷ
đồng gửi Thắm].
Khi Thắm "chìm" theo Đại Dương - OceanBank bị mua với
giá 0 đồng - PVN không chỉ mất 800 tỷ VND góp vốn (theo quyết định của Đinh La
Thăng) mà còn kẹt "dưới đáy" Đại Dương hơn 10 nghìn tỷ (bao gồm cả 70
triệu USD của Vietsopetro). Sau Nguyễn Xuân Sơn, còn có một danh sách đen liên
quan đến khoản lại quả - lên đến 544 tỷ đồng - mà Thắm "chi ngoài hợp
đồng" cho lãnh đạo của PVN thời Đinh La Thăng làm Chủ tịch.
Xét cả về tính chất vi phạm pháp luật và quy mô tổn thất, Tập
đoàn Dầu khí thời Đinh La Thăng không khác gì một Vinashin. Sở dĩ PVN không đắm
ngay như Vinashin là nhờ PVN không phải vay ngân hàng. Ngoài khoản PVN được
"vay" 500 triệu USD từ tiền bán dầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn
cho phép PVN "tạm giữ" những khoản tiền khổng lồ mà Tập đoàn này lẽ
ra phải nộp vào ngân sách. Nguồn tài nguyên trong lòng biển của quốc gia mà tập
đoàn Dầu khí được giao khai thác đã bị Đinh La Thăng đổ trăm nghìn tỷ xuống
biển, xuống sông.
PS:
I. Thực tế ở PVN là một Ví dụ điển hình cho thấy, tham nhũng ở
VN không chỉ do quyền lực chưa được chế ngự mà còn do những khoảng tối giao
thoa giữa khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, được dung dưỡng bởi các
quan chức tha hóa. Những kẻ biết sợ sẽ ráng làm ra chút ít rồi mới
"ăn". Những kẻ trâng tráo thì phá tới nơi để "ăn" tàn,
"ăn" mạt.
Muốn chống tham nhũng, không chỉ phải tiến tới nhà nước pháp
quyền mà nhà nước còn phải từ bỏ vai trò kinh doanh (các công ty nhà nước chỉ
được lập ra là chỉ để cung cấp những dịch vụ công mà tư nhân không làm). Tuy
nhiên, trước khi có nhà nước pháp quyền, nếu không vạch mặt chỉ tên những kẻ
trâng tráo nhất, thì không những không bao giờ có nhà nước pháp quyền, mà còn
sẽ phải cúi đầu làm nô lệ cho những tên tham tàn nhất.
II. Khi các thông tin về công trình nhà máy sợi Đình Vũ,
PVN đầu tư gần chục nghìn tỷ giờ đang phải trùm mền được công bố, biết việc
Đinh La Thăng để cho nhà thầu tráo "dây chuyền thiết bị kéo sợi" xuất
xứ Đức, theo thiết kế, thành dây chuyền Trung Quốc, hy vọng các bạn sẽ nhận
biết Thăng là người "thân gì".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét