Nhãn

20 tháng 7, 2011

146. Công an mà tốt!


Ngô Minh
imageAnh Nguyễn Văn Thanh là nghệ sĩ nghiệp ảnh có tiếng ở Huế. Vì cùng hoạt động văn nghệ, tôi quen biết anh hơn chục năm nay, lại sáng nào đi bộ thể dục cũng gặp nhau, nhưng không hề biết anh là công an. Một hôm chúng tôi cùng ăn sáng tại quán cháo gạo lức - cá bống ở chợ Bến Ngự, anh Thanh ăn ít, cáo về nhà trước. Khi anh đi xa rồi, bà Thi bán cháo mới bảo tôi: “Ông nớ là ông Thánh đó!”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao lại gọi ông Thanh là ông Thánh?”. Bà con cùng ăn cháo bảo rằng: “Ông ấy là công an mà tốt”. Từ đó tôi mới biết anh Thanh trước đây là Thượng tá công an, Trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh, về hưu. “Thế công an là xấu sao?” - Tôi hỏi lại. Bà con tranh nhau kể: “Thời ông Thanh làm công an, bà con buôn bán lô tạm lấn ra đường, bày hàng lên lề cầu Bến Ngự, ông bao giờ cũng kiên trì thuyết phục. Khi có đoàn “ông cốp” Trung ương về, xe còi hụ trước hụ sau, anh Thanh thông báo sớm cho bà con dọn hàng vi phạm lề đường, anh còn giúp bà con dọn hàng. Anh không bao giờ bưng cả rổ rau, rổ trứng, cá... của bà con ném bừa lên xe công an như mấy anh cảnh sát sau này, làm cho rau bị nát, trứng bị vỡ không bán được. Có người vì sợ hư hàng hóa, giành lại mớ cá, rổ rau từ tay công an, thế là bị bắt vì “chống người thi hành công vụ”. Bà con phố thị nghèo, buôn thúng bán mẹt kiến ăn hàng ngày, mà bị “trấn áp” như thế là sạch vốn, gia đình phải nhịn đói - thế không xấu, không ác thì gọi là gì hở bác?”.

Từ câu chuyện “Công an mà tốt” ở quán cháo bà Thị ở chợ Bến Ngự, tôi cứ băn khoăn hoài. Công an mà tốt - nghĩa là người tốt (được lòng nhân dân) trong ngành công an đang ít hơn người không được lòng dân.
Công an có xấu thật không? Tôi có nhiều anh em bạn bè làm công an, có người làm đến chức trung tá, đại tá; anh em nội thân nhà tôi cũng có nhiều người làm công an, tôi không thấy ai xấu cả. Tôi biết nhiều cán bộ chiến sĩ công an đang hàng ngày làm những công việc lặng thầm như tình báo, phản gián, hay những người làm những công việc không tiếp xúc với dân như dạy Đại học, Trung cấp công an, quản lý hồ sơ, v.v. Những người đó không xấu. Nhiều năm qua, các chiến sĩ công an đã trấn áp thành công các băng xã hội đen khét tiếng như vụ Nam Cam. Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng tại sao ngành công an lại là ngành người dân luôn nghĩ là “xấu “? Ở đây rõ ràng là con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng nói như ông Trương Tấn Sang trong đợt vận động bầu cử Quốc hội ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, thì “một con sâu đã nguy hiểm rồi. Thế mà ở đây nhiều con sâu quá...”. Những hình ảnh công an “trấn lột” lái xe dọc đường quốc lộ, trấn lột doanh nghiệp, công an đi bắn tốc độ nấp bụi bờ trên tuyến đường Bắc - Nam gọi là “đi đánh bắt xa bờ” thu nhập rất cao; công an giao thông, công an kinh tế, công an hình sự đa phần đều giàu có, xe hơi, nhà lầu, v.v. Dù không có chứng cớ để kết tội, nhưng trong con mắt nhân dân, họ đều là người tham nhũng, là người không tốt. Nguy hiểm hơn là những vụ công an đánh người, giết người một cách vô lý là nguyên nhân chính làm cho hình ảnh công an trở nên “rất xấu” trong con mắt nhân dân. Đó là một thực tế đau lòng.
Xin kể vài vụ: Vụ Công an đánh cháu bé 11 tuổi đến chấn thương bầm tím thân thể tại công an phường ở Huế ngày 15/6/2011; vụ anh Trần Thanh Chương ở Biên Hòa bị CA Nguyễn Hoài Tân bắn trọng thương ngày 12/4/2011; vụ chị Dương Thị Mỹ Ngọc (SN 1977, ngụ đường 120, KP2, phường Tân Phú, quận 9, Sài Gòn), ngày 5/4/2011, bị ông N.T.H – Công an phường Tân Phú, quận 9 đánh đến mức phải nhập viện. Vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, thuộc công an phường Thịnh Liệt, Hà Nội, còng tay đánh đập dã man và chết vì bị đánh gãy xương cổ. Vụ ông Nguyễn Lập Phương bị đánh và chết vào chiều 6-3-2011 sau khi bị nhốt qua đêm tại đồn công an xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Vụ ông Đặng Ngọc Trung sau một đêm bị tạm giữ đã bị đánh chết tại trụ sở công an xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Vụ ông Trần Văn Dữ bị công an đánh chết tại trụ sở công an thị trấn Ngã Năm, Sóc Trăng. Điển hình là vụ Thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp gây nên cái chết đầy oan khuất cho anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang ngày 24/7/2010, làm nhân dân phẫn nộ. Vân vân... và vân vân. Có những vụ công an đánh dân chỉ vì một lý do kỳ quái: công an đánh người vì không được massage; công an giữ chồng tại đồn, rồi trắng trợn ép tình vợ; hay thiếu tá CSGT đánh tài xế taxi vì... đòi vượt đèn đỏ mà tài xế không chịu, ngày 22/3/2011; công an truy đuổi người không đội mũ bảo hiểm đến mức họ phải lao xuống sông; công an buôn ma túy vào trại giam... Hàng ngày mở các báo “lề phải” như Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền Phòng, Dân Trí, Đất Việt, v.v. có đăng rất nhiều vụ công an phạm pháp, công an đánh dân. Thật bức xúc.
Đứng trước tình trạng công an lộng hành, không ứng xử trước dân một cách lễ độ, cung kính, một số người dân đã không nén được sự căm giận, nên chống trả. Chống trả công an, dù lý do chính đáng, vẫn bị bắt giam với tội “chống người thi hành công vụ”. Nhưng số vụ người dân chống lại công an làm cho các chiến sĩ công an bị thương vong ngày càng tăng. Tại sao vậy? Nhà báo Minh Quang trên báo Tuổi Trẻ cho biết: Theo Bộ Công an, trung bình mỗi năm có hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ trên cả nước. Tình hình chống lại lực lượng thi hành công vụ diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó nổi cộm nhất là lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhẹ thì lăng mạ, chửi bới, nhổ nước bọt vào mặt, nặng thì đâm thẳng ôtô vào người, thậm chí lái xe bỏ chạy nhiều cây số khi CSGT vẫn còn bám trên nắp capô. Gần đây nhất là vụ côn đồ tấn công lực lượng cảnh sát hình sự, lái ôtô đâm thẳng vào cán bộ khám nghiệm hiện trường, dùng hung khí chém cảnh sát ngay trên phố Hồng Mai (Hà Nội) vào rạng sáng 10-7. Vụ tấn công này đã làm ba cán bộ cảnh sát hình sự bị trọng thương, hiện đang điều trị tại bệnh viện. Theo thống kê, tính từ năm 2007 đến tháng 6-2011, chỉ riêng Hà Nội đã có 254 vụ tấn công người thi hành công vụ, làm bị thương 59 cán bộ chiến sĩ. Cơ quan công an đã khởi tố điều tra 190 vụ với 309 bị can. Đáng chú ý là các đối tượng phạm tội bị xử lý chủ yếu là nam giới, có độ tuổi 18-35 và 50% số này có nghề nghiệp ổn định. Có nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định mà chống lại công an tức là do bức xúc lắm, không nén nổi. Trong số các vụ chống lại lực lượng công an có tới 125 vụ xuất phát từ hành vi vi phạm giao thông, 69 vụ từ vi phạm trật tự công cộng, 21 vụ từ việc giải quyết các vụ gây rối, 25 vụ xảy ra trong khi bắt giữ các đối tượng phạm tội. Ở Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, các đối tượng còn ngang nhiên hành hung lực lượng chức năng để giải cứu đồng bọn. Tính từ năm 1998 đến nay đã có gần 90 cán bộ cảnh sát hi sinh, trên 1.000 cán bộ chiến sĩ bị thương và phơi nhiễm HIV do tội phạm tấn công. Ở Hà Tĩnh, tình hình dân chống trả công an cũng rất quyết liệt. Thời gian gần đây, chỉ tính riêng huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, trên 30 công an bị đánh tàn phế, 3 người bị chết. Công an trưởng các xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh), xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh... bị ném mìn vào nhà, bị đâm, chém bằng dao đến tử thương.
Có câu hỏi nóng hổi báo chí đặt ra: VÌ SAO CÔNG AN BỊ HÀNH HUNG?
Ngành công an thì cho rằng, vì người dân chấp hành pháp luật không nghiêm; nguyên nhân hàng đầu là do đối với tội phạm, lưu manh chuyên nghiệp, bản chất liều lĩnh nên rất manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống lại các lực lượng thực thi pháp luật nhằm trốn tránh pháp luật. Một số ít người dân sống buông thả, tự do quá trớn, coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng kỷ cương phép nước, sẵn sàng chống lại bất cứ ai làm ảnh hưởng tới quyền lợi ích kỷ của họ. Một số ít hiểu biết về pháp luật, có tâm lý bất hợp tác với công an, bị xúi giục từ các phần tử xấu, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành vi chống đối.
Nhưng có những nguyên nhân cốt lõi mà hình như các cơ quan quản lý, giáo dục trong ngành công an chưa chú ý, đó là:
Thứ nhất, là Công an nhân dân, nhưng lại ít được đào tạo sâu về nhân văn, tình yêu thương nhân dân, mà chỉ giáo dục tư tưởng về đấu tranh giai cấp, nên tác phong ứng xử, làm việc với nhân dân thường theo lối hách dịch, kiêu binh. Coi tất cả mọi người phạm tội, kể cả em bé vì đói mà ăn cắp, đều là kẻ thù. Nên một số không ít chiến sĩ công an sử dụng vũ khí (súng), vũ thuật, trang bị như roi điện, dùi cui một cách bạt mạng. Cách ứng xử đó không chỉ làm cho nhân dân bất bình mà cao hơn là đẩy tới căm thù, chống trả.
Thứ hai, Công an phạm tội không được xử lý công khai, nghiêm túc mà thường được Công an cơ sở bao che bằng cách lập biên bản giả, ép cung... để giảm nhẹ tội cho đồng đội. Với bản án 7 năm tù cho kẻ giết người vô tội còn những người dân tay không bị cảnh sát tấn công bằng hơi cay, bằng lực lượng hùng hậu thì bị án từ 20-40 năm tù cho cả 10 người. Ví dụ cái chết của anh thanh niên Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang do công an Nguyễn Thế Nghiệp gây ra, kẻ giết người chỉ bị xử 7 năm tù, rất nhẹ nhàng, còn những người dân do bức xúc vì cái chết oan ức đó mà tổ chức đưa quan tài anh Khương lên UBND tỉnh phản đối thì bị quy là “Kích động lật đổ, chống đối người thi hành công cụ” và 10 người bị bắt bị xử tổng cộng 40 năm tù, trong đó người cao nhất là 4 năm tù giam. Như thế tội đánh chết người của công an Nghiệp đáng lý phải đền mạng để giáo dục các chiến sĩ công an khác, lại bị xóa mờ, giảm nhẹ đi. Cách xử án không công bằng như thế làm cho sự bất bình trong dân càng âm ỉ. Chính thái độ và cách ứng xử của ngành công an đang nuôi môi trường phản kháng âm thần trong dân.
Thứ ba, trong bất cứ chế độ chính trị nào công an đều là lực lượng giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ đất nước và bảo vệ người dân “thấp cổ bé họng”. Công an không được đứng trên dân mà phải ở trong lòng nhân dân. Theo dõi các cuộc gọi là “biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyển biển đảo Việt nam” vừa qua, tôi thấy dường như nhân dân và công an đang là hai lực lượng không phải của nhau. Nhân dân vì lòng yêu nước mà đi biểu tỉnh phản đối kẻ thù bành trướng, còn công an thì ngăn chặn, thậm chí bắt bớ đánh đập người dân? Chỉ một hành vi đó thôi, công an và người dân đã không cùng chí hướng rồi, nói gì đến bảo vệ nhân dân. Không hiểu khi kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta là bọn Đại Hán bành trướng lại mở cuộc xâm lăng mới, thì những người ngăn chặn nhân dân yêu nước biểu tình ấy sẽ đứng ở đâu trong cuộc chiến tranh vệ quốc?
Phải làm sao để bà con dân phố mỗi khi nghĩ về các chiến sĩ công an như là nghĩ về “ông Thánh” cựu Thượng tá công an Nguyễn Văn Thanh bạn tôi? Để trước một một hành vi xấu của chiến sĩ công an nào đó, bà con phải thốt lên: “Công an mà xấu” - tức là công an chỉ có tốt chứ không có thứ công an xấu! Tôi nghĩ đã làcông an nhân dân thì phải tốt. Mà tốt trước hết là tốt với nhân dân, cái danh từ mà nó mang tên. Phải chấn chỉnh gấp thái độ, cách giao thiệp, ứng xử đang rất tệ hại của chiến sĩ công an trước dân hiện nay. Phải xử lý thật nghiêm và công khai, công bằng các hành vi công an đàn áp, đánh đập, bắt giết nhân dân. Mong lãnh đạo ngành Công an khi đọc bài này hiểu những mong mỏi của tấm lòng người viết mà làm cho ngành mình tốt hơn lên.
N.M.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét