Chuyên gia cũng cho rằng dự trữ ngoại hối 35 tỷ USD "chưa ăn
thua gì", vẫn yếu so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Ngày
18/06 vừa qua, NHNN đã nâng tỷ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng thêm 1%.
Việc điều chỉnh tỷ giá này có thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu? Cùng
với việc tín dụng ngoại tệ tăng trưởng khá cao trong 6 tháng đầu năm, liệu có
khiến cho tình hình ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng và đẩy
lãi suất huy động ngoại tệ lên?
Chúng
tôi đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành về những vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về động thái
điều chỉnh tỷ giá vừa rồi của NHNN?
Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Trước
hết là tỷ giá cũng không có tăng gì nhiều, chỉ 1% thôi. NHNN đã nghiên cứu về
giá trị thật của đồng tiền Việt Nam. Nhiều chuyên gia đánh giá là đồng Việt Nam
đang không đúng giá trị thật, giá trị thật thấp hơn nhiều.
Chính
sách tỷ giá của Việt Nam hiện đang có 2 vấn đề. Một là giá trị thật của đồng
VND cần được điều chỉnh. Chủ trương mỗi năm điều chỉnh khoảng 2- 3%, năm nay,
sau nửa năm điều chỉnh 1% thì cũng là bình thường thôi, không có gì là ngoài dự
đoán của những người theo dõi tỷ giá Việt Nam.
Vấn
đề thứ hai là làm sao để các nhà xuất khẩu không thiệt hại quá nhiều khi chuyển
đồng USD sang nội tệ, thêm nữa là giúp cho xuất khẩu mạnh hơn. Đối với các nhà
xuất khẩu, điều chỉnh tỷ giá thì họ được lợi thêm 1% khi chuyển đổi ra nội tệ.
Điều này cũng hỗ trợ doanh nghiệp phần nào, nhưng đó chỉ là một chuyện nhỏ mà
nhà nước phải làm thôi.
Việt Nam có đặc thù là xuất khẩu nhưng tỷ
lệ nội hóa của mình không có bao nhiêu, nguyên liệu hầu hết
là nhập từ nước ngoài về. Ví dụ như năm vừa rồi, 68% kim ngạch xuất khẩu đến từ
các Doanh nghiệp FDI nhưng các DN này phần lớn là nhập khẩu nguyên liệu. Trong
68% ấy có đến 40 - 50 % là hàng nhập về. Tính ra “tinh” của nó chả có bao
nhiêu.
Khi hạ giá trị đồng VND xuống thì mình
cũng phải trả tiền nguyên liệu cao hơn.
Vì thế nó cũng không phải lợi thế cho mình xuất khẩu vì
nó không làm cho hàng hóa Việt Nam rẻ hơn nhiều so với DN nước ngoài.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến tháng 6/2014,
tín dụng ngoại tệ tăng 12,03% trong khi tín dụng VND chỉ tăng 2,17%. Ông đánh
giá như thế nào về mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh như vậy?
Trước
đây theo nguyên tắc doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ về mới được vay ngoại
tệ, tức là Doanh nghiệp xuất khẩu là chính nhưng vừa rồi Nhà nước có chính sách
mới cho phép các DN thuộc 5 lĩnh vực được vay ngoại tệ. Đây có thể là một
nguyên nhân khiến cho tín dụng ngoại tệ tăng mạnh.
Tuy
nhiên, theo tôi, chính sách muốn tạo ưu đãi đối với các lĩnh vực đó nhưng đi
ngược nguyên tắc có ngoại tệ mới được vay, và nó có thể ảnh hưởng đến cung cầu
ngoại tệ và tỷ giá nếu thị trường không có đủ ngoại tệ để bán. Lãi suất cho vay
VND quá cao, người ta ít vay tiền VND. Tự nhiên mình tạo ra cầu về ngoại tệ như
thế, sau này không quản lý nổi. Chính sách tỷ giá như thế là mầm tạo căng thẳng
sau này.
Còn
về phía người đi vay, tôi muốn nói rằng lãi suất huy động ngoại tệ thấp hơn lãi
suất huy động VND, huy động cao thì cho vay cao, huy động thấp thì cho vay
thấp. Nhưng người đi vay cần phải cẩn thận xem xét trong mối quan hệ với chính
sách tỷ giá để tính toán xem lãi suất đi vay thật của mình là bao nhiêu?
Ngoài
ra, cũng có những Doanh nghiệp có quan hệ với Ngân hàng, vay USD rồi chuyển
sang VND gửi vào Ngân hàng hưởng lãi suất. Việt Nam có nạn cho vay mà không
kiểm soát giám định luồng tiền có đi đúng hướng hay không cho nên người ta có
thể thực hiện điều này.
Theo báo cáo của UBGS Tài chính quốc
gia, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên
mức 95,5% trong tháng 5/2014. Thưa ông, việc nâng tỷ giá VND/USD để hỗ trợ DN
xuất khẩu có thể làm tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao thêm và gây ra căng
thẳng ngoại tệ cho hệ thống hay không?
Có căng thẳng ngoại tệ là
vì nhà nước mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ và Ngân hàng đã cho vay ngoại
tệ đến mức gần 100% tiền gửi, không còn có đủ ngoại tệ để cho vay. Thế thì phải
đi mua. Mua nhiều làm đẩy giá ngoại tệ lên. Mà mua ở đâu? Mua trên thị trường
liên Ngân hàng. Không có thì mua của tư nhân, từ đó mà đẩy lãi suất huy động
ngoại tệ lên. Cho nên tôi mới nói là phải thận trọng. Không phải là nhà nước
quyết định một cái, mở thêm ra cho 5 lĩnh vực được vay ngoại tệ là được yên.
Cho nhiều đối tượng được vay ngoại tệ thì sẽ khan hiếm thôi.
Có một vấn đề quan trọng mà ít người quan tâm.
Đó là con số mỗi năm lượng kiều hối gửi về gần 11 tỷ USD. Đây là số tiền rất
quan trọng. Nếu không có khoản tiền này thì dự trữ ngoại hối của mình được bao
nhiêu đâu? Tính sơ sơ, 10 năm nay kiều hối gửi về là hơn 100 tỷ USD, không
có khoản này thì Việt Nam đã phá sản rồi, làm gì có ngoại tệ
để chi khi mà anh xài nhiều hơn làm ra. Vấn đề nhập siêu cũng là nhờ kiều hối
chứ lấy đâu ra mà trả.
Nói rõ hơn, cán cân thương mại của Việt Nam
luôn ở trong tình trạng nhập siêu. Nhưng cán cân thanh toán thì cân bằng được
là nhờ kiều hối và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, xét lại các khoản đầu tư nước
ngoài thì thực tế họ có cho không mình đâu. “Nó” vào rồi “nó” đi ra. ODA cũng
vậy, không phải là khoản cho không. Khi sử dụng các khoản vốn này, Việt Nam đều
phải mua hàng hóa, nguyên liệu của các nước cho vay. Họ
cho vay nhưng chính ra là tìm cách bán hàng cho mình. Họ ưu đãi lãi suất nhưng
không ưu đãi giá cả bán hàng. Vào cuộc là họ lấy mất
20% lợi nhuận của mình rồi. Thế nhưng mình coi ODA là ghê gớm lắm, thậm chí coi
như tiền chùa xài thoải mái. Trong khi chỉ có kiều hối là đồng bào mình cho
không đất nước.
Thưa ông, trong những ngày vừa qua, đồng USD
liên tục xuống giá so với VND. Có ý kiến cho rằng điều này là do cầu ngoại tệ
không nhiều hay nói cách khác là doanh nghiệp nhập khẩu đang yếu nên giảm nhu
cầu ngoại tệ để mua hàng hóa. Xin ông cho biết ý kiến của mình?
Người
ta nói mò thế thôi. Con số mỗi ngày lên xuống là chuyện mưa nắng thất thường
trên thị trường mua bán ngoại tệ. Phải nhìn xu hướng lâu dài thế nào chứ đừng
nhìn 1, 2 ngày. Giờ Ngân hàng đang cho vay nhiều ngoại tệ, mà muốn tiếp tục cho
vay thì phải đi mua như tôi đã nói ở trên. Nếu chính sách là mở rộng cho vay
bằng ngoại tệ mà cung ngoại tệ không theo kịp thì giá ngoại tệ sẽ lên. Về dài
hạn là như thế.
Theo thị trường nếu cung thiếu thì giá
lên. Lãi suất huy động đồng USD sẽ cũng phải lên mà thôi.
Có thêm ý kiến cho rằng con số dự trữ ngoại
hối “kỷ lục” 35 tỷ USD cũng có thể là một biểu hiện của sức cầu ngoại tệ không
lớn?
Thế nào là kỷ lục? Chưa bao giờ mình đạt được
mức ấy nhưng không có nghĩa nó là lớn. Lúc trước có 1000 đồng trong túi, lúc
sau có 1 tỷ. 1 tỷ đồng đó là kỷ lục, nhưng nó có đủ không? Có đáp ứng được nhu
cầu của mình không? Có 35 tỷ USD đấy nhưng nhu cầu của đất nước lúc này là bao
nhiêu? Chúng ta vẫn phải đi vay ngân hàng thế giới, vay các tổ chức quốc tế,
vay các nước phát triển… Kỷ lục nhưng vẫn yếu so với nhu
cầu phát triển của nền kinh tế.
Vậy ông đánh giá thế nào về khoản dự trữ ngoại
tệ 35 tỷ USD này? Khoản này có đảm bảo thị trường không thiếu hụt nguồn cung
hay không?
35
tỷ ăn thua gì, có 12 tuần lễ nhập khẩu, sao gọi là an toàn được. Nhỡ có sự kiện
gì làm người ta ùa đi mua ngoại tệ, ngân hàng nhà nước phải đứng ra bình ổn
bằng cách bán USD thì không có đủ mà bán được. Nhất là khi cán cân thương mại
lại bị nhập siêu. Mình chỉ dựa vào ODA được chút ít. Họ nói giải ngân 7 tỷ, 8
tỷ nhưng có giải ngân thế đâu. Vừa rồi phó thủ trướng Hoàng Trung Hải nói còn
21 tỷ USD chưa giải ngân được trong số 57 tỷ ODA cam kết tức là gần 40%. Khi
chúng ta không đáp ứng yêu cầu của người cho vay vì họ bắt mình mua giá này,
bắt đưa ra chương trình nọ kia để họ phê duyệt giải ngân, mình không đồng ý thì
họ không giải ngân thôi. Khi đó chúng ta lại không giải quyết được nguồn vốn để
đầu tư các dự án.
35 tỷ chỉ là một nguồn mà cũng không dùng được
nguồn đấy, vì nó là dự trữ, chỉ đáp ứng nhu cầu mười mấy tuần nhập khẩu. Cho
nên tới đây vẫn phải làm sao để tăng dự trữ ngoại hối hơn
nữa. Bằng cách nào? Từ nguồn trong nước, vay nước ngoài, từ
nguồn vô hạn định của Ngân hàng trung ương là tạo ra tín dụng cho Doanh nghiệp
phát triển...
Chúng
ta phải xem chính sách tiền tệ là như thế nào? Các nước như Mỹ, Nhật khởi đầu
như thế nào, từ đâu mà họ lớn mạnh lên? Phải xem ngân hàng trung ương của các
quốc gia khác họ làm thế nào để xây dựng một hệ thống tài chính ngân hàng hiệu
quả! Có đi vay thì cũng phải biết cách sử dụng vốn vay cho hiệu quả chứ không
phải là tiêu xài hoang phí, rút ruột công trình…
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Hải
Minh
Theo
Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét