Nhãn

29 tháng 5, 2014

848. Hoàng Sa - Kiện cái gì và kiện ở đâu?



Trước hết phải biết phía TQ họ bảo lưu ở LHQ về các điều nào, từ đó mới biết VN có thể kiện ở các điều gì, cuối cùng mới biết sẽ kiện ra tòa án nào.

Năm 2006 Trung Quốc có bảo lưu ở LHQ, là họ không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào, qui định theo mục 2, Phần XV của Công ước 1982, đối với tất cả các loại tranh chấp được ghi ở các khoản a), b) và c) của điều 298 của Công ước.

Tức là TQ không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa liên quan các vụ tranh chấp chủ quyền, cũng không nhìn nhận trọng tài để phân định ranh giới trên biển.

Tức là, trong vụ giàn khoan 981, VN không thể kiện TQ ra Tòa về tranh chấp chủ quyền các đảo, cũng không thể kiện để nhờ phân định ranh giới biển, thí dụ giữa đảo Hải Nam và bờ biển VN. Điều duy nhất mà VN có thể kiện là về hiệu lực các đảo Hoàng Sa.

So sánh với Phi, VN không có được tư thế như là Phi.

Phi kiện TQ gồm 10 điều, nội dung đại khái: kiện về yêu sách đường 9 đoạn của TQ, về quyền chiếm hữu các cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi ở trong hải phận của Phi, về việc chiếm đóng và xây dựng trên các bãi lúc chìm lúc nổi, về hiệu lực của các bãi đá, về quyền tự do hàng hải v.v…

Còn VN kiện, nếu không lầm, thì VN sẽ chỉ có thể kiện TQ về hiệu lực các đảo thuộc Hoàng Sa mà thôi. Ở đây là hiệu lực đảo Tri Tôn. Mà khi làm điều này gián tiếp VN lại công nhận chủ quyền của TQ tại quần đảo HS rồi. Vì nếu quần đảo HS là của mình, thì mắc mớ gì mình đi kiện?

Mặt khác, khi kiện như vậy, VN cũng làm một cuộc phiêu lưu khác không kém phần nguy hiểm. Là vì VN cũng chủ trương các đảo HS có hiệu lực tối đa, theo như các bản đồ thấy trên báo chí thế giới hiện nay, hay theo một tuyên bố về hải phận của VN từ thập niên 80.

Thói thường thì mình đâu thể cấm người khác có chủ trương giống như mình? VN đã từng chủ trương các đảo có hiệu lực tối đa, thì bây giờ đâu thể nào kiện TQ khi TQ cũng chủ trương y như vậy được?

Không khéo ra Tòa VN sẽ lãnh búa.

Vì thế để thoát ra khỏi tình thế này, nhà nước VN nên thực hành ý kiến của tôi vừa gởi cho TT Nguyễn Tấn Dũng. Tức là tái khẳng định VNDCCH và VNCH là hai vùng lãnh thổ thuộc về một quốc gia Việt Nam duy nhất, theo tinh thần của hiệp định Genève. Theo nội dung hiệp định này VN là một nước “độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”, chỉ tạm thời phân chia theo vĩ tuyến 17.

Hiệp định Paris 1973 tái xác định tư cách pháp nhân của nước Việt Nam, là một nước “độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”.

Việc thống nhất đất nước 1975 được thể hiện theo “phương cách riêng” của nội bộ dân tộc VN, trên tinh thần “dân tộc tự quyết” của Hiến chương LHQ.

Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoảng thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.

Việc này có thể tạo cho VN một tư thế thoải mái hơn khi lên tiếng đòi hỏi chủ quyền tại HS. Đồng thời VN có thể có những hành động mạnh bạo hơn trong việc đáp trả những hành vi côn đồ của TQ, như đâm chìm tàu của VN. Và đó sẽ là hành động tự vệ chính đáng, được LHQ nhìn nhận.


Việc kiện tụng cũng sẽ mang một sắc thái khác. Ta sẽ có phương cách phá vỡ những bảo lưu của TQ tại LHQ. Mà việc này ta sẽ bàn luận sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét