Nhãn

6 tháng 8, 2014

857. Trương Nhân Tuấn: Điểm yếu của Việt Nam trong vấn đề kiện Trung Quốc

Nếu tranh chấp giữa VN và Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được đưa ra phân xử trước một Tòa án quốc tế, nếu phía VN sử dụng những “công trình nghiên cứu” của các học giả VN (thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông) hiện nay, theo tôi, VN không có hy vọng bao nhiêu để thắng. Các học giả VN chỉ chú trọng đến “bằng chứng lịch sử” và bỏ qua các yếu tố quan trọng quyết định khác.

Các học giả VN thường dẫn trong “công trình” của họ các “bằng chứng lịch sử” nhằm chứng minh VN có chủ quyền không thể chối cãi ở HS. Các bằng chứng này hầu hết dẫn từ tác phẩm của các học giả VNCH, viết sau khi TQ dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa năm 1974. Việc làm của học giả tiền bối đó, tương tự công việc mà các học giả Phi hiện nay đang làm, mục đích để phản biện lý lẽ của TQ, khi nước này cho rằng TQ có “quyền lịch sử bất khả tranh nghị” tại các đảo TS.

Các học giả Phi (cũng như các học giả VNCH ngày trước) đưa ra những bằng chứng như bản đồ, các sử liệu… chứng minh lãnh thổ TQ, cho đến đầu thế kỷ 20, chưa bao giờ xa hơn Hải Nam. Chứng minh rằng tên “biển Hoa Nam” chỉ là tên gọi của các nhà hàng hải Châu Âu đặt ra, không có nghĩa là biển này thuộc về TQ. Chứng minh tên biển Hoa Nam đã từng được người Hoa gọi là biển Giao Chỉ (người viết đã từng đề cập việc này ở đây) và sử sách người Hoa cũng gọi là Nam Hải (biển phía Nam…). Các học giả TQ vô cùng lúng túng để phản biện lại.

Trường hợp VN bây giờ (với giàn khoan 981) thì khác. Từ năm 1974 đến nay (nếu tính nhóm An Vĩnh thì từ năm 1949), TQ đã chiếm HS. Các tài liệu lịch sử chỉ hữu dụng (cho VNCH) trong thời điểm đó, tức sau tháng giêng năm 1974, khi VNCH chuẩn bị hồ sơ kiện TQ trước Tòa quốc tế. VNCH không làm được, một mặt vì VNCH không có tư cách pháp nhân “quốc gia”. Không có tư cách pháp nhân quốc gia thì không phải là “đối tượng” của luật quốc tế. Mặt khác, các bên VNDCCH và MTGPMN không ký tên vào bản kháng nghị chung. Nếu kiến nghị này được ký bởi ba bên, VNCH sẽ có tư cách pháp nhân, là bên đại diện cho nước VN thống nhất, có thể kiện TQ ra Tòa quốc tế. Thời đó, phía TQ cũng sử dụng một lý lẽ như đã sử dụng hôm nay đối với Phi: TQ có chủ quyền bất khả tranh nghị tại các đảo Hoàng Sa.

Đã 40 năm qua, các tài liệu “lịch sử” đó đã không còn giá trị nhiều đối với VN, như là đối với Phi. TQ và Phi, chiếm được một số đảo của VN, từ sau Thế chiến II, cả hai đều có hồ sơ chủ quyền “yếu”.
Nếu ta đọc các án lệ của các Tòa quốc tế phân xử các vụ tranh chấp về lãnh thổ, ta thấy yếu tố “bằng chứng lịch sử” có giá trị rất tương đối, đứng sau rất xa các lý thuyết “uti possidetis”, “effectivité”, “estoppel”, “acquiescement”…

Một số thí dụ sau đây, dẫn từ các án lệ, cho thấy hiệu quả của các “bằng chứng lịch sử” ảnh hưởng thế nào lên các quyết định của quan Tòa.

Giá trị pháp lý các bản đồ:

Các học giả VN thường dẫn các bản đồ cổ của TQ, kết luận rằng TQ không có chủ quyền ở HS và TS.

Giả sử phía TQ đưa ra các bản đồ sau đây: 1/ Bản đồ thế giới do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960. Trên bản đồ này, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc. 2/ Cục Bản đồ của Việt Nam xuất bản tấm bản đồ năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Nếu TQ trưng hai tấm bản đồ này ra, phản ứng mọi người sẽ ra sao? Không lẽ bó tay chấp nhận HS và TS thuộc TQ?

Nếu ta đi ngược thời gian xa hơn, các bản đồ nước Trung Hoa cũng không hề chú dẫn hai quần đảo HS và TS, nhưng trong vài bản đồ lãnh thổ nước này bao gồm nước VN.

Khi TQ trưng bản đồ này, không lẽ phải công nhận VN thuộc TQ?

Theo thông lệ công pháp quốc tế, trong các vụ xử tranh chấp chủ quyền, “bản đồ” tự nó thường không được nhìn nhận như là một “bằng chứng” mà chỉ được xem như là một “tài liệu – information”, để bổ túc thêm cho một “lý lẽ – argument” nào đó, hay để khẳng định một “thái độ” nào đó của một bên tranh chấp.

Nhiều án lệ về tranh chấp lãnh thổ cho thấy, đa số trường hợp các bản đồ được các bên trưng dẫn không được Tòa sử dụng như là “bằng chứng”. Các bản đồ này không hề có tác động nào đến quyết định của các quan tòa.

Theo tập quán quốc tế, một tấm bản đồ chỉ có giá trị pháp lý chỉ khi nó được đính kèm với các văn bản của một hiệp đinh phân định biên giới, dĩ nhiên hiệp ước này phải còn hiệu lực. Các thí dụ dẫn dưới đây (tranh chấp Ấn Độ – Pakistan) cho ta thấy như vậy.

Lý thuyết về “hành sử quyền chủ quyền – effectivité”

Thuyết này được áp dụng nhiều ở các Tòa quốc tế xử các tranh chấp về lãnh thổ sau Thế chiến II. Theo đó, một vùng đất thuộc quốc gia A, do một lý do bất kỳ nào đó, lại được quốc gia B kiểm soát và hành sử các quyền thuộc chủ quyền (tài phán, tức quyền được xét xử – juridiction, quan thuế, cảnh sát…) một cách hòa bình trong một thời gian dài, quốc gia A sẽ mất vùng lãnh thổ đó cho quốc gia B.

Có rất nhiều án lệ về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước đã được Tòa tuyên án dựa trên lý thuyết về “hành sử quyền chủ quyền”. Ở đây người viết lấy hai thí dụ: 1/ tranh chấp Ấn Độ và Pakistan về vùng đầm lầy có tên là “Rann off Kutch” và 2/ Tranh chấp giữa Malaisie và Singapour về chủ quyền các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge.

1/ Trường hợp tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan về vùng đầm lầy Kutch (Rann Of Kutch). Tranh chấp được hai bên đưa ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) giải quyết ngày 19-2-1968. Hồ sơ hai bên đệ lên Tòa lên tới trên 10.000 trang tài liệu cùng hàng trăm tấm bản đồ.

Về giá trị các bản đồ, Tòa cho rằng các bản đồ tự nó không có một trọng lượng đặc biệt. Chúng có thể có một giá trị chỉ khi được dựa vào các yếu tố ngoại tại, như được sự phê chuẩn hay được sự chuẩn duyệt chính thức của các viên chức ở cấp cao, đồng ý cho bản đồ có một giá trị cao hơn.

Hàng trăm tấm bản đồ do hai bên đệ trình, không có tấm bản đồ nào có một giá trị đặc biệt trước Tòa.

Các hồ sơ mang tính thuyết phục nhất, do phía Ấn Độ cung cấp, cho thấy nhà nước tiền nhiệm của Ấn là đế quốc Anh, đã có những hành vi hành sử “quyền chủ quyền – droit de souveraineté” trên vùng tranh chấp như thuế má, an ninh, cảnh sát… (effectivité).

Phía Pakistan cũng đưa ra những bằng chứng “effectivité”, cho thấy chính quyền địa phương cũng đã hành sử “quyền chủ quyền” tại vùng tranh chấp này. Các dữ kiện này bị Tòa bác. Tòa cho rằng “quyền chủ quyền” chỉ có thể do chính quyền trung ương hành sử, không thể do chính quyền địa phương.

Tòa phán khoảng 90% vùng tranh chấp giao cho Ấn Độ.

Phía Pakistan được khoảng 10% vùng tranh chấp. Trong vùng này Pakistan chứng minh được các hành vi hành sử quyền chủ quyền (effectivité) tại một số vùng đất. Nhưng thực ra, khu vực này không thể giao cho Ấn Độ, vì dân chúng ở đây, thuộc Pakistan, đã sinh sống tại đây hàng bao nhiêu thế hệ, không thể giao lại cho Ấn Độ được. (Tức là vấn đề “quyền lịch sử” được ưu tiên hơn “effectivité”, nhưng Tòa không cho đó là “quyền lịch sử” mà dùng thuyết “effectivité” để ra phán quyết).

2/ Trường hợp tranh chấp giữa Malaisie và Singapour về chủ quyền các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, qua phán quyết ngày 23-5-2008 của CIJ.

Ta thấy phía Mã Lai đã đưa những bằng chứng lịch sử bất khả tranh biện rằng Mã Lai có chủ quyền lịch sử ở các đảo tranh chấp. Tòa nhìn nhận thực tế này, cho rằng danh nghĩa chủ quyền tiên khởi (titre d’original) của các đảo này thuộc vương quốc Johor, là nước tiền nhiệm của Mã Lai. Chủ quyền này được thể hiện liên tục trong lịch sử, cho đến một thời điểm, sau khi các đế quốc Anh và Hòa Lan đặt quyền thống trị tại Mã Lai và Indonésie. Thời điểm đó là khi nước Anh, nhà nước tiền nhiệm của Singapour, đã đặt một ngọn đèn pha tại đảo Pedra Branca mà không gặp sự phản đối của nhà nước Johor. Chính quyền bảo hộ Anh tiếp tục bảo trì và làm chủ ngọn đèn pha này trong một thời gian dài, không hề gặp một phản đối nào đến từ Johor.

Sau khi Singapour được Anh trả độc lập, đồng thời Singapour bị từ khước gia nhập khối Mã Lai, Johor trở thành một tiểu bang trong khối này. Singapour muốn biết rõ ai có chủ quyền trên đảo Pedra Branca nên gởi thư, năm 1953, hỏi bộ ngoại giao Johor số phận của đảo này. Viên bộ trưởng lâm thời bộ ngoại giao Johor đã viết “công hàm” (hay công thư cũng được) cho rằng đảo Pedra Branca không thuộc “sở hữu” của Johor. Singapour tiếp tục bảo trì và sử dụng ngọn đèn pha này cho đến lúc tranh chấp xảy ra. Trước Tòa, “công thư” này đã có hiệu lực quyết định, ảnh hưởng lên phán quyết của Tòa.

Tòa phán rằng Mã Lai, nước kế thừa vương quốc Johor, đã mất chủ quyền lịch sử tại đảo Pedra Branca (nhưng còn giữ được đảo Middle Rocks), vì các yếu tố: Singapour (và nhà nước tiền nhiệm) đã thể hiện các hành vi thuộc quyền chủ quyền (effectivité) ở đảo này một cách hòa bình và liên tục trong một thời gian dài. Mặt khác, Johor đã phủ nhận chủ quyền đảo này qua “công hàm” (hay công thư) 1953.

Mã Lai vì thế không thể đòi lại đảo Pedra Branca, mặc dầu trên danh nghĩa chủ quyền lịch sử thì thuộc nước này. Lý do: nhà nước tiền nhiệm đã “bỏ” nó.

Ta thấy trong hai vụ án này, yếu tố “liên tục quốc gia” và vấn đề “kế thừa” (qua các thời kỳ thuộc địa, hay biến cố chính trị làm lãnh thổ thay đổi, sẽ nói bên dưới) của các bên cũng đã được Tòa xem xét tỉ mỉ. Thái độ của các quốc gia (tiền nhiệm và kế tục) liên quan đến vùng lãnh thổ tranh chấp, thể hiện qua những sự kiện ngoại giao như các kết ước, các tuyên bố đơn phương… trong quá khứ (có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ)… đều có tầm quan trọng về pháp lý, ảnh hưởng đến quyết định của Tòa.

Điều ghi nhận khác, lý thuyết về “hành sử chủ quyền – effectivité” có giá trị cao hơn danh nghĩa chủ quyền lịch sử (titre d’original), nếu danh nghĩa này bị gián đoạn, hay quốc gia có danh nghĩa chủ quyền không kịp thời lên tiếng phản đối.

Đối với hồ sơ HS và TS, những hành vi của Pháp đã thể hiện liên quan HS và TS, như tuyên bố chủ quyền, cắm mốc, cho tàu đi tuần… có giá trị pháp lý cao. Trước một tòa án, VN chắc chắn có được danh nghĩa chủ quyền lịch sử tại HS và TS. Vấn đề là danh nghĩa này có bị mất hay không, là tùy thuộc vào sự liên tục quốc gia, việc kế thừa danh nghĩa chủ quyền lịch sử, việc tiếp nối các hành vi hành sử quyền chủ quyền của nhà nước kế tục đối với nhà nước tiền nhiệm.

Nếu vì một lý do gì đó việc hành vi hành sử chủ quyền không thể hiện được, một sự “gián đoạn” về danh nghĩa chủ quyền lịch sử thành hình, (do việc TQ xâm lăng bằng vũ lực) nếu phía VN không thường xuyên lên tiếng phản đối, hoặc có những động thái nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS, chủ quyền ở đây có thể chuyển sang TQ.

Thuyết “Uti possidetis”

Thuyết này xuất hiện tại Nam Mỹ, khi các nước ở đây dành độc lập. Đại khái là vùng đất đó, trước đó anh có nó thì sau đó anh tiếp tục có nó. Lý thuyết này trở thành một “tập quán quốc tế”, được sử dụng thường xuyên trong các vụ tranh chấp về lãnh thổ tại các nước vừa độc lập. Một thí dụ về thuyết “uti possidetis”:

Ai cũng biết một phần không nhỏ đất miền Nam, kể cả vùng Đà Lạt, Darlac, Tây Nguyên… hay đảo Phú Quốc là thuộc về Cao Miên ngày xưa.

Người Miên có lý khi nói rằng họ có bằng chứng “lịch sử không thể chối cãi”, để chứng minh vùng đất đó là của họ.

Các học giả VN cũng thường nói rằng VN có bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi tại HS và TS.

Ta thấy việc sử dụng các “bằng chứng lịch sử không thể chối cãi” một cách bừa bãi là chơi dao hai lưỡi.

VN làm gì có bằng chứng lịch sử “không thể chối cãi” để chứng minh rằng đất mình ở đó? Không lẽ sẽ phải trả lại cho Miên?

Theo thuyết “Uti possodetis”, trước khi độc lập, các vùng đất đó đã được chính quyền bảo hộ Pháp sắp xếp cho vào lãnh thổ Việt Nam. Sau khi độc lập, các vùng đất đó sẽ tiếp tục do VN quản lý.


Thuyết này đặt ra nhằm tránh việc chiến tranh đổ máu giữa các dân tộc thuộc địa vừa được độc lập. Hầu hết các án lệ của các Tòa quốc tế, yếu tố “uti possidetis” có giá trị cao hơn “chủ quyền lịch sử”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét